Hồ sơ tuyệt mật Thế chiến thứ II: màn trình diễn 'ảo thuật' chưa từng có [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong quân đội Anh, họ được gọi là "Đội quân ảo thuật". Ngay sau đó, quân Đức ném bom cảng Alexander liên tục trong 8 đêm nhưng cảng Alexander vẫn nguyên vẹn, không hề hấn gì sau vụ đánh bom.

Nếu một người có thể bay lên mái nhà, đi trên tường, lấy vật ở không gian cách xa, hô mưa gọi gió, lên trời xuống đất, thì ở phương Đông chúng ta có thể nói rằng người đó nếu không phải Thần, thì chính là người có công năng đặc dị, hoặc thần thông như Tôn Ngộ Không.

Còn ở phương Tây họ gọi những người này là nhà ảo thuật và gọi công năng đặc dị là pháp thuật hay ảo thuật. Mọi người đều có thể nghe đến Harry Potter? Vâng, đó là một trường hợp như vậy. Nhưng liệu phép thuật của Harry Potter có phải là công năng đặc dị mà chúng ta thường nói tới không?

Hôm nay xin được chia sẻ cùng các đọc giả một câu chuyện có thật liên quan tới chủ đề này.

Vào tối ngày 24 tháng 6 năm 1941, một đội máy bay ném bom của Đức hùng hổ ép sát cảng Alexander của Ai Cập. Mục đích của đội quân lần này rất rõ ràng là làm nổ tung cửa cảng này, phá hủy đường tiếp tế của quân Đồng minh ở Địa Trung Hải.

Sau khi khóa cứng mục tiêu, theo lệnh của chỉ huy, bom được ném xuống. Ngay lập tức, mặt đất như một biển lửa, cứ thế ném bom liên tục trong 8 ngày. Ai nấy đều chắc chắn rằng, sau một cuộc không kích như vậy, cảng lớn Alexander chắc chắn sẽ bị tàn phá và thành đống đổ nát.

Nhưng trên thực tế, cảng Alexander vẫn bình an vô sự, không hề tổn hại một chút nào. Nó giống như một màn trình diễn ảo thuật tuyệt vời như trong mơ và ai là đạo diễn của màn ảo thuật này? Đó chính là ảo thuật gia nổi tiếng người Anh Jasper Maskelyne.

Máy bay Đức ném bom 8 ngày liên tiếp nhưng cảng Alexander vẫn bình yên vô sự (Ảnh minh họa: Archive Photos/Getty Images)

Trước khi giới thiệu về ảo thuật gia vĩ đại này, hãy cùng xem ông thể hiện tài năng của mình trên sân khấu của Thế chiến II như thế nào.

Thể hiện sức mạnh của ‘công năng dịch chuyển’

Tháng 5 năm 1941 là thời điểm Thế chiến II ở trong giai đoạn căng thẳng. Quân đội Anh nắm được thông tin tình báo cho biết quân đội Đức sẽ thực hiện một cuộc ném bom quy mô lớn vào cảng Alexander của Ai Cập.

Đúng lúc quân đội Anh đau đầu chưa nghĩ ra cách bảo vệ Alexander tránh khỏi cuộc ném bom ban đêm của không quân Đức, bỗng có một người đã đứng lên và nói rằng anh có thể bảo vệ Alexander.

Vậy là một nhóm thợ mộc, thợ điện, kiến ​​trúc sư, nhà hóa học, chuyên gia thiết kế sân khấu, họa sĩ và chuyên gia phục chế ảnh - những người có cùng chí hướng, đã nhanh chóng được anh ấy tề tựu lại. Trong quân đội Anh, họ được gọi là "Đội quân ảo thuật".

Ngay sau đó, quân Đức ném bom cảng Alexander liên tục trong 8 đêm nhưng cảng Alexander vẫn nguyên vẹn, không hề hấn gì sau vụ đánh bom.

Hóa ra "Đội quân ảo thuật" đã tìm thấy một địa điểm có tên là Vịnh Mayotte ở bên ngoài cách cảng Alexander vài km. Nơi đây không có người ở, nhưng nó rất giống với cảng Alexandria về cả địa hình và bên ngoài. Đạo diễn của "Đội quân ảo thuật" ra lệnh cho mọi người trong nhóm lắp đặt đèn tại vịnh Mayotte giống y hệt với cửa cảng và thành phố, để đèn sáng suốt cả đêm.

