Hiền hậu truyện (Kỳ 7): Người vợ được kính trọng nhất trong cuộc đời Tào Tháo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từng là ca kỹ với xuất thân cơ hàn, bà lại khiến người khác nể trọng và kính phục bởi tấm lòng nhân từ, độ lượng. Từng là thứ thiếp luôn phải nhún mình phía sau người vợ cả, bà lại trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, được tôn làm Hoàng thái hậu, rồi Thái hoàng thái hậu, cao quý hơn vạn người. Bà chính là vương hậu của Ngụy Vũ đế Tào Tháo – Vũ Tuyên Biện hoàng hậu.

Xem lại:
Hiền hậu truyện (Kỳ 6): Tuyệt thế giai nhân Tam Quốc tài hoa hiền đức vô thường

Ca hát kiếm sống, làm thiếp họ Tào

Biện phu nhân (160-230) là người huyện Khai Dương, quận Lang Nha (nay là phía bắc Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông). Chính sử không ghi rõ tên gọi của bà, tục gọi là “Biện Linh Lung”. Vào ngày bà sinh ra, trong phòng bao phủ ánh sáng màu vàng kim rực rỡ. Cha bà thấy lạ bèn nhờ thầy xem bói, thầy bói phán rằng: “Đại cát chi triệu, thử nữ tiền đồ vô lượng”, ý tứ rằng đây là điềm may mắn, cô bé này lớn lên sẽ có tiền đồ phú quý.

Nhưng lúc ấy, Biện Linh Lung chỉ có xuất thân thấp kém vì sinh ra trong gia đình theo nghề ca múa. Bà vì để kiếm sống mà phải bôn ba tứ xứ, lúc thì ca hát trong yến tiệc, lúc lại ca múa trong các dịp lễ, hội, v.v. Năm ấy, Biện Linh Lung đến đất Tiều (nay là Bạc Châu, An Huy) đúng vào dịp sinh nhật cha của Tào Tháo. Họ Tào đã mời Biện ca múa chúc thọ Tào lão gia. Biện Linh Lung khi ấy chỉ mới 20 tuổi, nhan sắc mỹ lệ, dung mạo đoan trang, yểu điệu thục nữ, được Tào Tháo để mắt đến và nạp thành tiểu thiếp.

Là bậc thiếu niên thành danh, từng được phong chức Hiếu liêm, Tào Tháo năm ấy đã 25 tuổi, cũng đã có người vợ kết tóc là Đinh phu nhân. Đinh phu nhân thường tỏ ra coi thường người vợ lẽ, nên đối đãi với Biện thị không hề khoan hậu. Nhưng Biện thị lại nhẫn nhịn khiêm cung, không so đo tính toán, dù được Tào Tháo sủng ái, bà vẫn an phận thủ thường, hoàn toàn không hề tỏ ra kiêu ngạo.

Trong nguy không loạn

Vì kế hoạch thích sát Đổng Trác bất thành, Tào Tháo buộc phải trốn khỏi Lạc Dương, từ đó bặt vô âm tín, liên tiếp nhiều tháng không có tin tức gì. Sau đó Viên Thuật tung tin là Tào Tháo đã chết, khiến rất nhiều tướng sĩ nương nhờ trong phủ họ Tào đều lục đục rời đi, Tào phủ cũng vì thế mà rơi vào cảnh rối ren hỗn loạn.

Tào Tháo thích sát Đổng Trác nhưng thất bại, chạy trốn khỏi Lạc Dương, về đến Trần Lưu
Tào Tháo thích sát Đổng Trác nhưng thất bại, chạy trốn khỏi Lạc Dương, về đến Trần Lưu. Tranh vẽ “Tam Quốc diễn nghĩa”, hồi thứ 5 (Ảnh: Public Domain)

Tào Tháo sống hay chết còn chưa rõ ràng, đương nhiên cả gia quyến đều hoảng loạn, ai ai cũng bất an trong lòng. Biện phu nhân lúc ấy 28 tuổi cũng vô cùng lo lắng, nhưng bà dằn lòng kiềm chế cảm xúc của bản thân, không phân biệt trong ngoài, chạy ra diện kiến các tướng sĩ Tào phủ.

