Hiền hậu truyện (Kỳ 5): Khang Hy vì nàng mà tình hoài nhung nhớ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nàng là hoàng hậu đầu tiên của Thanh thánh tổ Khang Hy hoàng đế. Nhiều năm sau khi nàng qua đời, Khang Hy vẫn hết lời ca ngợi mỹ đức của nàng, vì nàng mà đích thân viết thụy văn, thụy hiệu của nàng cũng là độc nhất vô nhị trong lịch sử Thanh triều.

Xem lại:
Hiền hậu truyện (Kỳ 4): Tín phụng thuật Hoàng Lão, Hoàng hậu hiền lương một lòng phò tá Đế vương trị quốc

Một trong những vị hoàng hậu nổi tiếng về đức hạnh và phẩm đức là thê tử đầu tiên của Hoàng đế Khang Hy - Hiếu Thành Nhân hoàng hậu, hay còn gọi là Hoàng hậu Hách Xá Lý thị.

Hách Xá Lý thị sinh ngày 3/2/1654 trong một gia đình thế gia quý tộc, thuộc Mãn Châu Chính Hoàng Kỳ. Ông nội của bà là Sách Ni, vốn là công thần khai quốc của Đại Thanh, đồng thời cũng là người đứng đầu trong ‘Tứ đại thần phụ chính’ phò tá vị hoàng đế 8 tuổi mới đăng cơ. Cha của bà là Cát Bố Lạt, là Lĩnh thị vệ Nội đại thần với nhiệm vụ chưởng quản thị vệ cùng thống lĩnh cấm quân, bảo hộ hoàng đế. Chú của bà là Sách Ngạch Đồ, là đệ nhất quyền thần trong những năm đầu của Khang Hy.

Trong những năm Khang Hy mới đăng cơ, một trong bốn vị đại thần phụ chính là Ngao Bái, vì coi thường hoàng đế nhỏ tuổi mà ngang nhiên bành trướng quyền lực, dần dần thao túng triều chính, uy hiếp nghiêm trọng đến hoàng quyền. Trước thế lực lớn mạnh của Ngao Bái, Hiếu Trang thái hậu đã phá lệ, thay vì chọn con cháu trong tộc Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ làm hoàng hậu như các đời trước, thái hậu lại lựa chọn cháu gái của Sách Ni lên làm hoàng hậu.

Hoàng hậu đầu tiên của Khang Hy - Hách Xá Lý thị
Hoàng hậu đầu tiên của Khang Hy - Hách Xá Lý thị (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Lúc ấy, Ngao Bái đã nhiều lần tấu thư ngăn trở, đe dọa rằng nếu lập Hách Xá Lý thị làm hoàng hậu tất sẽ động đao thương, lấy lý do rằng Hách Xá Lý thị chỉ là “con gái của người Mãn Châu dòng dõi thấp kém, há có lý nào lập làm hoàng hậu?”. Trong mắt Ngao Bái, Hách Xá Lý thị không xuất thân từ dòng dõi cao quý của hoàng hậu Mông Cổ, bất quá chỉ là con gái của kẻ hạ nhân người Mãn Châu. Và vì để xóa tan ý định lập hậu ấy, Ngao Bái đã liên tục uy hiếp Sách Ni và hoàng thất của Khang Hy đế.

Đại hôn lễ của Khang Hy

Nhưng bất chấp mọi sự uy hiếp, cuối cùng hoàng thất vẫn chuẩn bị đại hôn lễ, lập Hách Xá Lý thị làm hoàng hậu.

Vào ngày mùng 7 tháng 7 năm Khang Hy thứ tư (1665), Khang Hy đã cử hành lễ Nạp thái - một phong tục hôn nhân của người Hán thời cổ đại, là bước thứ nhất của lễ đính hôn. Nội vụ phủ Đại thần dẫn đầu đoàn người dâng lễ phẩm đến nhà tân nương Hách Xá Lý thị. Lễ phẩm có 10 con tuấn mã đầy đủ cả yên cương, 10 trượng khôi giáp, 100 tấm lụa là gấm vóc, cùng với 200 tấm vải tinh mỹ. Gia đình Sách Ni đại hỷ cảm ân.

