Hồ linh dị nhất Trung Quốc: Hồ Bà Dương 1 ngày chìm 13 tàu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng 7 năm 2022, ở Trung Quốc xảy một trận hạn hán nghiêm trọng ở lưu vực sông Dương Tử. Hồ Bà Dương vốn là một hồ nước rộng lớn, nhưng khi nhìn từ ảnh vệ tinh, chúng ta có thể thấy hầu hết vùng nước của hồ đều đã khô cạn để lộ ra cả đáy hồ và những bãi bồi rộng lớn. Đây cũng là cơ hội ngàn năm có một để nghiên cứu những truyền thuyết và chuyện lạ từng xảy ra ở Hồ Bà Dương.

Tam giác quỷ Hồ Bà Dương

Một số nơi đáy hồ nhanh chóng bị cỏ dại lấp đầy, chỉ trong một thời gian ngắn từ một khu vực hồ nước đã biến thành một đồng cỏ. Có nơi chỉ còn lại những mảng đất khô nứt nẻ. Cảnh tượng trông rất hoang vắng. Trong một số bức ảnh chụp từ trên cao, khu vực khô hạn của hồ trông giống như một cái cây đã chết khô. Đợt hạn hán này quả thật rất nghiêm trọng.

Nhưng đây cũng là thời điểm hoàn hảo để khám phá những bí mật dưới đáy hồ, đặc biệt là giải mã một bí ẩn chưa có lời giải trong hơn 60 năm qua.

Ngược dòng thời gian trở lại năm 1945, trước khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc, một con tàu chở hàng nặng hàng nghìn tấn của Nhật Bản tên "Kobe Maru" đang di chuyển trên hồ Bà Dương. Con tàu này chứa đầy những bảo vật mà quân Nhật thu được từ Trung Quốc. Lộ trình của tàu Kobe Maru, con đường đi qua hồ Bà Dương là là lối duy nhất để vào sông Dương Tử.

Khi tàu Kobe Maru chuẩn bị đi từ Hồ Bà Dương vào sông Dương Tử, đi qua khu vực Đền Lão Gia, đột nhiên nổi lên một trận cuồng phong, những đám mây đen xuất hiện dày đặc trên bầu trời, trông giống như những con mắt đang nhìn chằm chằm vào con tàu này. Một tia sét đánh xuống, trong chớp mắt, tàu Kobe Maru đã vỡ thành hai, nhanh chóng chìm xuống đáy hồ. Chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi, một con tàu hàng nghìn tấn đã hoàn toàn biến mất khỏi mặt hồ, không có ai trong số thủy thủ đoàn sống sót.

Nhưng những điều kỳ lạ vẫn chưa dừng lại ở đó. Vài phút sau khi con tàu chìm xuống, sấm sét ngừng lại, bầu trời lại trong xanh, không một gợn mây, giống như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Câu chuyện này được lấy từ một bài báo tên là "Bermuda kinh hoàng của Trung Quốc - Báo cáo về Tam giác quỷ Hồ Bà Dương". Bài báo này được xuất bản vào năm 1991, ngay lập tức đã khơi dậy sự quan tâm của những thanh niên yêu nước ở Trung Quốc lúc bấy giờ, họ tự hào rằng, ở Trung Quốc cũng có khu vực tam giác quỷ Bermuda.

Tuy nhiên, bài báo này sau đó đã được chứng minh là do sự thêm thắt của tác giả dựa trên những truyền thuyết, và những câu chuyện khác nhau về hồ Bà Dương, nên trong bài báo này có cả những yếu tố cường điệu hóa trong văn học.

Tuy nhiên, mặc dù bài báo này lấy tư liệu từ những truyền thuyết, nhưng trong đó vẫn có những yếu tố thực tế. Hồ Bà Dương là hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc, tên cũ của hồ là hồ Bành Lãi. Hồ Bà Dương thông với sông Dương Tử. Trong mùa lũ, hồ sẽ tiếp nhận lượng nước thừa từ sông Dương Tử, làm cho diện tích hồ mở rộng nhanh chóng. Diện tích lớn nhất của hồ có thể lên đến hơn 4000 km vuông. Vào mùa khô thì ngược lại, diện tích hồ sẽ thu nhỏ, có lúc chỉ rộng vài trăm km vuông. Vì vậy, hồ Bà Dương giống như một túi nước khổng lồ bên cạnh sông Dương Tử

