Hiệu thuốc của Nam Sơn tiên sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuốn “Sơn Hải kinh” từng bị thế nhân coi là câu chuyện bịa đặt hoang đường, có rất nhiều Thần thoại, cùng thiên tượng, địa lý, dược vật, kỳ trân dị thú, v.v nghe rất huyền hoặc. Nhưng gần đây, cuốn sách đã được các nhà khảo cổ học Trung Quốc và thế giới chứng thực.

Rất nhiều nội dung ghi trong “Sơn Hải kinh” là chân thực tồn tại, đồng thời còn có mối liên hệ với văn hóa cổ Bắc Mỹ, Pê-ru và nhiều nền văn hóa cổ khác. Họ coi đây là một cuốn bách khoa toàn thư vĩ đại, thu hút ngày càng nhiều người nghiên cứu (trích lời bà Hà Ỷ Hoa - Chủ tịch Hội nghiên cứu Văn học trẻ em Hai bờ eo biển Đài Loan).

Lời tựa

Lần đầu đọc “Sơn Hải kinh” là khi tôi học tiểu học. Mỗi khi đọc xong một đoạn, tôi gấp sách lại, nhắm mắt tưởng tượng lại câu chuyện, trong lòng thầm tấm tắc:

Đó là thực ư? Tác giả thực đã đi tới những nơi đó sao?”.

Trong truyện có rất nhiều vùng đất mà người ở đó trông khác hẳn chúng ta:

Có nơi, người đầu dài, toàn thân là lông vũ, trông giống như chim.

Có nơi, người có một lỗ lớn chính giữa ngực, quả tim họ nằm lệch sang một bên.

Có nơi, người chỉ có một nửa, một cánh tay, một mắt, một lỗ mũi.

Trong truyện có rất nhiều phong cảnh, động thực vật kỳ diệu, khác hẳn với những thứ thường thấy trong thế giới chúng ta.

Có những ngọn núi bằng ngọc bích cùng khoáng vật, ánh sáng chiếu lên bừng sáng một vùng.

Có những nơi thì động thực vật có hình thù quỷ dị, khi xuất hiện đều có các điềm báo đi kèm.

Có nơi tìm thấy đại thụ cao vút, hình dáng như sao chổi, lá trên cây đều là đá quý.

Nhiều thần thoại mà chúng ta quen thuộc như: Khoa Phụ đuổi mặt trời, Nữ Oa vá trời, Tinh Vệ lấp biển, Đại Vũ trị thủy... đều tìm thấy trong cuốn sách này. Theo các học giả suy luận, tác giả cuốn sách sống vào khoảng cuối thời Xuân Thu đầu thời Hán, là người nước Sở hoặc người Ba Thục phía đông.

Như vậy khi ấy đã cách xa ngày nay hơn 2500 năm rồi! Tác phẩm được viết ra thế nào? Bảo tồn ra sao? Nghĩ đến đây tôi cảm thấy rằng, được đọc cuốn sách này là do có trùng trùng cơ duyên hội tụ, thật không thể nghĩ bàn.

Tôi nghĩ rằng cổ nhân không như chúng ta bây giờ, họ thực có thể tương thông với đất trời. Thế giới cổ đại có thể khác thế giới ngày nay, không bị ô nhiễm văn minh, là thế giới thuần phác và thần thánh…

Phượng hoàng 9 đầu và Quỳ trong Sơn Hải Kinh. (Tổng hợp từ wikipedia)

Lần đầu gặp Nam Sơn tiên sinh

Lần đầu tôi gặp Nam Sơn tiên sinh là vào ngày cha tôi đưa tôi lên núi bái sư, tiên sinh ở núi Chiêu Diêu bên bờ tây đại hải.

Chúng tôi đi mấy ngày đường, vừa đi vừa hỏi đường, nghe ngóng, rồi một trận gió thổi tới, mang theo mùi hoa quế hương nồng. Nhìn ra xa, giữa vùng đất bằng phẳng là một ngọn núi sừng sững. Chúng tôi vui mừng, sắp đến nơi rồi, đó chính là núi Chiêu Diêu.

Tại sao tôi lại bước chân trên con đường bái sư xa xôi như vậy? Việc này bắt đầu từ một câu chuyện ly kỳ từ thuở nhỏ.

Mẹ tôi kể, tôi hồi nhỏ thân thể yếu ớt, thật khó nuôi dưỡng, vài ba ngày lại sinh bệnh lớn nhỏ, mấy lần được cứu sống từ quỷ môn quan.

