Hiệp khách trọng nghĩa khinh tài, giải nguy quan thanh liêm, chôn cất người quân tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhân gian lưu truyền, Vương Ngũ được vinh danh là một trong 10 cao thủ võ lâm cuối thời nhà Thanh, ngang hàng với các võ sư nổi tiếng như Yến Tử Lý Tam, Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng.

Đại đao Vương Ngũ (1844~1900) là hiệp khách nổi tiếng cuối thời nhà Thanh. Tên thật là Vương Chính Nghị, tự Tử Bân. Trong võ đường của võ sư Lý Phụng Cương, ông xếp hàng thứ 5, nên có hiệu là “Tiểu ngũ tử”. Ông có đao pháp thuần thục, nghĩa đức cao thượng, giỏi dùng đại đao, được giang hồ gọi là “Đại đao Vương Ngũ”.

Năm Quang Tự nhà Thanh, kinh đô có một vị đại hiệp, người ta gọi là “Đại Đao Vương Ngũ”, khí chất cao thượng, trọng nghĩa khinh tài. Mang một thân công phu tuyệt kỹ, sáng lập ra tiêu cục Nguyên Thuận, lấy nghề bảo tiêu lập nghiệp. Ông võ công cái thế, danh chấn giang hồ. Khi ấy đạo tặc các vùng Hà Bắc, Sơn Đông nghe danh ông thì đều phục tùng chịu sự ước thúc của ông. Thời mạt Thanh loạn thế, quan trường thối nát, tham quan ô lại vô pháp vô thiên, cưỡng đoạt tiền tài bất nghĩa với số lượng lớn. Ông hành hiệp trượng nghĩa, như các anh hùng trong Thủy Hử. Một số tham quan trở thành mục tiêu tấn công của ông.

Tự mình tiến cử - Hộ tống quan nhậm chức

Năm Quang Tự thứ 5 và thứ 6 (1879~1880), Trực Lệ phát sinh mấy chục vụ án cướp, quan phủ mãi không tìm ra thủ phạm, nên hoài nghi cho Vương Ngũ làm ra sự vụ này. Thế là bộ hình lệnh cho Ngũ Thành ngự sử mang mấy trăm quân binh vây chặt Vương Ngũ ở Tuyên Vũ Môn. Vương Ngũ cho hơn 20 người mang vũ khí chặn ở cửa lớn. Mấy trăm quân không dám mạo hiểm xông vào. Hai bên canh chừng đến tận chiều tối, quan binh mới giải tán quay về.

Hôm sau, Vương Ngũ đột nhiên đến bộ hình tự thú. Khi ấy Bộc Văn Tiêm (1830~1909) là Tổng tư nghị sự kiêm Đề lao quan. Bộc Văn Tiêm giữ chức ở bộ hình đã hơn chục năm, khi thẩm án, ông luôn giữ “Cư tâm bình thứ, sát sự tinh tường” (Tâm bình lượng thứ, quan sát tinh tường), đã phá giải rất nhiều án oan sai. Ông viết tác phẩm “Đề lao tỏa ký”, khi ấy được đưa vào sách pháp luật.

Bộc Văn Tiêm thấy Vương Ngũ tự thú, cảm thấy lạ lùng, liền hỏi nguyên do. Vương Ngũ đáp: “Lúc trước lấy binh uy hiếp, nên tôi không tuân theo. Nay binh đã lui, nên tôi tự đến.”

Bộc Văn Tiêm cật vấn ông về những vụ trộm cướp trong mấy tháng gần đây. Vương Ngũ không chút giấu diếm, đàm luận khảng khái. Ông nói thẳng ra, vụ nào là do băng đảng này làm, vụ nào là do đạo tặc kia làm, không chút che giấu.

Bộc Văn Tiêm là quan cương trực, ông biết Vương Ngũ là người vũ dũng, cao thượng trọng nghĩa, lại còn rất có tài năng, nên có ý bảo vệ Vương Ngũ, nên nói: “Nhiều án trộm cướp như vậy đều không liên quan tới ông, nhưng do ông giao lưu rộng rãi, tùy ý uống rượu đánh bạc, cũng không phải là hành vi mà người thiện lương làm. Ta bắt giữ ông xong, sẽ ra hình phạt nhẹ, để răn đe, cảnh cáo.”

Thế là ông hạ lệnh đánh hai mươi gậy, xong thả về.

