Kẻ thù tồi tệ nhất của con người: Tư duy quán tính

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Ngựa quen đường cũ” là một câu tục ngữ rất thích hợp để diễn tả quá trình tư duy của con người. Trải qua một quá trình sống, trong não bộ của chúng ta có vô vàn lối mòn tư duy được hình thành. Khi đó, với mỗi sự việc gặp phải, chúng ta sẽ có xu hướng phân tích và giải quyết sự việc theo những khuôn mẫu hay mạch suy nghĩ cố định. Những lối mòn tư duy này vừa là những kinh nghiệm sống quý báu, lại vừa là một chiếc hộp nhốt chặt tiềm năng sáng tạo của con người.

Tư duy quán tính

Nếu bạn đang thắc mắc bản thân có phải là người có tư duy quán tính không, thì sau đây là bảy trạng thái biểu hiện ra của những người có tư duy quán tính:

Suy nghĩ tiêu cực

Tự đánh giá thấp bản thân, ví dụ như một người luôn nói “mình không thể, làm sao mình có thể làm được, không biết…” những từ này sẽ ngăn bộ não của chúng ta suy nghĩ và không còn tìm cách giải quyết vấn đề.

Trốn tránh trách nhiệm

Khi bạn nói: Tôi không thấy, tôi không biết nó, đó không phải lỗi của tôi, bởi vì thế này cho nên thế kia,...; tức là bạn đang cố gắng khiến bản thân cảm thấy an tâm và không liên quan đến vấn đề này, đánh mất đi rất nhiều cơ hội để phát triển tư duy.

Tiền bạc

Tiền bạc sẽ khóa chặt năng lực của một người, không kiếm được tiền thì không làm, theo thời gian bản thân sẽ mất đi khả năng kiếm tiền.

Euro, Đồng Xu, Tiền Tệ, Xu, Xu Euro, Tiền Bạc
Tiền bạc sẽ khóa chặt năng lực của một người, không kiếm được tiền thì không làm, theo thời gian bản thân sẽ mất đi khả năng kiếm tiền. (Ảnh: Pixabay)

Giới hạn trách nhiệm của bản thân

Việc này không phải việc của tôi, việc này không thuộc quyền kiểm soát của tôi. Khi bạn tự giới hạn tránh nhiệm bản thân, tức là bạn đang giới hạn dung lượng của chính mình, không để bản thân được thử thách, được phát triển để hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.

Phàn nàn

Luôn cho rằng bản thân là nạn nhân, những gì xảy ra luôn là nguyên nhân tại người khác. Lúc đó việc mà bạn có thể làm được chỉ có thể là suốt ngày than phiền, dần dần mất khả năng giải quyết vấn đề.

Tự cho mình là đúng

Không lắng nghe ý kiến ​​của bất kỳ ai, luôn cảm thấy mình đúng, dần dần mọi người sẽ xa lánh bạn, không cho bạn những lời khuyên chân thành, mà thay vào đó bạn chỉ có thể nghe những lời đường mật và bạn chỉ có thể tự mình trưởng thành một cách chậm rãi.

Không tự tin

Những gì bạn không có niềm tin vào một điều gì sẽ không bao giờ dốc hết sức để hoàn thành điều đó. Cuối cùng bạn cũng sẽ không hoàn thành được việc gì.

Sợ mắc sai lầm

Người sợ mắc sai lầm không dám làm nhiều việc hơn, khi phạm phải sai lầm trước tiên họ tìm lý do và bao biện cho mình, mất nhiều cơ hội để cố gắng, không có ý thức kết quả, thường xuyên tranh luận đúng sai.

Lười biếng

Tôi không muốn làm, tôi không muốn nghĩ gì cả, tôi bằng lòng với hiện trạng, tôi không chịu được áp lực, mỗi ngày đều muốn sống thoải mái. Người ta gọi là đó là hiện tượng “nước ấm luộc ếch”, người như thế cứ tưởng mình đang sống rất thoải mái, nhưng kỳ thực là đang chết dần chết mòn mà không hay biết.

