Huyền thoại về tàng thư của Ivan Bạo chúa (2): Kho báu biến mất hay đã được pháp sư cao tay phong ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo truyền thuyết dân gian Nga, trước khi quốc vương Nga Ivan Bạo chúa qua đời, ông đã xin pháp sư cao tay phong ấn Thư khố hoàng gia (Liberia) với thời hạn 800 năm. Kể từ khi Ivan Bạo chúa qua đời vào năm 1584, thư khố của ông đã gây ra cơn sốt săn lùng kho báu trong nhiều thế kỷ.

Xem lại: Phần 1

Cùng với sự ra đi của Ivan Bạo chúa, tung tích thư khố của ông cũng trở thành một chủ đề được các nhà sử học và khảo cổ học không ngừng khám phá và nghiên cứu. Thư khố bí ẩn này đã được tìm kiếm trong hơn 5 thế kỷ bởi những người săn kho báu, nhà thám hiểm và thậm chí cả các chính quyền kế tiếp của Nga. Pyotr Đại đế và Hoàng đế Napoléon của Pháp nghĩ rằng có thể tìm thấy nó ở Moscow, nhưng không có gì xảy ra.

Có nhiều giả thuyết trong các nghiên cứu về tung tích thư khố của Ivan Bạo chúa. Có giả thuyết nói rằng sau cái chết của Ivan Bạo chúa, con trai ông ta là Fyodor Ivannovich đã kế vị ngai vàng. Ông sắp xếp và lập danh mục kho tàng của cha mình, và để thoát khỏi ảnh hưởng của thuật phù thủy, ông đã thiêu hủy rất nhiều sách dị giáo, bao gồm cả sách ma thuật.

Một số nhà sử học cũng đưa ra giả thuyết rằng, có lẽ thư khố của Ivan Bạo chúa đã bị phá hủy bởi trận hỏa hoạn ở Moscow năm 1571. Ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ Moscow và Điện Kremlin cũng không ngoại lệ. Ngọn lửa thậm chí còn khiến một số tòa nhà bằng đá bị nứt, lún và sụp đổ do nhiệt độ quá cao.

Các học giả khác tin rằng trong, cuộc bao vây Moscow của quân đội Ba Lan vào năm 1612, các quý tộc trú ẩn trong Điện Kremlin đã gặp phải nạn đói. Họ lục soát các hầm cung điện để tìm kiếm thức ăn. Do đó, người ta suy đoán rằng một số cuốn sách cổ làm bằng da cừu đã bị các quý tộc đói nấu ăn.

Theo những ghi chép lịch sử cùng thời để lại thì: "Thật khó để mô tả những gì người dân đã làm vào thời điểm đó. Những người bị bao vây đã ăn thịt ngựa, mèo, chuột, và nấu cả giày, da thú, dây da, bao đựng dao, thắt lưng, sách da cừu…"

Nhưng những giả thuyết này đã bị nhà sử học Ivan Zabelin nghi ngờ. Ông dẫn chứng một sự việc được ghi lại trong các tài liệu lịch sử. Năm 1682, sau khi lên làm phụ chính, người chị gái cùng cha khác mẹ của Pyotr Đại đế là Sophia Alekseyevna đã đày ải người em trai cùng cha khác mẹ Pyotr 10 tuổi, và mẹ cậu đến một ngôi làng của hoàng gia. Trong thời gian trị vì của mình, bà đã giao cho quan thư ký Vasily Makariev thực hiện một nhiệm vụ bí mật là tìm thư khố của Ivan Bạo chúa .

Makariev đi xuống căn phòng bí mật dưới lòng đất dưới Tháp Taynitskaya, đi qua lối bí mật bên dưới Nhà thờ Đức mẹ Thăng Thiên, đến một lối đi ngầm dài 4,5 arshin (khoảng 3 mét. Arshin, hệ đo chiều dài cổ của Nga, 1 arshin bằng khoảng 0,71 mét), gần Tháp Chúa Ba Ngôi (Tháp Troitskaya), nơi có một cánh cửa sắt đóng chặt với một ổ khóa lớn nặng nề. Phía trên là hai cửa sổ có chấn song sắt. Makariev dùng đèn chiếu qua cửa sổ để nhìn vào bên trong tầng hầm, thấy trong đó chất đầy những hộp sắt xếp chồng lên nhau đến tận trần gạch.

