Hóa ra "nam tôn nữ ti" bị hiểu sai, hãy xem Kinh Dịch giảng như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàm nghĩa của câu Nam tôn nữ ti là nam nhân có đặc tính của người nam, nữ nhân có đặc tính của người nữ, điều đó quyết định nam nữ trong gia đình có vai trò khác nhau, mỗi người làm tròn bổn phận của mình, gia đạo tự nhiên sẽ thịnh vượng.

Nhìn lại, ở Trung Quốc vào thời gọi là "thời đại đỏ" đã từng lưu truyền một câu nói như thế này: Thời thế khác rồi, nam nữ đều như nhau. Đồng chí nam làm được tốt thì đồng chí nữ cũng làm được tốt như thế. Lối tư duy đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm, tư tưởng và ý thức của nhiều thế hệ.

Chỉ vì hướng đến nam nữ bình đẳng nên những công việc nặng nhọc, lao lực thì phụ nữ cũng bắt tay làm, một cô nương nhỏ nhắn tay cầm dao mổ lợn, dùng Tư tưởng Mao Trạch Đông chỉ đạo việc mổ lợn, mặc dù đáng sợ như vậy, nhưng tình trạng như thế lúc đó xảy ra ở khắp nơi.

Kỳ thực, đạo vợ chồng kết hợp cương nhu là một quan niệm mang đậm triết lý âm dương trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Thái cực, Chu dịch, Bát quái, Trung y, v.v., hầu hết tất cả những thứ truyền thống đều lấy triết lý âm dương làm lý luận căn bản nhất.

Có một tác phẩm nói về những đức tính của phụ nữ cổ đại làm lay động lòng người, cùng việc nội hàm của quan niệm “nam tôn nữ ti" bị bóp méo, có đoạn viết như sau:

Nhiều người hễ nghe đến nam tôn nữ ti liền tỏ ra rất phản cảm. Kỳ thực, nam tôn nữ ti không phải ý rằng người nam cao quý, còn người nữ thấp kém. Mà hai chữ “Tôn" và “Ti" ở đây vốn có nguồn gốc từ triết lý âm dương hoà hợp trong Kinh dịch. Hàm nghĩa của câu Nam tôn nữ ti là nam nhân có đặc tính của người nam, nữ nhân có đặc tính của người nữ, điều đó quyết định nam nữ trong gia đình có vai trò khác nhau, mỗi người làm tròn bổn phận của mình, gia đạo tự nhiên sẽ thịnh vượng.

Hàm nghĩa chân thực của “Nam tôn nữ ti"

Quan niệm nam tôn nữ ti xuất phát từ Kinh Dịch. Trong “Kinh dịch - hệ từ" có viết: “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ… càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ.”

Tạm dịch: “Trời cao đất thấp, càn khôn đã định. Cao thấp bày ra, quý tiện định vị… Càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ”

Trong đó, Tôn là cao, Ti là thấp, là hai từ chỉ phương vị. Nam tôn nữ ti biểu thị ý tứ rằng, trời ở trên đất ở dưới, trời cao đất thấp, là một loại miêu tả trạng thái tự nhiên. “Thuyết văn giải tự" viết rằng: “Tôn, cũng chính là cao. “Quảng Nhã" viết rằng: Chữ Ti (卑) này, cũng chính là chữ ti (庳) này. “Quảng Vận" viết rằng: ti (庳), chính là ở dưới.

Kinh dịch miêu tả quy luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Tư tưởng cốt lõi của nó cuối cùng quy về sự cân bằng âm dương. Phàm là sự vật mà không cân bằng không hài hoà, thì cuối cùng nhất định sẽ chệch khỏi quỹ đạo chính thường, mà vạn sự vạn vật trong vũ trụ cuối cùng đều phải quy về trạng thái âm dương cân bằng hài hoà. Một tư tưởng cốt lõi khác của Kinh dịch, chính là âm dương an định với vị trí của mình. Thiên ở vị trí của Thiên, Địa ở vị trí của Địa; Âm tại vị trí của Âm, Dương tại vị trí của Dương.

