Học sinh nói lắp bị chế giễu, giáo viên hướng dẫn cả hai bên bằng những câu chuyện truyền cảm hứng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi một người đều có sự khác biệt, có một số người khi sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, người như vậy ở thời thơ ấu phải trải qua các áp lực lớn nhỏ hoặc bị phân biệt đối xử. Nếu không có ai dẫn dắt, hoặc bản thân họ không thể lạc quan khi đối diện vấn đề, thông thường sẽ rơi vào trạng thái tự ti, tự kỉ hoặc tệ hơn.

Ở trường cũng vậy. Một số học sinh có thể kém phát triển trí tuệ, một số em bị cận thị cao do di truyền, một số trẻ nói lắp khi lo lắng v.v. Những trẻ như vậy đều có biểu hiện rất tự ti ở trường, các bạn học khác thường hay chế giễu và bài xích, hoặc có những đứa khác lại thờ ơ đứng nhìn, những người thực sự có thể đối xử bình đẳng với trẻ là rất ít. Đặc biệt, phụ huynh của một số học sinh trong lớp không cho con chơi với các bạn khuyết tật, họ lấy danh nghĩa là bảo vệ con mình. Thực chất là từ nhỏ, cha mẹ đã dạy trẻ kỳ thị, tạo cho các em có suy nghĩ phân biệt đối xử, kiêu căng, tự phụ, bởi vậy rất khó để đảo ngược quan niệm của các em.

Làm thế nào hướng dẫn trẻ đối xử tốt với các em khuyết tật, và làm thế nào giúp các em khuyết tật? Đây là những vấn đề giáo dục cần được quan tâm đến.

Tôi từng hướng dẫn một học sinh, khi căng thẳng cháu sẽ nói lắp. Tính cách cháu tương đối hướng nội và rất nghiêm túc trong học tập. Cháu là một người cô độc, ít giao lưu với các bạn cùng lớp. Có một lần vào lớp, tôi bảo cháu đứng dậy trả lời câu hỏi, kết quả là cháu căng thẳng, bắt đầu nói lắp. Một số em học sinh trong lớp bắt đầu trêu chọc cháu, và bắt chước dáng vẻ nói lắp bắp của cháu. Học sinh đó buồn bã cúi đầu ngồi xuống. Tôi lập tức nghiêm khắc ngăn các em học sinh đang giễu cợt cháu. Các cháu có chút không phục nói: "Chúng con mới nói đùa, sao cả nói đùa cũng không cho nói, bạn ấy sự thật là người nói lắp, sao không cho chúng con nói đùa".

Tôi nghe xong rất tức giận và muốn khiển trách các cháu, nhưng nhìn thấy vẻ mặt cợt nhả của các cháu, tôi bình tĩnh lại rồi nghĩ: Nếu mình làm kiên quyết với các cháu thì sẽ khơi dậy tâm lý nổi loạn của trẻ, dẫn đến việc không nghe lời. Tôi bắt đầu thông qua phương thức nói những câu chuyện khiến các cháu nhận ra lỗi lầm của bản thân.

Tôi im lặng một lúc, đợi các cháu im lặng, rồi tôi nói: "Lớp chúng ta là lớp chuyên toán, vậy chắc các con đã từng nghe đến Hoa La Canh, người được mệnh danh là 'người số 1 về toán học ở Trung Quốc' phải không?"

Các cháu gật đầu, tôi nói tiếp: "Nhưng điều mà các con không biết là năm 18 tuổi, ông ấy mắc bệnh thương hàn, khiến chân trái tàn tật suốt đời, nhưng ông ấy không hề suy sụp mà còn tập trung hơn vào nghiên cứu. Về sau, ông được vinh danh là nhà toán học của thế kỷ 20, và là tác giả một cuốn sách có tên là "Lý thuyết số cộng". Những nỗ lực và thành tựu của Hoa La Canh nằm ngoài tầm với của nhiều người. Có thể thấy rằng các con không nên phân biệt đối xử với một người khuyết tật".

Lúc này, một cậu bé vốn thường rất tinh nghịch hét lên: “Nhưng ông ấy không bị nói lắp!”

Câu nói đó khiến các học sinh xung quanh bật cười.

Câu nói đó khiến các học sinh xung quanh bật cười. (Ảnh pexels)

Tôi nghĩ một chút rồi nói: "Nói đến nói lắp, cô nghĩ đến Winston Churchill, cựu thủ tướng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người đã truyền cảm hứng cho người dân Anh bằng những bài phát biểu đầy nhiệt huyết của mình trong Thế chiến thứ hai, và dẫn dắt người dân Anh chiến thắng chiến tranh thế giới thứ 2. Tác phẩm "Cuộc chiến không cần thiết" của ông cũng đã đoạt giải Nobel Văn học.