Makariev là một quan chức nắm rõ sự vụ quốc gia. Theo hồ sơ nội bộ của hoàng cung, thư khố của Ivan Bạo chúa có chứa 231 chiếc hộp lớn, một chiếc hộp lớn của nước Nga cổ và một chiếc quan tài. Vì vậy, khi nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, trong lòng ông đã suy đoán rằng đó có thể là thư khố huyền thoại. Vì vậy, ông tiếp tục đi xuống đường hầm và ra khỏi hầm mộ từ một căn phòng bí mật bên dưới Tháp Sobakina (tên hiện nay là Tháp Arsenalnaya). Ông sẽ báo cáo trung thực tất cả những gì anh ấy đã thấy cho Công chúa Sophia. Bà đã bắt viên quan thư ký này thề giữ bí mật đến cuối đời.

Sophia đã từng tưởng tượng rằng, trong tương lai Pyotr sẽ đích thân nắm quyền và một cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra giữa hai người. Nếu bị đánh bại trong cuộc chiến với Pyotr, bà có thể sử dụng lối đi ngầm để trốn thoát khỏi Điện Kremlin cùng với đội cận vệ của mình đến Zamoskvorechye. Nếu chiến thắng, bà sẽ trở thành chủ nhân của thư khố quý giá này và sẽ được cả cộng đồng học thuật châu Âu săn đón.

Mặc dù Makariev đã thề tuyệt đối kín tiếng về vấn đề này nhưng ông vẫn không chiếm được lòng tin của Sophia. Ngay sau khi Công chúa Sophia nhận được báo cáo, bà đã ra lệnh bịt kín căn phòng bí mật để ngăn người khác lục lọi. Bà ôm mộng một ngày nào đó sẽ đánh bại Pyotr, và chỉ mở thư khố sau khi đã vững vàng trên ngai. Tuy nhiên, ước mơ của bà đã không thành hiện thực.

Năm 1689, sau khi Pyotr Đại đế lên nắm quyền, phụ chính Sophia không muốn trả lại quyền lực và âm mưu đoạt quyền, nhưng âm mưu bị bại lộ. Cuối cùng, Sophia bị quản thúc phần đời còn lại của mình trong một tu viện.

Peter Đại đế (cũng gọi là Pyotr Đại đế). (Phạm vi công cộng)

Trước khi Makariev qua đời, ông không muốn mang theo bí mật của thư khố xuống mồ. Ông mời Konon Osipov, một chánh quản của nhà thờ Moscow, kể cho ông ta nghe chi tiết những gì Makariev đã thấy trong căn phòng bí mật.

Đến năm 1724, Osipov gửi thư cho giám mục. Ông khẳng định rằng có một đại sảnh bí ẩn dưới tầng hầm của Điện Kremlin, với hai buồng chứa đầy những chiếc hộp sắt bên trong những cánh cửa sắt niêm phong bằng chì. Nhà thờ rất quan tâm và ngay lập tức cử người đi khai quật nhưng họ không tìm thấy gì.

Osipov không chịu thua, đã 4 lần báo cáo với triều đình về vị trí thư khố của Ivan Bạo chúa. Có lẽ vì Sophia đã bít các căn phòng và lối đi bí mật nên triều đình và nhà thờ đã phải đào đi đào lại mấy lần, và vì đứng trước nguy cơ gây sập nên phải dừng lại.

Theo thời gian, sự quan tâm đến thư khố của Ivan Bạo chúa giảm dần. Mãi đến thế kỷ 19, những tin đồn về thư khố lại một lần nữa khơi mào cho làn sóng khám phá. Công tước Nikolai Shcherbatov đã hứng thú tiếp nhận vấn đề này với sự hỗ trợ tích cực của Thống đốc Moscow khi đó là Công tước Sergey Alexandrovich.

Họ đã khám phá 4 khu tháp của điện Kremlin. Cuộc thăm dò kéo dài 6 tháng, nhưng bị đình chỉ do cái chết của Alexander III của Nga. Tiếp đó, sau khi Nicholas II của Nga lên ngôi, ông đã cho phép tìm kiếm thư khố của Ivan Bạo chúa ở Điện Kremlin và Khu hoa viên Aleksandrovskaya Sloboda. Kết quả đã thực sự tìm thấy một số thư tịch cổ, khi mọi người hồ hởi nghĩ rằng thư khố huyền thoại đang ở rất gần rồi, thì họ lại bất ngờ trước hàng loạt sự kiện ở Nga và thế giới (Chiến tranh thế giới thứ nhất, Cách mạng Tháng Hai, Cách mạng Bolshevik Tháng Mười), khiến công việc thăm dò lại bị đình chỉ.

Trong những cơn sóng dữ của lịch sử, triều đại Romanov cuối cùng ở Nga cũng bị cuốn đi một cách tàn nhẫn. Cách mạng Tháng Hai nổ ra vào năm 1917, Nicholas II thoái vị, vào tháng 11 cùng năm, Lenin sử dụng bạo lực cướp chính quyền và thành lập nước Nga Xô viết. Chế độ dựa vào bạo lực và khủng bố này đang rất cần tiền nên nó cũng nảy ra ý tưởng về kho báu của Ivan Bạo chúa. Kết quả là không có kho báu nào được tìm thấy, nhưng trong quá trình lật đổ chế độ quân chủ Nga, một số lượng lớn kho báu hoàng gia và bộ sưu tập sách cổ đã bị cướp phá và bán ra nước ngoài.