Với vẻ mặt bình tĩnh, Biện phu nhân khuyên giải các tướng sĩ đang hoảng loạn: Hiện tại tin tức vẫn chưa chứng thực được là thật hay giả, không thể dựa vào những lời đồn đại mà xác định rằng Tào quân còn sống hay đã chết. Nếu hôm nay các ngươi từ giã về quê, sau này Tào quân trở về rồi, các ngươi còn mặt mũi nào mà diện kiến ngài đây? Chỉ vì để tránh cái họa chưa rõ ràng này mà lại khinh suất buông bỏ danh dự cả một đời, làm vậy có đáng hay không? Chính bởi vì có khó khăn nên mới cần nghĩa sĩ cùng nhau sinh tử, mong mọi người hãy suy nghĩ cho tỏ tường!

Lời nói của Biện thị khiến các tướng sĩ bình tâm lại, ai nấy đều đưa mắt nhìn nhau, trong lòng không khỏi cảm thấy hổ thẹn, ai cũng không còn muốn rời đi nữa mà quyết định ở lại đợi Tào tướng quân trở về. Biện thị vì Tào Tháo mà giữ lại nhân mã, an định đội hình nơi hậu phương.

Sau này Đổng Trác phóng lửa thiêu đốt Lạc Dương, trong cục diện hỗn loạn ấy, gia quyến Tào gia nhờ có các tướng sĩ bảo vệ nên mới bình an vô sự. Từ đó Tào Tháo càng thêm trân trọng Biện thị, nhờ có bà mà lâm nguy bất loạn, rất nhiều việc đều giao cả cho bà cai quản.

Tào Tháo
Tranh màu Tào Tháo (Ảnh: Public Domain)

Thiện giải nhân ý, không nhớ oán thù

Con trai trưởng của Tào Tháo là Tào Ngang, vì theo cha chinh phạt Trương Tú mà tử trận. Đinh phu nhân quá đau khổ tuyệt vọng nên vô cùng oán hận Tào Tháo, thường hay khóc lóc rằng: "Ông làm chết con ta mà không nghĩ ngợi gì sao?". Tào Tháo bẽ mặt trước ba quân, không chịu được nên nhất thời nổi giận đuổi bà về nhà mẹ đẻ. Sau này Tào Tháo hối hận, đích thân đến đón vợ về phủ, nhưng Đinh phu nhân vẫn lạnh lùng nhất quyết không đoái hoài. Tào Tháo không còn cách nào khác, đành phải lên xe một mình trở về.

Biện thị biết phu quân thương nhớ Đinh phu nhân, nên nhân lúc Tào Tháo chinh chiến xa nhà, bà thường mang tài vật đến biếu tặng, hơn nữa lại nhiều lần nhún mình đón Đinh phu nhân về nhà khoản đãi chu đáo.

Đối với Đinh phu nhân, Biện thị luôn tỏ ra cung kính, lấy lễ đối đãi. Khi dùng bữa, bà lui về vị trí vợ lẽ, nhường lại chiếc ghế chính thất cho Đinh phu nhân, còn bản thân thì ngồi ở bên cạnh. Bà không nhớ tới những lời ác ý trước kia khiến Đinh phu nhân vô cùng áy náy: “Tôi đã là người ly dị, phu nhân hà tất phải ân cần với tôi như vậy?”.

Vài năm sau khi Đinh phu nhân qua đời, Tào Tháo cảm khái vì không còn cơ hội chuộc tội, trong lòng vô cùng áy náy và thương tâm. Biện thị thấu hiểu tâm tư của chồng nên đã chủ động lo liệu tang sự, lại thỉnh cầu Tào Tháo theo lễ an táng Đinh phu nhân, sau này chôn tại phía nam thành Hứa Xương.

Đức hạnh mẫu nghi

Sau này Biện thị được Tào Tháo phong làm chính thê. Cả về đối nội lẫn đối ngoại, bà luôn lấy lễ hành xử, cư xử lịch thiệp, lo liệu chu toàn.

Các con trai và con gái của Tào Tháo rất đông, với những trẻ bị mất mẹ từ khi còn nhỏ, Biện phu nhân đều tận tâm chăm sóc, yêu thương và bảo vệ như con đẻ của mình. Đồng thời bà cũng thiện đãi những người vợ lẽ, để Tào Tháo yên tâm và tập trung xây dựng đại nghiệp.

Biện phu nhân thường ngày sinh hoạt rất chân phương giản dị. Dưới sự dẫn dắt của bà, hậu cung Tào Ngụy luôn coi trọng lối sống tiết kiệm, thanh đạm. Phòng ngủ của bà không trang hoàng lộng lẫy mà chỉ có một màu tối sẫm giản đơn. Bà không cất giữ châu báu hay những đồ giá trị, không mặc lụa gấm đắt tiền, không đeo trang sức ngọc ngà hay vận đồ xa xỉ, trên váy áo của bà ngay cả viền hoa đăng-ten cũng không có. Tào Tháo hiểu điều đó nên rất trân trọng và cảm phục bà.

