Hoàng đế biết nhận lỗi, Trời xanh hiển thiên uy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi bậc quân vương tôn kính trời đất, thuận theo Thiên mệnh, đồng thời không ngừng tu dưỡng bản thân thì Trời xanh sẽ ban phúc báo, bảo hộ vương triều và muôn dân.

Cổ nhân có câu: “Tam xích đầu thượng hữu Thần linh” (trên đầu ba thước có Thần linh), ý nói rằng Thần có mặt ở khắp mọi nơi, từng phút từng giây đều đang quan sát hành vi và ý niệm của mỗi người. Kẻ làm trái lương tâm chỉ có thể lừa được người chứ không thể lừa được Thần, hơn nữa sớm hay muộn cũng sẽ gặp báo ứng. Nhưng nếu biết ăn năn sửa chữa lỗi lầm thì Thần không chỉ cho cơ hội mà còn ban phúc lành.

Tự cổ chí kim, mỗi khi quốc gia gặp thiên tai họa hoạn, các bậc thánh vương và minh quân đều lễ kính Thần linh, thành tâm sám hối, nhờ đó đó mới có thể cứu được quốc gia qua cơn nguy biến.

Hôm nay chúng tôi sẽ kể ba câu chuyện về các bậc minh quân vì tôn sùng Thiên Đế, biết nhận lỗi về mình mà được Trời ban phúc báo.

Thương Thang cầu mưa cứu vạn dân

Thành Thang là bậc quân chủ khai quốc của triều đại nhà Thương. Trong thời gian đầu ông trị vì đã xảy ra trận hạn hán kéo dài liên tiếp 7 năm liền. Sông cạn giếng khô, cỏ cây chết héo, lúa non không mọc, hoa màu cũng không thu hoạch được, xương trắng phơi đầy đồng. Trận đại hạn khiến người người kinh hãi, chấn động cả vương triều nhà Thương.

Người xưa tín Thần, họ tin rằng mọi thiên tai nhân họa không phải vô cớ xuất hiện, mà là lời cảnh tỉnh từ Thượng Thiên. Trong Bốc Từ viết bằng chữ Giáp Cốt có câu: “Bất vũ, đế giai hạn ngã”, ý tứ là: Trời không đổ mưa là Thiên Đế giáng hạn hán cho ta. Vì thế, vua Thang nhà Thương đã lập đàn tế ở ngoại thành, ngày ngày đều phái sử quan cử hành nghi thức “giao tế”, cầu Thiên Đế ban mưa trừ hạn.

Theo nghi thức “giao tế”, sử quan nổi lửa đốt củi nướng các loại thịt gia súc như trâu, bò, cừu, lợn, v.v. Những cúng phẩm này đều được đặt trong chiếc đỉnh ba chân để thờ cúng Thần linh. Sau đó, sử quan lại thay mặt đế vương thành tâm cầu nguyện với trời, đất, núi, sông, nói ra sáu điều tự trách mình: Phải chăng vì trẫm chính lệnh vô độ, vì trẫm khiến thần dân làm trái chức trách, vì cung đình của trẫm xa xỉ hủ hóa, vì trẫm để cho hậu cung lộng quyền loạn chính, vì trẫm xử trị không nghiêm khiến hối lộ thịnh hành, hay là vì trẫm tin nghe những lời sàm ngôn khiến cho kẻ tiểu nhân đắc thế? Nếu không, vì sao trời vẫn mãi không mưa?

Nhưng dù sử quan ngày ngày tế lễ, khổ sở cầu xin, nhưng Thiên Đế vẫn lặng thinh không nói. Đại hạn kéo dài đến năm thứ 7, Thương Thang dẫn Y Doãn và các đại thần lên một ngọn núi cao, chọn nơi phong cảnh tốt lành là Tang Lâm (rừng dâu) để đặt đàn tế lễ. Sau đó ông đích thân cử hành nghi lễ cầu mưa. Nhưng cũng như những lần trước, Trời vẫn không ban xuống một giọt mưa. Thương Thang bèn lệnh cho sử quan bốc quẻ xem bói, sử quan thưa rằng: Khi tế tự, ngoài trâu bò thì còn phải dùng người để hiến tế, như vậy mới có thể cảm động đến Thượng Thiên.