Một ngày trước đại hôn lễ, Hoàng đế Khang Hy phái Mãn Châu đại thần tế cáo Thiên Địa, Thái miếu, xã tắc, cùng ngày cử hành lễ Đại trưng, tức lễ Nạp sính. Sính lễ bao gồm: hai vạn lượng vàng, một vạn lượng bạc, một chiếc hũ trà bằng vàng, hai hũ trà bằng bạc, một đôi rương bạc, 1000 thất gấm vóc, 20 bộ yên ngựa và 40 con tuấn mã.

Tranh vẽ “Nạp thái lễ diên yến đồ” trong “Đại hôn điển lễ toàn đồ sách”
Hôn lễ của hoàng đế Đại Thanh. Tranh vẽ “Nạp thái lễ diên yến đồ” trong “Đại hôn điển lễ toàn đồ sách” (Phạm vi công cộng)

Ngày mùng 8 tháng 9 là ngày cử hành đại hôn lễ. Kể từ khi Đại ​​Thanh nhập quan, Mãn tộc thống nhất Trung Nguyên, đây là lần thứ ba triều đình cử hành đại hôn lễ cho hoàng đế tại Bắc Kinh. Trong không khí long trọng và trang nghiêm của buổi lễ, Hoàng đế Khang Hy khoác bộ Đại hôn lễ phục, trước tiên đến cung của Hiếu Trang thái hậu và hoàng thái hậu hành lễ tạ ơn, sau đó đến Thái Hòa điện ban yến tiệc cho gia quyến thân thuộc của hoàng hậu cùng với các vương gia và bách quan văn võ trong triều. Hoàng thái hậu dẫn theo nữ quyến của các đại thần và quan đại thần nhiếp chính đến cung Hiếu Trang thái hậu, mở tiệc chiêu đãi mẫu thân và nữ quyến thân thuộc của hoàng hậu. Khoảng 6 giờ chiều, đại hôn lễ bắt đầu bằng tiệc Hợp Cẩn theo truyền thống Hán tộc, hoàng đế và hoàng hậu cùng hợp cẩn uống rượu giao bôi. Sau khi yến hội kết thúc, Hoàng đế Khang Hy và tân Hoàng hậu Hách Xá Lý thị ở lại Trung cung.

Chén Hợp Cẩn trong Bảo tàng Cố cung Đài Bắc
Chén Hợp Cẩn trong Bảo tàng Cố cung Đài Bắc (Ảnh: Public Domain).

Ngày thứ ba, Hoàng đế Khang Hy tiếp nhận biểu chúc mừng từ các vương gia và bá quan văn võ trong triều, nhân đại hôn lễ mà ban chiếu khắp thiên hạ, tuyên bố Hách Xá Lý thị đã trở thành hoàng hậu đầu tiên của Khang Hy đế. Lúc ấy Hoàng đế Khang Hy mới 11 tuổi 6 tháng, còn Hoàng hậu Hách Xá Lý thị mới 11 tuổi 9 tháng, trở thành vị hoàng đế và hoàng hậu nhỏ tuổi nhất của nhà Thanh, cũng có thể gọi là phu thê kết tóc xe tơ, thanh mai trúc mã.

Hoàng hậu qua đời, Khang Hy tình hoài nhung nhớ

Vào năm Khang Hy thứ 8 (1669), hoàng hậu Hách Xá Lý sinh hoàng tử đích trưởng đặt tên là Thừa Hỗ. Thừa Hỗ thiên tính thông tuệ, được Khang Hy vô cùng yêu thương, nâng niu như viên ngọc minh châu trong tay. Nhưng khi lên 4 tuổi, tiểu hoàng tử Thừa Hỗ không may yểu mệnh qua đời, khiến Khang Hy đau lòng mãi không nguôi.

