Hiền hậu truyện (Kỳ 4): Tín phụng thuật Hoàng Lão, Hoàng hậu hiền lương một lòng phò tá Đế vương trị quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đậu Thái hậu can dự triều chính, mục đích chỉ là vì để duy trì chế độ “vì cuộc sống nhân dân", “vô vi trị quốc" của triều đại nhà Hán trong những thời kỳ trước. Bà có quyền hành nhưng không có dã tâm, một lòng phò trợ phu quân, nhi tử, tôn tử... ba đời đế vương thành tựu bá nghiệp...

Xem lại:
Hiền hậu truyện (Kỳ 3): Hoàng hậu Nguyên Hựu Mạnh - Vị hoàng hậu có số mệnh ly kỳ nhất trong lịch sử

Một sự sắp đặt trái với dự liệu, lại khiến Đậu thị từ một thị nữ nhỏ bé trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Người phụ nữ không có tham vọng, trước sau phò trợ Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế, Hán Vũ Đế, giúp vương triều nhà Hán đạt đến thời kỳ hoàng kim phồn hoa và cường thịnh. Đối diện với thế sự vô thường, những triết lý của Đạo gia “vô vi", “nhu thuận thắng cương cường”, thường chỉ dẫn và cấp thêm sức mạnh cho bà vào lúc quan trọng của đời người...

Một sự nhầm lẫn lớn: "Vô tình cắm liễu liễu lại xanh"

Đậu Y Phòng, sinh năm 205 trước Công nguyên (TCN) xuất thân trong một gia đình nghèo ở đất Quan Tân, quận Thanh Hà (nay là huyện Vũ Ấp, tỉnh Hồ Bắc), mẹ mất sớm, cha là Đậu Thanh làm nghề đánh cá có lần vì đuối nước cũng qua đời, bà cùng hai người em trai nương tựa vào nhau mà sống.

Năm 13 tuổi, Đậu Y Phòng xuất thân bần hàn lấy thân phận tú nữ bình dân được tuyển vào hoàng cung Trường An, trở thành thị nữ của Lã Hậu. Bà chu đáo cẩn thận hầu hạ Lã Hậu, chỉ mong có được cuộc sống yên ổn trong cung.

Hai năm sau, Lã Hậu thao túng triều đình, ra lệnh ban tặng cung nữ cho các Vương Hầu thuộc dòng dõi thân vương của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Đậu thị cũng nằm trong số đó. Bà thỉnh cầu viên hoạn quan chịu trách nhiệm đưa tiễn cung nữ, xếp tên mình vào danh sách cung nữ ban tặng đến nước Triệu, vì nơi đây cuộc sống cũng khá sung túc lại rất gần quê của bà. Nhưng không ngờ, viên hoạn quan kia trí nhớ không tốt, quên bẵng đi mất, ghi nhầm tên bà trong danh sách đến nước Đại.

Lúc chuẩn bị khởi hành mới hay biết rằng bản thân mình bị đưa tới nước Đại, Đậu Y Phòng không muốn đi, cô khóc lóc oán trách viên hoạn quan, nhưng chiếu thư ban bố rồi không thể bất tuân, chỉ đành biết phó mặc cho số phận.

Nước Đại tức khu vực phụ cận Thiểm Tây ngày nay, giáp ranh với Hung Nô, thuộc vùng hoang mạc của khu vực Nội Mông Cổ, là vùng đất nghèo nàn. Đại vương là Lưu Hằng, con thứ tư của cao tổ Lưu Bang, em trai của Hán Huệ Đế. Ông không có gì nổi trội, mẹ ông là Bạc Cơ cũng không được sủng ái, vì vậy hai mẹ con đã an toàn thoát khỏi sự đố kỵ và bức hại của Lã Hậu, được bảo toàn tính mạng.

