Hoàng hậu có thân phận thần bí nhất lịch sử Trung Quốc: Cầm quân đánh trận, văn võ toàn tài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lịch sử Trung Quốc có không ít nữ nhân hào kiệt. Cuộc đời của họ đã lưu lại những câu chuyện kỳ lạ cho hậu thế. Ví như Phụ Hảo, vợ vua Võ Đinh nhà Thương là một trong những nữ tướng quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, từng chỉ huy nhiều trận đánh.

Năm 1976, một nhóm nhà khảo cổ khi khảo sát một khu đất để quy hoạch làm nông nghiệp tại thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã phát hiện lăng mộ của Phụ Hảo, hoàng hậu vua Vũ Đinh nhà Thương.

Đây là ngôi mộ hoàng gia duy nhất chưa được phát hiện của triều Thương vì không nằm trong khu chôn cất truyền thống. Kể từ đó, câu chuyện về một "vương hậu chiến binh" bị lãng quên hàng nghìn năm bắt đầu được làm sáng tỏ.

Phụ Hảo, miếu hiệu Mậu Tân, là một trong 64 người vợ của vua Vũ Đinh. Phụ là cách xưng hô trang trọng dành cho người phụ nữ, giống từ "Quý bà" ở phương Tây. Bà là nữ tướng, nữ chính trị gia đầu tiên được ghi chép thành văn khắc trên đồ đồng xanh sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Vũ Đinh là một quốc vương nổi tiếng cuối đời Thương. Ông lên ngôi liền lập chí phục hưng lại triều Thương, "sửa sang chính sự, tu sửa đức hạnh" hết lòng trị nước. ông không có tư tưởng dòng dõi và tư tưởng trọng nam kinh nữ, đã dùng Phó Thuyết, người xuất thân hàn vi nhưng có tài năng, làm tướng, để cho vợ mình Phụ Hảo chỉ huy đại quân của Triều Thương, thực hành văn trị võ công. Kết quả nước Ân thịnh trị, trở thành một trong những nước chư hầu lớn mạnh nhất trong lịch sử. Ông còn xây dựng tam sư (hữu, trung, tả), lấy sư là đơn vị lớn nhất, làm cho quân đội triều Thương ngoài quân trưng tập theo chế độ lâm thời còn có quân đội thường trực.

Phụ Hảo sống vào năm 1200 TCN, có địa vị rất cao so với phụ nữ thời đó, bởi ngoài việc là một trong ba người vợ được vua Vũ Đinh sắc phong hoàng hậu, bà còn là một vị tướng.

Tư liệu về Phụ Hảo rất ít, chỉ biết rằng Vũ Đinh thông qua việc kết hôn với phụ nữ các bộ lạc lân cận để có được sự tin tưởng của họ, Phụ Hảo thông qua việc kết hôn chính trị mà bước vào gia đình quý tộc vả lại còn sử dụng xuất thân từ xã hội nô lệ bán mẫu hệ để nâng cao địa vị xã hội của mình.

Tượng Phụ Hảo ở Ân Khư. (Ảnh: Wikimedia)

Bà được giới học giả hiện đại biết đến chủ yếu dựa vào lời đề từ Giáp cốt văn triều Thương ở Ân Khư. Bản khắc trên Giáp Cốt Văn (chữ khắc trên yếm rùa và xương thú) ghi chép bà thống lĩnh quân đội, chỉ huy nhiều chiến dịch quân sự thành công chống lại các quốc gia thù địch.

Khi ra trận, bà sử dụng rìu, vũ khí tượng trưng cho quyền lực của bà. Ngoài vai trò tướng lĩnh, bà còn là nhà ngoại giao, người thực thi pháp luật, chủ trì các nghi lễ hiến tế và truy bắt tội phạm bỏ trốn. Dù là hoàng hậu, bà vẫn có lãnh địa riêng của mình và cống nạp cho nhà vua.

Theo những tư liệu có liên quan trong văn giáp cốt cho biết thì Phụ Hảo là một tướng lĩnh rất có tài năng, nắm đại quyền về quân sự, chinh nam phạt bắc, tiếng tăm vang dội. Trong những cuộc chiến tranh Vũ Đinh tiến hành nhằm chống lại sự quấy nhiễu của các bộ tộc, quốc gia xung quanh, có lúc Phụ Hảo làm tướng tiên phong, có lúc một mình thống lĩnh đại quân. Trong cuộc chiến chống Khương Phương, bà đã chiêu mộ một vạn ba ngàn quân, tự mình mình thống soái chỉ huy, vào thời đại bấy giờ một vạn ba ngàn quân một hành động quân sự đại quy mô.

Bà còn tham gia chỉ huy chiến đấu những trận đánh lớn với Thổ Phương, Ba Phương, Đông Di. Trong trận đánh với Ba Phương, bà đã dẫn quân bày trận mai phục, chờ quân của Vũ Đinh dánh đuổi Ba Phương vào trong vòng mai phục, lập tức xông ra tấn công tiêu diệt, lập được chiến công lẫy lừng, là trận phục kích được ghi chép sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Phụ Hảo rất được Vũ Đinh yêu mến, chiều chuộng, sách phong cho bà đất phong ở gần triều đình, thậm chí căn cứ vào ghi chép trong Giáp cốt văn thì Vũ Đinh còn cho tiến hành bói toán, để đoán xem bào thai mà Phụ Hảo đang mang là nam hay là nữ. Ngoài ra bà còn thực hiện việc chủ trì các hoạt động tế tự quan trọng, như chủ trì việc cúng tế tổ tiên, thần thánh, đất, trời... Vua Vũ Đinh thường đi cùng bà trong các trận chiến. Khi không thể đi cùng, ông liên tục hỏi thăm bà có tới đích an toàn và giành được thắng lợi hay không.