Thiên địa, Âm dương, Nam nữ là một phương pháp “phân loại" của cổ nhân. Pháp tắc của con người tuân theo thiên địa, Nam tôn nữ ti là phát sinh từ đạo lý Thiên tôn địa ti. Nghĩa gốc của nó là Nam nữ không giống nhau, đó là một chủng phân chia của thiên nhiên, một chủng trạng thái của tự nhiên.

Nam tôn: Làm một nam nhân là sản vật đặc biệt của tự nhiên, muốn hợp với “Đạo” thì phải như trời cao, hào sảng công chính, tự cường không ngừng nghỉ, cũng chính là “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử cũng theo trời mà tự cường không ngừng nghỉ).

Nữ ti: Làm một nữ nhân là sản vật đặc biệt của tự nhiên, muốn hợp với “Đạo", tất phải khiêm tốn bao dung như đất, hậu đức tải vật, vô tư vô oán, cũng chính là “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật.” (Thế đất ở dưới thấp, người quân tử đức dày giống như đất nâng đỡ vạn vật)

Nam tôn nữ ti là chủ trương tự nhiên hài hoà, âm dương tự an định với vị trí của mình. Cho nên Nam tôn nữ ti là giảng đạo lý người nam người nữ cần phải làm sao sống hài hoà trong cuộc sống và hôn nhân, chứ không có nội hàm nam nữ không bình đẳng nào cả. Một người nam phẩm chất cao thượng, người nữ tự nhiên sẽ tôn trọng anh ta, thuận theo anh ta. Nam nhân chính trực cao thượng, nữ nhân khiêm nhường bao dung, một gia đình như vậy không hài hoà được sao, trong xã hội và gia đình như vậy, người nữ cũng tự nhiên có được địa vị tương ứng, và không bị kỳ thị.

Nam nữ khác nhau, mỗi người có bổn phận của riêng mình.

Mạnh Tử nói: Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã. Dã tựu thị ngũ luân.

Tạm dịch: Cha con có tình thân, vua tôi có đạo nghĩa, vợ chồng có khác biệt, lớn nhỏ có thứ tự, bạn bé có tín nghĩa, đây là luân lý lớn để làm người. Cũng chính là ngũ luân.

Chồng giống như trời, vợ giống như đất. Trời, mặt trời chiếu sáng mặt trăng soi xuống, mây nhẹ bay mưa rơi rải rác, tưới mát đại địa. Đất, gánh vác sơn hà, thai nghén nuôi dưỡng, con người cũng như vạn vật, sinh sôi muôn đời không ngừng nghỉ. Người chồng, bảo vệ gia đình, để vợ con không phải chịu tổn hại gì; người vợ, thai nghén sinh nở, giáo dưỡng con cái. Chính là phù hợp với đạo lý âm dương, nam nữ phân công không giống nhau, nếu hai bên đều tận sức làm tròn trách nhiệm của mình, thì gia đình sẽ hòa thuận.

Ngược lại, nếu trời không mưa thì đất đai khô cằn, cuộc sống con người sẽ lập tức mất trật tự, cũng như vậy, chồng không kiếm tiền thì vợ mất chỗ dựa, cuộc sống gia đình sẽ lập tức mất đi sự bình ổn. Nhìn vào các hiện tượng tự nhiên, hoa lá, cỏ cây không thể rời khỏi mặt đất, cũng như trẻ sơ sinh khó có thể tách khỏi người mẹ. Có thể thấy, người vợ và người chồng có những nhiệm vụ khác nhau đối với gia đình, không thể thay thế nhau.

Sử sách ghi lại điển cố "Chu triều tam thái": Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự (ba thế hệ mẹ chồng con dâu), lần lượt là thê tử của ba vị quân vương triều Chu là Thái Vương, Quý Lịch và Văn Vương. Ba vị quân vương ai nấy đều hiền đức, ba vị thê tử thảy đều tôn kính. “Tam thái" mẫu nghi thiên hạ, giáo hóa gia tộc, quốc gia, phụ tá ba vị quân vương kiến lập nên cơ sở của triều Chu 800 năm thịnh thế, đồng thời ươm mầm cho nền văn hoá Nho gia huy hoàng xán lạn của.

