Khi bạn cô độc thì đã rất gần với sự vĩ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cô độc và tịch mịch không giống nhau, tịch mịch khiến người ta sợ hãi, cô độc khiến người ta mạnh mẽ.

“Cô độc”

Có người đã giải thích rằng: Chiết tự hai chữ “Cô độc – 孤獨”, có trẻ con (子 – Tử, trẻ em), có trái cây (瓜 – Qua, trái dưa), có thú vật (⺨- Khuyển, chó), có côn trùng (虫 – Trùng – côn trùng), đủ để dựng lên cảnh tượng một con hẻm vào lúc chạng vạng tối giữa mùa hè với đầy đủ hương vị cuộc sống. Nhưng nếu tất cả những thứ đó đều không liên quan gì đến bạn, thì đó chính là cô độc.

Cô độc
Cáo biệt ồn ào náo động, và sau đó bạn có cơ hội để trầm tư trong cô độc an tĩnh (ảnh: pixabay)

Quả vậy, những người cô độc đều giống nhau.

Franz Kafka, tác giả của truyện ngắn nổi tiếng “Die Verwandlung” (Hóa thân), khi đi làm ông là một nhân viên của công ty bảo hiểm, sau khi tan tầm thường mang một hộp cơm đến căn phòng nhỏ nhất nằm ở phía cuối con hẻm rồi viết các tác phẩm của mình, ông cự tuyệt giao tiếp với mọi người, một mực viết cho đến đêm khuya mới về nhà.

Cô độc không phải là việc bị ruồng rẫy và bỏ rơi, mà là không có tri kỷ, không được thấu hiểu. Người cô độc thật sự sẽ không nói mình cô độc.

Càng cô độc, càng ưu tú

Năm 23 tuổi, Mộc Tâm được nhận vào làm giáo viên tại trường trung học phổ thông số 1 ở Hàng Châu, đãi ngộ ở đây rất tốt, lại còn được cấp miễn phí một căn nhà lớn, phía sau nhà còn có bể bơi.

Mặc dù được ở trong một môi trường ưu việt như vậy, nhưng Mộc Tâm mới làm được nửa năm đã quyết định đi ẩn cư ở núi Mạc Can yên tĩnh.

Mộc Tâm - một họa sĩ, nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc, (1927- 2011)

Ông thuê một người mang theo hai rương sách lớn, mang theo chiếc mũ thường đội, chiếc túi thường đeo và đôi giày thường xỏ, rồi đi lên núi Mạc Can.

Trong căn nhà lớn hoang phế, ông đã dán một câu nói của tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert lên bàn: “Sự rộng lớn của nghệ thuật đủ để chiếm cứ một người”.

Ban ngày khi mặt trời mọc, ông thức dậy để đọc sách, đêm đến ông lại thắp nến viết văn.

Bên ngoài gió lạnh đập vào cửa sổ, tuyết bay lất phất, trời lạnh thấu xương, ông đun nước pha một tách trà, rồi tiếp tục đọc sách.

Mộc Tâm là người cô độc, nhưng vì sự cô độc tách biệt với thế giới, mỗi thời khắc đều chất vấn bản thân, mỗi bước đi đều là sự khám phá chân lý, mới sáng tác nên vô số tác phẩm đi vào lòng người.

Sáu năm sau, ông xuống núi cùng với hơn 100 truyện ngắn, tiểu thuyết, cùng vô số những bức tranh thủy mặc.

Arthur Schopenhauer, một triết học gia người Đức từng nói: “Không có sự cô độc tương xứng, thì không thể có sự bình thản trong nội tâm”.

Đúng vậy, những gì một người có thể làm được trong lúc cô độc, quyết định người đó có ưu tú hay không.

Người càng ưu tú, càng có khả năng đạt được sự bình hòa trong nội tâm. Càng là người ưu tú, càng biết tránh khỏi các loại xã giao vô ích.

Sau khi tiếp xúc với người khác, họ nhận thức một cách rõ ràng rằng sự ưu tú của bản thân bắt nguồn từ sự cô độc, đó là vinh quang của cô độc.

Cô độc
Người càng cô độc càng sâu sắc. (Ảnh: Pixabay)

Người càng cô độc, nội tâm càng sâu sắc (Ảnh mạng phim)

Người càng cô độc, nội tâm càng sâu sắc

Khi Tô Đông Pha bị đày đến Hàng Châu, cuộc sống rất khó khăn, ông phát hiện ra rằng chất lượng thịt lợn ở Hàng Châu rất tốt mà giá cả lại cực kỳ rẻ, vì người giàu không ăn loại thịt này, còn người nghèo lại không biết chế biến.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn nguyên liệu, ông đã làm ra món “thịt kho Đông Pha” nổi tiếng, đun nhỏ lửa, cho vào một ít nước, sau đó vừa kiên nhẫn chờ cho thịt heo nấu xong, vừa đánh phách cùng nông dân trên đồng ca hát.

Thịt kho
Thịt kho Tô Đông Pha (Ảnh: Flickr)

Sau đó, người bạn thân Mã Chính Khanh đã giúp ông khai khẩn một mảnh đất hoang mấy chục mẫu.

