Hồng Thủy ở Hà Nam Trung Quốc hay Nhân quả đã đến hồi báo ứng? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại hồng thủy ngày tận thế hay sao? Không. Đó là những hình ảnh của trận lụt lịch sử ở thành phố Trịnh Châu và tỉnh Hà Nam ngày 20/7/2021. Họa lớn chưa qua vì có tin rằng chừng hơn ba mươi hồ chứa và đập nước ở tỉnh Hà Nam đang vượt ngưỡng cho phép.

Hồng Thủy ở Hà Nam Trung Quốc

Những thác nước mưa đổ ầm ầm từ trời cao xuống mặt đất;
Những đại lộ chìm trong sóng dữ mênh mang;
Những xe hơi trôi lăn lông lốc như bao diêm trong dòng nước cuồn cuộn;
Những thi thể lềnh bềnh trong làn nước đục lờ,
hay còng queo trên mặt đất nhão nhoét;
Những thanh âm ai oán dưới màn mưa mù mịt, trên mái nhà sắp chìm trong biển nước;
Những tiếng sụt sịt mếu máo trên nhiều khuôn mặt thất thần rất gần mặt nước trong toa xe điện ngầm;
Những nghĩa địa xe hơi chồng chất giữa phố;
Những ánh mắt bất lực đau khổ;

v.v.

Và người xem cũng sa nước mắt.

Gần đây, lượng mưa ở Hà Nam đã đạt đến đỉnh điểm, toàn tỉnh đã hứng chịu lượng mưa cực lớn trên diện rộng. (Ảnh tổng hợp)
Trận lụt lịch sử ở thành phố Trịnh Châu và tỉnh Hà Nam ngày 20/07/2021. (Ảnh tổng hợp)

Đại hồng thủy ngày tận thế hay sao? Không. Đó là những hình ảnh của trận lụt lịch sử ở thành phố Trịnh Châu và tỉnh Hà Nam ngày 20/7/2021. Họa lớn chưa qua vì có tin rằng chừng hơn ba mươi hồ chứa và đập nước ở tỉnh Hà Nam đang vượt ngưỡng cho phép.

Dường như tự tin vận nước đang lên, ngày 1/7/2021 Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố hung hăng bộc lộ tham vọng cuồng ngạo của mình ở lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng. Vận nước quả cũng đang lên trên khắp các tỉnh thành, nhưng theo một nghĩa khác, mà khủng khiếp nhất là tại Hà Nam - cố đô xinh đẹp một thời của Trung Quốc. Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử tìm về một Hà Nam trong quá khứ.

Hà Nam - cố đô xinh đẹp và tinh tế của văn hóa truyền thống

Hà Nam, còn gọi là đất Dự, nằm ở phía nam sông Hoàng Hà, bắc giáp Hà Bắc, phía đông bắc có Sơn Đông, tây nam có An Huy, nam có Hồ Nam, tây có Thiểm Tây, Sơn Tây ở phía tây bắc… chính là nằm ở vào vị trí trung tâm của đồng bằng Hoa Bắc, nơi phát tích văn minh 5000 năm của Hoa Hạ, nên từ xưa được gọi là Trung Nguyên.

Hà Nam, núi sông như vẽ, phong cảnh hữu tình, sản vật phì nhiêu, tuấn kiệt nhiều vô số. Tổng cộng có khoảng 15 triều đại từ thời cổ đại đến trung đại đã chọn nơi đây làm đất đóng đô.

Vì thế ở vùng đất này cơ man nào là những chứng tích lịch sử, mỗi bước chân mỗi kỷ niệm về địa linh nhân kiệt.