Tam giác Đền Lão Gia nằm ở phần giữa và phía bắc của hồ Bà Dương, là một nơi rất kỳ lạ. Khu vực này nằm gần huyện Đô Xương, tỉnh Giang Tây, được mệnh danh là "Tam giác quỷ" của Trung Quốc. Thời tiết ở đây thường xuyên thay đổi thất thường. Một phút trước có thể vẫn là trời trong nắng ấm, nhưng phút sau đó đã có thể là sấm chớp gió giật. Nếu gọi khu vực này là Tam giác quỷ, cũng không có gì lạ vì tàu thuyền qua lại khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý an toàn hàng hải Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, trong hơn 60 năm qua, hàng trăm tàu thuyền đã mất tích một cách bí ẩn hoặc gặp nạn ở vùng nước xung quanh đền Lão Gia. Trong số những chiếc thuyền gặp nạn, có những chiếc chỉ là thuyền đánh cá nhỏ, cũng có cả những con tàu lớn, có tải trọng hàng trăm tấn. Chỉ riêng trong ngày 3 tháng 8 năm 1985, có đến 13 con tàu bị chìm trong khu vực này. Đây là kỷ lục cao nhất về số con tàu gặp nạn ở đây trong một ngày.

Nhưng trong một khu vực hồ nước, chỉ có độ sâu dưới 20 mét, làm sao có thể xảy ra nhiều tai nạn như vậy?

Hồ Bà Dương phơi đáy. (Chụp video)

Thủy Quái Hồ Bà Dương

Vì vậy, người ta đưa ra rất nhiều cách giải thích. Một số người cho rằng vùng nước ở khu vực này có quái vật. Đó là loại thủy quái nào? Họ mô tả nó là một loài khắp thân đầy những con mắt. Chính con quái vật này đã khuấy đảo nước hồ khiến tàu thuyền gặp nạn.

Những người yêu thích UFO cũng đưa ra giải thích của họ. Họ nói rằng ở khu vực phía tây của hồ Bà Dương, họ đã nhìn thấy một UFO hình đĩa lên xuống trên mặt hồ, trong khoảng 7,8 phút.

Một số người khác nói rằng họ đã nhìn thấy một con rồng trắng nhỏ bay ra khỏi hồ. Con rồng có một cái đuôi khổng lồ giống như cái chổi. Khi rồng trắng bay lên trời sẽ có gió, mưa và sấm sét.

Nhìn chung, những cách giải thích này cho rằng ở gần Đền Lão Gia nếu không có người ngoài hành tinh thì cũng có một loại thủy quái, điều này khiến khu vực nước quanh Đền Lão Gia không an toàn. Các vụ đắm tàu ​vẫn thường xuyên xảy ra.

Những cách giải thích trên có vẻ rất ly kỳ, hấp dẫn nhưng đến nay vẫn không có hình ảnh hay chứng cứ nào để chứng minh, vì vậy câu chuyện về hồ Bà Dương vẫn được xếp vào mục tin đồn. Quái vật hồ Bà Dương và Tam giác quỷ hồ Bà Dương đã trở thành một trong những tin đồn phổ biến nhất ở Trung Quốc ngày nay.

Chuyện lạ từ những thư tịch cổ

Nhưng truyền thuyết không phải lúc nào cũng chỉ là tin đồn. Thực ra những truyền thuyết về hồ Bà Dương vẫn có những chứng cứ, tư liệu lịch sử có thể tra cứu được.

Có một cuốn sách đã ghi lại sự xuất hiện của rồng ở hồ Bà Dương tên là “Mộng Khê Bút Đàm”. Đây là một bộ bách khoa toàn thư rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tác giả của cuốn sách này là Thẩm Quát, một viên quan ở triều đại Bắc Tống thời vua Tống Thần Tông. Ông từng làm công việc trị thủy ở sông Biện, từng làm trạm trưởng của đài thiên văn, từng nhậm chức ở Khâm Thiên Giám, tham gia viết Địa lý chí, cũng từng làm quan chức ngoại giao, ngoài ra ông còn nghiên cứu toán học, làm quan ngũ phẩm của bộ tài chính.