Một lần, Tào Tháo mang về vài đôi hoa tai tinh mỹ, bèn đưa cho Biện phu nhân để bà tự tay chọn trước. Biện phu nhân chỉ chọn một đôi loại trung. Tào Tháo thấy lạ bèn hỏi vì sao nàng không chọn đôi đẹp nhất? Bà đáp: “Chọn thứ tốt nhất thì là tâm tham, chọn thứ kém nhất chính là dối lòng mình. Vậy nên thiếp chọn thứ ở giữa”.

Đối nội đối ngoại, bà lấy lễ hành xử, cư xử lịch thiệp, lo liệu chu toàn. Tranh minh họa “Nữ sử châm đồ”
Đối nội đối ngoại, bà lấy lễ hành xử, cư xử lịch thiệp, lo liệu chu toàn. Tranh minh họa “Nữ sử châm đồ” (Ảnh: Public Domain)

Khi Tào Tháo chọn Tào Phi làm người kế vị, triều thần hai bên đều chúc mừng Biện phu nhân, kiến nghị bà hãy ban thưởng tài vật để mọi người cùng chia sẻ đại hỷ này. Nhưng không ngờ Biện phu nhân chỉ điềm nhiên cười rồi nói: Tào Phi được lập làm thế tử chỉ vì anh trưởng đã không còn, hơn nữa, hai mẹ con tôi không có công lao gì, có gì đáng để chúc mừng đâu?

Tào Tháo nghe xong đã hết lời khen ngợi Biện phu nhân: “Tức giận mà không đổi sắc, vui mừng mà không thất tiết, làm được việc này thật là khó lắm thay”.

Năm 219, Biện phu nhân 58 tuổi, Tào Tháo chính thức sách phong bà làm vương hậu, khen ngợi rằng Biện phu nhân “có đức của bậc mẫu nghi”. Từ đó các thê thiếp của Tào Tháo và hậu cung đều quy về Biện phu nhân cai quản. Biện phu nhân cung kính tận tụy, cư xử chuẩn mực, biết căng biết chùng, hiền từ nhân hậu, sống vô cùng hòa thuận với các thê thiếp khác của chồng. Khi bà theo đoàn quân hành quân chinh chiến, mỗi khi gặp bậc lão niên tóc trắng bạc phơ, bà luôn dừng xe và bước xuống cúi chào, sau đó ân cần thăm hỏi và biếu tặng lụa là cho các cụ già. Có lúc, bà không cầm lòng được nên nước mắt đầm đìa: “Chao ôi, chỉ tiếc là phụ mẫu của ta đã không còn trên cõi đời nữa rồi!”.

Hiểu lễ nghĩa phép tắc, biết tiến biết lui

Biện phu nhân hiểu phép tắc, lễ nghi, biết khi nào nên tiến khi nào nên lùi. Em trai của bà là Biện Bỉnh thường theo Tào Tháo nam chinh bắc chiến, đã lập được nhiều chiến công hiển hách nhưng chỉ được đảm nhận một chức quan rất nhỏ, tài sản trong tay cũng rất ít ỏi. Một số người không lập được nhiều chiến công như thế, nhưng thảy đều phú quý vương giả hơn ông.

Biện phu nhân từng đề xuất ý kiến với trượng phu, nhưng Tào Tháo chỉ nói: “Chính bởi vì cậu ấy là em vợ của ta, cho nên ta không thể ban cho cậu ấy quan tước quá lớn được”.

Sau đó Biện phu nhân không còn nhắc đến chuyện này nữa. Cho đến khi Tào Tháo qua đời, Biện Bỉnh cũng không hề thăng tiến hơn.

Có người nói rằng Biện phu nhân bạc nghĩa bạc tình, bà không cho là như vậy. Mỗi lần tiếp kiến họ ngoại, bà lại khuyên bảo người nhà ngoại rằng nên xử sự đúng mực, chi tiêu tiết kiệm, không nên cầu được ban thưởng hay đòi hỏi điều gì không đúng danh phận. Bà nói: “Tôi phụng dưỡng Vũ Đế 40, 50 năm, trước nay vẫn luôn cần kiệm hết sức, cũng chưa từng cho bà con thân thích tiền bạc gì. Ai mà lộng hành phạm tội, tôi sẽ không bao che mà còn gia tăng hình phạt thêm một bậc”.