Đồng thời, người dân Alexander được yêu cầu hợp tác với hành động này, suốt đêm không được bật đèn. Và màn kịch đầy kịch tính trong lịch sử đã được dàn dựng như thế này. Quân Đức hoàn toàn không biết gì đã nhầm Vịnh Mayotte với Alexandria và đánh bom liên tiếp trong 8 đêm. Cảng Alexander không mảy may hư tổn.

Mê hồn trận

Màn ‘dịch chuyển’ cảng Alexander hết sức tài tình của “Đội quân ảo thuật” đã thành công vang dội. Vì vậy, các tướng lĩnh của quân đội Anh trở nên rất phấn khích.

Kênh đào Suez là một huyết mạch quan trọng của lực lượng Đồng minh trong Thế chiến II. Nó cũng bảo đảm cung cấp hậu cần cho quân đội Anh.

Để đảm bảo rằng đường tiếp tế này không bị kẻ thù phá hủy, quân đội Anh giăng lưới chống ngư lôi ở một số đoạn dưới nước kênh đào Suez. Để cắt đứt lưới chống ngư lôi và phá hủy hoàn toàn đường tiếp tế quân sự này, vào đầu tháng 9 năm 1941, không quân Đức lên kế hoạch ném bom xuống kênh đào Suez.

Ảnh chụp trên không cửa vào phía Nam Vịnh Suez nối kênh đào Suez (Nguồn ảnh: Mahmoud KHALED / AFP)

Sau khi thu được tin tình báo Đức, quân đội Anh đã ngày đêm bàn bạc. Cuối cùng, họ quyết định một lần nữa nhờ cậy tới Jasper Maskelyne và "Đội quân ảo thuật" của anh, sử dụng thuật tàng hình để ẩn Kênh đào Suez.

Kênh đào Suez dài 175 km từ bắc xuống nam. Nhiều đèn rọi đã được lắp đặt dọc theo bờ biển để thuận tiện cho việc di chuyển quanh kênh của tàu thuyền vào ban đêm.

Vì vậy, dựa trên cơ sở vật chất hiện có của con kênh, Jasper đã chế tạo 24 chiếc quạt thông gió khổng lồ. Các cánh quạt được làm bằng gương kính và chúng được lắp đặt trên các đèn rọi dọc kênh. Vào ban đêm, khi đèn rọi được bật lên, chiếc quạt gió khổng lồ bắt đầu quay.

Lúc này cánh quạt làm bằng gương kính sẽ phản chiếu ánh sáng của đèn rọi lên không trung, độ cao có thể lên tới gần 15 km, đúng bằng cao độ bay của máy bay ném bom. 24 chiếc đèn rọi được kích hoạt cùng với quạt gió, hình thành một vành đai ánh sáng mạnh mẽ trên bầu trời.

Khi máy bay tiến vào khu vực này, ánh sáng chói lóa có thể khiến phi công không thể mở mắt nổi, không thể nhìn thấy mục tiêu trên mặt đất. Vì vậy, khi cánh quạt quay tạo ra hiệu ứng ánh sáng trên không, kênh đào Suez giống như là “biến mất”.

Đến tối ngày 5 tháng 10, theo lịch trình các máy bay ném bom của Đức đi vào bầu trời trên kênh đào Suez, đột nhiên xuất hiện phía trước một luồng sáng trắng mạnh mẽ, xoay tròn dữ dội. Ánh sáng vô cùng chói buộc người phi công phải nhắm mắt ngay lập tức. Khi mở mắt ra lần nữa, phi công phát hiện đó là một dải sáng và nó quấn chặt quanh chiếc máy bay ném bom. Dù phi cơ bay thế nào cũng không thể thoát ra khỏi dải ánh sáng này.

Phi công Đức đành phải thả bom không mục tiêu và vội bay về căn cứ. Họ nói: “Kênh đào Suez to lớn như vậy đã bị quân đội Anh ‘tàng hình’ đi hoàn toàn”.