Những cung nữ theo chiếu thư đến nước Đại, tổng cộng có năm người, nhưng chỉ có duy nhất Đậu Y Phòng 15 tuổi nhận được sự sủng ái của Đại vương Lưu Hằng, không lâu sau cô sinh được người con gái là Lưu Phiếu. Năm 187 - TCN, Đậu Y Phòng 18 tuổi, sinh hạ một người con trai, lấy tên là Lưu Khải, sau đó sinh thêm một người con trai nữa là Lưu Vũ. Trong khoảng thời gian này, vương hậu của Đại vương Lưu Hằng cũng sinh được tổng cộng 4 người con trai, do thân thể yếu nhược, không lâu sau đã qua đời.

Đậu Y Phòng giản dị không hề lợi dụng được sủng ái mà sinh kiêu ngạo. Trong cung, bà nổi tiếng là người có tính cách hiền dịu, đoan trang, khiêm nhường, cẩn thận, giữ lễ tiết, phẩm hạnh của bà được Bạc Thái hậu vô cùng yêu mến và khen ngợi.

Hán Văn Đế Lưu Hằng (Thanh nhân hội)
Hán Văn Đế Lưu Hằng. (Ảnh: Public Domain)

Một lần nữa tiến cung trở thành hoàng hậu

Năm 180 TCN, Lã Hậu chết, thành Trường An chính biến, Chu Bột cùng các đại thần liên hợp với nhau diệt trừ thế lực ngoại thích, giết chết cả gia đình nhà Lã Hậu, phế truất ngôi vị hoàng đế mà Lã Hậu đã lập, vị trí hoàng đế bị bỏ trống. Lưu Hằng khiêm nhường nhân hậu, hơn nữa gia tộc Bạc Cơ mẹ ông cũng không có quyền thế như gia tộc Lã Hậu, ít khả năng xuất hiện vấn đề ngoại thích can thiệp chính sự, vì vậy các đại thần quyết định chọn Lưu Hằng kế thừa hoàng vị, phái người đến đón Lưu Hằng về thành Trường An.

Bỗng dưng trở thành vua, Lưu Hằng không dám tin đó là sự thật, ông quyết định xem bói toán để biết điều lành dữ, quẻ bói có viết: “Đường vân nứt ngang rất chính, không lâu sau sẽ lên ngôi thiên vương, tiếp nối và xiển dương sự nghiệp vĩ đại của phụ thân - giống Khởi nối ngôi vua Vũ”. Lúc này Lưu Hằng mới quyết định vào kinh nhậm chức.

Khi Lưu Hằng từ vùng biên cương tiến đến cầu Vị phía ngoài thành Trường An, Chu Bột dẫn đầu văn võ bá quan quỳ xuống tiếp giá, Lưu Hằng cũng lập tức quỳ xuống hoàn lễ. Khi Chu Bột dâng lên ngọc tỷ, Lưu Hằng khiêm nhường nói: “Ngọc tỷ ta có thể tiếp quản, nhưng ngôi vị hoàng đế này không nhất định là ta làm, người có thể làm hoàng đế rất nhiều, chuyện này đợi sau này lại bàn tiếp”. Chín tháng sau, Lưu Hằng mới chính thức đăng cơ, trở thành Hán Văn Đế.

Chân dung Chu Bột
Chân dung Chu Bột. (Ảnh: Public Domain)

Trong hai tháng Lưu Hằng kế vị, 4 vị hoàng tử do vương hậu Đại vương sinh ra do không hợp thuỷ thổ đều lần lượt đổ bệnh qua đời.

Các đại thần cho rằng Lưu Khải - con trai của Đậu Y Phòng tính tình thuần hậu nhân từ, xứng đáng lập làm thái tử. Tháng giêng năm 179 TCN, Văn Đế lập Lưu Khải làm thái tử. Con gái của Đậu Y Phòng là Lưu Phiếu được lập làm trưởng công chúa; năm sau, con trai nhỏ Lưu Vũ được lập làm Đại vương, không lâu sau đổi thành Lương vương.

