Khảo cổ dưới nước: 'Thành phố Hắc Thiên' đã chứng kiến ​​cuộc chiến tranh hạt nhân 7.000 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước năm 1945, liệu trên Trái đất đã từng có cuộc chiến tranh hạt nhân chưa? Tin rằng nhiều độc giả đã nghe đến chủ đề chiến tranh hạt nhân thời tiền sử, nhưng những khám phá khảo cổ học gần đây cuối cùng cũng mang lại sự xác nhận gián tiếp. 

Nếu hỏi rằng chiến tranh hạt nhân từng xảy ra chưa, thì có thể dự đoán phần lớn mọi người trên trái đất sẽ trả lời là từng xảy ra vào năm 1945. Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, máy bay ném bom Pháo đài không quân B-29 của Mỹ đã ném quả bom nguyên tử có ​​mật danh “Little Boy” xuống Hiroshima, Nhật Bản. Nó tương đương với khoảng 15.000 tấn thuốc nổ TNT. Ba ngày sau, Mỹ lại ném xuống Nagasaki quả bom nguyên tử mang mật danh “Fat Man”, với sức công phá tương đương khoảng 21.000 tấn TNT. Đây là hai lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến đấu thực tế kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, nhưng đây không được coi là chiến tranh hạt nhân, nó chỉ có thể được coi là ức hiếp thôi, bởi vì chỉ có một bên có vũ khí hạt nhân, còn bên kia không có sức mạnh để chống lại.

Cuộc chiến tranh hạt nhân gần nhất với chúng ta - phát hiện thành phố Hắc Thiên Dwarka

Gujarat là bang cực tây của Ấn Độ, đối diện với biển Ả Rập. Các bang ở Ấn Độ tương đương với các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong tỉnh có một thành phố được gọi là Dwarka. Nó là một trong 7 thành phố tôn giáo lâu đời nhất ở Ấn Độ, bên bờ biển của thành phố có ngôi đền Thần Biển nổi tiếng khắp Ấn Độ. Ở đầu kia của thành phố là một vịnh biển được gọi là Vịnh Khambhat.

Năm 2003, một con tàu khảo sát từ từ rời khỏi cảng và đi vào Vịnh Khambhat. Trên tàu có các nhân viên của Viện Công nghệ Hàng hải Quốc gia của Ấn Độ, do Tiến sĩ Badrinarayanan dẫn đầu.

Trong suốt chặng đường, Tiến sĩ và các trợ lý của ông luôn chăm chú nhìn vào màn hình của các thiết bị dò tìm. Khi con tàu dừng lại cách bờ biển khoảng 9 km, vì lúc này màn hình sonar cho thấy có thứ gì đó ở độ sâu 40 mét.

Đoàn của Tiến sĩ Badrinarayanan rất hào hứng, ngay lập tức cho các thợ lặn túc trực bên cạnh và có gắn thiết bị camera, nhảy xuống nước. Hôm đó thời tiết và nhiệt độ nước rất tốt, tầm nhìn dưới nước cũng tốt, các thợ lặn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhanh chóng chụp được nhiều hình ảnh dưới nước.

Các bức ảnh cho thấy đây là một quần thể công trình lớn dưới nước, các tòa công trình cách đều nhau và một số tòa nhà cũng có bậc thang đều đặn. Các tòa nhà có móng sâu dưới đáy biển. Nhóm công trình này còn bao gồm một lâu đài với hệ thống thoát nước riêng và nhà tắm công cộng, đây rõ ràng là một thành phố cổ dưới nước khổng lồ.

Tiến sĩ Badrinarayanan và nhóm nghiên cứu rất vui mừng với khám phá ngày hôm đó. Việc phát hiện này thực sự không phải là may mắn đơn thuần, mà là tìm kiếm dựa trên bản đồ.