Thương Thang trầm ngâm một lát rồi nói: “Ta cầu mưa là vì dân, sao có thể giết người để hiến tế? Đừng hại đến dân lành mà hãy dùng chính ta làm vật tế Thần đi”.

Hán Văn Đế nhân đức minh xét, biết kính Thần mà không cầu. Đường Văn Tông kính Thần và tự trách tội mình. Họ đều có thể thành kính lễ kính Thần linh, thành kính tự kiểm điểm bản thân mình, mà không đòi hỏi quá đáng Thần linh ban phúc, nhưng phúc phận lại tự nhiên giáng lâm. 
“Ta cầu mưa là vì dân, sao có thể giết người để hiến tế? Đừng hại đến dân lành mà hãy dùng chính ta làm vật tế Thần đi”. (Ảnh: Epoch Times)

Dứt lời, ông lệnh cho tả hữu chuẩn bị củi lửa, sau đó ông cắt tóc và móng tay, tắm rửa sạch sẽ rồi ngẩng mặt lên trời cầu nguyện: “Nếu con có tội thì xin Thiên Đế đừng trách phạt muôn dân. Nếu vạn dân có tội thì tội ấy đều là tại mình con, xin Thiên Đế đừng vì con bất tài mà hại đến tính mệnh dân lành”.

Sau đó ông bước vào ngồi trên đống củi. Đúng lúc khi tả hữu chuẩn bị châm lửa thì đột nhiên mây đen vần vũ, gió lớn nổi lên. Rất nhanh chóng mưa rơi xối xả, dòng nước cam lồ thấm nhuần cho vạn vật tốt tươi, sức sống cũng bừng bừng sinh sôi trở lại. Đây chính là câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử: “Thang đảo Tang Lâm” (Vua Thang tế lễ cầu mưa ở Tang Lâm).

Chính đại nghĩa, đại đức và tận tụy hết lòng xả thân vì nước mà Thương Thang đã khiến trời xanh cảm động, ban phúc lành và bảo hộ muôn dân. Từ đó, câu chuyện Thương Thang cầu mưa đã trở thành điển tích, truyền cảm hứng cho các bậc minh quân trong lịch sử. Khi thái bình hoàng đế biết tu thân, khi họa tai hoàng đế biết tiếp nhận lời can gián, can đảm tự trách lỗi của mình.

Đường Thái Tông nhiều lần tự trách, trong nghịch cảnh mở ra thịnh thế

Một ngày, quan Ngự sử bẩm báo với Hoàng đế Đường Thái Tông rằng đô đốc Quảng Châu là Đảng Nhân Hoằng nhận tham ô hối lộ, đã nhiều lần phạm pháp. Thái Tông thầm nghĩ: “Đảng Nhân Hoằng theo trẫm nhiều năm, chinh chiến thảo phạt khắp Tây - Đông, hơn nữa lại có tài năng, sao có thể phạm tội như thế này?”.

Nhưng sau khi suy xét kỹ, ông tự nhủ: “Không trừng trị tham quan ô lại thì cái ác sẽ lan tràn, bách tính phải chịu khổ, triều đình sẽ rối loạn kỷ cương”.

Vì thế, hoàng đế hạ chiếu cho Đại Lý Tự bắt Đảng Nhân Hoằng về quy án và xét xử theo phép công. Đại Lý Tự thẩm tra vụ án, phán Đảng Nhân Hoằng tội tử hình rồi bẩm tấu bản án này lên Thái Tông.

Đường Thái Tông không khỏi cảm thấy xót xa vì Đảng Nhân Hoằng là một vị tướng tài hiếm có, từng lập nhiều công lao hiển hách trong những năm khai quốc Đại Đường. Một vị tướng tài ba như vậy, sao có thể nhẫn tâm tử hình đây? Do đó, Thái Tông đã hạ bút, thay đổi bản án từ tử hình thành bãi quan lưu đày.