Người Lớn, Một Mình, Kinh Thánh, Quần Denim, Thời Trang
Người ta gọi là đó là hiện tượng “nước ấm luộc ếch”, người như thế cứ tưởng mình đang sống rất thoải mái, nhưng kỳ thực là đang chết dần chết mòn mà không hay biết. (Ảnh: Pixabay)

Làm sao để phá vỡ tư duy quán tính?

Cái gì đã trở thành cố hữu thì rất khó phá vỡ, điều này đã được lịch sử chứng minh. Mỗi khi thay đổi một triều đại, thì đều phải trả giá bằng máu. Nhưng không phá thì không xây được, muốn đột phá chính mình bạn phải phá bỏ tư duy quán tính cố hữu, không thể để bản thân bị giam cầm trong chính lối mòn tư duy của bản thân.

Kỳ thực, việc thoát khỏi tư duy quán tính không hề đơn giản, nó không phải như kiểu thay đổi một bộ quần áo. Bởi vì nó là lối mòn tư duy, là thứ được hình thành qua thời gian lâu dài. Người ta có câu “tiên nhập vi chủ", khi trong tư tưởng người ta quen thuộc với một khái niệm nào đó, thì người ta sẽ rất khó tiếp nhận những cái sau đó, hoặc là sẽ dùng nó để đo lường hết thảy.

Hình thái tư duy là cố hữu, chúng ta thường trong khi bất tri bất giác mà ta lại rơi vào lối tư duy cũ. Cho nên, quá trình loại bỏ tư duy quán tính là quá trình không ngừng quan sát tư tưởng của chính mình, muốn loại bỏ nó trước tiên chúng ta cần phải nhận ra nó. Sau đó nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác, gọi là tư duy ngược.

Tư duy ngược là gì? Là cách tư duy khác biệt so với những cách tư duy quan điểm phổ biến. Có đôi khi, bất kể bạn suy nghĩ thế nào cũng không thể thông suốt, nhưng chỉ cần thay đổi phương thức tư duy, bạn sẽ đột nhiên sáng tỏ, thu hoạch được những kết quả không ngờ.

Đàn Ông, Băng Ghế, Cỏ, Đọc Hiểu, Một Mình, Sách
Có đôi khi, bất kể bạn suy nghĩ thế nào cũng không thể thông suốt, nhưng chỉ cần thay đổi phương thức tư duy, bạn sẽ đột nhiên sáng tỏ, thu hoạch được những kết quả không ngờ. (Ảnh: Pixabay)

Dưới đây là một vài câu chuyện về tư duy ngược:

Câu chuyện 1: Tư Mã Quang đập vỡ chum

Tích truyện “Tư Mã Quang đập vỡ chum” là một trường hợp tư duy ngược rất nổi tiếng. Tư Mã Quang là một nhà Sử học, một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, đã từng làm chức Tể tướng dưới hai triều đại vua Tống. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ trí thông minh hơn người và tài năng xuất chúng.

Một ngày nọ, Tư Mã Quang cùng bạn bè nô đùa, chơi trò chơi “trốn tìm” trong vườn hoa, mỗi người chạy một ngả để tìm chỗ trốn. Lúc đó, có một bạn nhỏ đã nhảy vào chum nước để trốn mà không hề biết trong chum chứa đầy nước.

Cậu bé bị sặc nước và kêu la thất thanh, các bạn chơi cùng vô cùng hoảng sợ, lo lắng nhưng không biết làm gì để cứu, duy chỉ có Tư Mã Quang là bình tĩnh suy nghĩ, cậu lấy đá đập chum nước để nước chảy hết ra, và cậu bé kia đã được cứu.

Câu chuyện 2: Cách đòi nợ tài tình

Một thương nhân đã vay của Hassan 2000 đô, có viết giấy biên nhận đàng hoàng. Thế nhưng, gần tới ngày trả nợ Hassan bỗng phát hiện giấy nợ đã bị mất, việc này khiến ông hết sức lo lắng. Bởi lẽ ông biết, một khi giấy nợ không còn thì người vay có thể sẽ quỵt tiền.

Bạn của Hassan sau khi biết chuyện đã nói với ông rằng hãy viết thư gửi cho thương nhân kia, nói với anh ta rằng đến thời hạn thì phải trả 2500 đô mà anh ta đã vay.