Nghe kể, khi tôi hai tuổi, có lần bệnh tình quá nặng, nhiều thầy thuốc đều lắc đầu. Mẹ tôi hai mắt đỏ hoe tới chùa cầu khấn, Bồ Tát cho một thẻ xăm:

Cấp thượng vân thê bộ nguyệt cung
Thường Nga dữ ngã quế hoa hương
Kỵ kình biến hóa lăng vân chí
Nhất nhậm phù dao nhập cửu trùng

Tạm dịch:

Mau bước thang mây tới cung trăng
Hoa quế thơm ta với chị Hằng
Kình ngư chí lớn đạp mây gió
Một độ gió xoáy chín tầng thăng

Đầu thẻ đã nói đến cung trăng và Hằng Nga, nên mẹ tôi cho là lần này tôi phải ‘thăng thiên’ rồi, lại thêm lời chú giải viết: “bệnh nhân nhất hung” (người bệnh không may mắn), mẹ tôi lại khóc ròng.

Cụ trụ trì râu trắng đón lấy quẻ xăm nhìn, rồi mỉm cười bảo: “Không đáng ngại, không đáng ngại, bà không thấy câu ‘Kỵ kình biến hóa lăng vân chí, nhất nhậm phù dao nhập cửu trùng’ (Kình ngư chí lớn đạp mây gió; Một độ gió xoáy chín tầng thăng) sao? Đây là thời cơ thoát thai hoán cốt đó!”.

Cụ trụ trì còn nói: “Đứa trẻ như vậy, chỉ cần đưa ra khỏi nhà, đi tìm sư phụ mà học Đạo, dần dần có thể tiêu tai thêm phúc, tốt nhất là đi đến vùng nào có nhiều hoa quế”.

Khi ấy mẹ tôi bán tín bán nghi: “Chúng tôi bên cạnh chăm chút mà còn ra thế này, xa nhà thì nó có sống nổi không?”.

Kể ra thật kỳ, lần bệnh ấy, tôi qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Điều càng kỳ diệu ở chỗ, thân thể tôi mỗi ngày một cường tráng, đúng như lời cụ trụ trì nói là thoát thai hoán cốt. Khi tôi tròn 12 tuổi, cụ trụ trì đó đã vân du tứ hải rồi, nhưng người nhà tôi vẫn nhớ lời dặn của cụ, đi tìm sư phụ cho tôi học, nhưng chưa biết học cái gì, sư phụ ở đâu?

Hay là tới làng bên tìm sư phụ làm mộc học làm thợ? Cha tôi lắc đầu:

Con vóc dáng nhỏ bé, công việc thợ mộc như chuyển gỗ, cưa, bào đều cần sức lực, ta xem nếu con học mộc thì chỉ nửa tháng là phải đưa con về nhà thôi”.

Hay tìm sư phụ học may vá như anh họ của con? Bà ngoại tôi xua tay:

Khác gì đâu, làm nghề may cần kiên trì, cắt cắt may may liên tục mấy tiếng đồng hồ, con có trụ nổi không?”.

Chẳng cần bà nói tôi cũng tự biết, tôi từ nhỏ hiếu động như một con khỉ, nếu muốn ngồi yên một chỗ thì thật khó.

Chẳng phải đã nói là ở gần ‘Hoa quế’ sao? Cần đi tìm Nam Sơn tiên sinh đi!” - ông nội vuốt râu nói.

Nam Sơn tiên sinh là ai?

Ông nội kể, khi ông còn nhỏ, thường thấy Nam Sơn tiên sinh cày ruộng ngoài đồng, ở thửa ruộng nước trước nhà. Do tiên sinh có một mình mà việc nhà nông bận rộn, nên ông tôi đến giúp.

Không hiểu cơ duyên gì mà Nam Sơn tiên sinh có lần bị lạc trong núi, khi ấy tiên sinh đi một mình, không mang theo gì, cứ đi loanh quanh mãi hơn một tuần mới xuống núi. Sau khi xuống núi, Nam Sơn tiên sinh gầy hóp đi, nhưng bỗng nhiên không học mà biết, tiên sinh bắt đầu giúp người bắt mạch chẩn trị, lại còn bất kể bệnh tình phức tạp, lâu năm cố tật như thế nào, tiên sinh đều có thể chữa lành.

