Họ, tên, tên chữ, tên tự của người xưa (4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa đối với tên gọi là rất thận trọng, ngoại trừ trưởng bối, quan trên, thông thường là không thể gọi thẳng tên một người. Ngay cả quan trên, thông thường vì lịch sự hoặc khiêm tốn, cũng không gọi tên của thuộc hạ.

Xem lại Phần 1; Phần 2; Phần 3

Năm, chiết tự họ thành tên

Chữ Hán là do một vài bộ thủ cấu thành, như chữ Giang là do 2 chữ Thủy và Công kết hợp mà thành, chữ Cá là do 2 chữ Nhân và Cố kết hợp mà thành, thành ra có người chiết tự họ của mình ra làm thành tên. Giống như nhà văn dân tộc Mãn Châu nổi tiếng Lão Xá. Lão Xá là bút danh của ông, họ tên ông nguyên là Thư Xá Dư (舒舍予), Xá Dư (舍予) là chiết tự của Thư (舒). Hay như chủ bút tòa báo ở Trung Quốc là Hứa Lệ Ngân, bút danh của ông là Hứa Ngọ Ngôn, Ngọ (午) và Ngôn (言) ghép vào chính là Hứa (許). Hoặc như nhà văn Trung Quốc Trương Trường Cung, Trương (張) chiết tự ra chính là Trường (長) và Cung (弓) [Người xưa đọc từ phải sang]

Theo thế thì khá nhiều họ có thể chiết tự thành tên, như Uông Thủy Vương (汪水王), La Tứ Duy (羅四維) hoặc La Tứ Tịch (罗四夕 - chữ giản thể), Diêu Nữ Triệu (姚女兆), Hà Nhân Khả (何人可), Phong Nhĩ Phong (酆耳豐) v.v…, nhưng không phải là họ nào cũng tách đôi ra thành chữ có ý nghĩa, cho nên sử dụng phương thức đặt tên này nói chung cần có chút hiểu biết văn tự.

Sáu, lấy tên người xưa để biểu thị ngưỡng mộ

Giống như Nhan Chi Thôi người Bắc Tề thời Nam Bắc triều, vì ngưỡng mộ Giới Chi Thôi người nước Tấn thời Xuân Thu, liền đặt tên là Chi Thôi, lại lấy họ "Giới" của Giới Chi Thôi làm tên tự.

Lại như nhà nghiên cứu văn tự Cố Dã Vương của Nam triều, vì kính phục tiến sỹ Phùng Dã Vương thời Tây Hán, nên lấy tên là Dã Vương, đồng thời lấy tên tự là Hi Phùng; Cố Tổ Vũ thời cuối Minh đầu Thanh vì kính ngưỡng Phạm Tổ Vũ triều Đường, lấy tên là Tổ Vũ, hơn nữa lấy tên tự Cảnh Phạm (“cảnh” có nghĩa kính ngưỡng). Cách đặt tên gọi và tên tự của Cố Dã Vương và Cố Tổ Vũ có thể nói là giống hệt nhau.

Phương thức đặt tên của người xưa đại thể có mấy loại kể trên, đương nhiên cũng không phải chỉ giới hạn trong 5 cách như vậy.

Nguồn gốc của tên tự

Người xưa đối với tên gọi là rất thận trọng, ngoại trừ trưởng bối, quan trên, thông thường là không thể gọi thẳng tên một người. Ngay cả quan trên, thông thường vì lịch sự hoặc khiêm tốn, cũng không gọi tên của thuộc hạ. Hơn nữa thời cổ đại, đa số là tên một chữ, như Phạm Lãi, Văn Chủng, Tiêu Hà, Trương Lương, Hàn Tín..., tên một chữ rất khó xưng hô, mà gọi cả họ cả tên người ta là rất không lễ phép, cho nên người xưa hầu như đều có tên tự, như bài trước đã từng nói qua thời cổ khi con trai làm lễ đội mũ, con gái làm lễ cài trâm thì được trưởng bối đặt tên tự cho.

Người xưa đặt tên tự cũng không tùy tiện. “Tự” thông thường là 2 chữ, để tiện cho người khác xưng hô, thường liên quan đến đức tính hoặc tên tuổi người ta, như “Nhan thị gia huấn tập giải” có ghi lại như sau:

"Lương Hiếu Vương cùng con là Lưu Giả vào triều kiến, Giả còn nhỏ, Đậu Thái hậu rất muốn cho làm lễ đội mũ, Vương tạ mà rằng: ‘Theo lễ, 20 tuổi đội mũ, đội mũ xong có tên tự, tên tự để bày tỏ đức, không thể miễn cưỡng được!’”

Có thể thấy "Tự" không phải là tùy tiện chọn 2 chữ êm tai đẹp mắt, mà cũng phải có một chút nguyên tắc, thường có vài loại phương thức như sau:

Một, liên quan đồng nghĩa với tên chính

Tên tự liên quan đồng nghĩa với tên gọi chính (Danh), chính là ý nghĩa của Tự và Danh gần nghĩa nhau, hoặc bổ trợ liên đới với nhau, như đệ tử Phàn Tu của Khổng Tử, tự Tử Trì. Tu và Trì, đều có ý là chờ đợi.

