Huy hoàng và bi thương của Thiên An Môn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người từng đến Bắc Kinh đều rất ngưỡng mộ Thiên An Môn, một công trình kiến trúc nguy nga với kỹ thuật khéo léo như Thần tạo ra. Họ đều ca ngợi nó, không chỉ vàng xanh rực rỡ mà còn khí thế bàng bạc, trang nghiêm hùng vĩ. Khi tán thán Thiên An Môn, thì nhất định chớ bỏ qua hai sự kiện gắn liền với Thiên An Môn là “Kim điện truyền lư” và “Kim phượng ban chiếu”, đồng thời cũng phải hiểu được sự bi thương ở nơi này.

Sau khi Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi hoàng đế vào năm 1402, ông đã có một quyết định trọng đại là dời đô đến Bắc Bình. Sở dĩ lựa chọn Bắc Bình là vì ngoài việc Chu Đệ hưng khởi từ vùng đất Bắc Bình này, còn có ba suy tính khác, đó là: Bắc Bình là vùng đất của long thịnh, phong thuỷ tốt hơn Nam Kinh; Bắc Bình có vị trí trọng yếu, giao thông thuận tiện; Bắc Bình có văn hóa thâm sâu phong phú, hiển khí thế đế vương.

Sau khi Minh Thành Tổ quyết định, ông đã phái những thợ thủ công và bậc thầy nổi tiếng như Khoái Tường,... với kiến ​​thức uyên thâm chịu trách nhiệm thiết kế và thi công khu phức hợp cung điện. Cổng chính của hoàng thành được Khoái Tường thiết kế tỉ mỉ và cuối cùng được hoàn thành vào năm 1420, nhưng lúc đó nó được gọi là Thừa Thiên Môn chứ không phải Thiên An Môn, có ý là “phụng thiên thừa vận”, nó cũng chỉ là một toà bằng gỗ ba tầng, chứ không có vẻ uy nghi hùng tráng như ngày nay.

Sách "Nhật hạ cựu văn khảo" ghi chép: "Thiên An Môn ban đầu vẫn theo kiểu cũ triều đại nhà Minh, được gọi là Thừa Thiên Môn. Nó được xây dựng lại vào năm Thuận Trị thứ tám và đổi tên như hiện nay. Năm Càn Long thứ 19, các bức tường được xây dựng thêm ở cổng ngoài phía Đông và Tây Trường An, mỗi bên có ba cổng, quy mô cực kỳ hoành tráng"

Vào năm Thiên Thuận thứ nhất triều Minh Anh Tông (năm 1457), cổng này đã bị hỏa hoạn phá hủy. Năm Thành Hoá thứ nhất triều Minh Hiến Tông (năm 1465), nó được xây dựng lại, nhưng lần này là kiến tạo kiểu thành lầu mái hiên tầng. Năm Sùng Trinh thứ 17, Lý Tự Thành tấn công Bắc Bình, thành lầu bị lửa thiêu rụi. Mãi cho đến sau khi quân Thanh tiến vào Trung Nguyên, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Thanh là Thanh Thế Tổ Phúc Lâm trị vì được 8 năm, mới hạ lệnh trùng tu, tên Thừa Thiên Môn được đổi tên thành Thiên An Môn. Thiên An có nghĩa là "thụ mệnh ư Thiên, an bang định quốc". Thiên An Môn cùng với Ngọ Môn và Đoan Môn, là ba cổng ở phía nam của cung điện. Thiên An Môn hùng vĩ là cánh cổng quan trọng nhất.

Người dân dưới sự trị vì của đế vương Minh Thanh chắc chắn có thể cảm nhận được sự nhỏ bé của mình khi nhìn lên tòa kiến trúc nguy nga này, ngoài việc vì Thiên An Môn cao lớn tráng lệ, đề phòng nghiêm ngặt, còn bởi vì nó phảng phất mối liên hệ với Trời, khiến người ta nổi lên lòng tôn kính. Thiên An Môn với chiều cao 33,7 mét, là một tòa kiến trúc tráng lệ khiến người ngắm nhìn khởi tâm kính ngưỡng. Cho dù là đứng ở ngoài thành lầu quan sát hay quan sát nội thể kiến trúc, đều có thể cảm thấy nó rất đặc sắc.

Cổng Thiên An Môn khi đài phun nước mở. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 4.0)

Đầu tiên, ở phía dưới là một kiến trúc bằng đá cẩm thạch trắng cao 1,6m, thành lầu được xây dựng trên thành đài cao 13m, được chống đỡ bởi 60 cây cột khổng lồ màu đỏ, mặt đông và tây rộng 9 gian, mặt nam và bắc rộng 5 gian, lấy ý nghĩa từ câu “Cửu ngũ, phi long tại thiên" trong “Chu dịch", tượng trưng “cửu ngũ chí tôn". Thiên An Môn còn có ngói vàng rực rỡ sáng chói, cửa sổ có nhiều hoa văn, cùng một số hoạ tiết các loài thú ở trên đỉnh mái.