Nam Sơn tiên sinh vô cùng hiếu thuận, chăm sóc cha mẹ già đến tận cuối đời. Tiên sinh không có vợ con. Sau khi an táng xong cha mẹ, tiên sinh mang nhà cửa ruộng vườn ủy thác cho ông nội tôi trông coi, rồi khoác chiếc tay nải nhỏ, cung kính từ biệt người trong thôn, nói mình phải đi xa.

Sau này, ông nội nghe tin tiên sinh dừng bước ở núi Chiêu Diêu, tháng rưỡi sau, ông nội nhờ người mang thư gửi tiên sinh. Khi nắng oi kết thúc, gió thu mát thổi về, tôi cùng cha lên đường. Tới núi Chiêu Diêu, chúng tôi men đường mòn đi lên, vừa đi vừa nhìn sang hai bên, thì thấy cảnh tượng thật ly kỳ, quái thạch nhấp nhô, ánh nắng chiếu rọi, tảng đá phát màu. Nơi đây nhiều khoáng vật kim loại, dưới đất còn chứa nhiều đá quý. Ôi! cả ngọn núi đều là báu vật!

Trên núi còn có rất nhiều cây quế cổ thụ to lớn, vào mùa quế trổ hoa, hương thơm nồng ấm theo gió bay xa. Nhiều người vùng xa đến đây trú lại, nói ngửi hương hoa quế mỗi ngày, làm thân tâm sảng khoái.

Đường lên càng lúc càng dốc đứng, nhịn đói đã nửa ngày, bụng réo lên òng ọc, trên đầu nắng chiếu nóng rát, thật là vừa đói lại vừa nóng! Cảnh đúng như câu thơ của Giả Đảo: “Chỉ tại thử sơn trung, vân thâm bất tri xứ” (Chỉ ở trong núi này, mây dày không thấy được).

Chúng tôi chỉ biết Nam Sơn tiên sinh ở núi này, nhưng biết tìm ở đâu?

Đang lúc lo lắng thì thấy khe núi trước mặt xuất hiện một quái nhân đội nón, áo xám phất phơ, tóc trắng như bạc, nhưng mặt sáng da mịn không chút nếp nhăn, ông nằm trên đất, mắt nhìn chăm chú vào đám cỏ rậm. Vừa lúc chúng tôi định hỏi thì ông đưa ngón tay lên miệng ra dấu: “Xuỵt…”.

Chúng tôi đành tiếp tục nhìn ông, ông chăm chú tìm tòi trong đám cỏ, tựa như đang nói chuyện với từng cọng cỏ. Cuối cùng ông giơ lên một cọng cỏ trong tay, vui vẻ nói: “Có cái này là không sợ nạn đói rồi, các người nhất định là đang đói, ăn chút đi!”.

Thực vật trong tay ông, lá nhỏ mà dài, trông như lá hẹ, có một bông hoa nhỏ màu xanh, ngửi không thấy mùi gì đặc biệt. Đây chẳng phải là ‘rau xanh’ sao?

Đây là cỏ ‘Chúc Dư’, cũng là một loại cỏ Tiên nổi danh, ăn vào sẽ không thấy đói. Có một thôn trang đang bị nạn đói, ta muốn dạy họ cách trồng cỏ Chúc Dư, như thế họ sẽ qua được nạn đói năm nay”.

Vị quái nhân nói rất thành khẩn, rồi đưa tay ra, chúng tôi rất tự nhiên cầm lấy, đưa cỏ vào miệng nhai, cỏ có mùi hương nhẹ, nguyên lúc trước chúng tôi đói quá nên không ngửi thấy.

Cậu là Tiểu Nạn phải không? Ta nhận được tín tức, biết các vị tới, ta chính là Nam Sơn tiên sinh”.

Quên chưa kể, do tôi lúc nhỏ khó nuôi, nên người ta không đặt tên, mà gọi tôi là ‘Tiểu Nạn’, là chữ ‘Nạn’ trong từ ‘tai nạn’, hy vọng tôi trải qua được những tai nạn nhỏ mà sau này có thể đương đầu được với đại tai đại nạn.

Đây là lần đầu tôi gặp Nam Sơn tiên sinh, ngay lưng chừng núi Chiêu Diêu, khi ấy tiên sinh đang đi kiếm cỏ Chúc Dư.