Quân đội ma

Điều tuyệt vời hơn nữa là trong trận chiến El Alamein, Jasper đã sử dụng ảo thuật làm rối loạn thị giác và thính giác của quân Đức, làm quân Đức vô cùng kinh hãi phải rút lui.

Vậy rốt cuộc ảo thuật gia này đã làm gì?

Theo tư liệu lịch sử, trận chiến El Alamein là một bước ngoặt của chiến trường Bắc Phi trong Thế chiến II. Trận chiến kéo dài từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11 năm 1942. Chiến thắng của lực lượng Đồng minh trong trận chiến này đã làm xoay chuyển cục diện trên chiến trường Bắc Phi. Hy vọng của quân Đức chiếm lĩnh Ai Cập, kiểm soát kênh đào Suez và các mỏ dầu ở Trung Đông đã tan thành mây khói.

Tướng đồng minh Montgomery có kế hoạch sử dụng hai đội biệt kích, xuyên qua các bãi mìn của quân đội Đức đặt ở phía bắc. Sau đó, lực lượng thiết giáp đi qua các bãi mìn đã được rà phá bom mìn và đánh bại quân thiết giáp Đức. Đồng thời, để ngăn chặn quân đội phe trục còn lại không tiến lên phía bắc để tiếp viện, một số quân đội Đồng minh sẽ tập trung ở phía nam để giả vờ tấn công.

"Đội quân ma" quy mô cực lớn đã xuất hiện trên chiến trường Bắc Phi (Ảnh minh họa: European/FPG/Getty Images)

Vài tháng trước khi bắt đầu trận chiến, để cho quân Đức trở tay không kịp, vào tháng 9, quân Đồng minh đã ngụy trang các va li vứt đi và các vật phẩm khác, làm cho chúng trông giống như kho đạn và lương thực. Để làm cho kẻ thù càng thêm hoang mang, nghĩ rằng trận chiến sẽ bắt đầu ở phía nam, quân Đồng minh ở phía nam đã sử dụng ván ép để ngụy trang xe jeep thành xe tăng, còn ở phía bắc cũng dùng ván ép để ngụy trang xe tăng thành xe vận chuyển.

Như vậy "Đội quân ma" quy mô cực lớn đã xuất hiện trên chiến trường Bắc Phi, khiến quân Đức lầm tưởng rằng lực lượng Đồng minh rất hùng mạnh và không dám hành động hấp tấp. Đây chẳng phải là phiên bản hiện đại ‘không thành kế’ của Gia Cát Lượng sao?

Kỳ nhân trong Thế chiến II bị lịch sử cố ý lãng quên

Ảo thuật của Jasper không chỉ làm làm tan rã thế tấn công mạnh mẽ của quân Đức, mà còn khiến các tướng lĩnh phe trục quay như chong chóng. Khi quân đội Đức điều tra ra sự thật dẫn tới thất bại của họ tại các trận chiến trên, lập tức tên của Jasper bị liệt vào danh sách ắt phải truy sát của Đức Quốc xã.

May mắn thay, ông không bị ám sát và hưởng thọ tới 71 tuổi vào năm 1973. Những câu chuyện truyền kỳ về Jasper sử dụng "ảo thuật để thay đổi chiến tranh", từng được xem là cơ mật tác chiến cấp cao của quân đội Anh. Do đó, chúng chưa bao giờ được công khai.

Điều đáng tiếc là khi Jasper biểu diễn cho khán giả trên sân khấu, ông luôn nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt và chân thành nhất từ ​​khán giả; nhưng màn biểu diễn trên sân khấu lớn nhất trong cuộc chiến tranh vĩ đại của nhân loại của ông lại chưa bao giờ được khen ngợi hoặc thậm chí được chính thức công nhận. Giống như những màn ảo ảnh ông tạo ra, phép thuật của ông và bản thân nhà ảo thuật gia này cũng biến mất trong những trang lịch sử.

