Hoàng Hạc Lâu: 'Thiên hạ tuyệt cảnh' của vùng Vũ Hán bây giờ ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong các đình đài lầu các thì Hoàng Hạc Lâu luôn giữ được mỹ danh "Giang sơn đệ nhất lâu" và "Thiên hạ tuyệt cảnh". Hoàng Hạc Lâu được xây dựng vào năm 223 thời Tam Quốc. Mặc cho các kiến trúc xây dựng đời sau đã mở rộng độ cao vượt qua Hoàng Hạc Lâu không biết bao nhiêu lần, nhưng danh tiếng "Giang sơn đệ nhất lâu" và "Thiên hạ tuyệt cảnh" của Hoàng Hạc Lâu thì vẫn chưa hề có công trình kiến trúc nào vượt qua được.

Hoàng Hạc Lâu đệ nhất danh thắng…

Trải qua gần 2000 năm mưa nắng phong trần và biết bao biến động, tại sao vị trí của Hoàng Hạc Lâu vẫn sừng sững không lay động trong nền văn hóa Á Đông với vẻ đẹp làm say đắm lòng người? Hoàng Hạc Lâu hùng vĩ tú lệ nằm bên sông Trường Giang rộng lớn, là một tuyệt cảnh lôi cuốn ánh mắt và trái tim của biết bao du khách gần xa. Ngoài ra, truyền thuyết Tiên nhân cưỡi hạc và hào quang của những bài thơ nổi tiếng của thi sĩ các triều đại liên tiếp lưu lại nơi này đã tăng thêm tầng tầng lớp lớp "thần thái" cho Hoàng Hạc Lâu và đưa Hoàng Hạc Lâu lên tầm vóc "Giang sơn đệ nhất lâu".

Hoàng Hạc Lâu bắt đầu được xây dựng vào năm Hoàng Vũ thứ 2 thời Tam Quốc (năm 223). Thời kỳ "Tam Quốc đuổi hươu" - tranh quyền thống trị, ở vùng Hạ Khẩu, nơi hạ du sông Hán Thủy đổ vào Trường Giang là một cứ điểm trọng yếu trong tấn công và phòng thủ của nhà binh. Hạ Khẩu kiểm soát hai vùng đất Hồ Nam và Tứ Xuyên cùng hai con sông Hán Thủy và Miện Thủy, là yết hầu then chốt đánh chiếm đất Ngô. Năm Hoàng Vũ thứ 2, Tôn Quyền đã đóng quân trấn thủ ở thành Giang Hạ ngay tại bờ sông. Ở thành Tây mé sông Trường Giang, ông đã xây ngôi lầu trên nền đá tảng Hoàng Hộc ở góc Tây Nam, và đặt tên là Hoàng Hạc Lâu (phía Tây Nam thành Vũ Xương ngày nay), để làm lầu quan sát trấn thủ. Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên đài của thành. Trên đài có cây cối xanh tươi tỏa bóng mát, nhìn ra xa, dòng Trường Giang khói sóng mênh mông mù mịt. Ngôi lầu trung tâm cao vòi vọi, khí thế hùng vĩ, tầng dưới có hành lang nối thông các lầu phụ. Hết thảy lầu chính, lầu phụ và hành lang đều được đan xen một cách hài hòa tinh tế.

Hoàng Hạc Lâu cổ đại là kiến trúc 3 tầng, được xây dựng trên đài thành, cao 9 trượng 2 thước, và thêm đỉnh chóp bằng đồng cao 7 thước, hợp thành số 99. Trong triết học phương Đông, số 9 là cực số, 99 là tượng trưng tinh thần của cực điểm của cực số, ngụ ý 99 là chí tôn (tối cao). Trong thời đại ngày nay, với kỹ thuật xây dựng hiện đại, các tòa nhà đua nhau vươn cao, cũng dễ vượt qua Hoàng Hạc Lâu, nhưng tầng thứ tinh thần và nội hàm văn hóa thì không dễ gì vượt qua nổi.