Tuy nhiên, người am hiểu lịch sử chắc chắn sẽ hiểu được lý do vì sao Thiên An Môn lại có địa vị cao thượng và khí thế hùng mạnh, đồng thời khuyên thế nhân không nên tìm hiểu nhầm về lịch sử vàng son về “kim điện truyền lư” và “kim phượng ban chiếu.”

Kim điện truyền lư

Thiên An Môn là nơi diễn ra “kim điện truyền lư” và “kim phượng ban chiếu”. Trước tiên xin giới thiệu về "Kim điện truyền lư".

Chế độ khoa cử thịnh hành trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Kỳ thi đình do chính hoàng đế chủ trì, cứ ba năm một lần vào tháng thứ ba hoàng lịch. Kỳ thi được tổ chức tại cầu Kim Thủy bên cạnh cổng Thừa Thiên vào đầu thời nhà Minh, sau đó chuyến đến điện Thái Hoà.

Cử nhân muốn được ghi tên trên bảng vàng, phải nỗ lực để được vào kinh dự thi, họ phải vượt qua kỳ thi hội của Bộ Lễ, mới giành được tư cách tham gia kỳ thi đình, rồi làm đề thi do hoàng đế ra đề. Các bài thi được đại thần chấm thi xếp vào tốp 10, rồi trình lên để hoàng đế đích thân xem xét, những người thi đỗ sẽ được ban danh vị tiến sĩ. Người đứng đầu, thứ 2 và thứ 3 của đệ nhất giáp lần lượt gọi là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Sau ngày thi đình 2 ngày, hoàng đế sẽ triệu kiến tiến sĩ mới thi đậu. Các tiến sĩ mặc trang phục chỉnh tề cung kính đứng trước Thiên An Môn chờ triệu hoán, sau khi tiến vào điện Thái Hoà, phân ra làm hai bên, cung kính trang nghiêm lắng nghe tuyên đọc danh tính và thứ bậc đậu tiến sĩ, quá trình này chính là “Kim điện truyền lư"

Sau khi các tiến sĩ được hoàng đế triệu kiến và khâm định, quan viên của Bộ Lễ sẽ cung kính dâng bảng vàng, rồi đặt trong Long Đình ở trước Ngọ Môn, sau đó đội nhạc lễ dẫn đường, khiêng ra Thiên An Môn và cổng trái Trường An. Cuối cùng sẽ công bố trong lều rồng mới được dựng lên, để tân khoa trạng nguyên dẫn các vị tiến sĩ xem bảng vàng. 3 ngày sau, bảng vàng sẽ được thu lại, cất vào nội các. Tân khoa trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa sẽ được Phủ doãn phủ Thuận Thiên cài kim hoa, khoác lên người áo choàng bằng lụa đỏ, rồi được đội nghi trượng tiếp dẫn đến nha môn phủ Thuận Thiên tham gia yến hội.

Chế độ khoa cử được áp dụng trong hơn một nghìn năm, mãi đến năm Quang Tự thứ 30 cuối triều Thanh (năm 1904) mới chính thức bị bãi bỏ.

Kim phượng ban chiếu

Cái gọi là "Kim phượng ban chiếu" có nghĩa là vào thời Minh Thanh, khi hoàng đế ban bố chiếu thư, trước tiên phải ở Thiên An Môn cử hành nghi thức long trọng, rồi mới công bố thiên hạ. Sách “Nhật hạ cựu văn khảo" có ghi chép: “Phàm là ban bố chiếu thư ban bố ân điển hoặc làm lễ chúc mừng thì đều là: ở trên lầu cổng thành lắp đặt kim phượng, để kim phượng ngậm cuộn chiếu thư rồi hạ xuống”.

Cái gọi là "Kim phượng ban chiếu" có nghĩa là vào thời Minh Thanh, khi hoàng đế ban bố chiếu thư, trước tiên phải ở Thiên An Môn cử hành nghi thức long trọng. (Ảnh: Miền công cộng)

Đầu tiên, Hoàng đế sẽ đem chiếu thư đặt trên bàn ở Thái Hoà điện phủ lên ngự tỷ, đợi cho buổi lễ công phu và long trọng được tiến hành hoàn tất, Lễ bộ thượng thư mới có thể tiếp nhận chiếu thư, mang ra khỏi Thái Hoà điện, và mang nó tới tạm thời đặt ở trong Long Đình ở bên ngoài Ngọ Môn, tiếp đó theo đội nhạc và nghi trượng khiêng lên trên thành lầu Thiên An Môn.

Trước đó, Bộ Công đã bố trí trước một bục đọc chiếu trên bàn ở giữa cổng Thiên An Môn, và đã chuẩn bị sẵn một con phượng hoàng bằng gỗ sơn màu vàng và một tấm gỗ khắc hình đám mây. Phượng hoàng bằng gỗ và tấm gỗ hình đám mây được gọi chung là “Kim phượng đóa vân”.

Sau khi chiếu thư được đặt trên án vàng trên đài đọc chiếu, quan đọc chiếu sẽ đứng trên đài ở phía tây và bắt đầu đọc chiếu thư. Tại phía nam cầu Kim Thủy dưới Thiên An Môn, văn võ bá quan, các bô lão đứng theo thứ tự chức quan, ba quỳ chín lạy về phía bắc, trang nghiêm cung kính, mặc dù không có hoàng đế ở đó, nhưng vẫn thể hiện ra địa vị không thể lay chuyển của hoàng thất.

