Hôn nhân trong văn hóa truyền thống: Nghĩa tào khang cả đời không phụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong văn hóa xưa, hôn nhân là một việc mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, đó là nền tảng của luân lý làm người. Khi kết hôn, hai vợ chồng bái lạy trời đất, tổ tiên, cha mẹ để chứng giám cho lời thề sắc son của họ.

Người xưa vô cùng coi trọng lời thề, hai vợ chồng vô luận là bần cùng hay phú quý đều sống cùng nhau. Trong lịch sử, có nhiều tấm gương mẫu mực về tình cảm vợ chồng sâu sắc, cả đời không thay lòng đổi dạ.

Lưu Đình Thí cưới cô thôn nữ mù

Lưu Đình Thí (còn gọi là Lưu Đình Thức) là một học giả sống vào triều đại Bắc Tống (960-1279 TCN) ở Trung Quốc. Thuở hàn vi, ông đã quen một cô thôn nữ cùng quê và ngỏ lời cầu hôn. Lúc đó Lưu Đình Thí chưa có công danh gì, nhưng biết ông là người có chí học hành nên cô gái đã đồng ý. Cũng do gia cảnh bần hàn nên Lưu Đình Thí chưa thể tặng lễ vật gì cho gia đình cô gái.

Sau đó Lưu Đình Thí thi cử đỗ đạt cao, có tên trên bảng vàng và trở thành quan triều đình. Lúc này, mọi người đều biết Lưu Đình Thí là một vị quan trẻ tuổi có tương lai sáng lạn ở phía trước, thậm chí không ít gia đình quyền quý muốn gả con gái cho ông. Trong khi đó, vị hôn thê ngày xưa của Lưu Đình Thí lại lâm bệnh nặng, tuy qua khỏi nhưng đôi mắt hoàn toàn không nhìn thấy được nữa. Cha mẹ của nàng là nông dân nghèo, cảm thấy rằng cô không xứng để cưới Lưu Đình Thí và cũng không dám nhắc lại việc đính hôn của hai người.

Nhiều người bạn của Lưu Đình Thí đã cố thuyết phục ông từ bỏ đám cưới với cô thôn nữ ấy, nhưng ông đã trả lời: “Khi tôi đính hôn với nàng thì tôi đã trao trọn trái tim mình cho nàng rồi. Nàng có thể bị mù nhưng trái tim nàng vẫn trong sáng. Nếu tôi hủy hôn ước thì lương tâm tôi sẽ cắn rứt. Là đấng nam nhi cần phải biết giữ lời của mình. Tôi không thể phụ tình nàng được.”

"Nàng có thể bị mù nhưng trái tim nàng vẫn trong sáng. Nếu tôi hủy hôn ước thì lương tâm tôi sẽ cắn rứt. Là đấng nam nhi cần phải biết giữ lời của mình. Tôi không thể phụ tình nàng được."
"Nàng có thể bị mù nhưng trái tim nàng vẫn trong sáng. Nếu tôi hủy hôn ước thì lương tâm tôi sẽ cắn rứt. Là đấng nam nhi cần phải biết giữ lời của mình. Tôi không thể phụ tình nàng được." (Miền công cộng)

Vì vậy Lưu Đình Thí đã cưới cô thôn nữ mù ấy. Sau hôn lễ, Lưu Đình Thí đã tận tâm chăm sóc người vợ mù của mình. Họ sống với nhau rất hạnh phúc, thương yêu nhau và đã sinh được nhiều con cái.

Yến Anh một lòng một dạ với người vợ tào khang

Yến Anh, một vị tể tướng nổi tiếng trung thành, cần kiệm của nước Tề thời Xuân Thu. Ông là người tài giỏi, thương dân và thường có những lời khuyên chí tình chí lý giúp Tề Cảnh Công trị nước. Khi đi sứ, Yến Anh không chỉ bảo vệ được sự uy nghiêm của nước Tề mà còn giúp nước Tề nổi danh trong những nước chư hầu nên ông được Tề Cảnh Công vô cùng trọng thị.

Một lần Tề Cảnh Công muốn gả con gái yêu của mình cho Yến Anh nên bèn đến nhà ông hỏi dò ý kiến. Trong lúc thưởng nhạc, thấy vợ của Yến Anh đi qua, Tề Cảnh Công liền hỏi: “Đây là thê tử của khanh à?”.

Yến Anh trả lời: “Tâu Đại vương, đó đúng là thê tử của thần”.

Tề Cảnh Công nói: “Vợ khanh vừa già vừa xấu. Ta có một tiểu nữ, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, muốn gả cho khanh, không biết ý khanh thế nào?”.