Sử thi Mahabharata

Hành trình khám phá này bắt nguồn từ một sử thi huyền thoại của Ấn Độ tên là Mahabharata. Nghĩa đen của từ Mahabharata là hậu duệ của Vua Bharata vĩ đại. Theo cách phát âm tiếng Phạn Maha có nghĩa là vĩ đại. Đó là một sử thi có cái tên dài, và nội dung của nó còn dài hơn, nó là sử thi dài thứ ba trên thế giới, dài gấp khoảng 10 lần tổng hai sử thi của Hy Lạp cổ đại là Iliad và Odyssey. Nếu một người đọc sử thi Mahabharata và không ăn uống thì phải mất hai tuần mới đọc hết. Sử thi dài nhất trên thế giới là sử thi Vua Gesar của Tây Tạng.

Những bản viết tay sớm nhất của Sử thi Mahabharata xuất hiện vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, nhưng trước đó nó đã được truyền lại từ lâu đời theo cách ngâm hát từ đời này sang đời khác, rất lâu trước khi Phật giáo ra đời. Địa vị của nó ở Ấn Độ rất đặc biệt, chưa kể tới cốt truyện đan xen, thuyết nhân quả cũng được thể hiện đầy đủ trong tác phẩm này.

Vậy sử thi này kể về câu chuyện gì? Nó chủ yếu nói về quá trình tranh giành ngai vàng giữa hậu duệ của hai phe phái trong một gia tộc lớn. Họ ở Đồng bằng sông Hằng, một nơi tên là Kurukshetra. Một cuộc chiến kéo dài 18 ngày đã nổ ra, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của vương triều.

Nội dung của sử thi thật kỳ diệu, giống như những câu chuyện lịch sử, nhưng giống như Thần thoại và truyền thuyết hơn. Một trong ba vị Thần chính trong Ấn Độ giáo, Vishnu, hóa thân thành một người đàn ông gọi là Hắc Thiên, trở thành vương của một phương, lập nên một thành phố gọi là thành phố Hắc Thiên, còn được gọi là thành phố Dwarka và có cùng tên với thành phố cảng biển được nhắc đến ở trên.

Tranh vẽ Thành phố Dwarka của Krishna (Hắc Thiên). (Phạm vi công cộng)

Hắc Thiên là dịch nghĩa từ tiếng Phạn, và cách phát âm của nó là Krishna - là một trong những vị Thần quan trọng nhất trong Bà La Môn giáo và Ấn Độ giáo. Một số giáo phái Hindu tin rằng đây là vị Thần tối cao, và xuất hiện lần đầu tiên trong Mahabharata. Hắc Thiên trở thành bạn của nam nhân vật chính, và không ngừng đưa ra những ý kiến để bạn mình giành chiến thắng trong các trận chiến.

Sau chiến tranh, Hắc Thiên bị nguyền rủa. Bởi vì Thần Tiên đầu thai vào thế giới, thế nào cũng phải là một tấm gương tốt, nhưng thay vì ngăn cản chiến tranh, ông lại cũng tham gia vào cuộc chiến, vì vậy Hắc Thiên đã chấp nhận những lời chỉ trích, chọn cách tự đi đày, và cuối cùng chết.

Mahabharata nói về cuộc tranh giành vương quyền, nhưng nó cũng phản ánh bản chất con người và tư duy triết học. Phần suy nghĩ về nhân sinh và triết học nằm trong tập thơ thứ sáu, sau này được sắp xếp riêng và trở thành một tác phẩm kinh điển của Ấn Độ giáo, được gọi là “Bhagavad Gita”

Sử thi luôn là sự pha trộn của chiến tranh, Thần thoại và anh hùng, và Mahabharata cũng không ngoại lệ. Nó được mọi người cho là sự bay bổng trí tưởng tượng của người xưa ở tiểu lục địa Nam Á. Tuy nhiên, một số người phản đối và nói rằng tất cả trong sử thi là sự thật .