Cha tôi ở với tôi vài ngày cùng Nam Sơn tiên sinh, rồi phải về vì nhà còn nhiều việc, khi chia tay, Nam Sơn tiên sinh cho ông một cái dây chuyền bằng da bện, trên đó đeo lủng lẳng một viên màu đen tròn tròn trông như cái bánh xe, có nổi vân màu đen chỗ đậm chỗ nhạt.

Thế sao đành, đứa bé này vẫn còn phải nhờ tiên sinh chăm sóc mà!” - cha tôi xua tay, ông là người trung thực, không bao giờ chiếm tiện nghi của người khác, ông cho là Nam Sơn tiên sinh đã cho ông viên đá quý.

À, đây là ‘mê cốc’, là một loại đặc sản của núi Chiêu Diêu, cây này giống như cây câu, khi trời tối sẽ phát sáng, mang bên mình không lo lạc đường, ông xuống núi cứ thế mà đi”.

Thì ra đây là bảo bối để tránh lạc đường!

Tôi leo lên một thân cây cao lớn, ngồi trên chạc cây dõi theo bóng cha khuất dần, tôi đã có chút mong chờ cuộc sống mới này, nhưng khi ấy nước mắt cứ chực trào ra. Tôi tự bảo mình, cha mẹ đã dặn dò cố gắng cần cù vài ba năm, học được bản sự mà tự điều dưỡng thân thể, tương lai có thể giúp nhiều người.

Cha đi rồi, trên núi chỉ còn lại tôi và Nam Sơn tiên sinh.

Gặp thư sinh thất ý

Nam Sơn tiên sinh muốn tôi làm một việc đầu tiên, đó là gọi ông là ‘sư phụ’. Lúc này tôi mới biết, sư phụ chưa bao giờ thu nhận đồ đệ, nếu không phải là do ông nội tôi kết duyên, thì tôi sẽ không có cơ hội này. Thông thường mà nghĩ thì ở đây một mình sẽ rất buồn chán, nhưng nơi này lại có rất nhiều sự vật khiến người ta cảm thấy sửng sốt, một ví dụ là chiếc tủ thuốc lớn trăm ngăn đặt trong đại sảnh.

Toàn bộ tủ thấm đẫm hương gỗ tùng, bên trên có rất nhiều ngăn nhỏ đếm không xuể. Vài tầng trên cùng thì nhỏ hơn, những tầng dưới thì rộng hơn. Rốt cuộc thì nó có bao nhiêu ngăn? Tôi hỏi sư phụ, ông mỉm cười nói: “Ta cũng không nhớ rõ, con thử đếm xem”.

Tôi không tin lời sư phụ chút nào, đâu có vị thầy thuốc nào mà lại không nhớ rõ nhà mình có bao nhiêu ngăn đựng thuốc? Nhưng lời nói của sư phụ làm tôi rất hiếu kỳ, tôi bỏ thời gian cả ngày ra đếm, tất cả có ba ngàn sáu trăm ngăn thuốc!

Tất nhiên trong mỗi ngăn là các thảo dược trị bệnh, sư phụ cho phép tôi lúc rỗi có thể mở ngăn ra xem, để làm quen nhận biết các loại dược liệu, tôi rất có hứng thú với việc này. Những thứ đựng trong ngăn rất đặc biệt, có thứ trông như đất, đá, có thứ như động vật ép khô, phần lớn là thực vật phơi khô. Mỗi lần mở ngăn như là mở một hộp báu vật.

Có thứ trong hộp, nhìn xám màu tro, ngửi như mùi đất, nhưng đem phơi ra nắng thì thành màu vàng kim, để dưới ánh trăng thì lại biến thành màu trắng bạc, cất vào trong hộp thì không lâu sau lại trở về màu xám tro khô khốc.

Trong một ngăn khác có một quả khô tròn, trông như hạt dẻ, bên ngoài phủ một lớp lông thiên nga mịn màu vàng, lắc nhẹ thấy bên trong có tiếng kêu, lạ ở chỗ mỗi lần lắc thì tiếng phát ra mỗi khác.

Có một lần tôi mở ngăn kéo, thứ gì đó như cát dính đầy tay tôi, không có cách nào giũ ra được, càng cố dứt ra thì phạm vi bám dính càng rộng, tôi vội đi rửa tay, thứ ấy trái lại biến cứng lại như xi măng, làm tôi chỉ còn cách chạy vội đi tìm sư phụ cầu cứu.