Vào ngày mùng 3 tháng 5 năm Khang Hy thứ 13 (1674), Hách Xá Lý hoàng hậu lại lần nữa lâm bồn. Trong ngoài cung Khôn Ninh rộn ràng tất bật, ai ai cũng háo hức nghênh đón tân hoàng tử, chờ đợi mãi cuối cùng cũng đến lúc tiểu hoàng tử cất tiếng khóc chào đời. Khang Hy vô cùng vui mừng, lập tức đặt nhũ danh là Bảo Thành với hy vọng hoàng tử sẽ lớn lên bình an. Đây chính là đích thứ tử Dận Nhưng. Tuy nhiên, hoàng hậu Hách Xá Lý vì khó sinh mà hôn mê bất tỉnh, đến buổi chiều hôm ấy, hoàng hậu qua đời khi chỉ mới 21 tuổi. Chỉ trong nửa ngày, đại hỷ sự bỗng biến thành tang sự, khắp hậu cung là một không khí tang thương, não nề.

Khang Hy vì quá bi thương nên đã không lâm triều hôm ấy. Bắt đầu từ ngày mùng 5 tháng 5, gần như mỗi ngày ông đều mặc tang phục đến khóc thương trước Tử cung nơi đặt linh cữu của hoàng hậu. Ngày 27 tháng 5, Khang Hy đưa tiễn linh cữu hoàng hậu đến Củng Hoa thành (nay là Sa Hà, Xương Bình, Bắc Kinh). Hoàng đế cũng đích thân tháp tùng linh cữu Tử cung của hoàng hậu, đứng lặng yên mặc niệm hồi lâu, mãi đến đêm khuya mới về cung. Sáng sớm hôm sau, Khang Hy lại đi cử tang. Trong vòng nửa năm sau khi hoàng hậu qua đời, Khang Hy đã đến Củng Hoa thành 34 lần, mỗi lần đi đều ở lại trọn một ngày. Thậm chí có lần sứ thần Triều Tiên cầu kiến, Khang Hy cũng không muốn triệu kiến.

Theo “Khang Hy khởi cư chú”, vào năm Khang Hy thứ 14 (1675), một ngày trước khi tròn một năm Hách Xá Lý thị qua đời, Khang Hy tức tốc đến Củng Hoa thành và ở lại đó suốt đêm, đến hôm sau cúng tế xong xuôi rồi mới quay trở về hoàng cung. Năm Khang Hy thứ 15 (1676), Khang Hy đã 15 lần đến cúng tế ở Củng Hoa thành.

Hoàng đế Khang Hy khoảng 20 tuổi
Hoàng đế Khang Hy khoảng 20 tuổi (Ảnh: Phạm vi công cộng).

Trong thời gian từ năm Khang Hy thứ 13 đến năm thứ 16, mỗi năm trước đêm trừ tịch một ngày, Khang Hy đều theo lệ đến Củng Hoa thành làm bạn với vong linh của hoàng hậu, tới cuối ngày mới trở về, tổng cộng ông đã đến Củng Hoa thành 80 lần.

Suốt 3 năm sau khi Hách Xá Lý thị qua đời, Khang Hy vẫn không lập hoàng hậu. Mãi cho đến tháng 8 năm Khang Hy thứ 16 (1677), khi thời hạn để tang 3 năm đã mãn, ông mới vâng lệnh tổ mẫu lập hoàng hậu thứ hai là Nữu Hỗ Lộc thị. Vào ngày cúng vong hậu năm ấy, Hoàng đế Khang Hy vẫn không quên đến Củng Hoa thành tưởng nhớ. Bảy ngày sau ngày tế, ông mới chính thức ban chỉ dụ đến Lễ bộ để sách phong tân hoàng hậu. Vào đêm trừ tịch, Khang Hy vẫn như thường lệ bất chấp mưa gió bập bùng, đến Củng Hoa thành cách đó 60 dặm để tế bái vong linh hoàng hậu.