Phát hiện khảo cổ của Tiến sĩ Rao

Vào những năm 1980, Tiến sĩ Rao, nhà khảo cổ học được kính trọng nhất ở Ấn Độ, lấy ra một chồng tài liệu nghiên cứu dày và nói: “Tôi đã tìm thấy thành phố Hắc Thiên”. Hơn nữa Tiến sĩ Rao còn đưa ra thời gian, vào năm 3000 trước, thành phố Hắc Thiên đã có mặt ở đây, Dwarka không phải là Dwarka mà chúng ta thấy ngày nay, nó là kế thừa cái tên của thành phố cổ hơn trước đó, và Dwarka (cũng gọi Dvaraka) đó hiện nằm ở đáy của Vịnh Khambhat.

Quay trở lại những năm 1960, Tiến sĩ Rao đã phát hiện ra một đồ gốm độc đáo và một số đồng xu cổ trong quá trình khảo cổ học dưới nước. Ông bắt đầu nghi ngờ về sự tồn tại của thành phố dưới nước, sau khi tiếp tục nghiên cứu, ông đã có những khám phá đáng kinh ngạc.

Theo thiết bị sonar thăm dò, ông cho rằng đây là một thành phố dưới nước có quy mô đáng kể. Thành phố Hắc Thiên được mô tả trong Mahabharata rất ngoạn mục, và có quy hoạch rõ ràng, có chợ và các tụ điểm lớn trong thành phố, các khu đền đài, và vườn thượng uyển hoàng gia nguy nga. Các kiến trúc được chia thành 6 khu vực lớn, bên ngoài mỗi khu vực đều có tường phòng hộ bằng cát đá. Phần dưới của tường phòng hộ được làm bằng đá lớn, các khu vực được kết nối với nhau bằng những đại lộ được thiết kế thông thoáng và những con đường rộng rãi. Từ năm 1988, Tiến sĩ Rao và nhóm của ông đã bắt đầu khảo sát kỹ thành phố dưới nước này.

Các thợ lặn đã tìm thấy một bức tường thành dài từ 2-4 km dưới đáy biển. Lớp dưới là đá sa thạch khổng lồ và lớp trên là sỏi nhỏ. Các tòa nhà bên trong bức tường đều rất cao, đều cao trung bình từ 7 đến 10 mét, tương đương với các tòa nhà 3-4 tầng hiện đại.

Ngay cả khi giới hạn thời gian thấp hơn theo ước tính ban đầu của Tiến sĩ Rao là thành phố là một thành tựu kiến ​​trúc vào năm 3000 TCN, thì nó cũng đã có từ 5000 năm trước, và sự lộng lẫy về kiến ​​trúc của nó là không thể tin được. Hồi đó, ở Trung Quốc là thời Hoàng Đế đánh nhau với Xi Vưu, và 99% các dân tộc không xây dựng được toà nhà cao quá 2 tầng. Cùng thời đại đó chỉ có Kim Tự Tháp Ai Cập là nguy nga hơn.

Tiến sĩ Rao đã tìm thấy hai khu phức hợp lớn gần bờ biển, với những con đường hình lưới giữa các tòa nhà, và các thợ lặn đã trục vớt được những đồng tiền xu, tượng đá của thành phố Hắc Thiên, cùng những vật dụng khác.

Tiến sĩ Rao đã nghiên cứu cẩn thận các ký hiệu khắc trên đồng tiền, và ông đi đến kết luận rằng, các chữ khắc trên đồng tiền gần như khớp với các chi tiết được mô tả trong Mahabharata. Ông gần như chắc chắn rằng thành phố dưới nước này là Thành phố Hắc Thiên trong truyền thuyết. Vào thời điểm này là Viện Vật lý Quốc gia của Ấn Độ. Giám định những đồ vật được trục vớt lên này có lịch sử lên đến 9.000 năm.