Ông cởi bỏ áo dài khăn vuông của người nho sĩ, khoác lên áo ngắn giày cỏ của người nông dân, chăm chỉ đắp đập, đào ao nuôi cá, lấy mầm rau từ hàng xóm, còn nhờ người ở quê hương Tứ Xuyên tìm giúp ông giống cây trồng, tạo nên một cánh đồng lúa mì thật lớn. Sau đó, sửa một cây cầu nhỏ, một mái đình nhỏ ở giữa cánh đồng, để khi nhàn rỗi thì đọc sách viết chữ, và mời bạn bè đến uống rượu. Ông tự phong mình là “Đông Pha cư sĩ.”

Ông từng 2 lần được Hoàng đế trọng dụng, và cũng 2 lần bị lưu đày. Sau khi Tô Đông Pha trải thấu sự cô độc, ông đã biến cuộc sống tạm bợ thành một cuộc đời thi vị, mà cảm khái rằng: “Trong nhân gian có một hương vị gọi là tao nhã”.

Sau đó, ông lại được trọng dụng, được trở về kinh thành đảm nhận chức quan lớn. Mỗi khi buồn chán hay bế tắc, ông luôn nhớ về những ngày tháng cô độc nhất đó, và rồi những nút thắt trong lòng lại dần được gỡ bỏ.

Những tháng ngày sung túc và êm đềm, không thể bồi dưỡng nên một con người với tâm thái rộng mở và có năng lực chống cự với những bão tố trong cuộc đời.

Mà sự trưởng thành chính là phải học được cách chung sống với cô độc, bởi vì không có gì tốt hơn sự cô độc để tôi luyện bản thân.

Tận hưởng sự cô độc, mới tìm được sự tự do.

Cô độc là để sống thanh tỉnh hơn

Vào năm 2012, Vương Thụ vừa tròn 49 tuổi đã giành giải thưởng Kiến trúc Pritzker, đây là lần đầu tiên Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế này được trao một người Trung Quốc, và ông thấu hiểu sự cô độc hơn bất kì ai khác.

Khi còn nhỏ, ông không có bạn bè, nên thường ở nhà một mình vẽ nguệch ngoạc và rồi yêu thích hội họa.

Khi học đại học, ông là “người canh gác” cô độc nhất trong thư viện, nhưng chỉ trong 2 năm ông đã hoàn thành việc học của mình.

Sau khi tốt nghiệp, vì tình yêu cuồng nhiệt dành cho kiến trúc truyền thống, ông trở nên khác biệt và khó hiểu trong mắt người khác. Ông kiên trì không thiết kế các kiến trúc mang tính biểu tượng, không làm những công trình thương mại, không khuyến khích phá dỡ. Khi các kiến trúc sư xung quanh trở nên giàu có, thì chỉ có ông là làm việc quần quật cả ngày với những người thợ thủ công trên công trường.

Trong thời gian dài, ông sống một cuộc sống cô độc và không được công nhận.

Tuy nhiên, cũng chính vì sự cô độc này, đã khiến ông sống một cách tỉnh táo trong thế giới vật chất hỗn độn này, và cuối cùng đứng trên đỉnh cao của kiến trúc hiện đại.

Mọi người khi sinh ra vốn dĩ đã cô độc, chỉ là cách mà mỗi người đối mặt với nó khác nhau mà thôi.

Cô độc
Mọi người khi sinh ra vốn dĩ đã cô độc

Khi đối mặt với sự cô độc, Tư Mã Thiên đã phớt lờ tất cả những nhạo báng, một mình suy ngẫm, mới viết nên bộ Sử Ký được đánh giá là “tuyệt ca của sử gia, một tập Ly Tao không vần”.

Khi đối mặt với sự cô độc, Diệp Vấn đã bỏ qua tất cả những tranh cãi, mà cứ kiên trì một mình tập luyện Vịnh Xuân quyền, từ đó mới khám phá ra điều tuyệt diệu thâm sâu nhất của Vịnh Xuân quyền.

Khi đối mặt với sự cô độc, Lý An đã bỏ qua tất cả những lời đồn đại, mà đơn độc sáng tạo và sau đó đã làm nên các tác phẩm kinh điển như “Ngọa hổ tàng long”.

Trong tác phẩm “Trái tim là một thợ săn cô độc” nói rằng: “Con người càng hiểu biết, càng truy cầu cao, thì càng cô độc”.

Trên đường đời, tôi thường hay nghĩ về những lời mà nhà văn Trương Tiểu Nghiên đã nói mà mắt ngấn lệ:

“Sau này rất nhiều người hỏi tôi về tâm trạng khi một mình bước trên đường vào ban đêm, điều mà tôi đã nghĩ không phải là sự cô đơn và chiều dài của con đường, mà là đại dương tráng lệ và những ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời”.

Cô độc và tịch mịch không giống nhau: Tịch mịch khiến người ta sợ hãi, còn cô độc lại khiến người ta mạnh mẽ. Dựa vào kiên trì với tín niệm của nội tâm, bạn sẽ luôn luôn sống với chính mình một cách chân thực và tốt đẹp nhất.

Lam Sơn
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Khi bạn cô độc thì đã rất gần với sự vĩ đại