Các con biết đấy, một con người vĩ đại như vậy, lúc nhỏ ông ấy là một người nói lắp, nhưng nguyện vọng của ông ấy là trở thành một nhà diễn giả. Vì để thực hiện hóa nguyện vọng này, ông nói đi nói lại trước gương, đọc đi đọc lại nhiều bài phát biểu, và cuối cùng trở thành một diễn giả xuất sắc. Ông ấy nói, bí quyết thành công của tôi chỉ có 3 câu là: Đừng bao giờ bỏ cuộc! Đừng bao giờ bỏ cuộc! Đừng bao giờ bỏ cuộc!

Vì vậy, chúng ta không nên có cách nhìn phiến diện các em học sinh khiếm khuyết về thể chất hoặc gặp chướng ngại về ngôn ngữ v.v. Bởi vì, những người thực sự thành công đều nhờ vào sự chăm chỉ và ý chí mạnh mẽ, cho nên những khiếm khuyết đó không phải là vấn đề. Tu dưỡng đạo đức của một người mới là điều thực sự quan trọng. Khi các con phân biệt đối xử với người khác, các con đã trở thành một người có đạo đức thấp rồi phải không?"

Nói đến đây, nhiều học sinh bắt đầu trầm ngâm, tôi nói tiếp: "Thực ra, trong lịch sử có rất nhiều vĩ nhân, chẳng hạn như Tư Mã Tương Như, một trong tứ đại danh sư của nhà Hán thời cổ đại đã viết "Tự Hư Phú", "Trường Môn Phú" và các từ phú nổi tiếng khác. Hàn Phi Tử là nhà tư tưởng học thời Chiến Quốc nổi tiếng, cũng mắc chứng nói lắp, nhưng nó không ảnh hưởng đến việc ông viết ra cuốn "Nội ngoại trữ thuyết", "Thuyết lâm" , "Dụ Lão" và những tác phẩm khác. Trước khi nổi tiếng, ông đã bị người xung quanh chế giễu, nhưng bây giờ các con nghĩ lại xem, những người cười nhạo người khác không phải đáng cười lắm sao?"

Sau giờ học, tôi gọi riêng học sinh nói lắp ra và nói: "Hoa La Canh mà cô đã nhắc đến trong lớp, ông ấy sinh ra đã chịu cảnh bần hàn, rồi sau này lại thêm cảnh què chân. Ông ấy cũng bị nhiều người chế giễu và đùa cợt trước khi thành danh, ông không hề quan tâm đến những điều người khác nói, thậm chí ông còn hài hước cười nhạo cách đi của mình rằng: “Đây là chuyển động của các đường tròn và các tiếp tuyến”.

Thủ tướng Anh Churchill cũng bị các giáo viên cười nhạo, cho rằng ông “làm mất mặt cha và nhất định là một con ký sinh trùng". Nhưng ông ấy không vướng vào việc bị người khác chế giễu mà cảm thấy có lỗi với bản thân. Thay vào đó, ông ấy đối mặt với khó khăn và đạt được sự nghiệp vĩ đại. Vì vậy, sự tích của những vĩ nhân này, chúng ta có thể thấy rằng đừng quan tâm đến những việc không liên quan, mà là bước đi trên chính đôi chân của mình, không ngừng hoàn thiện bản thân và chiến thắng chính mình, đó mới thật sự quan trọng".

Một số bạn đã chủ động bắt chuyện với học sinh nói lắp đó. (Ảnh pexels)

Học sinh đó nhìn tôi rất cảm động, gật đầu và nói rằng, con biết mình phải làm gì rồi ạ. Sau đó, các em học sinh trong lớp cũng đã kiềm chế rất nhiều, một số bạn đã chủ động bắt chuyện với học sinh nói lắp đó, đồng thời đứng ra bênh vực khi bạn bị bắt nạt.

Nghĩ cách đúng đắn và kiến lập quan niệm đạo đức là rất quan trọng đối với trẻ. Thông qua hướng dẫn, dù là học sinh tự ti hay học sinh hay cười nhạo người khác, các con đều thấu hiểu những câu chuyện truyền cảm hứng tích cực, và hiểu rằng tu dưỡng đạo đức là trang bị tâm thiện lương, có ý chí và biết chịu đựng gian khổ, đó mới là chìa khóa của thành công.

Thuần Chân
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Học sinh nói lắp bị chế giễu, giáo viên hướng dẫn cả hai bên bằng những câu chuyện truyền cảm hứng