Tiến sĩ Rao vui mừng, nhưng vào đúng lúc ông muốn tiến xa hơn thì tin dữ ập đến, dự án nghiên cứu hết tiền. Không còn cách nào khác, Tiến sĩ Rao đã sử dụng những nghiên cứu có hạn trong tay, tổng hợp lại và xuất bản một cuốn sách mang tên “Dvaraka - Thành phố đã mất” (The Lost City of Dvaraka)

The Lost City of Dwarka by S. R. Rao | Waterstones
Sách của Tiến sĩ Rao "The Lost City of Dvaraka" được bán trên mạng waterstones.com)

Mãi cho đến sau thiên niên kỷ, cuối cùng cũng có một nhà tài trợ sẵn sàng tài trợ cho ngành khảo cổ học dưới nước. Và Tiến sĩ Badrinarayanan tiếp tục công việc của tiến sĩ Rao. Badrinarayanan ước tính đại khái rằng, diện tích các tòa nhà dưới nước được phát hiện có diện tích bằng một nửa đảo Manhattan, tức là hơn 10 km vuông. Ông đã gửi những mảnh gốm được trục vớt từ các tòa nhà dưới nước tới Đại học Oxford ở Anh để kiểm tra.

Kết luận là, những thứ này đã có cách đây khoảng 7.000 đến 10.000 năm, kết quả rất gần với nghiên cứu năm xưa của tiến sĩ Rao. Cũng giống như tiến sĩ Rao, tiến sĩ Badrinarayanan rất vui mừng, chỉ cần cứ tiếp tục thì không cần lo lắng về việc thành phố Hắc Thiên không xuất hiện. Nhưng khảo cổ học dưới nước đặc biệt tốn kém. Nó cần sự hỗ trợ của rất nhiều thiết bị kỹ thuật, nếu muốn phát hiện và dọn sạch các thành phố dưới nước trong khu vực này, chính phủ sẽ cần đầu tư ít nhất hàng chục triệu USD. Vì vậy, tiến sĩ Badrinarayanan cũng gặp phải tình trạng khó khăn giống như tiến sĩ Rao năm xưa, công việc vừa có tiến triển thì không còn tài chính nên đành phải tạm dừng.

Giống như sử thi của Homer đã được chứng minh là có thật bằng những khám phá khảo cổ học mới trong những năm gần đây, những phát hiện của Tiến sĩ Badrinarayanan và Tiến sĩ Rao cũng chứng minh Mahabharata cũng kể về lịch sử thực. Thành phố cổ dưới nước này không chỉ về vị trí và đặc điểm của nó giống với mô tả về Thành phố bầu Hắc Thiên Dwarka trong sử thi Mahabharata, hơn nữa nó thực sự bị chôn vùi dưới nước như trong sử thi nói. Mahabharata kể rằng sau cái chết của Krishna, nước biển bất ngờ dâng cao và nhấn chìm toàn bộ thành phố Krishna.

Vậy từ khi nào thành phố này đã bị chôn vùi dưới đáy biển? Sử thi không nói tới điều này. Thông thường những loại sử thi cổ đại này không có niên đại rõ ràng, chúng ta hãy cùng xem tiếp về thành quả nghiên cứu của nhà địa chất biển.

Nghiên cứu của Milne

Nhà địa chất người Canada Glenn Milne đã sử dụng máy tính để vẽ bản đồ về sự thay đổi của bờ biển phía tây của Ấn Độ trong 20.000 năm qua, có thể thấy thành phố dưới nước ở Vịnh Khambhat này đã bị nhấn chìm hoàn toàn bởi mực nước biển dâng cách đây khoảng 6.900 năm.

Do đó, thời điểm tuyệt chủng của nó gần thời điểm đó, tức là khoảng 7.000 năm trước. Liệu thành phố đã bị nhấn chìm bởi lũ lụt ngay lập tức như trong Mahabharata đã nói, hay nó bị nước biển dâng cao nuốt chửng từ từ? Tới nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.