Sau khi lập xong Thái tử, các đại thần lại dâng sớ lên Văn Đế xin lập hoàng hậu. Bạc Thái hậu nói với Văn đế: “Cho dù hôm nay con trai con là Thái tử hay Hầu vương thì cũng đều do Đậu thị sinh ra, đương nhiên phải lập nàng ấy làm hoàng hậu.” Thế là, năm Văn Đế thứ nhất - tức năm 179 TCN, Đậu Y Phòng 26 tuổi lên ngôi hoàng hậu.

Vào ngày sắc phong, Đậu Y Phòng bẩm tấu với Lưu Hằng, mời tất cả các cung nữ đến dự yến tiệc, đồng thời ban thưởng vải vóc gạo mì và thịt cho người nghèo khổ, riêng những người già trên 80 tuổi và trẻ mồ côi dưới 9 tuổi mỗi người được thêm 10 thạch gạo (1 thạch bằng 10 đấu), 20 cân thịt (1 cân xưa bằng 0.5 kg ngày nay), 5 đấu rượu, 2 súc vải, 3 cân bông sợi.

Song thân của Đậu Y Phòng chôn cất ở quê nhà Tân Quan, Bạc thái hậu hạ chiếu truy phong cho cha nàng là An Thành hầu, mẹ là An Thành phu nhân, thiếp lập viên ấp 200 hộ, do quan trưởng thừa thờ phụng và coi giữ, hưởng quy chế giống Linh Văn Viên của phụ thân Bạc thái hậu. Về sau, tại nơi mà phụ thân Đậu hoàng hậu chết được dựng bia đắp mộ, hiện là Đậu thị Thanh Sơn mộ huyện Vũ Ấp Hà Bắc.

Hán Cảnh Đế Lưu Khải 
Hán Cảnh Đế Lưu Khải. (Ảnh: Public Domain)

Thân tình đoàn tụ

Khi Đậu Y Phòng được sắc phong làm hoàng hậu, em trai bà là Đậu Thiếu Quân vẫn đang làm nô dịch cho người ta, nhưng bà lại không hề hay biết. Đậu Y Phòng thời niên thiếu rời nhà, tỷ đệ thất tán, nhiều năm trôi qua mà không có tin tức gì.

Đậu Thiếu Quân năm đó mới chỉ 4, 5 tuổi, bị người ta bắt cóc lừa bán, buôn đi bán lại đến 10 lần, cuối cùng ông bị bán đến huyện Nghi Dương, bị chủ nhà đưa vào núi đào than đá. Một hôm núi đổ sập xuống, hơn 100 mạng người ngủ dưới chân núi bị đè chết, duy nhất Đậu Thiếu Quân may mắn thoát hiểm. Đại nạn không chết, ông đi xem một quẻ bói, thầy toán mệnh phán rằng ông sẽ được phong Hầu, sau đó ông theo gia chủ đến Trường An. Trong thành Trường An, mọi người đều bàn tán về vị tân hoàng hậu họ Đậu, là người Tân Quan, vừa nghe Đậu Thiếu Quân liền nhận ra ngay hoàng hậu chính là chị mình.

Đậu Thiếu Quân nhớ lại cảnh tượng cùng chị trèo lên cây dâu mà ngã xuống đất, ông viết lại phong thư kể lại chuyện năm xưa, trình lên hoàng hậu. Hoàng hậu vô cùng kinh ngạc, Văn Đế liền cho triệu kiến Thiếu Quân, chất vấn chuyện năm xưa, Đậu Thiếu Quân đều có thể trả lời hết. Đồng thời nói rằng trước khi chị vào cung, còn xin về nước gạo về gội đầu cho em, nấu ăn cho em và hai chị em ôm chặt nhau mà khóc, sau đó mới rời đi. Đậu hoàng hậu sau khi nghe xong, ôm chặt người em trai thất tán năm xưa vào lòng mà bật khóc nức nở, khiến Văn Đế cũng vô cùng cảm động.