Nhưng cũng vì quyết định này, Thái Tông đã vượt quá thẩm quyền của mình, tước bỏ quyền thẩm án của Đại Lý Tự để đích thân xét xử vụ án, gây tổn hại đến sự tôn nghiêm của luật pháp, đồng thời cũng dung túng cho kẻ tham ô. Điều này sẽ mở ra tiền lệ xấu cho các bản án sau này.

Đường Thái Tông biết bản thân đã sai, ông hổ thẹn nói trước văn võ bá quan: “Trẫm thiên vị cựu thần là vi phạm quốc pháp, thất tín với muôn dân, ấy là tư tâm đáng trách. Trẫm có ba tội: Một là không biết nhìn người, tin dùng Đảng Nhân Hoằng; hai là lấy tư tâm làm loạn pháp, bao che cho cựu thần; ba là thấy thiện mà không thưởng, thấy ác mà không trừ, xử lý không công bằng”.

Nói rồi, ông đập tay lên long án rồi nghẹn ngào nói: “Trẫm thiên vị làm loạn pháp, theo lý nên phải chịu trừng phạt. Nay trẫm muốn đến vùng ngoại ô phía nam, sống một mình trong căn lều cỏ, ba ngày tắm gội trai giới tạ tội với Thượng Thiên”.

Quần thần thấy vậy vội quỳ xuống khuyên can. Đường Thái Tông nhìn khắp triều một lượt, thấy bá quan văn võ đều đang quỳ trên mặt đất, ông vô cùng đau lòng nói: “Các khanh có thể dung thứ cho trẫm, nhưng trẫm không thể tha lỗi cho bản thân mình. Trẫm dù chưa đến vùng ngoại ô tạ tội với trời, thì vẫn phải ban chiếu thư bố cáo lỗi lầm với thiên hạ”.

Nói xong, ông liền cầm bút viết “Tội kỷ chiếu” (chiếu tự trách mình), ban bố đến thần dân toàn quốc. Sau này có vị học giả thống kê rằng, trong 23 năm tại vị Đường Thái Tông đã 28 lần ban bố “Tội kỷ chiếu”.

Vào những năm đầu Trinh Quán trời hạn hán, Đường Thái Tông hạ chiếu “Kỳ vũ cầu trực ngôn”, yêu cầu văn võ bá quan viết Phong tấu nói thẳng với hoàng đế những sai sót của triều đình.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đối đãi với bậc trọng thần 'trung ngôn nghịch nhĩ' như thế nào?
Đường Thái Tông hạ chiếu “Kỳ vũ cầu trực ngôn”, yêu cầu văn võ bá quan viết Phong tấu nói thẳng với hoàng đế những sai sót của triều đình. (Ảnh chụp phim Tam Tự Kinh)

Vào năm Trinh Quán thứ 15, trước tình hình xây dựng ồ ạt, nhọc dân tốn tiền, Đường Thái Tông hạ chiếu “Đình phong thiện chiếu”, trong đó viết đại ý rằng: Hoàng đế cần phải ngày đêm tu dưỡng bản thân, thành tâm khẩn ý sám hối lỗi lầm của mình, không ngừng siêng năng nỗ lực.

Đến năm Trinh Quán thứ 17, một số địa phương xuất hiện hạn hán và dịch bệnh. Đường Thái Tông hạ chiếu “Giảm thiện”, yêu cầu giảm thiểu lượng cung ứng thực phẩm trong cung. Đồng thời, ông yêu cầu các quan từ ngũ phẩm trở lên phải báo cáo lại mọi việc trong chức trách. Sau đó ông khoác áo, lạy tạ trời xanh đã khiển trách.

Trong “Hạn hoàng đại xá chiếu”, Đường Thái Tông viết đại ý rằng: Xin Thượng Thiên hãy dời tai họa lên thân trẫm để cứu lấy vạn dân. Đó là ước nguyện của trẫm, trẫm một lòng cam tâm tình nguyện quyết không hối tiếc.

Để bách tính được bình yên, Thái Tông đã xin trời giáng họa lên thân mình. Một vị minh quân cần có đức lớn như biển nạp trăm sông, tấc lòng bao la ôm trọn cả thiên hạ, sáng suốt tiếp nhận lời can gián, quên mình vì xã tắc, sơn hà. Tấm lòng nhân đức như trời biển ấy chính là báu vật linh thiêng thành tựu nên đế quốc Đại Đường, chính là “hậu đức tải vật” (đức lớn chở vạn vật).