Nếu thành phố Hắc Thiên mà Mahabharata đề cập được thực chứng qua phát hiện khảo cổ học, nó thực sự tồn tại; vậy thì cuộc chiến kinh thiên động địa được miêu tả trong sử thi hoàn toàn có thể là có thật, không chỉ là những tưởng tượng bay bổng. Việc phát hiện ra thành phố Hắc Thiên xác nhận sử thi Mahabharata mô tả sự thật. Vì những điều sử thi viết là có thật, nên các sự việc đề cập trong sử thi có khả năng rất cao cũng đáng tin cậy. Vì vậy, nó trở thành bằng chứng gián tiếp cho thấy chiến tranh hạt nhân cổ đại đã thực sự xảy ra.

Những mô tả và chứng cứ về chiến tranh hạt nhân thời cổ đại

Một viên đạn với tất cả sức mạnh của vũ trụ và ngọn lửa nóng sáng như vạn mặt trời, một vũ khí vô danh. Một quả mìn sắt, sứ giả chết chóc, đã biến toàn bộ chủng tộc thành tro tàn.

Những người sống trước thế kỷ 20 không thể hiểu được mô tả trên, nhưng những người sống qua năm 1945 và những người sinh sau năm 1945 có thể hiểu được.

Vào lúc 8 giờ 16 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, một quả bom đã phát nổ ở Hiroshima, Nhật Bản. Một quả cầu lửa có đường kính 300 mét phát ra ánh sáng chói mắt. Nhiệt độ ngay bên dưới quả cầu lửa lên tới 4000 độ C. Những người đi bộ trên đường bên dưới biến thành than, hoặc ta tành mây khói ngay lập tức.

Tại sao nó có thể giống với mô tả trong sử thi Mahabharata đến vậy? Phải chăng người dịch tiếng Anh của sử thi đã cố tình thêm mắm thêm muối, rồi bịa ra cảnh tượng chiến trường như vậy để tăng thêm phần bí ẩn?

Sử thi Mahabharata được dịch sang tiếng Anh vào thế kỷ 19. Khả năng tạo ra cảnh chiến tranh hạt nhân này dựa vào hư cấu dường như là không thể. Con người ở thế kỷ 19 không có khái niệm về chiến tranh hạt nhân. Hơn nữa, khi đối chiếu với nguyên bản tiếng Phạn, cũng rất dễ dàng nhận ra nó chính là được mô tả trong sử thi.

Liên quan đến cuộc chiến tranh hạt nhân thời tiền sử này, có một bằng chứng khác, đó là nghi vấn về sự tồn tại của một hố bom. Vụ nổ hạt nhân có thể tạo ra hố bom lớn thế nào là phụ thuộc vào đương lượng của vụ nổ hạt nhân và cách nó phát nổ.

Quả bom nguyên tử Little Boy phát nổ ở độ cao cách Hiroshima 1.800 feet, tức là gần 600 mét. Nó không để lại một hố bom rõ ràng khi nó được kích nổ, nhưng nếu một quả bom hạt nhân có cùng đương lượng khoảng 15.000 tấn TNT được kích nổ trên bề mặt, người ta ước tính rằng nó sẽ tạo ra một hố bom có ​​đường kính 50 mét, với độ sâu 20 mét.

Nếu kích nổ bằng cách khoan vào lòng đất quả bom cấp độ triệu tấn, miệng hố bom có thể sánh ngang với một hồ nước tự nhiên.

Thế nhưng, ở một nơi cách Mumbai 400 km về phía đông bắc có một thứ được nghi là hố bom. Cái hố kỳ lạ này được gọi là Hồ Lonar, và nhìn từ trên cao, nó trông giống như một cái hố tròn, với đường kính khoảng 1800 mét và sâu 150 mét.