Mẫn Tổn, tự Tử Khiên, Tổn và Khiên đều có nghĩa hao hụt.

Nhan Hồi, tự Tử Uyên, theo “Thuyết văn giải tự” chỉ ra thì "Uyên, hồi thủy dã. Hồi, uyên thủy dã." Cho nên Uyên, Hồi là từ cùng nghĩa, cùng chỉ vực nước sâu.

Chân dung Nhan Hồi. (Phạm vi công cộng)

Hay như Cát Lượng, tự Khổng Minh; Đào Tiềm, tự Uyên Minh; Tô Thức, tự Tử Chiêm, "Thức" là cái đòn ngang bằng gỗ đằng trước xe, người trên xe khi đứng lên thì vịn vào đấy thì có thể nhìn ra xa, mà "Chiêm" thì có nghĩa là nhìn xa, nhìn cao như trong “chiêm ngưỡng”.

Tằng Củng tự Tử Cố, Củng cũng chính là Cố; Triệu Vân tự Tử Long, tục ngữ nói mây và rồng theo nhau; Đường Dần tự Bá Hổ, Bá chỉ vai vế, còn Dần chính là con giáp thứ 3, tức con Hổ.

Những ví dụ này đều là Tự và Danh có ý nghĩa tương đồng. Thời cổ, cũng nhiều người Hồ phương Bắc lấy tên tự theo phương thức này, như đại thần Bắc Tề là Hộc Luật Kim, tổ tiên có lẽ là người Sắc Lặc, ông chính là người sáng tác trường ca nổi tiếng “Sắc Lặc Xuyên”, tên tự của ông là “A Lục Đôn”, có ý nghĩa là “vàng kim”, con ông là Hộc Luật Quang, tự Minh Nguyệt, Minh Nguyệt tất nhiên có "Quang". Nói chung ví dụ cùng loại có thể nói là nhiều không kể xiết.

Hai, tên tự và tên chính tương phản

Tên tự và tên chính tương phản, trái nghĩa, như đệ tử Khổng Tử là Đoan Mộc Tứ, tự Tử Cống, Tứ là bề trên ban thưởng cho bề dưới, Cống là bề dưới trình lên bề trên, cho nên Cống và Tứ là tương phản; tướng nước Sở là Đường Muội, tự Tử Minh, Muội là ám muội, tương phản với nó là Minh; Chu Hi tự Nguyên Hối, Hi là quang minh, mà Hối lại là hắc ám; Quản Đồng tự Dị Chi, Hàn Dũ tự Thoái Chi, Vương Niệm Tôn tự Hoài Tổ, Liên Chiến tự Vĩnh Bình... những tên tự này đều là tương phản với tên chính, không hiếm thấy thời xưa.

Tử Cống- một trong thập đại đệ tử của Khổng Tử - dùng tư tưởng Nho gia để chỉ đạo kinh doanh thương mại. (Phạm vi công cộng)

Ba, tên chính và tên tự ở trong cùng điển tích, thành ngữ

Ví dụ như Tiền Khiêm Ích, tự Thụ Chi; trong sách “Thượng thư” có câu "Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích", cho nên lấy tên Khiêm Ích, lấy tên tự Thụ Chi. Hay như Tào Tháo tự Mạnh Đức, theo “Tuân tử - Khuyến học” có đoạn: "Học dã giả, cố học nhất chi dã... Thị cố quyền lợi bất năng khuynh dã, quần chúng bất năng di dã, thiên hạ bất năng đãng dã. Sinh hồ do thị, tử hồ do thị, phù thị chi vị đức tháo." ("Học tập phải chuyên nhất... Cho nên quyền lợi không thể làm cho khuynh đảo, đám đông không thể làm lung lay, thiên hạ không thể làm suy đồi. Sinh vì đó, chết vì đó, ấy là cái gọi là đức tháo."

Có thể thấy được Đức và Tháo là đến từ thư tịch cổ, Tào Tháo trong “Tam quốc diễn nghĩa” được miêu tả là gian hùng thời loạn, năng thần thời trị, nhưng nguồn gốc tên và tự của ông cũng không tầm thường.

Tào Tháo. (Phạm vi công cộng)

Lịch sử gần đây có Lý Tông Nhân tự Đức Lân, là xuất xứ từ “Luận ngữ - Lý nhân”: “Lý nhân vi mỹ, đức bất cô, tất hữu lân." (Nhân nghĩa là nét đẹp, có đức thì không cô độc mà tất có bạn bè). Giáo sư Chiêm Lịch Kiên tự Cửu Di, là xuất phát từ thành ngữ "lịch cửu di kiên” (thời gian càng lâu càng kiên định). Những người dùng phương thức đặt tên tự này hiển nhiên đều là xuất phát từ nhà trí thức.