Gia Khánh bảo vệ trung thần, trời giáng mưa cứu hạn

Trong “Thanh Sử Cảo” có ghi chép rằng:

Sau khi tức vị, Hoàng đế Gia Khánh đã ban chiếu cầu lời khuyên và hiến kế sách. Lúc ấy quan Thượng thư phòng Hồng Lượng Cát viết bản tấu dài hàng nghìn chữ, nói thẳng ra những tệ nạn trong triều. Ngôn từ trong bản tấu thẳng thắn bộc trực khiến Gia Khánh nổi giận, liền hạ lệnh giam Hồng Lượng Cát vào ngục chờ xử tội chết.

Nhưng sau đó, Gia Khánh có ý hối hận nên đã hạ chỉ lưu đày Hồng Lượng Cát ra Y Lê. Tháng tư năm ấy phương bắc bỗng xảy ra trận đại hạn, các quan địa phương lần lượt cầu mưa, nhưng trời vẫn không động lòng. Hoàng đế Gia Khánh cũng đích thân làm lễ, trời vẫn không mưa. Triều đình phải lập ra nhiều điểm phát cháo cứu tế, nhưng vẫn không có gì thay đổi. Sau đó hoàng đế lại hạ lệnh ân xá phạm nhân, trời vẫn tuyệt nhiên không có lấy một giọt mưa.

Hoàng đế Gia Khánh vô cùng lo lắng, ông thầm nghĩ: Phải chăng có hiền thần bị kết tội oan nên mới khiến Thượng Thiên phẫn nộ? Bất chợt ông nhớ đến bản tấu thư của Hồng Lượng Cát, từng câu từng chữ trong đó đều thành khẩn tâm huyết. Là hoàng đế, sao ông có thể đối đãi như vậy với một bậc trung thần?

Từ sau khi lưu đày Hồng Lượng Cát, quần thần không ai dám đưa ra lời can gián. Hoàng đế Gia Khánh biết bản thân đã sai, ông liền hạ chiếu ân xá, đồng thời cho công bố tấu thư của Hồng Lượng Cát để mọi người thấy được nỗi khổ tâm của bậc trung thần.

Hơn nữa, là vị quân vương biết nghe lời nói thẳng, ông đã thể hiện quyết tâm sửa chữa sai lầm. Gia Khánh cầm bút hạ vào chiếu thư, khi vừa viết xong nét bút cuối cùng “khâm thử” thì một tia chớp xé ngang bầu trời, ngay sau đó tiếng sấm vang rền, một trận mưa lớn xối xả trút xuống. Hoàng đế cảm thán nói: “Gương trời nhanh như hơi thở, thật sự cảm thấy đáng sợ thay”.

Mọi việc người đang làm, mắt Thần như điện thấy rõ ràng, những hành vi thiện ác của con người đều được trời cảm ứng. Ấy chính là “Trời soi chiếu người, không khác gì soi gương”.

Đạo trời từ bi và thần thánh, Trời xanh không kể thân thích, chỉ giúp người thiện lương. Rất nhiều bậc minh quân trong lịch sử từng hạ “Tội kỷ chiếu”, trước là tự trách lỗi của bản thân mình, sau là thực thi nền chính trị nhân đức, tôn sùng chính đạo, sùng bái chính Pháp, để nhân nghĩa chiếu sáng khắp nhân tâm. Nhờ đó chính khí dâng cao, kinh tế phồn vinh, quốc gia thịnh trị, nhân dân cũng được hưởng thái bình.

Đạo trời uy nghiêm và thần thánh. “Người đang làm, Thần đang nhìn”, con người sống trên đời thì nên hành thiện tích đức, bởi vì trên đầu ba thước có Thần linh!

Minh Hạnh
Theo “Tử Lăng kể chuyện”



BÀI CHỌN LỌC

Hoàng đế biết nhận lỗi, Trời xanh hiển thiên uy