Văn Đế ban thưởng rất nhiều tiền bạc và ruộng đất cho Đậu Thiếu Quân, nhưng Đậu hoàng hậu chỉ cho phép em trai nhận đủ số của cải để có thể sinh sống. Không lâu sau, Đậu Y Phòng lại dùng số trang sức của mình để bù đắp những tổn thất cho em trai. Văn Đế phong cho Đậu Thiếu Quân tước Hầu, vận mệnh của ông quả nhiên trùng với lời mà thầy bói phán

Về sau, lại tìm thấy được anh trai của Đậu Y Phòng, hai huynh đệ được sắp xếp ở tại cung điện trong kinh thành, đều trở thành hoàng thân quốc thích. Tuy nhiên, hai anh em họ Đậu không bao giờ tham dự chuyện triều chính, cũng không vì quyền thế mà lộng hành, sử sách gọi hai ông là “bậc quân tử nhún nhường".

Tôn sùng thuật Hoàng Lão

Thời kỳ đầu nhà Hán, trên dưới triều đình rất nhiều người đều tín phụng học thuyết Hoàng Lão, nhận định rằng Đạo là quy luật chung của thiên địa vạn vật, chủ trương quân chủ dùng vô vi trị quốc, bỏ hình phạt hà khắc, giảm nhẹ thuế khoá, không ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, chăm lo cho bách tính, công chính vô tư, đơn giản tiết kiệm.

Văn đế luôn “khiêm tốn đức độ", ông thực hiện những biện pháp giảm nhẹ phu dịch, thuế khóa, phế bỏ hình phạt tàn khốc, chủ trương tiết kiệm, đều bắt nguồn từ tư tưởng Hoàng Lão. Thời gian Văn Đế tại vị, cung điện, hoa viên, khí cụ phục sức trong hoàng cung đều không có gì thay đổi. Y phục thường ngày của Văn Đế được may bằng vải thô, ngay đến cả sủng phi cũng không được phép mặc váy dài chạm đất, tất cả màn trướng cũng không được dùng loại thêu hoa.

Đậu Hoàng Hậu cũng luôn yêu thích học thuyết Hoàng Lão của Đạo gia, đồng thời hướng dẫn con trai Cảnh Đế và anh em Đậu thị tuân theo thuyết này, cẩn thận tuân thủ giáo huấn của Đạo gia: “Nhất viết từ; nhị viết kiệm; tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên" (Tạm dịch: Thứ nhất là nhân từ, thứ nhì là cần kiệm, thứ ba là không dám giành đứng trước thiên hạ). Bà chú trọng việc tiết kiệm, không sống xa xỉ, ăn mặc giản đơn, tự tay làm mọi việc.

Gặp chuyện khiêm nhường lùi bước, không kinh sợ khi bị thất sủng

Sau khi ở ngôi hoàng hậu ba năm, Đậu Y Phòng mắc bệnh nặng, từ đó thị lực giảm sút, dần dần thất sủng. Hán Văn Đế từ đầu đến cuối chỉ sủng ái Thận phu nhân và Doãn cơ.

Đặc biệt, Thận phu nhân đắc sủng thường được ngồi bằng vai bằng vế với Đậu hoàng hậu. Có một lần, Đậu hoàng hậu và Thận phu nhân theo hầu Hán Văn Đế du lãm vườn thượng uyển, trung lương tướng quân Viên Áng thấy Thận phu nhân ngồi ngang hàng với hoàng hậu, liền sai người dịch ghế của Thận phu nhân thấp xuống một chút, Thận phu nhân vì thế mà giận dỗi, quyết không ngồi, Hán Văn Đế cũng phất áo ra về, trong sử sách có gọi đây là điển cố “vui thì đến, hết vui thì về".