Nửa năm sau, đều đặn mỗi tháng ông đều đến Củng Hoa Thành. Vào tháng 9 không lâu sau khi lập hoàng hậu lần thứ hai, Khang Hy không đoái hoài đến việc kỵ húy ngày đại hỷ, vẫn đích thân đi kiểm tra lăng tẩm nơi sắp táng nhập hài cốt của vong hậu.

Ngoại trừ khi có đại sự hoặc những việc tế tự quan trọng, hằng năm vào ngày giỗ của vong hậu, Khang Hy đều gác lại việc triều chính để đích thân đi cúng tế vong linh của hoàng hậu. Thói quen này đã kéo dài suốt 25 năm, năm nào cũng như vậy. Tình cảm của ông đối với người vợ kết tóc xe tơ có thể nói là sâu đậm sắt son, không bút nào tả xiết.

Theo gia pháp tổ tông của người Mãn Châu, các hoàng đế lúc sinh thời không lập sẵn Thái tử. Nhưng vì tình cảm với Hách Xá Lý thị mà Khang Hy đã phá lệ. Được Hiếu Trang thái hậu đồng ý, ông đã lập đích thứ tử là Dận Nhưng lúc ấy chỉ mới 2 tuổi làm hoàng thái tử, trở thành người kế vị nhỏ tuổi của vương triều. Dận Nhưng là hoàng thái tử duy nhất trong lịch sử Đại Thanh được hoàng đế sắc phong, đồng thời cũng là vị hoàng tử được Khang Hy đích thân nuôi dưỡng giáo dục cho tới khi trưởng thành.

Khang Hy viết sách thụy văn cho hoàng hậu

Vào ngày mùng 8 tháng 5 năm Khang Hy thứ 13, Khang Hy đích thân viết thụy văn ca ngợi mỹ đức của Hách Xá Lý hoàng hậu:

“Hoàng Hậu Hách Xá Lý thị làm thê tử của trẫm đã qua 10 năm. Bên trên, đối Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu hết sức chân thành, hiếu thuận. Giúp trẫm nội trị, càng hết mực cẩn trọng, chu đáo. Bên dưới, đối người thì rộng lượng, khoan dung, dạy dỗ lễ nghĩa cung đình, thục đức sáng rọi. Thế mà, than ôi, tại năm Khang Hy thứ 13, ngày mùng 3 tháng 5 băng thệ. Mang theo nỗi nhớ về sự thuần khiết, tốt đẹp, đức hạnh mẫu mực của nàng, trẫm tràn đầy đau đớn, tưởng niệm sâu sắc. Nên cần xưng thụy, để truyền cho con cháu đời đời”.

Sách thụy văn cho hoàng hậu cũng viết: “Cần cù và tận hiếu phụng dưỡng Lưỡng cung lão nhân gia, dịu dàng hiếu thuận làm lão nhân gia tươi cười; đối đãi hậu cung nữ quyến cùng người hầu khoan dung độ lượng hòa ái, ân ngộ có thể khiến mọi người vui lòng phục tùng”.

Và: “Hoàng hậu thánh đức thiện hành hoằng dương tuyên bố, làm mọi người một thế hệ khen ngợi mỹ luân mỹ hoán nổi danh của nàng. Mẫu nghi phong phạm của nàng là cỡ nào hoàn mỹ không tì vết, ngàn năm vạn tuế cũng vẫn lóng lánh ánh quang huy đẹp dịu dàng như mỹ ngọc!”.

Trong cuộc đời Khang Hy, đây cũng là sách thụy văn duy nhất viết về nữ nhân, mỗi chữ đều chất chứa ân tình sâu nặng. Khang Hy cho rằng, lời giáo hóa của đế vương có thể chiếu rộng tới chỗ thâm khuê, việc dạy nữ đức có thể dưỡng thành ở trong cung cấm, ấy đều là nhờ hiền đức của Hách Xá Lý hoàng hậu.