Hiệu thuốc của sư phụ ở núi Chiêu Diêu vang danh khắp vùng, do vùng duyên hải dưới chân núi thưa vắng, nên cũng có ít bệnh nhân lên núi tìm thầy, những bệnh nhân đến được đều là người có duyên. Khi có người đến tìm, tất nhiên sư phụ sẽ đích thân bắt mạch, tiếp đó cầm bút viết dược phương như rồng bay phượng múa trên tờ giấy màu vàng, rồi bắt đầu bốc thuốc. Lần đầu nhìn thấy sư phụ bốc thuốc, tôi kinh ngạc mắt tròn miệng há.

Khi có người đến tìm, tất nhiên sư phụ sẽ đích thân bắt mạch. (Tranh NTDVN)

Sư phụ thành thục kéo ngăn thuốc, bốc chỗ này, bốc chỗ kia, một lần ra tay là đủ cân đủ lạng. Các ô kéo cao thấp, sư phụ phi thân lên xuống như thoi, một lúc là bốc thuốc xong. Khi ấy tôi nghe tiếng gọi: “Tiểu Nạn, cầm lấy”.

Tôi phụ trách việc đóng gói, dùng cỏ mềm buộc từng gói nhỏ, công việc chẳng khó khăn gì.

Vì không phải ngày nào cũng có bệnh nhân đến khám, nên những ngày đẹp trời, sư phụ đều đưa tôi ra ngoài đi tìm thảo dược, chúng tôi thường đi xa khỏi núi Chiêu Diêu, tới những vùng xa xôi.

Một ngày, chúng tôi đang đi trong rừng, bỗng một bóng lướt qua. Trên ngọn cây cao vút, có một thân ảnh màu xám đậm. Mới trông thì giống khỉ, hai tay ôm cành, đu chuyền từ cành này sang cành khác. Tôi đang nhìn theo đường cong đu đưa đó thì nghe thấy ‘Rắc’ một tiếng, cành cây gãy, tim tôi như thắt lại, không biết nó có bị rơi xuống không?

Tôi không kìm được kêu ‘Á’ một tiếng, đúng lúc ấy thì nhìn thấy thân ảnh ấy đứng ngay trước mặt, tôi nhìn thấy hết sức rõ ràng, đó là gương mặt người, lại còn lè lưỡi ra, không biết đây là khỉ hay người?

Chưa dứt tiếng kêu thì nó vẫy đôi cánh, tạo ra một luồng gió, bay vút lên cùng tiếng kêu vọng lại.

Sư phụ…” - tôi quay đầu gọi lớn, thì thấy Sư phụ nét mặt trầm ngâm.

Đây là loài thú hay loài chim ạ?”.

Đó là chim Chuy, không biết bay từ đâu đến, chỉ cần nó xuất hiện là có việc không hay rồi”.

Chỉ là một con chim mà, nó mang đến bệnh tật chăng?”.

Sư phụ lắc đầu, nhìn về hướng chim Chuy bay, chầm chậm nói: “Theo truyền thuyết, chim Chuy xuất hiện, kẻ đọc sách sẽ gặp tai ương, nó không phải là động vật may mắn, mà ám chỉ tai nạn sẽ phát sinh”.

Loài chim kỳ lạ đó, tương truyền là con trai Đan Chu của Nghiêu Đế huyễn hóa mà thành. Đan Chu không có đức hạnh như cha, nên không được thu xếp làm lãnh tụ. Đan Chu rất thất vọng, oán hận lớn dần ngưng kết thành một lời nguyền, và ông ta bị hóa thành chim Chuy. Chỉ cần chim Chuy xuất hiện, là báo hiệu người đọc sách sẽ gặp họa lớn, bị lưu đày gặp vận xui liên miên.

Chỉ cần chim Chuy xuất hiện, là báo hiệu người đọc sách sẽ gặp họa lớn - Hình minh họa phượng hoàng chín đầu của Sơn hải kinh. (Phiên bản màu triều đại nhà Thanh)

Trong tâm tôi có chút vui mừng, may sao mình không phải là ‘kẻ đọc sách’, nên chim Chuy xuất hiện, không có gì liên quan. Nhưng sư phụ nói tiếp: “Người đọc sách, nếu cần cù chịu khó, không theo đòi thói hư, nhất định sẽ làm quan tốt. Con nghĩ xem, người bị lưu đày, đều là những người không ngại kỵ húy mà dùng lời ngay thẳng can gián, hoặc những vị kiên thủ nguyên tắc giữ vững bổn phận. Quan tốt như vậy mà bị lưu đày hoặc bị coi thường, con nghĩ xem sẽ phát sinh ra sự tình gì!”.