Yến Anh lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Thê tử của thần nay vừa già vừa xấu, nhưng khi nàng còn trẻ đẹp đã trao thân gửi phận cho thần nguyện cùng thần chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho thần. Nay Đại vương muốn ban con gái của ngài cho thần, nhưng thần làm sao có thể phụ bạc lòng tin của thê tử được?”

“Thê tử của thần nay vừa già vừa xấu, nhưng khi nàng còn trẻ đẹp đã trao thân gửi phận cho thần nguyện cùng thần chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho thần." 
“Thê tử của thần nay vừa già vừa xấu, nhưng khi nàng còn trẻ đẹp đã trao thân gửi phận cho thần nguyện cùng thần chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho thần." (Miền công cộng)

Nói rồi Yến Anh bái tạ Tề Cảnh Công và từ chối. Tề Cảnh Công thấy Yến Anh dứt khoát, coi trọng tình nghĩa vợ chồng như vậy nên từ đó trở đi cũng không nhắc lại lần nào nữa.

Gia Cát Lượng một đời chung thuỷ với người vợ xấu xí

Hoàng Nguyệt Anh, thiên kim tiểu thư của Hoàng Thừa Ngạn. Nàng là một tài nữ hiếm có trên đời, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bát quái ngũ hành, kỳ môn độn giáp, ngay cả binh pháp nàng cũng vô cùng am hiểu. Tài năng thì như vậy, đức độ của nàng cũng không kém, tính cách nàng dịu dàng, nết na, biết chăm lo, vun vén cho gia đình. Chỉ có điều ngoại hình của Nguyệt Anh lại trái ngược, vô cùng xấu xí, thậm chí còn được liệt vào “Ngũ xú Trung Hoa”.

Tuy nhiên với Gia Cát Lượng, “tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp”. Nguyệt Anh là người vừa có thể thu xếp thỏa đáng việc gia đình, lại có thể cùng ông đàm đạo kiến thức, vừa là tri âm, vừa là tri kỷ, người như vậy trên đời hỏi có mấy ai? Ẩn giấu bên trong ngoại hình xấu xí kia đúng là một viên ngọc sáng ngời, Gia Cát Lượng biết rõ đây chính là người mà ông tìm, thậm chí ông còn cho là mình phải may mắn mới cưới được người vợ hiền đức lại tài năng này.

Tương truyền phát minh “trâu gỗ ngựa máy”, "nỏ liên châu","Khổng Minh đăng" của Gia Cát Lượng đều có sự tham gia giúp đỡ của Hoàng Nguyệt Anh.
Tương truyền phát minh “trâu gỗ ngựa máy”, "nỏ liên châu","Khổng Minh đăng" của Gia Cát Lượng đều có sự tham gia giúp đỡ của Hoàng Nguyệt Anh. (Tổng hợp)

Sau khi hai người nên vợ nên chồng, Hoàng Nguyệt Anh thực sự đã có vai trò to lớn trong sự nghiệp của Gia Cát Lượng. Ở nhà, bà chăm sóc con cái, lo toan gia đình, quan tâm họ hàng gần xa tươm tất để Gia Cát Lượng có thể toàn tâm toàn ý làm việc lớn. Ngoài ra, bà còn có đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp lừng lẫy của chồng, tương truyền phát minh “trâu gỗ ngựa máy”, "nỏ liên châu","Khổng Minh đăng" của Gia Cát Lượng đều có sự tham gia giúp đỡ của Hoàng Nguyệt Anh. Cuốn “Long Trung sách” của Gia Cát Lượng cũng dựa trên sự gợi ý ít nhiều của bà.

Gia Cát Lượng vô cùng kính trọng người vợ của mình, hai người tương kính như tân, dùng lễ mà đối đãi với nhau, cả đời chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột quả thực khiến người đời ngưỡng mộ.

Qua những chuyện kể trên, ta nhận thấy rằng nhân phẩm và tính cách của một người mới chính là nền tảng cho hôn nhân. Vợ chồng nên đối xử chân thành, tử tế, tôn trọng và quan tâm đến nhau, chỉ có như thế thì cuộc hôn nhân mới hạnh phúc và lâu bền. Hôn nhân là gốc của gia đình, hôn nhân bền vững thì gia đình mới hòa thuận, sung túc. Gia đình là gốc của quốc gia, gia đình sung túc thì quốc gia mới phồn vinh, thịnh vượng.

Nam Minh



BÀI CHỌN LỌC

Hôn nhân trong văn hóa truyền thống: Nghĩa tào khang cả đời không phụ