Dòng sông Hoàng Hà phía bắc nặng phù sa như con thần long màu vàng uốn khúc ôm lấy mảnh đất Hà Nam, bên bờ Hoàng Hà có Quán Tước lâu, nơi mà danh sĩ Vương Chi Hoán đã từng viết:

Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi
Muốn xem ngàn dặm xa xôi
Hãy lên tầng nữa trông vời nước non (1)

Quán Tước lâu
Quán Tước lâu

Vì vậy, muốn ngắm đất Hà Nam, phải leo lên Tung Sơn tuyệt đỉnh; muốn hiểu về Hà Nam, phải ngược dòng lịch sử mấy nghìn năm để tìm lại danh nhân thắng địa.

Này đây là chùa Thiếu Lâm trên núi Thiếu Thất thuộc dãy Tung Sơn, đất Trịnh Châu, ngôi chùa cổ kính huyền thoại đã đi vào văn sử, thi ca, phim ảnh... với bao thế hệ danh tăng võ sĩ lưu dấu ấn siêu việt vào văn hóa lịch sử Trung Hoa. Kia là nơi tổ Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma cưỡi lau vượt Hoàng Hà rồi sau cửu niên diện bích, nọ là Tàng Kinh Các bác đại tinh thâm tàng chứa ngàn điển muôn kinh.

Đất Trịnh Châu dưới chân núi này chính là kinh đô nước Trịnh của Trịnh Trang Công - một trong Ngũ Bá thời Chiến Quốc.

Phía xa xa là Khai Phong phủ với quan ngự sử Bao Chửng tức Bao Thanh Thiên lòng như trăng rằm, chí tựa trời xanh: "thanh liêm, cương trực, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình”.

Này đây đất Dự Châu, đất phong của người anh hùng yêu nước thương dân thời Tam Quốc là Lưu Bị, nơi đã hằn in vô số vó câu xe ngựa trong công cuộc thiên hạ tam phân.

Kia là kinh đô Lạc Dương hoa lệ, còn gọi là “thi đô - kinh đô của thi nhân”, hay “hoa đô - đô thành hoa nở”. Thi nhân là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... hoa nở đẹp nhất nơi đây là mẫu đơn. Những kỳ nhân dị sĩ thiên hạ khi sống nơi này thì đặt định văn hóa, khi thác cũng chọn Lạc Dương làm chốn an nghỉ, như những Bá Di, Thúc Tề, Tô Tần, Trương Nghi, Lã Bất Vi, Trần Bình, Trương Lương, Quan Vũ , Địch Nhân Kiệt, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ…

Quả thật là:

Giữa bầu trời lịch sử
Muôn triệu ánh sao sa
Trong nhân gian vạn thuở
Ấy muôn triệu đóa hoa. (2)

Cổng chính của Đại Hùng Bảo Điện chùa Thiếu Lâm. (Phạm vi công cộng)
Cổng chính của Đại Hùng Bảo Điện chùa Thiếu Lâm. (Phạm vi công cộng)

Người Hà Nam xưa là con người đất đế đô, trọng lễ nghi, có đạo đức. Như Trịnh Trang Công cõng mẹ dưới suối vàng mà được khen là người chí hiếu; Nhạc Phi anh hùng chống Kim nêu gương tận trung báo quốc vằng vặc sử xanh. Văn hóa truyền thống chịu nhiều ảnh hưởng của Nho gia, ca ngợi lòng trung quân ái quốc, coi cội nguồn của lòng tốt từ lòng hiếu thảo, “bách thiện hiếu vi tiên”. Các triều đại xưa coi trọng giá trị của Nho gia như “Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”. Người Hà Nam là dân đất cố đô, đương nhiên càng coi trọng lễ nghi và đạo đức.

Một cố học giả, nhà ngoại giao người Việt rất có uy tín về Trung Quốc đã từng viết: “Người Hà Nam rất chăm chỉ, chịu khổ được, tập quán sinh hoạt vốn thật thà chất phác, nhất là người nông thôn… Người Hà Nam ở nhà rất coi trọng lễ nghĩa, các chuyện ma chay cưới xin, sinh đẻ, lễ tết… đều rất coi trọng lễ nghĩa…” (3)

Nhưng một ngày trên toàn cõi Trung Hoa, bỗng "trời đất nổi cơn gió bụi". Và Hà Nam cũng chịu chung số phận với mảnh đất Thần Châu dưới ách cai trị của triều đại đỏ.