Bốn, chiết tự tên chính thành tên tự

Cũng giống chiết tự họ thành tên, cũng có người chiết tự tên thành tự. Như nhà thơ Nam Tống là Tạ Cao (謝翱), tự Cao Vũ (皐羽), chính là chiết tự chữ Cao thành 2 chữ Cao và Vũ; hay như Tần Cối (秦檜) thời đầu Nam Tống, tự Hội Chi (會之); văn nhân Lưu Đồng (劉侗) của "Cánh Lăng phái" thời Minh, tự Đồng Nhân (同人); văn nhân Mao Kỳ Linh (毛奇齡), tự Đại Khả (大可), Đại ghép với Khả thành Kỳ; Thiệu Diệp (邵曄) thời Tống, tự Nhật Hoa (日華); Hứa Thú (許恕) đời Nguyên tự Như Tâm (如心); Chương Sưởng (章敞) thời Minh, tự Thượng Văn (尚文); Thư Vị (舒位) thời Thanh, tự Lập Nhân (立人)… đây là những ví dụ điển hình về việc chiết tự tên thành tự. Nhưng muốn dùng cách đặt tên tự này thì tên phải có thể chiết tự được.

Ở trên chỉ là vài cách đặt tên tự, đương nhiên có người đặt tên tự không theo những nguyên tắc đó, như Hồ Thích, tự Thích Chi, là lấy ý tứ của họ tên mà đặt tên tự, cũng không dễ để người khác làm theo.

Người Trung Quốc có tên chính có tên tự, có thể nói là truyền thống lâu đời, nhưng mấy thập niên gần đây đã không còn tập quán đặt tên tự nữa.

Nguồn gốc của tên hiệu

Thời cổ tên gọi và tên tự đều là trưởng bối thay mặt mà đặt cho, cá nhân hầu như không có cơ hội biểu đạt ý kiến, sau này trưởng thành, có khi không hài lòng với tên và tự của mình, thường thường tự đặt một tên hiệu, còn gọi là biệt hiệu, cũng có thể nói là biệt danh cố định. Biệt hiệu thường thường chiểu theo sở thích, ý chí bản thân, hoặc đặc trưng nơi cư trú.

Người đặt biệt hiệu phần nhiều là văn nhân, học giả. Số chữ trong biệt hiệu từ 2-3 chữ đến 5-6 chữ đều có, như Tô Thức hiệu Đông Pha Cư Sĩ, Đào Uyên Minh hiệu Ngũ Liễu Tiên Sinh, Đỗ Phủ hiệu Thiếu Lăng Dã Lão, Lý Bạch hiệu Thanh Liên Cư Sĩ; Âu Dương Tu hiệu Lục Nhất Cư Sĩ, hiệu Lục Nhất là vì ông tự xưng có sáu cái nhất (một): một vạn quyển sách, một nghìn văn bia, một cái đàn, một bầu rượu, một bàn cờ cùng với một ông già; tác giả “Lão tàn du ký” là Lưu Ngạc hiệu Hồng Đô Bách Luyện Sinh; Phùng Mộng Long hiệu Mặc Ham Trai Chủ Nhân; cận đại có Lương Khải Siêu hiệu Ẩm Băng Thất Chủ Nhân. Cũng có khi một người có 2-3 biệt hiệu.

Lưu Ngạc, tác giả “Lão tàn du ký”. (Phạm vi công cộng)

Người xưa đặt biệt hiệu, ngoại trừ biểu đạt sở thích, ý chí và đặc trưng cư trú của mình ra, còn biểu đạt cảm khái trong lòng, như Trịnh Tư Thượng tác giả “Tâm sử” thời cuối Tống đầu Nguyên, sau khi Tống diệt vong, thì đặt biệt hiệu "Mộc huyệt quốc nhân", giá 2 chữ "Mộc huyệt" ghép vào thành chữ "Tống", dùng biệt hiệu này để hoài niệm cố quốc; hay như Chu Đạp cuối Minh đầu Thanh, có biệt hiệu "Bát Đại Sơn Nhân", bốn chữ Bát Đại Sơn Nhân này viết theo lối Hành thư thì vừa giống “Khốc Chi” vừa giống “Tiếu Chi”, biểu thị dở khóc dở cười đối với sự diệt vong của triều Minh.

Hiệu cũng có khi do người khác đặt cho, cái này gọi là xước hiệu, xước hiệu có thể là khen ngợi cũng có thể là châm biếm. Nhưng các nhân vật trong “Thủy Hử truyện” đều có xước hiệu, Tống Giang xước hiệu “Cập thời vũ”, đương nhiên có hàm nghĩa ca. Những cái khác như Trí đa tinh, Thần hành Thái bảo, Tiểu Lý Quảng v.v… đều có ý khen ngợi, còn Tiếu diện hổ, Trung sơn lang thì có ý chê bai châm biếm. Thời hiện đại có tướng quân Bạch Sùng Hy xước hiệu Tiểu Gia Cát là có hàm nghĩa chính diện, khen ngợi.

(Hết)

Theo Lưu Học Diêu - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Họ, tên, tên chữ, tên tự của người xưa (4)