Khi Phụ Hảo đau ốm, vua Vũ Đinh cũng thường xuyên tới thăm. Hai người có một con trai tên là Tổ Kỷ. Đây là con trai trưởng của vua Vũ Đinh nhưng không được kế vị ngôi báu và chết khi lưu vong năm 25 tuổi.

Tranh vẽ Vũ Đinh. (Ảnh: Wikimedia)

Phụ Hảo mất khi Vũ Đinh còn sống, hưởng dương 33 tuổi. Khi Phụ Hảo qua đời, Vũ Đinh cho xây lăng mộ lớn trong cung điện ngay cạnh thư phòng. Bà không được chôn trong phần mộ hoàng gia truyền thống, bởi Phụ Hảo chết trên chiến trường và người ta quan niệm chôn người chết trận trong phần mộ hoàng gia sẽ đem lại xui xẻo. Đó là lý do mãi tới năm 1976 lăng mộ của bà mới được phát hiện.

Trong số 1.600 vật phẩm tìm thấy trong lăng mộ có 755 đồ tạo tác bằng ngọc, 455 đồ vật bằng đồng, trong đó 130 món là vũ khí, 4 chiếc rìu lớn, hài cốt từ 16 người hiến tế, cùng nhiều vật phẩm khác.

Mộ Phụ Hảo có bốn cây việt (1 loại rìu cổ) bằng đồng, trong đó có hai cây việt đồng to chạm khắc hình con rồng và con hổ nặng khoảng 9kg, phía trên có hai chữ “phụ hảo”. Hình dáng của cây việt đồng trông giống một cây rìu to, trong thời kỳ Thương – Chu chỉ có vua hoặc vương tộc, thống soái nắm giữ quyền lực tối cao mới được sử dụng cây việt đồng.

Khi Thương Thang chinh phạt Hạ Kiệt, Chu Vũ Vương chinh phạt Trụ Vương, trong tay cầm cây việt vàng chính là việt đồng xanh. Phủ việt (rìu và việt) tượng trưng cho vương quyền, chữ “vương” trong chữ Hán ngày nay chính là được hình thành từ chữ phủ việt trong giáp cốt văn. Kích cỡ của việt đồng càng lớn thì tạo hình càng tinh xảo đẹp mắt, đại diện cho thân phận của chủ nhân càng cao quý, quyền lực càng lớn.

Việc phát hiện lăng mộ Phụ Hảo xác minh những câu chuyện khắc trên Giáp Cốt Văn về người vợ được vua Vũ Đinh sủng ái nhất, đồng thời khẳng định vai trò của Phụ Hảo với tư cách là một trong những nữ chỉ huy quân sự, nữ chiến binh, nữ tư tế quan trọng nhất lịch sử cổ đại Trung Quốc.

Phụ Hảo có tài năng quân sự tuyệt thế, điều này đã là không tầm thường rồi, nhưng điều khiến người khác bất ngờ hơn chính là: đội quân mà Phụ Hảo dẫn theo xuất chinh chính là binh mã riêng của bà. Bà có lãnh địa được phong tặng của riêng mình, bà làm chủ quân vụ của phong địa, có quân dân, tài sản và mọi thứ. Bà còn giao nộp một số cống phẩm nhất định cho quân vương. Trong mộ của Phụ Hảo có một số quy giáp đã được Phụ Hảo xử lý xong, cống nạp cho Vũ Đinh dùng là chiêm bốc cúng tế.

Theo như lễ chế thường quy của các triều đại, cho dù là vương hậu có tài năng siêu việt đi nữa, cũng không có chỗ để có can thiệp vào quốc sự. Hơn nữa, từ thời kỳ Thượng Tố đến Nghiêu Thuấn cũng không thấy có bất cứ tư liệu nào cho thấy vương hậu có thể một mình hưởng phong địa. Vậy thì, Phụ Hảo thật sự là trường hợp vô cùng đặc biệt.

Vì lịch sử quá xa xưa, mộ của 11 vị Thương Vương của Ân Khư đã bị trộm hết sạch không còn gì hoặc bị hư hoại, còn mộ Phụ Hảo không nằm trong khu vực vương lăng lại là ngôi mộ thuộc thành viên vương thất của nhà Thương duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn mà chưa từng bị trộm mộ, và cũng là ngôi mộ nhà Thương duy nhất cho đến thời điểm hiện nay có thể liên hệ giáp cốt văn và xác định được niên đại, thân phận của chủ nhân ngôi mộ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc tìm hiểu toàn diện nền văn minh nhà Thương và nền văn hóa cổ xưa của Trung Quốc.

Viên Minh (Tổng hợp)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hoàng hậu có thân phận thần bí nhất lịch sử Trung Quốc: Cầm quân đánh trận, văn võ toàn tài