Học sinh tự tử: Do áp lực học hành hay giáo dục đi lệch đường?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Liên tiếp các vụ học sinh tự tử gây xôn xao dư luận, người thì cho rằng chương trình học nặng, người thì cho rằng các bậc phụ huynh gây áp lực, người thì cho rằng do mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn ở trường... Vậy đâu mới là nguyên nhân đích thực?

Học sinh tử tử có phải do áp lực học hành và thành tích không?

Vụ việc nam sinh lớp 10 học ở một trường chuyên Hà Nội, vào lúc hơn 3 giờ sáng ngày 1/4 lao từ tầng 28 xuống đất tử vong, và để lại một thư tuyệt mệnh, gây xôn xao dư luận.

Chỉ trước đó 1 ngày, ngày 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh, có học lực tốt, không có biểu hiện gì bất thường, cũng treo cổ tự tử ở nhà, khiến mọi người bàng hoàng và bất ngờ.

Có người cho rằng áp lực học hành lớn, có người cho răng do cha mẹ gây áp lực phải có thành tích tốt, có người lại cho rằng chương trình học quá nặng…

Đúng là học sinh ngày nay áp lực học tập lớn, nhất là trẻ cuối cấp, chuẩn bị thi đại học, hoặc ở các trường chuyên, khối lượng bài vở khá lớn. Chưa kể các phụ huynh mong muốn con mình thành công trong các cuộc thi, kiếm được việc làm tốt, nên đã không tiếc tiền cho con học thêm, ôn luyện thêm ngoài giờ.

Học sinh những năm thập niên 70, 80 thế kỷ trước, nửa ngày đi học, nửa ngày ở nhà phụ giúp gia đình, tự làm bài tập và vui chơi với nhau. Thời đó hầu như không thấy trường hợp học sinh tự tử. Nhất là thời xưa, không chỉ học sinh mà hầu như không có người tự tử.

Nhiều người cho rằng, thời hiện đại áp lực học hành quá lớn, cộng thêm áp lực thành tích từ gia đình và nhà trường, khiến học sinh không chịu nổi, dễ gây rối loạn tâm thần và trầm cảm.

Áp lực học hành quá lớn, cộng thêm áp lực thành tích từ gia đình và nhà trường, khiến học sinh không chịu nổi, dễ gây rối loạn tâm thần và trầm cảm. (Ảnh minh họa: pixabay)

Điều này cũng chỉ đúng một phần, nhưng không phải là nguyên nhân mấu chốt, vì đã là người thì ai cũng có lúc thuận lợi, bất lợi, ai cũng có lúc thành công thất bại, ai cũng có lúc ốm đau bệnh tật, tai họa ập đến. Thế nên, là người thì ai cũng có lúc phải chịu khổ, chịu áp lực lớn.

Thời xưa học sinh đi học có nhàn nhã hơn ngày nay không?

Thời xưa, giáo dục lấy Nho gia làm trọng tâm, yêu cầu học hành cũng rất nặng. Những người học thành tài đều khổ học, ví như một số trường hợp được ghi chép lại trong lịch sử như sau.

Trạng nguyên, danh thần nhà Trần Mạc Đĩnh Chi, thuở nhỏ nhà rất nghèo, cha mất sớm, từ nhỏ cậu đã phải dậy sớm cùng mẹ vào rừng kiếm củi, sau đó mới đến trường học do thầy Trần Nhật Duật mở ở gần nhà. Không có tiền nên cậu phải mượn sách của thầy của bạn về học, và đốt củi, lá cây thay đèn.

Vũ Công Duệ, trạng nguyên thời vua Lê Thánh Tông, thuở nhỏ gia đình nghèo khổ, cậu phải vừa trông em vừa nấu cơm, làm việc nhà. Không được học hành, chỉ đứng ngoài cửa lớp nghe lỏm ông đồ dạy học.

Xa Dận, trọng thần triều Tấn, từ nhỏ hiếu học, chăm chỉ không biết mỏi mệt, nhưng gia cảnh nghèo khó. Trong nhà vì để duy trì cái ăn cái mặc, không có tiền dư thừa mua đèn dầu cho cậu ban đêm đọc sách. Thế là, cậu tìm một cái túi lụa trắng, bắt mấy chục con đom đóm bỏ vào, buộc miệng túi lại rồi treo lên. Mặc dù không thể nào hoàn toàn sáng tỏ, nhưng cũng có thể miễn cưỡng dùng để soi từng chữ đọc sách.

Thời Chiến Quốc, Tô Tần học vấn uyên bác, tầm nhìn sâu xa, ông du thuyết và được cả 6 nước phong làm tể tướng. Đằng sau thành công đó là thuở thiếu thời miệt mài đèn sách. Hôm nào ông cũng đọc sách đến khuya, buồn ngủ quá bèn lấy dùi đâm vào đùi để tỉnh táo học tiếp.