Một Hà Nam phẩm giá sa sút dưới triều đại đỏ

Hầu như tất cả những gì thuộc về văn hóa truyền thống đều đối lập với nền tảng lý luận của ĐCSTQ, là chướng ngại của ĐCSTQ để nắm giữ quyền lực. Đạo đức, văn hóa truyền thống, tín ngưỡng chân chính hay niềm tin vào Thần là cội nguồn của sức mạnh tinh thần, đối lập với bản chất “Giả - Ác - Đấu” của ĐCSTQ; nhân tâm hướng thiện an hòa, kiên định sáng suốt khiến xã hội an bình, lạ thay lại chẳng phải điều ĐCSTQ mong muốn, cái nó cần là cơ hội tiếm đoạt quyền lực chính trị từ trong đại loạn. Hà Nam lại là cố đô kết tinh những giá trị văn hóa này nên đương nhiên là mục tiêu phá hoại của ĐCSTQ.

Sau những cuộc vận động chính trị trên toàn đất nước và ở Hà Nam, hậu quả ngày nay ra sao? Vị cố học giả kia cũng đã nhận xét về người Hà Nam như sau: “thanh danh hiện nay rất xấu, các công ty lớn tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến đều không muốn thuê dùng người Hà Nam. Đã có câu nói: “phòng lửa, phòng trộm, (đề) phòng người Hà Nam”, thậm chí tại Thâm Quyến đã từng có biểu ngữ “nghiêm khắc đả kích bọn tội phạm Hà Nam”.

Có thể là do đất hẹp người đông (sắp đạt 100 triệu dân), nên cạnh tranh dữ dội, rất nhiều người dường như xảo quyệt là thiên tính. Độ tín nhiệm của các công ty Hà Nam rất xấu, hễ lừa được là lừa, hễ hãm hại được là hãm hại, buôn bán làm ăn với họ là rất mạo hiểm. Trịnh Châu, Tân Hương, An Dương tập trung rất nhiều công ty lừa gạt, dùng các phương thức như ủy thác gia công, liên minh, để lừa gạt, chính quyền địa phương về căn bản không quản lý. Người Hà Nam phổ biến có địa vị không cao tại các thành phố lớn nhưng tiếng tăm lại rất nổi; “thu nhặt đồ phế phẩm rất nhiều” (và thường thuận tay dắt bò). Số gái điếm cũng không ít, thường lang thang tại thành phố. Tỷ lệ người Hà Nam phạm tội ở Bắc Kinh chỉ dưới người Đông Bắc, nên ở đâu cũng bị chèn ép…” (4)

Quá khứ 100 năm tồn tại và hơn 70 năm cai trị của ĐCSTQ cung cấp cho chúng ta vô vàn dẫn chứng về cuộc phá hoại của ĐCSTQ với đạo đức văn hóa truyền thống, tín ngưỡng... để lý giải cho sự sụp đổ tinh thần đạo lý của con người trên mảnh đất này. Ở đây chỉ tạm đưa ra một vài sự kiện tiêu biểu cho cuộc bức hại tín ngưỡng nơi đây.

Ngôi chùa đầu tiên của Trung Hoa là chùa Bạch Mã (xây dựng năm 25-220 sau công nguyên). Nó được coi là “Cái nôi của Phật giáo ở Trung Quốc”. Trong chiến dịch “Phá Tứ Cựu”, ĐCSTQ đã chỉ đạo nông dân đến phá tan ngôi chùa dưới danh nghĩa “làm cách mạng”. Những bức tượng Mười tám vị La Hán bằng đất sét hơn 1000 năm tuổi được làm trong triều đại nhà Liêu đã bị phá hủy. Kinh Bối Diệp do một vị cao tăng người Ấn Độ mang đến Trung Quốc 2000 năm trước đã bị đốt. Vật quý hiếm như Ngựa ngọc bích, đã bị đập tan thành từng mảnh.

Chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn đã từng là trung tâm văn hóa Thiền tông và võ học với những vị cao tăng đức độ, lấy khắc khổ chuyên cần, tu hành nghiêm cẩn làm phương thức, lấy giải thoát khỏi khổ ải của luân hồi sinh tử làm mục tiêu. Chùa Thiếu Lâm ngày nay được gọi là “Tập đoàn Thiếu Lâm” chuyên làm kinh tài, coi khổ hạnh làm sự nhục nhã, quyết buông bỏ đường tu đổi lấy lợi danh. Ngôi chùa hiện đã lên sàn chứng khoán. Trụ trì chùa này là Thích Vĩnh Tín được gọi chế giễu là “CEO Thiếu Lâm Tự”. Y có khối tài sản khổng lồ theo lời đồn của truyền thông Trung Quốc là khoảng 3 tỷ USD, có đời sống xa hoa, vật chất thừa mứa, bao nuôi hàng loạt nhân tình.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma xưa của Thiếu Lâm Tự đả tọa nhập định một mạch 9 năm liền quay mặt vào vách mới đắc Đạo. Ngày nay “thầy” Thích Vĩnh Tín ngồi yên một giờ cũng khó, vì thời gian của “thầy” đã dành cả vào các hoạt động thương mại, giao lưu chụp ảnh với các nghệ sĩ nổi tiếng, giải trí sinh lợi, giải trí cá nhân, đi họp ở Trung Ương ĐCSTQ để nghe chỉ thị v.v. tất cả trừ tu hành.

Một số hình thức tra tấn được sử dụng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công được mô phỏng lại thông qua lời kể của các nhân chứng sau khi thoát khỏi các nhà tù, trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Một số hình thức tra tấn được sử dụng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công được mô phỏng lại thông qua lời kể của các nhân chứng sau khi thoát khỏi các nhà tù, trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.

Hà Nam cũng không vô can trong cuộc bức hại Pháp Luân Công từ ngày 20/7/1999. Tờ minghui.org, một tờ báo chuyên cung cấp tin tức có độ khả tín cao về cuộc bức hại Pháp Luân Công và những vi phạm nhân quyền khác của ĐCSTQ, đã đưa tin bài về việc những học viên Pháp Luân Công ở tỉnh này bị sách nhiễu, bắt giữ, tra tấn, giết hại, thậm chí cướp mổ nội tạng… như các địa phương khác ở Trung Quốc. Riêng về cướp mổ nội tạng của học viên Pháp Luân Công, chúng ta phải quay trở lại cái “rốn nước” của tỉnh Hà Nam lúc này - thành phố Trịnh Châu.

Nhân quả đã đến hồi báo ứng?

Có tới hơn 383.000 kết quả tìm kiếm trên google về “ghép thận ở Trịnh Châu” (bằng tiếng Trung). Theo trang tin SOH: “năm 2006 SOH phỏng vấn các bệnh viện nhân dân số 3, 5, 7 của Trịnh Châu cho thấy kinh nghiệm ghép thận rất phong phú, nguồn cung cấp rất nhiều, thời gian chờ đợi ghép ngắn, nguồn cung đều là người trẻ khỏe, chi phí từ 30,000 đến 70,000 tệ. Ba bệnh viện này mỗi năm làm cấy ghép thận 80% toàn tỉnh Hà Nam...”. Ai cũng biết rằng Trung Quốc là nhà cung cấp dịch vụ ghép tạng lớn nhất thế giới. Nguồn nội tạng là từ các tù nhân, người Duy Ngô Nhĩ, và nhiều nhất là mổ cướp từ các học viên Pháp Luân Công vì họ có sức khỏe tốt hơn cả.