Nhà ảo thuật Jasper Maskelyne chuẩn bị 'cưa đôi' người trợ lý Maisie Wright tại Nhà Hát Whitehall ở London, năm1948. (Nguồn ảnh: Archive Photos/Getty Images)

Cho đến rất lâu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, sau khi nhà văn người Mỹ nổi tiếng David Fisher xuất bản cuốn tiểu sử sự thật về Jasper - "The War Magician" (Nhà ảo thuật chiến tranh), hồ sơ bí mật và cuộc đời huyền thoại của Jasper vốn bị che mờ, mới bắt đầu được công chúng để ý. David nhận định rằng Jasper đã biểu diễn màn ảo thuật lớn nhất trong lịch sử Thế chiến II.

Xuất thân của Jasper Maskelyne

Jasper Maskelyne sinh năm 1902, trong một gia tộc danh giá ở Anh. Ông nội của Jasper, thế hệ thứ tám của gia đình, John Maskelyne, được xem là cha đẻ của ảo thuật hiện đại. Từ bé, Jasper đã kế thừa những tuyệt kỹ từ ông nội. Lên 9 tuổi, ông đã có thể biểu diễn trên sân khấu.

Ngoài ra, Jasper còn sở hữu chiều cao 1,9 m, mái tóc dày đen, đôi mắt xanh thẫm và má lúm đồng tiền mê người. Ngoại hình nổi bật và kỹ năng tuyệt vời khiến ông trở thành một ảo thuật gia nổi tiếng trên toàn nước Anh vào những năm 1930.

Jasper có một gia đình hạnh phúc, vợ ông là Evelynn, là trợ lý của ông trên sân khấu và họ có hai con một trai, một gái đáng yêu. Giống như hầu hết các gia đình Anh, họ có một cuộc sống hạnh phúc và yên bình.

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức Quốc xã phát động cuộc chiến chớp nhoáng tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.

Vào thời điểm đó, Jasper giống như tất cả những người Anh, nghĩ rằng Pháp có tuyến phòng thủ Maginot mạnh mẽ, nước Anh có hải quân hùng hậu canh giữ eo biển Manche, quân Đức không thể chọc thủng được. Vì vậy, giống như tất cả người dân Anh, ông vẫn sống một cuộc sống yên bình, tới các sân khấu khắp nơi để tiếp tục biểu diễn ảo thuật.

Ngày 10/5/1940, quân đội Đức phát động “Kế hoạch vàng” xâm lược các nước Tây Âu. Pháp, Hà Lan và Luxembourg đã thất thủ sau khi bị quân Đức bắn phá, rồi cả châu Âu lần lượt thất thủ, chỉ còn lại một mình người Anh chiến đấu. Người dân Anh bắt đầu tự nguyện nhập ngũ, trong đó có Jasper Maskelyne.

Mặc dù lúc đó ông đã 40 tuổi, nhưng ông tin rằng những sở trường của mình sẽ hữu ích trong chiến tranh. Ông đã viết trong hồi ký của mình rằng "chiến tranh bùng nổ năm 1939, đối với mọi người mà nói, chắc chắn đó là việc không hay gì. Nhưng đối với mỗi người khác nhau, nó có những ý nghĩa khác nhau. Đối với tôi, đó là một sự kiện rất kỳ lạ nhưng đầy bất ngờ. Tất cả trí tưởng tượng và kiến ​​thức của tôi đều tập trung vào một vấn đề. Đó là làm thế nào để vận dụng những phương pháp trong ảo thuật để đối phó với Hitler”.

Nếu nhìn lại lịch sử gia tộc Maskelyne, có thể thấy rằng ông nội và cha của Jasper đều đã từng chiến đấu cho nước Anh. Trong Thế chiến I, cha ông ở trong quân đội Anh, đóng quân tại khu vực Ả Rập, chuyên chịu trách nhiệm làm các đạo cụ khiến kẻ thù bối rối như bù nhìn, vũ khí giả, v.v.

Có thể nói, gia tộc Maskelyne có truyền thống vì nước tham gia chiến trường, vì thế mới có những câu chuyện truyền kỳ Thế chiến II về Jasper Maskelyne như trên.

Gia tộc sở hữu công năng đặc dị

Gia đình Maskelyne có phương châm rằng: "Người của gia tộc sẽ không bao giờ rời đi, chỉ có thể biến mất mà thôi".

Truy lại lịch sử của gia tộc Maskelyne, chúng ta sẽ thấy rằng gia tộc này thực sự khác với người bình thường. Trong gia tộc của họ từng xuất sinh nhiều nhà khoa học, ảo thuật gia và người nổi tiếng.