“Liệt nữ truyện - mẫu nghi truyện - Chu thất tam mẫu” ghi chép rằng: “Thái Tự sau khi trở thành phu nhân của Văn Vương, hiền thục có dư. Nàng hết sức ngưỡng mộ đức hạnh của tổ mẫu Thái Khương và mẹ chồng Thái Nhậm, bà đã kế thừa đức hạnh hoàn mỹ của họ. Nàng cần kiệm lo toan cho gia đình, giúp chồng dạy con, dốc toàn sức lực hiệp trợ Văn Vương, quản lý vương cung nội viện rất quy củ, khiến cho Văn Vương không phải bận tâm nhiều mà hết sức chuyên tâm quản lý quốc gia, bởi vậy mà truyền bá lấy đức trị quốc, giáo hoá hưng thịnh. Thái Tự được tôn xưng là “Văn Mẫu”: “Văn Vương trị ngoại, mà Văn Mẫu trị nội.”

Vợ hiền nhân đức - Trưởng Tôn Hoàng hậu

“Nhà có vợ hiền như quốc gia có tể tướng tốt” Trong các vị hoàng hậu trong lịch sử, Trưởng Tôn hoàng hậu của Đường Thái Tông Lý Thế Dân xứng danh là đệ nhất.

《帝鉴图说》插图《主明臣直》,描绘长孙皇后盛装恭贺太宗有正直的臣属。

Tranh Trưởng Tôn Hoàng hậu chúc mừng Đường Thái Tông có bề tôi chính trực. (Phạm vi công cộng)

Trưởng Tôn Vô Kỵ là anh trai của Trưởng Tôn Hoàng Hậu, là bạn tri kỷ của Lý Thế Dân, phụ tá Lý Thế Dân giành được thiên hạ. Khi Đường Thái Tông muốn để Trưởng Tôn Vô Kỵ làm chức Tể tướng, thì Trưởng Tôn hoàng hậu lại tâu lên rằng: “Thiếp đã được lập làm Hoàng hậu, đã vô cùng tôn quý, thiếp thực sự không muốn để huynh đệ con cháu bố liệt triều đình. Có thể lấy gia đình Hoắc Quang, Lã Hậu của Hán triều làm bài học. Cho nên, thiếp thỉnh cầu ngài nhất định đừng để huynh trưởng làm tể tướng.”

Bởi vì Trưởng Tôn hoàng hậu liên tục thỉnh cầu, nên Đường Thái Tôn chỉ bổ nhiệm Trưởng Tôn Vô Kỵ thêm các chức danh như “khai phủ nghi đồng tam ti.”

Trường Lạc là công chúa do Trưởng Tôn hoàng hậu sinh ra, khi Trường Lạc xuất giá, vật phẩm ban thưởng của Đường Thái Tông so với vật phẩm ban tặng cho công chúa trưởng nữ của Đường Cao Tổ khi xuất giá còn nhiều hơn gấp đôi. Vì thế, Tể tướng Ngụy Trưng đã đưa ra lời dị nghị ngay trước mặt Đường Thái Tông. Sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu biết chuyện, không những không trách tội Ngụy Trưng, mà còn tán dương ông. Dưới sự lo liệu của Trưởng Tôn hoàng hậu, của hồi môn của công chúa Trường Lạc không có nhiều.

Trưởng Tôn hoàng hậu bình thường ngôn hành luôn cẩn trọng, tuân thủ lễ chế, không bao giờ can thiệp chính sự. Nhưng Đường Thái Tông vẫn hết sức coi trọng bà, thường cùng bà bàn luận một số việc quốc gia đại sự và chi tiết việc thưởng phạt. Trưởng Tôn hoàng hậu không muốn vì bản thân có thân phận đặc biệt mà can thiệp vào chuyện quốc gia đại sự, bà cho rằng nam nữ là khác nhau, nên mỗi người làm tốt chức trách của mình.

Trưởng Tôn hoàng hậu không can dự triều chính, nhưng có thể thời thời khắc khắc đưa ra những khuyên can hữu ích cho Lý Thế Dân, trợ giúp trượng phu xử lý tốt quan hệ quân thần, bổ nhiệm quan thần chính trực mà rời xa nịnh thần.