Hoàng Hạc Lâu thế kỷ XIX
Hoàng Hạc Lâu thế kỷ XIX. (Ảnh: Wikipedia)

Dòng Trường Giang đổ ra biển cả, bờ bên kia của Hạ Khẩu là các dãy núi la liệt từ phía Tây nối nhau đến phía Đông như Mai Tử Sơn, Quy Sơn, Xà Sơn, Hồng Sơn, Lạc Gia Sơn, Ma Sơn, Dụ Gia Sơn... những núi non uốn lượn nối liền thành một dải. Từ Hạ Khẩu nhìn về những nơi núi sông giao nhau, trông giống như hình tượng một con rồng khổng lồ đang nằm trên sóng. Hoàng Hạc Lâu vừa vặn nằm trên phần lưng rồng khổng lồ, khí thế tuyệt đẹp, giống như cưỡi rồng sắp bay lên vậy, khiến người xem bất giác nhớ tới bài thơ nổi tiếng Hoàng Hạc Lâu của thi sĩ Thôi Hiệu (704 - 754) đời Đường:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ (Tản Đà):
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
(Bản dịch: Tản Đà)

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu có khí thế hùng tráng, càng hiển rõ thêm vẻ đẹp "Thiên hạ tuyệt cảnh" của Hoàng Hạc Lâu, trở thành "Thiên cổ tuyệt xướng". Thi Tiên Lý Bạch cũng từng du ngoạn Hoàng Hạc Lâu, trông thấy thơ Thôi Hiệu thì cảm khái than rằng:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu

Dịch thơ:
Cảnh đẹp trước mắt mà không viết
Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu

Sách Thương lãng thi thoại có viết: "Thơ thất ngôn Đường luật thì Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là thứ nhất". "Tuyệt xướng" Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đã đưa "Tuyệt cảnh" Hoàng Hạc Lâu lên tầng cao, thể hiện phong vận và tài hoa tuyệt đại. "Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ", dấu tích Tiên mờ mịt, thoát tục tuyệt trần khiến người người ngưỡng vọng và cúi đầu.

Quang cảnh thành phố Vũ Hán, nhìn từ lầu Hoàng Hạc. (Ảnh: Wikipedia)
Quang cảnh thành phố Vũ Hán, nhìn từ lầu Hoàng Hạc. (Ảnh: Shutterstock)

Hoàng Hạc Lâu Tiên ảnh

Rất nhiều thi nhân đời Đường đều nhiệt huyết tìm kiếm ý nghĩa đích thực của sinh mệnh, tìm cầu Đạo tu luyện phản bổn quy chân, và chủ đề này cũng được thể hiện phong phú trong thơ Đường. Thi phẩm Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là một trong số đó. Hoàng Hạc Lâu là Tiên tích thắng địa, truyền thuyết xưa nay rất nhiều. Thôi Hiệu than:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu

Câu đầu là hình ảnh về văn hóa Thần truyền - người xưa tu Đạo thành Tiên, đã làm nổi bật lên tinh thần siêu phàm thoát tục của Hoàng Hạc Lâu. Từ đời Đường sang thời Tống, thanh danh "Thiên hạ đệ nhất lâu" của Hoàng Hạc Lâu cũng theo đó mà nổi như cồn.

Tinh thần tu Đạo tu hành có nguồn cội lâu đời, nằm sâu trong huyết mạch và linh hồn mỗi con người Á Đông. Quyển 5 trong Nhập Thục ký của Lục Du có ghi chép: tương truyền đại tướng Thục Hán Phí Y tại Hoàng Hạc Lâu đã thăng thiên, sau đó lại cưỡi hoàng hạc trở về. Đến triều Tống thì ngôi lầu này đã được hiệu danh là Thiên hạ tuyệt cảnh. Lục Du đã từng cùng bằng hữu du ngoạn đến đây, cũng đã đến động Tiên trong truyền thuyết ở ngoài cửa sông Hán Dương gần đó, thấy vách đá nứt dọc thẳng đứng cao mấy thước. Tương truyền có người lính già gặp Tiên nhân ẩn mình trong đó, vị Tiên nhân mở cửa động ra, đi du ngoạn và tặng mấy đồng tiền vàng cho người lính, sau đó đều biến thành đá.

Còn có một truyền thuyết được ghi chép trong Nam Tề thư - Chí đệ thất châu quận hạ, rằng: Tiên nhân Tử An đã từng cưỡi Hoàng Hạc bay qua phía trên lầu. Cũng có truyền thuyết rằng Lã Động Tân (Lã Nham, hiệu Thuần Dương Tử) truyền Đạo và tu hành ở đó. Đạo Tạng Lịch thế Tiên thể Đạo thông giáo có viết rằng, Lã Động Tân "leo lên Hoàng Hạc Lâu, đến giờ Ngọ ngày 20 tháng 5 thì thăng thiên bay đi", do đó trong lòng rất nhiều người, Hoàng Hạc Lâu là Thánh địa của những người tu Đạo thành Tiên.

Tranh Hạc Tiên bên trong Hoàng Hạc Lâu
Tranh Hạc Tiên bên trong Hoàng Hạc Lâu. (Ảnh: Wikipedia)

Hoàng Hạc Lâu: Trải qua một cuộc bể dâu...