Hassan nghe xong không hiểu: “Tôi mất giấy nợ rồi, giờ 2000 còn không biết có đòi được không, làm sao mà lại bảo anh ta trả 2500 được?”. Bạn của Hassan nói ông cứ làm theo mình, nhất định sẽ có hiệu quả.

Sau khi thư được gửi đi, Hassan rất nhanh nhận được thư phản hồi, người thương nhân vay tiền viết trong thư rằng: “Tôi vay ông 2000 đô chứ không phải 2500 đô, tới khi đó nhất định sẽ trả đúng hẹn”.

Đây chính là tư duy ngược, nó giống như một công cụ vậy, khi được sử dụng tốt, nó sẽ mở ra cánh cửa đến một thế giới mới.

Đàn Bà, Đường Dẫn, Thiên Nhiên, Rừng, Đồng Cỏ, Ngã
Tư duy ngược, nó giống như một công cụ vậy, khi được sử dụng tốt, nó sẽ mở ra cánh cửa đến một thế giới mới. (Ảnh: Pixabay)

Câu chuyện 3: Điển cố “Liễu ám hoa minh"

Điển cố “Liễu ám hoa minh" có liên quan đến bài thơ Đường “Du Sơn Tây thôn” của tác giả Lục Du – một văn nhân nổi tiếng thời Nam Tống.

Lục Du sinh thời cũng là một nhân sỹ yêu nước. Ông từng giữ chức quan dưới triều Nam Tống, có chủ trương kiên quyết kháng Kim, nhưng lại không được triều đình chấp thuận. Trái lại, ông còn bị triều đình tước mất chức quan. Bất đắc chí, Lục Du trở về cố hương tại vùng Sơn Âm (nay thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), chỉ ngồi đọc sách qua ngày và vui thú với việc du sơn ngoạn thủy.

Một ngày kia, Lục Du đi chơi xa, vượt qua con đường có non có nước, đi được hơn ba canh giờ thì thấy nhà cửa ngày càng thưa thớt. Khi ông leo lên một sườn núi dốc phóng tầm mắt nhìn ra xa thì chỉ thấy trước mặt núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tựa như không còn đường đi nữa vậy. Lúc này trời đã xế chiều, nhưng Lục Du vốn tính cương nghị, lại ham du ngoạn nên nhất quyết không muốn quay đầu.

Thi nhân bèn cứ men theo sườn núi mà đi về phía trước, được vài trăm bước, rẽ qua một góc núi khuất thì đột nhiên Lục Du phát hiện mở ra trước tầm mắt một thung lũng tươi đẹp, trù phú vô ngần. Nằm chính giữa thung lũng có một thôn trang nhỏ, ở nơi ấy: hoa đỏ liễu xanh, cảnh sắc tươi đẹp thanh bình, hệt như cõi bồng lai tiên cảnh trong truyền thuyết vậy.

Trở về nhà, Lục Du có ấn tượng sâu sắc với chuyến đi tản bộ xa này, mới nhân cao hứng đó mà sáng tác một bài thơ theo thể Thất ngôn Đường luật: “Du Sơn Tây thôn”, trong đó có hai câu:

Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.

Tạm dịch nghĩa: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi lại một làng; ý tứ rằng: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt phát hiện thấy trong bóng râm của rặng liễu xanh mát có khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu và còn có một thôn trang thanh bình, yên ả.

Đây là hai câu thơ tả cảnh ngụ tình, ý tại ngôn ngoại, ẩn chứa nội hàm và triết lý vô cùng sâu sắc, được nhiều người yêu thích và truyền tụng hàng trăm ngàn năm qua. Đồng thời hình ảnh thơ: “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” cũng đi vào kho tàng điển cố, thành ngữ của văn hóa Trung Hoa và được truyền tụng rộng rãi trong dân gian.

Nhân sinh vô thường, nghịch cảnh hay thất bại đều là chuyện thường tình. Lúc này, bạn luôn phải giữ cho mình tâm thái lạc quan, tích cực, nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác, lật ngược lại vấn đề, biết đâu “Núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi lại một làng”.

Lam Sơn
Theo Apollo



BÀI CHỌN LỌC

Kẻ thù tồi tệ nhất của con người: Tư duy quán tính