Thẩm Quát có thể được xem là một con người tài năng, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Vào những năm cuối đời, ông đã viết cuốn “Mộng kha bút đàm”. Cuốn sách này là một bản tổng kết về những cảnh vật mà ông mà nhìn thấy, những địa điểm mà ông đã đi qua trong suốt cuộc đời. Tác phẩm này được nhà Hán học người Anh Needham gọi là “tác phẩm tiêu biểu của ngành khoa học lịch sử của Trung Quốc”. Câu chuyện mà Thẩm Quát ghi chép lại xảy ra vào thời kỳ giao tranh giữa nhà Tống và Việt Nam.

Trong chiến tranh Tống – Việt lần thứ hai, chúng ta đều biết rằng sức mạnh quân sự của nhà Tống so với các triều đại khác không mạnh lắm. Nhưng trong khoảng thời gian này, triều đại Bắc Tống cũng đã giành được một số chiến thắng. Khi đó, Vương Thiệu, một danh tướng thời Bắc Tống, đã có một số lần tấn công nước láng giềng ở phía Tây là Tây Tạng, giành lại được khu vực Tây Bắc, gồm năm châu trong đó khu vực thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Cam Túc ngày nay. Năm châu này trước loạn An Sử nằm dưới sự kiểm soát của nhà Đường. Sau thời nhà Đường, thì khu vực mất quyền kiểm soát, vì vậy thắng lợi này đã thể hiện sức mạnh của quân đội nhà Tống, mở rộng lãnh thổ hơn 2.000 dặm cho triều đại nhà Tống, được các nhà sử học gọi là "chiến dịch Hy Hà".

Cùng khoảng thời gian này, triều đại Bắc Tống cũng phải đáp trả cuộc tập kích vào biên giới phía Nam của triều đình nhà Lý ở Việt Nam. Câu chuyện mà Thẩm Quát ghi chép lại chính là cảnh tượng kỳ lạ khi đi ngang qua hồ Bà Dương trên đường hành quân xuống phía Nam.

Thẩm Quát viết rằng: Trong khi quân đội đang thẳng tiến về phía nam, đội thuyền chở quân nhu cũng đi về phía nam dọc theo sông Dương Tử. Trên đường đi, sóng gió rất lớn khiến tướng quân thống lĩnh rất lo lắng, phải tìm cách để chuyến đi được thuận lợi.

Khi đoàn thuyền đi qua hồ Bà Dương, đột nhiên có một con rồng trắng nhỏ từ trên trời bay xuống, rơi xuống boong của một chiếc thuyền trong đội, biến thành một con rắn. Vị tướng quân bối rối, không biết điều này có ý nghĩa gì. Quân sư ở bên cạnh chú ý quan sát thật kỹ, sau khi bấm đốt ngón tay tính toán, ông nói rằng: “Thưa tướng quân, theo như hạ quan nghĩ, con rồng trắng này tên là Bành Lãi Long, là Long Vương của hồ Bà Dương. Lần này bay đến đây, có lẽ là đến bảo vệ đoàn thuyền của chúng ta”.

Khi đoàn thuyền đi qua hồ Bà Dương, đột nhiên có một con rồng trắng nhỏ từ trên trời bay xuống. (Chụp video)

Tướng quân nghe xong, cho rằng phải đón tiếp con rồng chu đáo, ông sai người nhanh chóng mang ra đồ đựng tốt nhất trên thuyền, đổ đầy nước, sau đó cung kính đưa con rắn nhỏ vào trong. Kể từ đó, hành trình của đội thuyền rất thuận lợi, đi cả trăm dặm một ngày, cũng không gặp phải sóng to gió lớn. Khi đội thuyền đi đến Động Đình Hồ, con rắn liền biến mất. Lúc này vị tướng quân bối rối, quân sư nói: “Theo như hạ quan thấy, chúng ta đã đi qua hết khu vực của Bành Lãi Long, đoạn đường phía sau nó không quản lý nữa nên đã đi rồi”.

Sau này quân đội nhà Tống giành được thắng lợi. Đến lúc luận công ban thưởng, tướng quân đã mang việc bẩm tấu với Tống Thần Tông. Tống Thần Tông nghe xong, cho rằng rồng trắng bảo vệ quân nhu, có công với triều đình, phải được khen thưởng. Vì vậy, Tống Thần Tông ban cho Bành Lãi Long hiệu là Thuận Tề Vương. Tống Thần Tông đối với việc này rất nghiêm túc, không phải chỉ làm qua loa lấy lệ. Ông lệnh cho quan khâm sai mang chiếu thư đến tuyên chỉ rồi đốt ở bên hồ, làm đủ các bước để sắc phong cho con rồng trắng này.

Trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Trung cổ: Rùa cứu vua

Đây là sự việc xảy ra vào thời Bắc Tống. Hơn 200 năm sau, ở hồ Bà Dương lại xảy ra một sự việc huyền bí nổi tiếng trong lịch sử. Những những năm cuối thời nhà Nguyên, năm 1363, vào thời của Nguyên Thuận Đế, Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng quyết chiến trên hồ Bà Dương. Thủy quân của Trần Hữu Lượng có 60 vạn người, quân của Chu Nguyên Chương chỉ có 20 vạn người. Như vậy, tổng cộng có khoảng 80 vạn quân thủy chiến trên hồ Bà Dương. Đây là trận thủy chiến lớn nhất không chỉ trong lịch sử Trung Quốc, mà cả trong lịch sử thời Trung Cổ.

Kết quả của trận chiến này là Chu Nguyên Chương đại thắng, Trần Hữu Lượng tử trận. Nhưng trong ba ngày đầu tiên, diễn biến cuộc chiến lại bất lợi cho Chu Nguyên Chương. Quân của Chu Nguyên Chương người ít, thuyền nhỏ, đang ở thế bất lợi. Trong một lần bại trận, tình thế vô cùng nguy hiểm, Chu Nguyên Chương ngồi trên thuyền nhỏ, vội vàng chạy về phía Đền Lão Gia để thoát thân. Đương nhiên lúc đó vẫn chưa có Đền Lão Gia. Thuyền lớn của Trần Hữu Lượng truy đuổi ở phía sau. Nhìn thấy thuyền của mình sắp đuổi kịp Chu Nguyên Chương, nhưng Trần Hữu Lượng lại phát hiện rằng, thuyền của mình dù chèo thế nào cũng không di chuyển được.

Trần Hữu Lượng nghĩ rằng thuyền bị mắc cạn, nên phái người xuống dưới kiểm tra, liền phát hiện phía dưới có một con rùa rất lớn. Chính là do con rùa này giữ lại khiến thuyền không thể di chuyển được. Nhìn thấy thuyền của Chu Nguyên Chương sắp chạy thoát, không thế bắt được nữa. Trần Hữu Lượng dứt khoát ra lệnh, bắn đại bác. Đại bác của Trần Hữu Lưỡng bắt một rất chính xác. “Bùm” một tiếng, viên đạn đã trúng đuôi thuyền của Chu Nguyên Chương, làm thuyền toát một miếng lớn.

Nhìn thấy thuyền của Chu Nguyên Chương sắp chìm, Trần Hữu Lượng rất vui mừng, chuẩn bị uống rượu ăn mừng. Nhưng lúc đó đột nhiên bên cạnh thuyền của Chu Nguyên Chương xuất hiện một hòn đảo nhỏ, thì ra chính là con rùa lớn giữ thuyền của Trần Hữu Lượng lúc nãy đã đến bên cạnh thuyền của Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương không do dự, liền nhảy lên lưng rùa, cũng không nghĩ xem con rùa này có ăn thịt mình không, không biết rằng con rùa là đến để cứu mình hay là để kiếm ăn. Ông cho rằng, dù sao nếu con rùa không ăn ông, Trần Hữu Lượng bắt được nhất định cũng sẽ giết ông, dù thế nào cũng phải thoát khỏi tay Trần Hữu Lượng rồi tính tiếp. Thế là Chu Nguyên Chương liền nhảy lên lưng rùa.

Thuyền của Chu Nguyên Chương nhanh chóng chìm xuống, còn con rùa dùng tứ chi khuấy nước, cũng di chuyển rất nhanh. Trần Hữu Lượng ở phía sau chỉ biết ngây ra nhìn, không nén nổi thở dài một tiếng: “Không phải là ta kém cỏi, mà là ông Trời đang giúp Chu Nguyên Chương. Thật không công bằng! Thật không công bằng!”.

Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương. (Chụp video)

Sau khi Chu Nguyên Chương xưng đế, ông cho xây một ngôi đền nơi con rùa lớn đã cứu mình, phong rùa làm Nguyên tướng quân. Khi đó đền này được đặt tên là đền Long Vương. Vào thời Quang Tự nhà Thanh, đền được đổi tên thành đền Định Giang Vương, nhưng người thời đó quen gọi Vương gia là Lão gia. Vì vậy sau này đền được gọi là Đền Lão Gia. Tên gọi này được dùng đến ngày nay. Ngày nay, hai bên của Đền Lão Gia vẫn còn lại bia đá ghi chép về câu chuyện con rùa đã cứu Chu Nguyên Chương.

Vậy con rùa lớn mà Chu Nguyên Chương đã gặp có phải là một dạng biến hóa của con rồng nhỏ được Thẩm Quát mô tả trong “Mộng Khê Bút Đàm” không? Bởi vì trong hệ thống thần thoại Trung Quốc, rùa cũng là một loài của Long tộc. Con rùa mang Lạc thư đến cho vua Đại Vũ trông giống như một con rùa, nhưng thực ra cũng là một loại rồng. Những câu chuyện truyền thuyết này trong văn hóa truyền thống Trung Quốc là điềm lành, là dấu hiệu của Thiên mệnh. Nhưng trong mắt của con người hiện đại, thì chính là thủy quái, những sinh vật từ thời cổ đại, hoặc là những sinh đến từ các vũ trụ song song.

Lý giải khoa học

Cũng có người cố gắng đưa ra các giả thuyết khoa học, để giải thích hiện tượng siêu nhiên gần Đền Lão Gia. Một trong số đó là thuyết dòng nước xoáy. Họ cho rằng không phải do thủy quái hay Long Vương gây ra những sự việc kỳ lạ hay những vụ đắm tàu mà đó là do dòng nước chảy xiết, ở dưới đáy nước có dòng nước xoáy tạo thành.

Giống như nội dung chúng tôi đề cập ở trên, Hồ Bà Dương có hình một chiếc túi. Miệng túi nối sông Dương Tử, vừa dài vừa hẹp, dài khoảng 24 km, chỗ rộng nhất là 15 km, chỗ hẹp nhất chỉ 3 km, độ sâu của nước ở đây khoảng 30 mét, tương đương với một tòa nhà 10 tầng. Phần miệng túi thuộc vùng nước phía bắc của hồ Bà Dương. Phần thân túi là vùng nước phía nam của hồ Bà Dương, phần này rộng và bằng phẳng, nối với phụ lưu các sông Cán Giang, Phủ Hà, Nhiêu Hà, Tín Giang, v.v. Có hai hòn đảo gần vùng nước Đền Lão Gia, trong đó một đảo tên là Tùng Môn Sơn, còn một đảo khác là Tiểu Cơ Sơn, chia vùng nước ở đây thành phần cổ túi và thân túi.

Khu tam giác Đền Lão Gia thuộc vùng nước phía bắc ở cổ túi. Nước từ sông Dương Tử khi chảy đến địa điểm này, đập vào bờ hồ, làm đổi hướng dòng chảy, sau đó dòng chảy lại đổi hướng theo một góc khác để chảy vào khu vực nước phía nam ở thân túi. Dòng nước ở phía nam hồ Bà Dương rất ôn hòa, tốc độ dòng chảy chỉ dưới 0,3 m/s, nhưng nước ở khu vực xung quanh Đền Lão Gia chảy nhanh hơn với tốc độ 1,54 m/s. Vào mùa nước lũ, nước chảy xiết hơn, ở những chỗ hẹp, tốc độ nước có thể lên đến 3 m/s.

Thuyết dòng nước xoáy giải thích như thế này: bởi vì những nhánh phụ lưu của hồ Bà Dương và sông Dương Tử gặp nhau ở khu vực xung quanh Đền Lão Gia, cho nên dòng nước ở đây chảy xiết, phía dưới luôn có xoáy nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem kỹ trên bản đồ sẽ thấy rằng, thực ra phần lớn dòng nước đều từ phía nam đổ vào hồ Bà Dương, sẽ bị chắn bởi hai hòn đảo Tùng Môn Sơn và Tiểu Cơ Sơn, nên những dòng chảy này không liên quan đến xoáy nước ở khu vực phía bắc.