Sau khi chiếu thư được đọc xong, quan bưng chiếu thư sẽ cuộn chiếu thư lại rồi đặt vào miệng của "Kim phượng", sau đó treo "Kim phượng" bằng một sợi dây màu, và từ từ hạ xuống từ lỗ hổng trên tường thành Thiên An Môn, cuối cùng hạ xuống tấm gỗ hình đám mây do quan viên của Bộ Lễ cung kính đỡ, chiếu thư cũng từ kim phượng hạ xuống lên trên mâm gỗ. Nghi thức này được gọi là “vân bàn tiếp chiếu.”

Sau khi tiếp chiếu, chiếu thư phải đặt trở lại vào trong Long đỉnh ở phía trước Thiên An Môn, dưới sự hướng dẫn của đội nhạc lễ, một đoàn người sẽ tiến lên từ Đại Thanh Môn đến nha môn lễ bộ. Lúc này, các vị thượng thư và thị lang trở về nha môn bộ lễ sẽ cung kính quỳ trước cửa nghênh đón chiếu thư, sau đó đưa chiếu thư cung kính đặt ở đại đường, rồi hành lễ ba quỳ chín lạy, sau đó lấy giấy vàng sao chép lại, rồi gửi đi các nơi toàn quốc, bố cáo thiên hạ.

Sau khi đọc hết những điều trên, chắc hẳn bạn đã hiểu tại sao Thiên An Môn lại có địa vị hiển hách như vậy, rốt cuộc nó tôn lên địa vị cao quý của hoàng đế!

Thiên An Môn những năm 1900. (Ảnh: Miền công cộng)

Dấu hiệu suy bại

Điều khiến người ta đang tiếc là, lần cử hành ban chiếu cuối cùng ở Thiên An Môn lại là tuyên bố sự kết thúc của đế quốc Đại Thanh. Vào ngày 25 tháng 12 năm Tuyên Thống thứ 3 của nhà Thanh (1912), Long Dụ Thái hậu, được gọi là "Mạt đại Thái hậu", thay mặt cho vị hoàng đế cuối cùng của Đại Thanh là Phổ Nghi, đã ban bố chiếu thư Phổ Nghi thoái vị, chính thức kết thúc thời gian 268 năm thống trị của người Mãn Thanh.

Kỳ thực, trước khi Phổ Nghi bị tuyên cáo thoái vị ở Thiên An Môn, nơi ông đã chứng kiến ​​rất nhiều nghi thức ban chiếu, Thiên An Môn trong những năm Quang Tự, sớm đã cho thấy khí số của Đại Thanh sắp lụi tàn rồi. Khi hiểu được nghi lễ ban chiếu thư ở Thiên An Môn, sẽ khiến người ta cảm thấy yên lặng trầm tĩnh, nghiêm cẩn. Theo nhiều ghi chép, thì Thiên An Môn lúc đó hỗn loạn, chỉ khiến cho người ta cảm thấy mâu thuẫn, hoang đường. Thật là, cùng một Thiên An Môn, nhưng hoàn cảnh lại khác biệt đến thế.

Thư tịch ghi chép rằng vào những năm Quang Tự, một ngự sử đã mô tả những cảnh tượng không nghiêm trang xuất hiện trong Kim phượng ban chiếu cử hành tại Thiên An Môn như: Quan viên không mặc quan phục chính thức, quan viên và người hầu mặc vải thô tùy ý nói chuyện, quan viên ngồi vắt chân ở phía tây, Quang Tự Hoàng đế biết chuyện, hạ lệnh xét xử quan viên trực ban; vào những năm Hàm Phong, một viên quan kinh ngạc phát hiện, cửa thứ nhất Thiên An Môn, vốn là nơi trọng yếu nhất, mà chỉ có 2 tên lính canh. Hàm Phong Hoàng đế biết chuyện, lại một lần nữa điều tra nghiêm ngặt.

Cảnh tượng lụi bại ở Thiên An Môn cứ nối đuôi nhau xuất hiện, cho thấy thể diện và uy vọng của hoàng thất đã bị xâm phạm nghiêm trọng, hoàng đế nhà Thanh khi nhận được tin tức, chắc chắn sẽ rất tức giận, nhưng chắn hẳn cũng không thể làm gì, dù sao hoàng đế Đại Thanh cũng có huy hoàng, uy chấn, không thể một sớm một chiều có thể tan rã. Tất nhiên, khí thế suy bại của nhà Thanh và sự uy nghi của hoàng gia bị hạ xuống, chắc chắn là kết quả của một thời gian dài các vấn đề lớn nhỏ phát sinh, tích luỹ được một thời gian, mà hình thành nên dấu hiệu suy bại, triều cương ngày càng tiêu mất, sức mạnh quốc gia không thể chấn hưng.

Lam Sơn



BÀI CHỌN LỌC

Huy hoàng và bi thương của Thiên An Môn