Tôn Tĩnh thời Hán, hàng ngày đóng cửa học cả ngày và đến tận đêm khuya. Nhiều hôm mệt quá ngủ gật trên bàn học. Ông bèn buộc tóc lên xà nhà để mỗi lần ngủ gật, bị giật tóc đau mà tỉnh táo học tiếp, cuối cùng đã trở thành học giả uyên bác nổi tiếng.

Phạm Trọng Yêm, nhà chính trị, tư tưởng, giáo dục thời Bắc Tống, thời trẻ đi học không có gì ăn, thường là để bụng đói. Khi đi học ở nhà chùa, mỗi ngày cậu nấu một nồi cháo loãng, chia bát cháo thành bốn phần, để mỗi bữa ăn một phần.

Cảnh học tập của trẻ em xưa. (Tranh: NTDVN)

Có người nói rằng, đó là do thời xưa nghèo khổ, học trò đi học mới phải chịu khổ cực như vậy, ngày nay vật chất đầy đủ, ai nỡ để con cái chịu khổ cực.

Cách nói này cũng chỉ đúng một phần, chúng ta hãy thử xem các hoàng tử xưa học hành thế nào.

Các hoàng tử xưa học hành như thế nào?

Sách “Chú giải sinh hoạt của Khang Hy” có ghi chép rằng, ngày 10 tháng 6 năm Khang Hy thứ 16 (năm 1687), các hoàng tử ở thư phòng Vô Dật Trai, tình hình một ngày học tập như sau:

Giờ Dần (từ 3-5 giờ), hoàng tử đọc sách ở thư phòng, ôn tập bài học hôm trước, chuẩn bị cho việc thầy giáo đến lên lớp.

Giờ Mão (từ 5-7 giờ), thầy giáo đến lớp (thầy tiếng Mãn là Đạt Cáp Tháp, thầy tiếng Hán là Thang Bân), bắt đầu kiểm tra bài tập của các hoàng tử, bắt đầu học thuộc bài khóa. Một chữ cũng không sai, thì có thể tiếp tục học tập bài tiếp. Học tiếp một đoạn bài khóa, tiếp tục học thuộc. Ngày mai còn kiểm tra lại.

Giờ Thìn (từ 7-9 giờ), Khang Hy bãi triều liền đến Vô Dật Trai, bắt đầu kiểm tra bài tập, chủ yếu là kiểm tra học thuộc, giống như học bài học ngữ văn hiện nay, hễ đi học là trước tiên kiểm tra đọc thuộc bài khóa.

Giờ Tỵ (từ 9-11 giờ), lúc đó đã vào tiết Sơ phục, Mặt trời cũng gần đến giữa trời, nắng nóng như lửa. Khi các hoàng tử học thì không được phép mang theo quạt, cần phải ngồi ngay ngắn chỉnh tề. Bắt đầu luyện tập thư pháp, yêu cầu mỗi hoàng tử viết mỗi chữ 100 lần.

Giờ Ngọ (từ 11-13 giờ), ăn trưa. Sau khi ăn xong lại tiếp tục tự luyện tập viết chữ.

Giờ Mùi (từ 13-15 giờ), các hoàng tử đến sân của Vô Dật Trai, bắt đầu học thể dục. Ở đó có cung tên và bia, còn phải học vật, võ thuật v.v.

Giờ Thân (từ 15-17 giờ), Khang Hy lại đến Vô Dật Trai, tùy ý giở sách ra đề. Các hoàng tử theo thứ tự nối đuôi nhau tiến đến, đọc thuộc, giải nghĩa.

Giờ Dậu (từ 17-19 giờ), luyện tập bắn cung tên bên ngoài Vô Dật Trai. Khang Hy lệnh cho các hoàng tử theo thứ tự bắn tên, thành tích của các hoàng tử không đồng đều. Khang Hy lại lệnh mấy vị thầy bắn tên. Sau đó Khang Hy đích thân bắn, bắn liên tiếp và trúng liên tiếp.

Sau khi học xong thì tan học. Đây chính là một ngày của các hoàng tử.

Bức tranh Hoàng đế Khang Hy đi tuần. (Phạm vi công cộng)

Có thể thấy áp lực học hành của học sinh ngày nay tuy có cao hơn cách đây mấy chục năm, nhưng so với thời xưa thì vẫn chưa thể sánh được. Vậy tại sao ngày xưa học trò chịu áp lực cao hơn ngày nay mà không ai nghĩ đến tự tử?

Học sinh xưa học những gì?

Trẻ em xưa khi mới đi học, một trong sách vỡ lòng là “Đệ tử quy” (phép tắc người con). Mở đầu, sách dạy rằng:

Phép người con, Thánh nhân dạy
Hiếu đễ trước, rồi cẩn tín
Yêu rộng khắp, gần người nhân
Có dư sức, thì học văn

Chỉ vài câu nhưng đã nói rõ mục đích của giáo dục là trước tiên đào tạo con người có đạo đức, và sau đó mới là văn hóa, tức là việc đầu tiên của việc học là học cách làm người.

Khổng Tử dạy học trò: “Con em ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà giữ chữ Tín, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được đến vậy rồi mà còn dư sức thì hãy học văn”.