Như vậy, những xoáy nước này được hình thành như thế nào? Thậm chí ở dưới đáy hồ có xoáy nước hay không, thật ra vẫn không thể chắc chắn được. Nếu tiếp tục suy luận, cho dù thực sự có những xoáy nước như vậy, cũng không thể giải thích được tại sao khu vực xung quanh Đền Lão Gia thường có hiện tượng gió mưa sấm sét hoặc cuồng phong. Những điều này giải thích như thế nào?

Những năm đầu thế kỷ 20, truyền thuyết về tàu Kobe Maru trở nên rất nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông. Một chuyên gia về nước ngầm tên là Hàn Lễ Hiền, đã xuất hiện và phát biểu rằng: “Qua điều tra của tôi, ở thành phố Đô Xương và Cơ Sơn gần hồ Bà Dương, và cả khu vực miệng túi của hồ, có rất nhiều hang động đá vôi và dòng nước ngầm. Mỗi hang động và dòng nước ngầm này đều có trường điện từ riêng của mình, vì vậy có thể tạo ra sấm chớp”.

Cách giải thích này tương đối mơ hồ, cũng không nhận được sự tán đồng của những chuyên gia khác. Sau đó, mọi người mới tìm hiểu được. Chuyên gia họ Hàn này là ai? Ông ấy đúng là một chuyên gia, nhưng là một chuyên gia “khoan giếng”. Trong khi làm việc, Hàn Lễ Hiền đã khoan hơn chiếc 200 giếng gần Đền Lão Gia. Chuyên gia này cũng là nhân viên lâu năm của một nhà máy khai thác cát, vì vậy độ tin cậy của cách giải thích nguyên nhân “sấm chớp” của vị chuyên gia khoan giếng cũng không cao.

Năm 1985 Cục khí tượng Thiểm Tây lập ba đài quan sát thời tiết ở gần Đền Lão Gia để theo dõi thời tiết ở đây trong vòng một năm. Họ đã thu thập được hơn 200.000 bộ dữ liệu khí tượng. Kết luận cuối cùng mà họ đưa ra, đó là vùng nước gần Đền Lão Gia là một khu vực gió hiếm ở tỉnh Giang Tây. Sức gió tối đa ở đây có thể lên đến cấp 16, tốc độ gió có thể đạt đến 200 km/h. Vì vậy, những cơn gió xuất hiện đột này có thể làm cho các con tàu gặp nạn.

Cách giải thích này nghe có vẻ hợp lý. Nhưng bạn hãy suy nghĩ kỹ một chút, sẽ thấy rằng có những điểm sơ hở.

Đầu tiên là khái niệm gió cấp 16 là gì. Theo sách hướng dẫn do Cục Khí tượng Trung Quốc ban hành năm 2001, gió trên cấp 12 được gọi là bão. Cấp độ gió tối đa trong sách hướng dẫn này là cấp 17.

Bão có cường độ trên cấp 12, chúng ta không thể gặp trong đất liền, bão có cường độ này chỉ có ở trên biển. Bão cấp 16 cũng thường kèm theo sóng thần. Vì vậy, dữ liệu gió cấp 16 này, nếu không phải là do Cục Khí tượng đã đưa ra những con số sai lệch, thì có lẽ họ đã không thực hiện chức năng giám sát nào cả, chỉ nói bừa một con số.

Gió cấp độ 16 ở đây có lẽ cũng là một “tin đồn”. Dữ liệu quan sát xác thực nhất cho đến nay là từ một bài báo khoa học được đăng vào tháng 7 năm 2020, trích dẫn các số liệu quan sát thời tiết. Báo cáo này cho biết tốc độ gió tối đa ở đây là 31 m/giây, có nghĩa là 111,6 km/h, đây là cường độ gió cấp 11. Tốc độ gió này được ghi nhận vào ngày 8 tháng 4 năm 1982, tại Đài quan sát thời tiết ở hồ Bà Dương. Vì vậy những trận gió lạ xuất hiện đột ngột ở gần Đền Lão Gia là điều có thật, nhưng cường độ gió không phải là cấp 16.