Một lần, đứa con mà Biện phu nhân yêu thương nhất là Tào Thực mạo phạm chấp pháp, Ngụy Văn Đế Tào Phi đã phái người đến báo cho Biện phu nhân. Biện phu nhân quang minh đại nghĩa, quả quyết hồi đáp rằng: “Ta không ngờ rằng con ta lại làm ra sự việc như thế. Hãy bảo với Văn Đế rằng, không thể vì ta là mẹ mà làm trái với quốc gia đại pháp”.

Bà thể hiện rõ rằng bản thân sẽ không can dự, quân vương cảm thấy nên xử trí ra sao thì hãy xử trí như vậy.

Hết lòng phò tá chồng con

Đối với sai lầm trong sách lược của chồng và con cháu, Biện phu nhân luôn gắng hết sức cứu vãn và bù đắp chỗ thiếu sót, lấy sức mình duy hộ đại nghiệp của Tào gia.

Năm 219, Dương Tu bị Tào Tháo phán xử tội chết, Biện phu nhân bèn viết thư cho mẫu thân của Dương Tu là Viên thị. Trước tiên, bà khen ngợi tài năng của Dương Tu, sau đó kể rõ sự tình, rằng phu quân vì quá phẫn nộ mà xử tử Dương Tu. Bà biểu thị rằng bản thân vô cùng kinh động và đau xót, thỉnh cầu Viên thị hãy rộng lòng khoan thứ. Kèm theo lá thư là y phục, khăn lụa, gấm vóc, xe bằng gỗ thơm, trâu bò… và rất nhiều lễ phẩm khác để vấn an Viên phu nhân.

Năm 220, Tào Tháo mắc bệnh nặng qua đời, Tào Phi lên kế vị, tôn Biện phu nhân làm Vương thái hậu, sau thành Hoàng thái hậu, ngự ở Vĩnh Thọ cung.

Tào Phi và Tào Thực có hiềm khích ân oán riêng, Biện phu nhân đứng giữa luôn nỗ lực hòa giải hai con. Khi Tào Phi muốn giết Tào Hồng, Biện phu nhân lại giả ý muốn phế truất Quách hoàng hậu mà khuyên ngăn can gián, đồng thời kể ra công lao của Tào Hồng, gợi nhớ rằng Tào Hồng từng có ân cứu mệnh đối với Tào Tháo. Bà khuyên Tào Phi rằng, làm người thì không thể vong ân phụ nghĩa.

Tào Phi - Tào Thực
Tào Phi và Tào Thực có hiềm oán, Biện phu nhân nỗ lực hòa giải. Tranh vẽ “Tam quốc diễn nghĩa”, hồi thứ 79: Anh bức em Tào Thực làm thơ (Ảnh: Public Domain).

Biện phu nhân đã sinh cho Tào gia bốn người con trai, gồm có Ngụy Văn Đế Tào Phi, Nhậm Thành Uy vương Tào Chương, Trần Tư vương Tào Thực, và Tiêu Hoài vương Tào Hùng, tất cả đều văn thao võ lược, là bậc tuấn kiệt trong thiên hạ. Tào Phi hạ bút thành chương, Tào Thực tài hoa xuất chúng… cả hai đều là những nhân vật đại biểu cho văn học thời Kiến An.

Năm 226, Tào Phi băng hà, Tào Duệ kế vị, tôn Biện phu nhân làm Thái hoàng thái hậu.

Năm 230, Biện thái hậu qua đời, hưởng thọ 71 tuổi. Bà và Ngụy Vũ Đế Tào Tháo cùng hợp táng ở Cao Lăng, sau đó được truy phong thụy hiệu là Vũ Tuyên Biện hoàng hậu để ca ngợi tấm lòng nhân từ, kiến thức uyên thâm, hiền đức thục huệ của bà. Là một nữ nhân, cả về nhân phẩm, đức hạnh và cách hành xử của bà đều mẫu mực, có thể nói bà là người vợ hiền danh bất hư truyền trong cuộc đời Tào Tháo.

Minh Hạnh
Theo Tần Thuận Thiên - Epoch Times

Tài liệu tham khảo:

“Tùy Thư - Địa lý chí (quyển trung)”
“Thái bình ngự lãm”
“Thế thuyết - Hiền viên thiên”
“Tam quốc chí”

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 7): Người vợ được kính trọng nhất trong cuộc đời Tào Tháo