Các bác sĩ mang nội tạng tươi để cấy ghép tại một bệnh viện ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 16 tháng 8 năm 2012. (Ảnh chụp màn hình qua Sohu.com)
Các bác sĩ mang nội tạng tươi để cấy ghép tại một bệnh viện ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 16 tháng 8 năm 2012. (Ảnh chụp màn hình qua Sohu.com)

24 bệnh viện cấy ghép thận ở tỉnh Hà Nam thực tế đã trở thành một loại “lò mổ” của ĐCSTQ, nơi diễn ra những tội ác ghê gớm nhất mà loài người từng biết đến.

Những năm gần đây, Trịnh Châu xây dựng rất nhiều những công trình ngầm, trong đó có các cơ sở quân sự. Ngày 20/07/2021, tỷ phú lưu vong Quách Văn Quý tiết lộ: Trung tâm chỉ huy tác chiến ngầm chống Đài Loan của quân đội ĐCSTQ cũng bị lũ nhấn chìm.

Ông nói: “Bạn có biết ĐCSTQ làm gì ở Học viện Đo đạc và Bản đồ không? Bạn có tin vào số mệnh không? Trung tâm chỉ huy tổng hợp tác chiến chống Đài Loan có bản đồ mô phỏng 1:1 không phải nằm ở Phúc Kiến, mà là ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam!“ (theo tinhhoa.us)

ĐCSTQ muốn hại Đài Loan cũng không dễ. Ngày 20/7/2021, ngay cả cơn bão mạnh giật cấp 13 mang tên "Cempaka" cũng tránh Đài Loan - xứ sở mộ đạo, để đổ bộ và hoành hành ở Quảng Đông Trung Quốc.

Trận lụt ở thành phố Trịnh Châu và tỉnh Hà Nam diễn ra sau hai ngày mưa lớn. Nhưng chỉ những trận mưa có thể gây nên những cơn lũ quét dữ dội với nước màu vàng đục giống nước Hoàng Hà như vậy không? Có người quay được cảnh hồ chứa thượng nguồn Trịnh Châu đột ngột xả lũ không thông báo vào 10h sáng ngày 20/7/2021 - chính ngày này 22 năm trước ĐCSTQ phát động toàn diện cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Cuộc bức hại đã diễn ra với vai trò chủ mưu và thi hành của bộ máy chính quyền của ĐCSTQ, nhưng cũng có những sự tiếp tay, đồng tình của nhiều người dân Trung Quốc. Như vậy cũng là sự vào hùa trợ giúp cho kẻ ác bức hại tín ngưỡng và người lương thiện. Phật gia có giảng nghiệp báo, trên một vùng đất có nhiều người hành ác mà những người chứng kiến dù chỉ im lặng đồng tình cũng là đồng lõa - nói chi đến tham gia hành ác, và sẽ làm tăng thêm nghiệp lực cá nhân và cộng nghiệp của cả vùng đất. Ắt sẽ đến ngày món nợ cần phải thanh toán theo luật Trời.

Đây là thiên tai hay là nhân họa? Có câu: “Trăm triệu hạt mưa rơi, không hạt nào rơi nhầm chỗ… mọi thứ đều là duyên phận an bài”. Vậy nên dù thế nào cũng là Nhân quả báo ứng. ĐCSTQ dù có trăm phương nghìn kế liệu có thể thoát khỏi quy luật Nhân quả báo ứng hay không? Màn kịch vay trả vẫn còn đang tiếp diễn.

(Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả Nguyên Vũ, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích

(1): Bài thơ “Đăng Quán Tước Lâu” của Vương Chi Hoán, Trần Trọng San dịch

(2): Bài hát “Lịch sử bầu trời” cuối phim Tam Quốc Diễn Nghĩa bản 1996

(3), (4): Trích “Tính cách người các tỉnh tại Trung Quốc” của nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy



BÀI CHỌN LỌC

Hồng Thủy ở Hà Nam Trung Quốc hay Nhân quả đã đến hồi báo ứng? [Radio]