Năm Quang Tự thứ 9 (năm Quý Mùi 1883), Bộc Văn Tiêm nhậm chức tri phủ Nam Dương. Vào thời điểm đi nhậm chức, lại ở vào cảnh túng thiếu, do vậy sinh ưu phiền, Vương Ngũ bỗng nhiên đến thăm, vừa vào cửa đã chắp tay hành lễ, nói: “Tiểu nhân chịu ơn sâu của ngài, không có gì báo đáp. Nay ngài tới Nam Dương làm quan, trên đường tất sẽ gặp nhiều đạo tặc, không có tôi hộ vệ, ngài nhất định sẽ bị cướp bóc. Tôi còn nghe nói lộ phí của ngài còn thiếu, tiểu nhân tôi xin chuẩn bị cho ngài 200 lạng bạc.”

Bộc Văn Tiêm ngại không tiếp nhận, nói: “Ta đã có tiền rồi.”

Ai ngờ Vương Ngũ thẳng thắn: “Ngài dối ai đây? Sáng sớm hôm nay ngài đi vay tiền một vị thương gia, nhưng thương thảo khó khăn phải không? chi bằng ngài ký vào khế ước vay tôi, nhậm chức xong rồi trả cũng được, ý ngài thế nào?”

Không đợi Bộc Văn Tiêm đồng ý, Vương Ngũ liền sắp đặt ngựa xe hành lý chu toàn. Bộc Văn Tiêm cố gắng chối từ nhưng không được, đành ký khế ước giao cho Vương Ngũ. Sau đó cùng lên đường tới Nam Dương (Dải Hồ Bắc Tương Dương nay).

Hiệp khách đi vay tiền giúp, giải mối lo âu cho quan thanh liêm

Họ tới Vệ Huy, gặp lúc lũ Hoàng Hà dâng cao, lộ phí nhanh chóng dùng cạn. Bộc Văn Tiêm trong lòng lo lắng, nên than phiền với Vương Ngũ. Vương Ngũ cười mà rằng: “Chuyện nhỏ vậy, đâu có gì phải than phiền!”

Nói xong, Vương Ngũ khoác đao lên ngựa phóng đi. Mọi người nghĩ là ông đi cướp bóc đâu đó.

Chiều buông xuống, Vương Ngũ quay về, mang 500 lạng bạc để lên bàn. Bộc Văn Tiêm thấy vậy kinh hãi nói: “Đây là Đạo Tuyền mà, ta có khát mấy cũng sẽ tuyệt không uống một giọt, ngươi hãy đem ngay đi.”

Chú thích: Đạo Tuyền (tên gọi một dòng suối, Đạo ở đây là đạo tặc, Tuyền là suối, trong “Thi Tử” có ghi: “Khổng Tử đi qua Đạo Tuyền, khát nước nhưng không uống, bởi vì ghét tên gọi đó”. Trong “Hoài Nam Tử” có ghi: “Tăng Tử lập liêm, bất ẩm đạo tuyền” (Tăng Tử lập danh liêm khiết, không uống nước Đạo Tuyền). Hậu thế gọi tài vật bất nghĩa là “Đạo Tuyền”, lấy việc không uống nước Đạo Tuyền chỉ việc thủ giữ thanh liêm, không tùy tiện nhận, lấy tài vật của người khác.

Vương Ngũ cười lớn nói: “Ngài hoài nghi tôi lại đi cướp bóc sao? Chỉ có 500 lạng bạc, vay đâu chả được? Đây là tôi đi vay của một thương nhân đó. Không tin, ngài có thể cho gọi người ấy đến hỏi là biết thôi.”

Bộc Văn Tiêm viết một phong thư, cho tùy tùng mang đi mời thương nhân, hôm sau thương nhân đến, đưa khế ước ra, Bộc Văn Tiêm mới tin là thật, yên tâm tiếp nhận khoản vay. Vương Ngũ hộ tống ông đến tận Nam Dương, xong mới quay về.

Đại Đao Vương Ngũ là hiệp khách và là võ sư thời cuối triều nhà Thanh, tên là Vương Chính Nghị, tên chữ là Tử Bân, nhũ danh là An Tử, là người dân tộc Hồi quê ở Thương Châu, Hà Bắc.Đại Đao Vương Ngũ là hiệp khách và là võ sư thời cuối triều nhà Thanh, tên là Vương Chính Nghị, tên chữ là Tử Bân, nhũ danh là An Tử, là người dân tộc Hồi quê ở Thương Châu, Hà Bắc. (Baike.baidu.com)

Ngự sử lỡ lời bị tội, hiệp khách ra tay trợ giúp

Năm Quang Tự thứ 19, An Duy Tuấn (1854~1925) đảm nhiệm chức Giám sát ngự sử Phúc Kiến, chức trách là tuần tra giám sát ngôn hành của quan Ngự sử các cấp, để triều đình làm căn cứ để thưởng phạt, bãi truất hoặc thăng cấp. An Duy Tuấn phẩm vị không cao, chỉ là quan lục phẩm, ông đảm nhiệm giám sát ngự sử chưa đầy một năm, mà dâng sớ tấu hơn 60 bản.