Hoàng Hạc Lâu thời cổ đại có 3 tầng, cao 31 m, tầng đáy rộng 15 m. Sau đời Tống, Hoàng Hạc Lâu đã nhiều lần trải qua kiếp nạn khói lửa chiến tranh, nhiều lần bị phá hủy và nhiều lần xây dựng lại. Đến đời Minh - Thanh, Hoàng Hạc Lâu bị thiêu hủy 7 lần, được xây dựng lại và trùng tu hơn 10 lần. Hoàng Hạc Lâu mà chúng ta thấy ngày hôm nay là được xây dựng phỏng theo hình mẫu thời kỳ Đồng Trị nhà Thanh, khánh thành năm 1981. Hoàng Hạc Lâu có kiến trúc 5 tầng, do 72 cột trụ lớn nâng đỡ, cao 51,4 m, tầng đáy rộng 30 m. 60 chỗ có các mái vươn ra, tầng tầng lớp lớp, giống như một bầy hạc vàng vươn cánh bay lên trời, nhìn từ 4 phía đều như nhau. Tuy nhiên tuyệt thắng hùng vĩ của Hoàng Hạc Lâu hiên ngang bên sông khi xưa đã không còn nữa.

Bởi vì ưu tiên cho công trình đập nước lớn sông Trường Giang, ngôi lầu mới đã được xây dựng ở cách vị trí gốc trên 1000m, nằm trên núi Xà Sơn, đã vứt bỏ di chỉ cổ ở cửa sông Trường Giang. Hoàng Hạc Lâu đã bị chặt đứt gốc rễ, từ bên dòng Trường Giang chuyển lên xây dựng trên núi, cảnh xưa: "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ" (Hán Dương sông tạnh cây bày) đã không còn hiển hiện rõ ràng trước mắt nữa, đã để lại nỗi luyến tiếc cho người hậu thế.

Ngày nay, lại có tin nói rằng thân đập nước lớn của sông Trường Giang đang bị chuyển dịch, biến dạng, nhân họa đã hiển lộ. Hoàng Hạc Lâu thắng địa phong thủy vốn từng cắm rễ sâu vào mạch sống văn hóa bên dòng sông lớn cũng đã bị cắt đứt, di dời rồi. Cuối thế kỷ trước, những thế lực chính trị dùng quyền thế áp đặt xây dựng công trình đập thủy điện Tam Hiệp "đấu tranh" với Trời. Sau khi đập thủy điện khổng lồ này khánh thành, các tai họa như đại hạn, nhiệt độ cao, lũ lụt, động đất, dịch bệnh... ở Trung Quốc đã liên tiếp xảy ra, khiến cả núi sông và người dân đều bị đặt trong cảnh hiểm nguy. Chính quyền hiện tại dựa quyền thế áp đặt, đã bẻ cong đạo của sông ngòi tự nhiên, trái nghịch Đạo Trời, để lại mối họa khiến người người kinh sợ.

Về Hoàng Hạc Lâu, cũng có lưu truyền câu nói rằng: "Quốc vận xương tắc lâu vận thịnh" (vận nước hưng thịnh thì vận của lầu cũng hưng thịnh). Điều đó cũng có nghĩa là "Quốc vận ai tắc lâu vận suy" (vận nước bi ai thì vận lầu cũng suy bại). Hoàng Hạc Lâu bị di dời ra khỏi vị trí cũ thuộc di chỉ xưa, lặng lẽ nhìn thế sự biến đổi, bãi biển thành nương dâu, cả một vùng đất dài hàng mấy trăm ki-lô-mét bên đập Tam Hiệp đều đã biến thành vùng nước sâu. Ngày nay, sinh mệnh của hàng triệu người dưới hạ lưu đập Tam Hiệp càng bị đặt trong mối nguy hiểm lớn. Nhìn lại Hoàng Hạc Lâu xưa và nay, "quốc vận" đã thay đổi khiến người ta suy nghĩ. Nhà cầm quyền Trung Quốc truyền bá thuyết vô Thần đã tàn phá và làm bại hoại nhân tâm, khiến con người xa rời văn hóa Thần truyền, không còn tín Thần nữa. Như thế thì sao có thể được Thần bảo hộ? Sao có thể hưng thịnh được?