Vào thời vua George III, thế hệ thứ ba của gia tộc - Nevil Maskelyne, từng là nhà thiên văn học của hoàng gia. Ông không chỉ đi đầu trong việc cải thiện độ chính xác của việc đo thời gian đến một phần mười giây, mà còn tính toán trọng lượng của trái đất và nhiều khám phá vĩ đại về chuyển động của các thiên thể.

Thế hệ thứ năm của gia tộc - Peter Maskelyne được cho là một nhà giả kim. Khi ông qua đời, mọi người lấy cuốn sổ của ông ra và công khai đốt nó đi. Trong ngọn lửa đốt đột nhiên bùng lên màu sắc sặc sỡ và kỳ lạ.

Đến đời thứ tám là chính là ông nội của Jasper - John Maskelyne. Ông là một nhà phát minh kiệt xuất, được các thế hệ sau công nhận là "Cha đẻ của ảo thuật hiện đại".

Màn “Ảo thuật cái rương” nổi tiếng trong giới ảo thuật, chính là phát minh của John Maskelyne, làm cho hai người chuyển đổi vị trí nhanh chóng. Ông còn có thể ‘bay’ lên khỏi sân khấu và hạ xuống chỗ đèn chùm pha lê.

Bạn có biết ai đã thiết kế bàn phím tiêu chuẩn của máy đánh chữ không? Chính là John Maskelyne. Bên cạnh đó, vào những năm 1870, ông còn tạo ra robot có thể chơi trò chơi đánh bài. Sáng chế kỳ diệu này tới nay vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Anh.

Ông John Maskelyne - cha của Jasper, là người thiết kế bàn phím tiêu chuẩn của máy đánh chữ (Nguồn ảnh: wikipedia)
Ông John Maskelyne - ông nội của Jasper, là người thiết kế bàn phím tiêu chuẩn của máy đánh chữ (Nguồn ảnh: wikipedia)

Điều kinh ngạc nhất là ông có thể triệu hồi linh hồn của chính mình và nói chuyện với nó. Đây là một siêu năng lực vượt xa phép ảo thuật.

Jasper người thừa hưởng tất cả các siêu năng lực của gia tộc, là hậu duệ đời thứ 10 của gia tộc Maskelyne. Ông không chỉ là một nhà ảo thuật, mà chính xác hơn là một ảo thuật gia chiến tranh, dùng sức mạnh của ảo thuật để chiến đấu chống lại kẻ thù xấu xa nhất trong lịch sử.

Câu chuyện của ông đã góp phần ghi vào lịch sử của gia tộc huyền thoại này và thậm chí lưu lại một trang ý nghĩa và kinh ngạc nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Vì vậy, bình luận về cuốn “The War Magician”, tờ Egypt Today viết: "Jasper đã mở ra một hồ sơ tối mật đã bị đóng kín trong nhiều thập kỷ".

Còn tờ New York Times bình luận: “Tại Bắc Phi, Jasper Maskelyne đã tạo ra kỳ tích chưa từng có trong giới ảo thuật”.

Nhưng có một điều, nhà ảo thuật chiến tranh Jasper rốt cuộc là thông qua phương pháp ảo thuật trên sân khấu hay là công năng đặc dị để thay đổi cục diện trong Thế chiến II?

Nếu như vào 10 năm trước, dường như chúng được xem như là câu chuyện truyền kỳ. Nhưng ở một góc độ khác, khi nhìn vào gia tộc này và những câu chuyện của họ, liệu chúng ta có cảm thấy đằng sau nó có một sự sắp xếp tất nhiên nào không? Nếu là như thế, thì dù Jasper biểu diễn tại sân khấu London hay trên sân khấu chiến trường, có thể ‘ảo thuật’ chỉ là lớp vỏ để che đậy cho ‘công năng đặc dị’, và cũng chẳng phải là cách làm của bậc ‘trí huệ’ hay sao?

Minh An
Theo kênh Xinbuxinyouni



BÀI CHỌN LỌC

Hồ sơ tuyệt mật Thế chiến thứ II: màn trình diễn 'ảo thuật' chưa từng có [Radio]