Sau khi chiến tranh Trung, Nhật nổ ra, năm Quang Tự thứ 20 (năm 1894), An Huy Tuấn dâng bản sớ “xin tru diệt Lý Hồng Chương”. Đối mặt với giặc ngoại xâm, vua Quang Tự tuy đã chấp chính, nhưng gặp việc đều xin ý chỉ của Từ Hy thái hậu, “Hòa, chiến không thể tự quyết định một mình, bại trận nhiều lần”, thế nhân đều lấy cục diện này quy tội cho Lý Hồng Chương chủ trương bồi thường cầu hòa. Đối với các đại thần chủ chiến, Lý Hồng Chương lớn tiếng bài xích. An Duy Tuấn khẩn cầu Hoàng đế Quang Tự: “Xin làm rõ hình phạt, để làm yên lòng dân”.

Trong sớ, ông còn khiển trách Từ Hy thái hậu: “Hoàng thái hậu phải quy theo Hoàng đế, nếu cứ theo lệ trước kia mà hành xử, thì biết làm sao với tổ tông bên trên, làm sao với thần dân bên dưới đây?”

Ông cũng vạch tội Thái giám Lý Liên Anh: “Đến Lý Liên Anh là kẻ đáng khinh thế nào, mà dám can dự chính sự? Nếu quả thực như vậy, theo pháp chế tổ tông để lại, thì Lý Liên Anh tội không thể dung tha”.

An Duy Tuấn liều chết can gián, Từ Hy bực tức phát nộ, bức bách Quang Tự hạ chiếu nghiêm trị. Hoàng đế Quang Tự có ý bảo vệ ông, chỉ cách chức quan, lưu đày về Quân đài (cơ cấu quân đội xưa) ở Trương Gia Khẩu.

An Duy Tuấn bị đày về Quân đài, khi ấy Đế phó ông Đồng Hòa, Thị độc học sĩ Văn Đình Thức đều tới tặng tiền đưa tiễn, còn Vương Ngũ hộ tống, vận tải hành lý cùng đồ lễ tặng của An Duy Tuấn.

Quân tử gặp nạn, hiệp khách mạo hiểm chôn cất

Đàm Tự Đồng (1865~1898), là một trong 6 quân tử Mậu Tuất, Đàm Tự Đồng mất mẹ từ nhỏ, cha là Đàm Kế Tuần. Khi còn nhỏ, ông thường bị tiểu thiếp của cha ngược đãi, cuộc sống của ông vô cùng cô khổ. Khi ông chuyển đến ở Bắc Kinh quãng giữa Hồ Đồng và hội quán Lưu Dương, có quen với Thông Tý Viên Hồ Thất và Đại Đao Vương Ngũ. Được hai vị cao thủ võ lâm truyền cho võ nghệ, Vương Ngũ dạy kiếm thuật cùng đơn đao, do vậy hai người có mối giao hảo thâm tình.

Năm Quang Tự thứ 24 (năm 1898), sau biến cố cải cách Mậu Tuất thất bại, triều đình truy bắt Đàm Tự Đồng. Vương Ngũ khuyên Đàm Tự Đồng mau chạy trốn, ông nguyện làm hộ vệ bảo tiêu. Đàm Tự Đồng từng nói với Lương Khải Siêu: “Các quốc gia cải cách, không đâu không chảy máu mà lại thành, nay ở Trung Quốc vẫn chưa thấy ai bị chảy máu vì cải cách cả, vậy là bất hạnh rồi. Có chăng, hãy bắt đầu từ Tự Đồng ta đây!”

Khi Vương Ngũ khuyên ông trốn, Đàm Tự Đồng để cảnh báo cho thế nhân nên đã tự vào tù ngục, cự tuyệt hảo ý của Vương Ngũ. Sau khi Đàm Tự Đồng mất, nhiều người sợ liên đới, không dám nhận thi thể của ông. Quê nhà của Đàm Tự Đồng ở Lưu Dương Hồ Nam, Vương Ngũ đã mạo hiểm đưa di thể của ông về tận quê nhà an táng.

Năm Quang Tự thứ 26 (năm 1900), nổ ra loạn Canh Tý, cũng gọi là loạn Nghĩa Hòa Quyền. Trong loạn thế, vị hiệp khách một thời này cũng không thoát khỏi kiếp nạn, bị liên quân 8 nước bắn chết. Vương Ngũ một đời hành hiệp trượng nghĩa, giúp đỡ quan viên, thản nhiên lặng lẽ gánh nạn quốc gia, lưu lại dòng máu anh hùng trong một góc sử xanh.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Hiệp khách trọng nghĩa khinh tài, giải nguy quan thanh liêm, chôn cất người quân tử