Khang Hy mặc thường phục viết chữ
Khang Hy mặc thường phục viết chữ. (Phạm vi công cộng)

Có thể thấy, Hoàng hậu Hách Xá Lý thị từ khi còn là thiếu nữ vừa mới nhập cung cho đến lúc lìa đời đã dệt nên một mối tình sâu nặng suốt đời khó quên. Nàng có tính cách hòa nhã, nhu thuận, cử chỉ đoan trang, cung kính. Đối với bề trên thì hết lòng hiếu đạo, gắng sức tận hiếu phụng dưỡng thái hoàng thái hậu và hoàng thái hậu. Đối kẻ dưới thì rộng lượng, khoan dung, nhân hậu, hòa ái, quan hệ với các hậu phi khác cũng vô cùng hòa hợp. Nàng tuân thủ lễ độ, khi chủ trì tế tự thì nghiêm cẩn đúng mực, khi cung phụng các vị lão nhân gia thì thành tâm nhất ý. Nàng ăn mặc giản dị, khiêm nhường, ân cần khuyên răn, chu toàn đại cục, trở thành vị hiền thê có một không hai để Khang Hy yên tâm triều chính, cần mẫn trị quốc, chăm lo việc nước nhà.

Hách Xá Lý thị là vị hoàng hậu duy nhất thuộc dòng họ Hách Xá Lý của triều Thanh, thụy hiệu của nàng trong lịch sử Thanh triều cũng là trường hợp duy nhất. Khang Hy đã đích thân vì nàng mà ban hiệu là “Nhân Hiếu hoàng hậu” (sau này được Ung Chính đổi thành “Hiếu Thành Nhân hoàng hậu”). Đây là hoàng hậu duy nhất của nhà Thanh có chữ “Nhân” làm thụy hiệu, trong khi những hoàng hậu khác đều lấy chữ “Hiếu”. Khang Hy phong thụy cho Hách Xá Lý là “Nhân”, bản thân ông cũng lấy thụy hiệu là “Nhân hoàng đế”. Có thể nói, trong lòng Khang Hy chỉ có mỹ đức của hoàng hậu Hách Xá Lý mới thể hiện được chữ “Nhân” này.

Hoàng đế Khang Hy và Hoàng hậu Hách Xá Lý đã có 10 năm bên nhau, 10 năm tâm đầu ý hợp, 10 năm nghĩa nặng tình thâm. Hoàng hậu “dạy dỗ lễ nghĩa cung đình, thục đức sáng rọi”, mỹ đức của nàng đã phò trợ cho Hoàng đế Khang Hy từ tuổi thiếu niên cho đến lúc trưởng thành, giúp ngài thuận lợi vượt qua những ngày đầu sóng gió khi tự mình chấp chính, đặt định ra cơ sở vững chắc cho thời kỳ “Khang Càn thịnh thế” sau này.

Minh Hạnh
Theo Tần Thuận Thiên - Epoch Times

Tài liệu tham khảo:

“Thanh sử cảo - Hiếu Thành Nhân hoàng hậu liệt truyện”

“Hoàng triều văn hiến thông khảo”

“Khâm định đại Thanh hội điển tắc lệ”

“Khang Hy triều trữ vị đấu tranh ký thực” – Ngô Tú Lương

Xem lại:
Hiền hậu truyện (kỳ 1): Khang Hy hoàng đế tự mình tuyển chọn nàng dâu
Hiền hậu truyện (kỳ 2): Hoàng hậu hiền đức khiến Càn Long hoàng đế hoài niệm suốt 51 năm
Hiền hậu truyện (Kỳ 3): Hoàng hậu Nguyên Hựu Mạnh - Vị hoàng hậu có số mệnh ly kỳ nhất trong lịch sử
Hiền hậu truyện (Kỳ 4): Tín phụng thuật Hoàng Lão, Hoàng hậu hiền lương một lòng phò tá Đế vương trị quốc



BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 5): Khang Hy vì nàng mà tình hoài nhung nhớ