View of Lonar crater from the rim
Hồ Lonar đường kính khoảng 1800 mét và sâu 150 mét. (wikipedia/ CC BY SA 4.0)
Hình ảnh vệ tinh của hồ Lonar. (Phạm vi công cộng)

Ban đầu, các nhà địa chất cho rằng đây là một miệng núi lửa bình thường, nhưng sau này ở khu vực này không tìm thấy nham thạch từ núi lửa phun trào cũng như các vụ phun trào núi lửa khác, nên nó không phải miệng núi lửa. Các nhà khoa học đã thay đổi suy nghĩ, vì cái lỗ này không được phun ra ngoài nên nó có thể đã bị đập vào. Họ nghĩ đó là lỗ thiên thạch hoặc sao chổi va đập một lỗ trên mảnh đá bazan này.

Có người đã tính toán rằng quỹ đạo đi vào của sao chổi nằm cách khoảng 35 đến 40 độ so với hướng đông. Giả thuyết này cho rằng hình dạng vỡ của các tảng đá xung quanh hố là khá nhất quán. Đây là một trong những lời giải thích hợp lý. Các nhà khoa học đã tìm thấy đá bazan hình cầu đã thủy tinh hóa trong hố.

Muốn khiến đá bazan biến thành trạng thái này, cần có nhiệt độ cao từ ​​1400 đến 1600 độ C. Thiên thạch tốc độ cao tại địa điểm va chạm của nó có thể đạt được nhiệt độ này.

Một cách giải thích khác cho việc có thể đạt đến nhiệt độ như vậy là với bom hạt nhân, ở cùng một góc độ, va vào miếng đá bazan có thể tạo ra hiệu ứng như vậy. Nhiệt độ tại tâm vụ nổ hạt nhân ở Hiroshima là 3.000 đến 4.000 độ C. Nếu là vũ khí nhiệt hạch như thế này, nhiệt độ lõi của nó có thể lên tới hàng trăm triệu độ, làm tan đá là việc dễ dàng.

Tuy nhiên, hố bom đáng ngờ này được hình thành khi nào thì cần phải nghiên cứu thêm. Nếu dòng thời gian và câu chuyện trong sử thi Mahabharata và khám phá khảo cổ học dưới nước tại thành phố Hắc Thiên trùng khớp, chúng có thể xác nhận lẫn nhau, và trở thành bằng chứng gián tiếp về câu chuyện vụ nổ hạt nhân trong sử thi.

Cuối cùng, hãy cùng suy ngẫm, thành phố Hắc Thiên được khám phá bởi Tiến sĩ Badrinarayanan và Tiến sĩ Rao có khả năng là bằng chứng cho sự kết thúc của một kỷ nguyên văn minh.

Hơn 7.000 năm trước, Dwarka, thành phố Hắc Thiên, trung tâm văn hóa của Ấn Độ, đã bước vào những năm xế chiều. Trận hỗn chiến kéo dài hàng thế kỷ trong sử thi Mahabharata dường như thu hút sự tham gia của hầu hết tất cả các quốc gia lân cận. Thực sự có thể nói là một trận hỗn chiến thời tiền sử. Cuối cùng, cuộc chiến đã lên tới kịch điểm, các bên ngang sức, và đều sử dụng vũ khí hạt nhân, kết quả là họ cùng nhau diệt vong, và tất cả các quốc gia đều bị huỷ diệt.

Kỷ nguyên văn minh bị tàn phá bởi chiến tranh hạt nhân này đã kết thúc. Vậy là một kỷ nguyên văn minh mới đã đến, với trung tâm là lưu vực Lưỡng Hà Tây Á, và Trung Á, phát triển về hai hướng đông - tây. Phát triển về hướng đông là Ấn Độ cổ đại, và lưu vực sông Hoàng Hà vùng Trung Nguyên, Trung Quốc. Phát triển về hướng tây là Bắc Phi và Hy Lạp. Các nền văn minh khu vực biển Aegea nở rộ ở khắp mọi nơi, đó là những gì nền văn minh lúc ban đầu của chúng ta.

Minh An
Theo Wenzhaostudio



BÀI CHỌN LỌC

Khảo cổ dưới nước: 'Thành phố Hắc Thiên' đã chứng kiến ​​cuộc chiến tranh hạt nhân 7.000 năm trước