Sau đó có người thử tìm cách giải thích khác. Họ cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ dãy núi Lư Sơn. Dãy núi Lư Sơn ở phía bắc của vùng nước Đền Lão Gia, cách vùng nước này khoảng khoảng 5 km, chạy song song với dòng nước ở đây. Khi gió bắc thổi đến, dòng không khí theo sông Dương Tử thổi về phía nam, gặp phải dãy Lư Sơn nên bị nén lại. Còn về địa hình ở khu vực Đền Lão Gia là một hình nón có đáy to, đỉnh nhỏ. Dòng không khí tràn vào lối vào của hình nón. Đền Lão gia nằm ở chỗ hẹp nhất của lối vào nên tốc độ gió ở đây cũng cao nhất, hiện tượng này trong khoa học gọi là “hiệu ứng ống hẹp”. Vì vậy sẽ tạo thành những cơn cuồng phong, có thể tạo ra sóng to gió lớn.

Những con sóng lớn dưới tác dụng của gió sẽ tạo ra lực va đập rất mạnh. Nếu một con tàu tình cờ đi qua đây vào thời điểm này thì có thể sẽ gặp phải xui xẻo. Những người trên tàu sẽ thấy những trận cuồng phong đột nhiên xuất hiện, sóng lớn nổi lên và thuyền của họ nhanh chóng bị chìm. Những người may mắn sống sót ở trong trạng thái sợ hãi tột độ sẽ làm trí nhớ của họ lệch lạc, cho rằng mình đã gặp phải thủy quái. Đồng thời, cộng thêm sự thêm thắt của các nhà văn khiến thủy quái hồ Bà Dương trở nên nổi tiếng hơn.

Lời giải thích này nghe có vẻ hợp lý. Nhưng một số người thích bắt bẻ lại tìm cách chất vấn. Không phải chỉ một chỗ có địa hình hình nón như vậy. Ở gần vùng nước Đền Lão Gia, còn có rất nhiều chỗ khác có địa hình hình nón giống như vậy, vì sao không có khu vực Đền Lão Gia thứ hai?

Còn một vấn đề khác cũng khiến chúng ta khó hiểu. Ở đây xảy ra nhiều vụ đắm tàu như vậy, vậy xác những con tàu này ở đâu? Chúng phải nằm ở đáy hồ đúng không?

Tam giác quỷ Đền Lão Gia - Hồ Bà Dương, khi bình thường và khi hồ cạn đáy. (Chụp video - qua Epochtimes)

Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2022, khi đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở khu vực hồ Bà Dương, lượng nước trong hồ giảm mạnh, đáy hồ ở khu vực gần Đền Lão gia lộ ra, nhưng không thể tìm được xác của những con tàu đắm. Lẽ nào xác của những con tàu này đã đi vào một vũ trụ song song nào đó?

Những vụ đắm tàu ​​thực sự đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, đây là sự thật đã được ghi chép lại. Quan sát những bức ảnh chụp hồ Bà Dương, bạn có phát hiện ra manh mối nào không?

Dù tìm kiếm rất kỹ cũng không phát hiện ra chút bất thường gì. Quan sát tất cả những tấm ảnh vệ tinh và ảnh chụp từ trên cao cũng chỉ nhìn thấy lòng hồ khô cằn hoặc đầy bùn lầy. Vì vậy, có người đoán rằng có phải do lớp phù sa dưới đáy hồ quá dày đã che lấp những mảnh vỡ xác tàu không. Nhưng đó vẫn chỉ là phỏng đoán, cần phải làm nghiên cứu thực nghiệm để chứng minh.

Mặc dù việc không tìm thấy xác tàu nào có vẻ rất kỳ lạ, nhưng dưới đáy hồ cũng không có dấu vết của thủy quái. Vậy điều này có thể bác bỏ những câu chuyện truyền thuyết ở trên, hay sẽ làm mọi thứ càng thêm huyền hoặc. Điều này cũng không thể nói rõ được.

Tóm lại là tất cả những hiện tượng kỳ lạ về hồ Bà Dương, Đền Lão Gia và truyền thuyết về thủy quái, về mặt khoa học, hiện tại không có lời giải thích hoàn hảo nào.

Vì vậy, truyền thuyết về thủy quái, câu chuyện thần thoại về rồng trắng ở hồ Bà Dương vẫn được nhiều người tin. Trước khi xảy ra đợt hạn hán năm nay, những người sống bên hồ khi đi lại trên hồ, theo phong tục, họ đều phải đến Đền Lão Gia để cúng bái để xin Long Vương hoặc Thần Rùa bảo hộ bình an.

Theo Wenzhaostudio

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hồ linh dị nhất Trung Quốc: Hồ Bà Dương 1 ngày chìm 13 tàu