Vào đầu thế kỷ 20, Ignatius Steletsky được coi là nhà thám hiểm hang động và hầm mộ số một của Nga.

Năm 1914, Steletsky đã được phép khám phá lòng đất của Điện Kremlin. Sau đó, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, chính quyền Nga đã rút lại giấy phép của ông. Vào những năm 1930, ông được phép của Stalin để tiến hành các cuộc thám hiểm khảo cổ dưới điện Kremlin. Ông đã phát hiện ra các phòng trưng bày, giếng, lối đi và lối đi ngầm ẩn dưới cầu thang. Nhưng ít lâu sau, nhà khảo cổ lâm trọng bệnh và cuộc khai quật bị dừng lại.

Đến năm 1962, một số chương trong bản thảo khảo cổ học của Steletsky đã được đăng trên tuần báo. Các bản thảo khảo cổ học của ông đã khơi dậy sự quan tâm đến việc tìm kiếm thư khố của Ivan Bạo chúa.

Sau khi bản thảo khảo cổ được xuất bản, nhà xuất bản đã nhận được một số lượng lớn thư từ độc giả. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền đã thành lập một ủy ban công vụ đặc biệt do Viện sĩ Mikhail Tikhomirov, một nhà sử học nổi tiếng của Liên Xô, chủ trì công việc khảo cổ để tìm ra thư khố bí ẩn.

Ủy ban bắt đầu nghiên cứu các tài liệu lưu trữ có liên quan, khám phá địa hình của Điện Kremlin và bắt đầu khai quật khảo cổ học. Nhưng việc thăm dò không kéo dài lâu. Một cuộc chính biến diễn ra ở Moscow vào tháng 10 năm 1964, Khrushchev buộc phải “nghỉ hưu”, Viện sĩ Tikhomirov qua đời vì bạo bệnh vào tháng 9 năm sau. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô đã từ chối yêu cầu tiếp tục đào sâu bên dưới Điện Kremlin của ủy ban.

Thời gian đã che lấp quá khứ quá nhiều, và thư khố hoàng gia Liberia đã từ sự tồn trở thành truyền thuyết, và từ truyền thuyết trở thành huyền thoại. Nhưng bí mật về thư khố quý vẫn luôn ngự trị tại Moscow, kéo dài không dứt.

undefined
Thị trưởng Moscow Yury Luzhkov. (Wikipedia)

Vào mùa thu năm 1997, Thị trưởng Moscow Yury Luzhkov tiếp một vị khách lớn tuổi tên là Apalos Ivanov, người từng làm nhân viên bảo vệ Điện Kremlin vào những năm 1930 và đã kiểm tra các cơ sở vật chất ngầm dưới đất. Theo Ivanov, có một lần ông lọt vào trong một mê cung cổ đại, chính là một mê cung được khai quật vào thế kỷ 16. Đi qua lối đi ngầm từ Volkhonka đến Điện Kremlin, ông bắt gặp một bộ xương bị xích vào tường và phát hiện ra một cánh cổng sắt nặng nề cắt ngang lối đi ngầm.

Khi nhìn thấy cánh cửa sắt, ông tin chắc rằng phải có thứ gì đó được giấu đằng sau, có lẽ đó là nơi có thư khố Liberia vẫn được đồn đại. Nhưng vào lúc đó, ông không đủ sức để mở được cánh cửa sắt. Qua một thời gian, khi ông vào lại vào mê cung dưới lòng đất, ông phát hiện ra rằng những viên gạch đá mới đã được đặt ở lối vào.

Những lời của ông lão đã khơi dậy sự quan tâm lớn của thị trưởng Moscow. Yuri Luzhkov ra lệnh cho một đội đặc biệt tìm kiếm thư khố hoàng gia.

Có thể nói kho báu thời trung cổ này vẫn rất quyến rũ dù trải qua sự phai nhạt của thời gian. Tuy vậy, sau khi tìm kiếm ráo riết, vẫn không có dấu vết của thư khố. Nhiều người đã nản lòng và phải tin rằng có lẽ đúng như truyền thuyết cổ xưa đã nói, thư khố của Ivan Bạo chúa đã bị phong ấn hoàn toàn bởi sức mạnh ma thuật do pháp sư cao tay thi triển.

Theo Chương Các - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Huyền thoại về tàng thư của Ivan Bạo chúa (2): Kho báu biến mất hay đã được pháp sư cao tay phong ấn