Lời sư phụ nghiêm trọng như vậy, khiến tôi day dứt mấy ngày. Nhưng trời thì cao mà hoàng đế thì xa, tôi nghĩ nếu có việc gì thì cũng chẳng liên lụy đến mình. Thế là tôi kê gối vô ưu ngủ khò, mấy ngày sau có một vị thư sinh gầy gò tới hiệu thuốc vào một buổi chiều muộn.

Thư sinh ấy trong sạch nhẹ nhàng, tuổi chưa cao, nhưng nhìn trông già nua, mặt xanh rớt, dáng thiếu đói. Tôi chau mày nhìn chằm chặp, lòng lo lắng. Khi vị ấy đi vào, không nói lời nào, nhưng sư phụ dường như đã biết, không hỏi vị kia, mà gọi tôi: “Tiểu Nạn, con đi chuẩn bị đồ ăn mang ra đây”.

Tôi lấy trong nồi hấp ra một cái bánh bao nhân thịt, một cái bánh bột, đặt lên đĩa mang ra, rót một cốc nước to, vị thư sinh cũng không khách sáo, ăn miếng rất to, xem ra ông rất đói. Xong nửa bánh bao, nửa cốc nước, ông mới nói:

Nam Sơn tiên sinh…”.

Vị thư sinh ấy kể, do gia cảnh bần cùng, nên lập chí học hành từ nhỏ, hiềm nỗi thi cử lận đận suốt mười mấy năm, năm ngoái mới thi đỗ, vừa nhậm chức làm được một tháng, nhưng công việc sai sót nhiều nên bị cách chức quan.

Cháu đã đến đường cùng rồi, là do cháu làm không tốt sao? Sao vận rủi cứ theo liên miên? Nghe một người bạn nói, tiên sinh đây cho một phương thuốc, uống xong tinh thần tăng lên bội phần, cháu muốn xin tiên sinh phương thuốc ấy, giúp cháu tăng thêm sức lực làm việc…”.

Cậu nói là nhiều năm trước có một người tên Lý Kỳ đến đây, anh ta bây giờ chắc là quan huyện rồi chứ?”.

Đúng thế ạ, anh ấy là bạn thân của cháu, anh ấy bảo cháu rằng tiên sinh nhất định có cách giúp”.

Vấn đề của cậu khác hẳn với anh ta. Thế cục khi đó khá ổn định, anh ta chỉ là không thể chuyên tâm đọc sách, ta chỉ cho anh ta uống vài thang Đương Quy Thượng Phụ, đâu có gì đặc biệt”.

Chỉ có vậy thôi ư? Đương Quy Thượng Phụ thang? Đó là gì thế?”.

Đúng thế, chim Thượng Phụ xuất hiện ở phía nam núi này, nhưng rất khó gặp. Nó có lông đỏ hồng, có ba đầu, trên mỗi đầu có một đôi mắt, trên lưng có ba cánh, có sáu chân. Ăn thịt của nó thì tinh thần tăng gấp bội, không ngủ cũng không thấy mệt. Lý Kỳ chỉ cần thay đổi tính lười biếng của mình, nên chỉ cần dùng thứ đó”.

Thế cho cháu dùng Đương Quy Thượng Phụ thang có được không?”.

Mắt vị thư sinh ánh lên hy vọng.

Không được nữa rồi, vài ngày trước nơi này có xuất hiện chim Chuy, mỗi khi nó xuất hiện, là thời khắc mà kẻ đọc sách gặp nạn, cậu có làm nhiều nữa thì lại càng gặp nhiều tai ương, hãy cẩn thận!”.

Trên mặt thư sinh có chút hờn dỗi, nghe thầy nói như vậy lại càng ỉu xìu.

Nhưng ta có thể cho cậu thứ này mà mang về”.

Sư phụ nói xong, bắt đầu mở ngăn thuốc tìm kiếm, trông thấy ông bay lên đáp xuống như Thần, vị thư sinh mở mắt tròn không chớp.

(Theo “Câu chuyện trong Sơn Hải Kinh: Hiệu thuốc của Nam Sơn tiên sinh”)

Theo Trâu Đôn Lân - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Hiệu thuốc của Nam Sơn tiên sinh