Trải qua mưa bom bão đạn, Hoàng Hạc Lâu mà chúng ta thấy ngày hôm nay là được xây dựng phỏng theo hình mẫu thời kỳ Đồng Trị nhà Thanh, khánh thành năm 1981. (Ảnh: Shutterstock)
Trải qua mưa bom bão đạn, Hoàng Hạc Lâu mà chúng ta thấy ngày hôm nay là được xây dựng phỏng theo hình mẫu thời kỳ Đồng Trị nhà Thanh, khánh thành năm 1981. Tuy nhiên tuyệt thắng hùng vĩ của Hoàng Hạc Lâu hiên ngang bên sông khi xưa đã không còn nữa. (Ảnh: Shutterstock)

Di tích thất lạc, văn hóa tu Đạo biết tìm nơi nao?

Mỹ danh "Thiên hạ đệ nhất lâu" của Hoàng Hạc Lâu, đẹp là ở chỗ bên sông, từ mặt đất vươn lên, nguy nga tuyệt trần; thắng cảnh ở cảnh giới siêu phàm có Thần đến tu Tiên. Thắng địa tuyệt trần này được truyền thừa bởi mạch văn hóa Thần truyền, đã gắn chặt với tâm hồn biết bao người từ đời này sang đời khác. Ngày nay, lầu đã bị di dời đi rồi, chẳng còn bên sông nữa, "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, bạch vân thiên tải không du du" (Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ). Thuyết Vô Thần tàn phá, làm bại hoại đạo đức nhân tâm, văn hóa tu luyện càng bị chặt đứt, thế nhân mịt mù...

Thôi Hiệu hỏi: "Nhật mộ hương quan hà xứ thị?" - quê hương cội nguồn của sinh mệnh ở nơi nao? Con người trước khi bước tới điểm cuối của cuộc đời, làm thế nào để trở về với cố hương đích thực của sinh mệnh? Khói sóng trên sông, một dòng sông đầy khói sóng. Thi nhân sầu khổ vì tìm không thấy con đường để sinh mệnh trở về. Con người mà mất đi văn hóa tu luyện, không tin vào Thần Phật thì e rằng ngay cả chữ "Sầu" cũng đã quên hết rồi, bị đặt trong nguy hiểm rồi.

Từ Hoàng Hạc Lâu suy nghĩ về những biến đổi to lớn của văn hóa, thấy nguy cơ hiển hiện khi mà văn hóa truyền thống bị tàn phá, hiểm họa không chỉ là ở lời nói, mà như ngày nay, con đập lớn trên sông Trường Giang đã bộc lộ ra mối đe dọa hiểm nguy, khiến con người không khỏi phản tỉnh suy tư. Hoàng Hạc Lâu ngày nay tầng tầng mái ngói cong vươn ra, xòa cánh bốn mặt tám phương như sắp bay đi kia, dường lại như đang khẩn thiết kêu gọi chúng sinh đang ngày một rời xa Đạo rằng: "hãy quay trở lại".

Tham chú:

Về truyền thuyết Hoàng Hạc Lâu, còn có câu chuyện người hảo tâm được phúc báo. Chuyện kể rằng ở địa phương đó có quán rượu Tân Thị Lâu, ông chủ là người thành tín, nhân từ, thiện lương. Một hôm, có một ông lão quần áo lam lũ đến, chỉ uống rượu, nhưng không có tiền trả. Ông chủ cười hì hì vui vẻ tiếp đãi ông lão, cũng chẳng để ý đến việc tiền rượu vẫn chưa trả. Ông lão đến hơn nửa năm, ngày ngày đến quán, ông chủ đều vui vẻ tiếp đãi, nhẹ nhàng hòa ái.

Rồi một hôm, ông lão cầm miếng vỏ quýt vẽ lên tường một con hạc vàng. Kỳ lạ là con hạc vàng biết vỗ cánh, hót và bay lượn theo tiếng vỗ tay của người trong quán. Con hạc vàng thần kỳ trên tường này đã cuốn hút rất nhiều khách hiếu kỳ đến, vì vậy Tân Thị đã nhanh chóng trở lên giàu có.

10 năm sau, vào một ngày nọ, ông lão kia lại xuất hiện. Ông chủ cảm kích bưng một đống tiền đến muốn báo đáp ông lão. Ông lão đó chẳng nhìn, chỉ lấy ra chiếc sáo ngọc và thổi sáo. Bỗng nhiên thấy con hạc vàng trên tường kia bay xuống, bay đến trước mặt ông lão. Ông lão nhảy lên lưng hạc rồi bay lên trời đi mất.

Hoàng Mai
Theo Dung Nãi Gia - Epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Hoàng Hạc Lâu: 'Thiên hạ tuyệt cảnh' của vùng Vũ Hán bây giờ ra sao?