Học tập là học làm người, mà làm người có đủ tài đức cống hiến cho xã hội phải đạt được Ngũ đức là Nhân- Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, trở thành bậc chính nhân quân tử (tu thân), gánh vác trách nhiệm gia đình dòng tộc (tề gia), trách nhiệm quốc gia (trị quốc) và trách nhiệm với nhân loại (bình thiên hạ).

Con đường để đạt được là người có đủ đức và tài, là người hữu ích cho quốc gia, xã hội, thì bước đầu tiên phải làm được, và phải được học tập ngay từ bé, đó là làm người con hiếu.

Hiếu Kinh có viết: “Thân thể, tóc da đều nhận từ cha mẹ, không được làm tổn thương, hủy hoại thân thể, đó là khởi đầu của Đạo hiếu”.

Mà khởi đầu của đạo hiếu lại là biết quý trọng thân thể do cha mẹ ban cho, không được làm tổn thương. Chữ Hiếu có 3 tầng thứ, thứ nhất là thân hiếu, thứ 2 là tâm hiếu và thứ 3 là chí hiếu.

Thân hiếu là cung phụng nuôi dưỡng cha mẹ không còn khả năng lao động, khiến cha mẹ được ăn no, mặc ấm, có bệnh thì đưa cha mẹ đi khám chữa bệnh, khiến cha mẹ không phải lo về cái ăn cái mặc, vui hưởng tuổi già.

Tâm hiếu chính là trong tâm luôn nghĩ đến cha mẹ, lời nói phải để cha mẹ thuận tai, làm việc phải để cha mẹ thuận mắt, hết thảy đều khiến cha mẹ vừa lòng.

Chí hiếu chính là làm người con có chí hướng lớn lao, khiến cha mẹ tự hào vì con.

Khởi đầu của Đạo hiếu là giữ gìn thân thể, còn tận cùng của Đạo hiếu là gì? Khổng Tử nói: “Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của hiếu”.

Như vậy mục đích cuối cùng của Đạo hiếu, của học tập là “Lập thân hành Đạo”, trở thành bậc Thánh hiền, có Đạo, thuận theo Đạo, để rạng danh cha mẹ, lưu danh hậu thế.

Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Vậy người xưa học gì, Khổng Tử nói: “Quyết chí học Đạo, bám chắc vào đức, dựa vững vào nhân, du chơi bằng nghệ thuật”.

Người xưa vui chơi bằng nghệ thuật gồm có 6 môn, gọi là “Lục nghệ”: Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số; có nghĩa là học: Lễ nghi, Âm nhạc, Bắn cung, Cưỡi ngựa, Thư pháp, Toán học.

Người xưa còn học Lục nghệ, gồm: Lễ nghi, Âm nhạc, Bắn cung, Cưỡi ngựa, Thư pháp, Toán học. (Tranh: Winnie Wang/ Secretchina)

Lời kết

Người xưa học tập là để làm người, một con người hoàn thiện đúng nghĩa, có thế giới quan rộng lớn, có nhân sinh quan tốt đẹp, có phẩm đức cao thượng, thiện lương, có cuộc sống tinh thần lành mạnh, nội tâm phong phú, có sức chịu đựng bền bỉ và kiên cường trước những nghịch cảnh, trở thành người hữu ích cho gia đình, cộng đồng, xã hội và quốc gia.

Khổng Tử dạy: “Người quân tử (trí thức) không phải là công cụ”; “Các trò hãy làm Nho sinh quân tử, chớ làm Nho sinh tiểu nhân”; “Người quân tử thì hiểu rõ về nghĩa, vì nghĩa, kẻ tiểu nhân thì hiểu rõ về lợi, vì lợi”.

Xét ra, ngày nay học là vì để có việc làm tốt, được thăng quan tiến chức, hay được du học, cơ hội định cư nước ngoài… tất cả cái việc học ngày nay đều hoàn toàn trái ngược với việc học người xưa, ngày nay biến con người thành công cụ lao động, kiếm tiền, hưởng thụ, đào tạo ra các Nho sinh (trí thức) tiểu nhân, chỉ biết đến danh lợi, vì lợi ích, bạc tiền, tâm hồn khô cằn, tầm nhìn hạn hẹp.

Vấn nạn học sinh tự tử, người dân tự sát ngày nay, xét cho cùng cũng là do mỗi người chúng ta góp phần, vì chúng ta cũng là người góp phần xóa bỏ văn hóa đạo đức truyền thống, coi đó là lạc hậu, thủ cựu, xem thường xem khinh những tinh hoa văn hóa đã trải qua hàng nghìn năm sàng lọc, trầm lắng. Phải chăng người hiện đại chúng ta quá kiêu căng ngạo mạn, khi cho rằng chúng ta hơn người xưa? Phải chăng vấn nạn xã hội ngày này là kết quả (nhân quả) của việc phủ định, xóa bỏ nền văn hóa truyền thống ngàn đời, tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo?

Trung Hòa

 



BÀI CHỌN LỌC

Học sinh tự tử: Do áp lực học hành hay giáo dục đi lệch đường?