Về sau Viên Áng đuổi theo Hán Văn Đế nói, giữa hoàng thượng và tần phi nên giữ tôn ti trật tự, mới có thể hoà hợp trên dưới, cho dù Thận phu nhân đắc sủng, cũng không thể cùng hoàng hậu ngang hàng ngang vế, nhà Hán chẳng phải đã từng xảy ra bi kịch Thích phu nhân bị hại thành 'người lợn' hay sao, hoàng thượng quá sủng hạnh Thận phu nhân, chẳng lẽ không sợ thảm kịch lại tái diễn hay sao? Văn Đế tiếp thu ý kiến và nguôi giận.

Bức tranh thời nhà Tống mô tả cảnh Hán Văn Đế đang lắng nghe viên quan bẩm tấu, đứng bên phải ông là Thận phu nhân. (Ảnh: Miền công cộng)
Bức tranh thời nhà Tống mô tả cảnh Hán Văn Đế đang lắng nghe viên quan bẩm tấu, đứng bên phải ông là Thận phu nhân. (Ảnh: Miền công cộng)

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, Đậu hoàng hậu vẫn rất điềm nhiên, cũng không kì kèo trách móc. Có thể tưởng tượng, đối diện với những thuận nghịch được mất trong cuộc đời, nhất định sẽ có rất nhiều thời khắc, Đậu Y Phòng thầm niệm tụng những câu luân lý của Đạo gia như "Quý nhu thủ thư" (Nhu thuận là quý, thủ giữ mềm yếu), "Nhu thuận thắng cương cường"... điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho bà nhẫn nhục cam chịu. Cũng chính nhờ bà gặp chuyện vẫn khiêm nhường, vì người khác mà tu dưỡng hiền đức, khiến bà sau khi bị thất sủng, càng nhận được sự kính trọng của mọi người trong và ngoài triều.

Năm 157 TCN, Hán Văn Đế băng hà, thọ 46 tuổi. Con trưởng là Thái tử Lưu Khải lên ngôi, tức là Hán Cảnh Đế. Ảnh: Di tích Dương Lăng - nơi an táng Hán Cảnh Đế. (Ảnh: Wikipedia)
Năm 157 TCN, Hán Văn Đế băng hà, thọ 46 tuổi. Con trưởng là Thái tử Lưu Khải lên ngôi, tức là Hán Cảnh Đế. Ảnh: Di tích Dương Lăng - nơi an táng Hán Cảnh Đế. (Ảnh: Wikipedia)

Hán Cảnh Đế tiếp tục duy trì những chính sách của Văn Đế, giảm bớt khổ hình, khoan thư sức dân, thúc đẩy phát triển sản xuất. Dưới sự ảnh hưởng bởi tư tưởng Hoàng Lão của Đậu Thái hậu, mọi việc triều chính không có gì thay đổi, đối với các dân tộc thiểu số vùng biên cương, Cảnh Đế hạn chế động binh đao, dốc sức cùng nhau yên ổn và hòa thuận, không ảnh hưởng đến bách tính.

Đến sau thời Cảnh Đế, thóc gạo trong lương khố quốc gia chất đầy đến nóc, lương thực mới chất chồng lên lương thực cũ, nhiều đến mức không ăn hết để mọt; trong quốc khố, dây xâu tiền đều bị hỏng, tiền nhiều đến nỗi không đếm được. Quốc gia giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc ấm no, quan trường thanh liêm, trong ngoài bờ cõi ổn định, đây là sự thịnh vượng nổi tiếng trong lịch sử trung quốc, gọi là "Văn Cảnh chi trị".

Năm 114 TCN, Cảnh Đế băng hà, Thái tử Lưu Triệt nối ngôi năm 16 tuổi, lịch sử gọi là Hán Vũ Đế, tôn tổ mẫu Đậu thị là Thái hoàng thái hậu.