Tể tướng Ngụy Trưng chính trực ngay thẳng, khi Lý Thế Dân làm việc không nên làm, ông can đảm lập tức khuyên ngăn, có khi khiến Lý Thế Dân phải ngượng ngùng.

Có lần, Đường Thái Tông muốn ra vùng ngoại ô đi săn, đương lúc đang chờ xuất cung, thì gặp Ngụy Trưng, sau khi Ngụy Trưng hỏi rõ sự tình, thì ông đã có lời nói với Đường Thái Tông rằng: “Giờ đang là giữa mùa xuân, vạn vật bắt đầy sinh sôi, chim thú còn non nớt, không nên đi săn, thỉnh bệ hạ trở lại cung.”

Đường Thái Tông vẫn kiên trì đi săn, nhưng Ngụy Trưng không chịu thỏa hiệp, đứng giữa đường kiên quyết chặn đường Đường Thái Tông. Đường Thái Tông không kìm được tức giận, xuống ngựa rồi đùng đùng trở về cung.

Đường Thái Tông trở lại hoàng cung, gặp Trưởng Tôn hoàng hậu, tức giận nói: "Ta phải giết lão già ngoan cố Ngụy Trưng mới trút được mối giận trong lòng!"

Sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu hỏi rõ nguyên do liền lặng lẽ quay về phòng mặc lễ phục vào, sau đó trịnh trọng đến bái kiến Đường Thái Tông, dập đầu xong rồi bẩm rằng: “Cung chúc bệ hạ!”

Cung cách cư xử của nàng làm cho Đường Thái Tông kinh hãi hỏi: “Có chuyện gì mà nàng thận trọng thế?”

Trưởng Tôn hoàng hậu trịnh trọng đáp: "Thần thiếp từng nghe nói nếu hoàng thượng sáng suốt thì thừa tướng sẽ rất trung thành. Nay bệ hạ Thánh minh, cho nên Ngụy Trưng mới dám nói thẳng như vậy. Thiếp thân làm hoàng hậu, thấy được đế anh minh thần trung nghĩa, sự việc tốt đẹp như thế, làm sao dám không triều phục ăn mừng chứ?”

Đường Thái Tông nghe được những lời thê tử nói, trong lòng cảm ngộ, rồi từ từ nguôi giận.

Vào năm Trinh Quán thứ 8, Trưởng Tôn hoàng hậu và Đường Thái Tông đến Cung Cửu Thành để nghỉ mát, bà bị mắc bệnh, bệnh tình ngày càng trầm trọng, uống rất nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Lúc này, thái tử Lý Thừa Can đang hầu hạ bên cạnh mẫu thân đã thỉnh cầu dùng cách miễn tội cho tù nhân và độ người nhập đạo, để cầu xin được phù hộ, nhưng bị hoàng hậu kiên quyết cự tuyệt.

Bà nói: "Đại xá là quốc sự, hai tôn giáo Phật giáo và Đạo giáo cũng có quy định riêng, nếu có thể tùy tiện ân xá cho phạm nhân và độ người nhập đạo, nhất định sẽ làm tổn hại đến hệ thống chính trị đất nước, vả lại phụ hoàng con cũng sẽ không nguyện ý. Ta làm sao có thể làm một người vợ mà loạn pháp tắc thiên hạ.”

Thái tử sau khi nghe xong, liền không dám tâu lên Thái Tông. Sau khi Thái Tông biết chuyện, cảm động trào nước mắt, khóc không thành tiếng.

Năm Trinh Quán thứ 10, Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời ở điện Lập Chính, hưởng thọ chỉ 36 tuổi.

Khi Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời, Đường Thái Tông vô cùng đau buồn, cảm thấy từ đây về sau mất đi một cánh tay đắc lực.

Khi Đường Thái Tông tại vị, chính trị có kỷ cương, kinh tế phồn vinh, trong lịch sử gọi là Trinh Quán chi trị, thành tựu đó là có sự góp sức không nhỏ của vị hiền thê là Trưởng Tôn hoàng hậu.

Lam Sơn
Theo Vision Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Hóa ra "nam tôn nữ ti" bị hiểu sai, hãy xem Kinh Dịch giảng như thế nào