Cảnh Đế trước lúc băng hà, đã giao lại hổ phù cho người được tín nhiệm cao nhất trong và ngoài triều là Đậu Thái hậu, bà nhiếp chính, phò trợ Hán Vũ Đế 16 tuổi.

Hổ phù, binh phù hình hổ dùng để tiếp quản quân đội hay dụng binh thời cổ đại. (Ảnh: Miền công cộng)
Hổ phù, binh phù hình hổ dùng để tiếp quản quân đội hay dụng binh thời cổ đại. (Ảnh: Miền công cộng)

Năm đó, Đậu Thái hậu đã gần 70 tuổi, hai mắt gần như mù lòa, nhưng vẫn có tầm nhìn xa trông rộng khó ai sánh được. Mùa xuân năm Kiến Nguyên thứ ba, các nước chư hầu có thái độ khinh miệt đối với triều đình trung ương gây uy hiếp, Đậu Thái hậu công tư phân minh, lấy đại cục làm trọng, phế truất Kỷ Xuyên Vương Lưu Minh, con trai của Lưu Vũ - Lương Hiếu Vương người mà Thái Hậu sủng ái nhất.

Về đối ngoại, với quân Hung Nô, Đậu Thái hậu mưu tính sâu xa, nhiều lần thuyết phục Hán Vũ Đế xây dựng binh lực, trong tình hình quốc lực yếu nhược, không nên xuất quân đánh Hung Nô. Triều đình nhà Hán lấy đạo Hiếu để trị thiên hạ, Cảnh Đế và Văn Đế đều là những vị vua nổi tiếng có hiếu trong lịch sử, Vũ Đế cũng kế thừa được đức tính, luôn kính trọng hiếu thuận đối với Đậu thái hậu. Sau khi tiễn Trương Khiên đi sứ Tây Vực, Hán Vũ Đế mới khởi binh dẹp Hung Nô, thành tựu bá nghiệp Đại Hán. Chiến lược của Đậu Thái Hậu là vì bá nghiệp về sau của Hán Vũ Đế mà đặt định cơ sở.

Năm Kiến Nguyên - Hán Đế (năm 135 TCN), ngày 26 tháng 5 Hoàng Lịch, Đậu Thái hậu băng hà tại Đông cung - Trường Lạc cung, thọ 71 tuổi, hợp táng cùng với Văn Đế tại Bá Lăng. Trong khoảng thời gian hơn 50 năm làm Hoàng hậu, Hoàng thái hậu rồi Thái hoàng thái hậu của bà, không có họa ngoại thích can dự triều chính, cũng không có nổi lên tranh chấp từ bất kỳ phía nào. Đậu Thái hậu can dự triều chính, mục đích chỉ là vì để duy trì chế độ “vì cuộc sống nhân dân", “vô vi trị quốc" của triều đại nhà Hán trong những thời kỳ trước. Bà có quyền hành nhưng không có dã tâm, một lòng phò trợ phu quân, nhi tử, tôn tử ba đời đế vương thành tựu bá nghiệp, tiếp nối Văn Cảnh thịnh thế, truyền sức mạnh cho Hán Vũ Đế, tất cả đều bắt nguồn từ niềm tín phụng của bà với tư tưởng Hoàng Lão và sự độc tôn của bà với triều đình. Bà cũng là nhà cầm quyền tín phụng tư tưởng Hoàng Lão cuối cùng của đế quốc Trung Hoa.

La Vi
Theo Tần Thuận Thiên - Epoch Times

Tài liệu tham khảo:
- Sử ký - Ngoại thích thế gia
- Hán thư - Hiếu Văn Đậu Hoàng hậu
- Hán thư - Văn Đế ký
- Hán thư - Vũ Đế kỷ
- Sử ký sách ẩn



BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 4): Tín phụng thuật Hoàng Lão, Hoàng hậu hiền lương một lòng phò tá Đế vương trị quốc