Khi hoang mang mờ mịt, hãy đọc ba con cá của Trang Tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đời người có ba cảnh giới: Không vì vật mà vướng bận, không vì tâm mà mệt mỏi, không vì người mà bấn loạn. 

“Nam Hoa Kinh” của Trang Tử mở ra một thế giới sống động rực rỡ. Đó là những câu chuyện có sắc màu thần thoại, chất chứa nhiều đạo lý thâm sâu. Từ cuộc tranh chấp trên vòi ốc sên, sự siêu nhiên trong giấc mơ hóa bướm, đến cảnh giới cao khiết của chim Uyên Sồ… chúng ta đều thấy được trí huệ ngàn năm của Trang Tử.

Thế giới của Trang tử tràn ngập các loài vật lạ kỳ, nhưng loài ông yêu thích nhất lại là cá. Trong đó có ba con cá tượng trưng cho ba cảnh giới nhân sinh, đó là: Tự do, tự đắc và tự xử.

Tự do: Không vướng bận vì vật

Trong thiên “Tiêu Diêu Du”, Trang Tử viết về cá Côn ở Bắc Hải:

Biển Bắc có con cá tên là Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim tên là Bằng, lưng của chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm. Khi chim Bằng vỗ cánh bay lên cao, hai cánh nó lớn như đám mây che cả bầu trời. Khi biển động, sóng lớn gầm gào, nó liền bay về biển Nam. Chỗ biển Nam ấy là ao trời.

Tề Hải, sách chép các việc kỳ quái nói: chim Bằng, lúc bay qua biển Nam, cánh đập làm cho sóng nước nổi lên ba nghìn dặm dài; nó nương theo gió mà cất lên chín muôn dặm cao, và bay luôn sáu tháng mới nghỉ.

Rất nhiều người ngưỡng mộ sự tự do của chim Bằng và cá Côn, nhưng Trang Tử lại cho rằng khả năng của chúng là “hữu sở đãi”. Dù chim Bằng lưng lớn như núi Thái Sơn, cánh như đám mây rủ, nhưng vẫn cần phải nương theo gió mới có thể bay cao chín vạn dặm, vượt lên khỏi tầng mây. Chim Bằng đạp mây, cưỡi sóng, đằng vân, quá hải, suy cho cùng vẫn phải phụ thuộc vào sức gió, nhờ vào vật ngoại thân mới có được “tự do”.

Học giả Nguyễn Hiến Lê bình luận: “Con chim Bằng phải tùy thuộc lớp không khí dầy ở dưới nó; Liệt Tử cưỡi gió mà bay thật nhẹ nhàng, khoan khoái, nhưng vẫn phải tùy gió nổi lên mới bay được, như vậy chưa thực là tiêu dao. Hễ còn tùy thuộc một cái gì thì chưa được hoàn toàn tự do, làm sao mà thảnh thơi được?”.

Con người cũng vậy, rất nhiều người đem tự do đồng nhất với tài phú, danh tiếng, địa vị, chức quyền… Họ cho rằng có tiền mới có thể an nhàn, có địa vị và chức quyền mới có thể thỏa thuê như ý. Kỳ thực, họ đang dùng vật ngoại thân trói buộc tự do của chính mình mà không hay.

Vậy thế nào mới là tự do thực sự? Bậc Chân Nhân khác với chim Bằng, có thể chế ngự lục khí để ngao du trong vũ trụ vô biên, không chịu câu thúc, không chịu ước chế của ngoại cảnh. Cho nên người ta nói: “Bậc chí nhân thì quên mình, bậc Thần nhân thì không lập công, bậc Thánh nhân thì không lưu danh”. Nói cách khác, chính là không câu nệ vào vật, không dựa vào vinh hoa, không cầu công danh lợi lộc.

Thời nhà Tần có bảy vị học giả theo trường phái Đạo gia sống ẩn thân trong rừng trúc, người đời gọi họ là “Trúc Lâm thất hiền”. Trong có có một vị tiên sinh tên là Kê Khang. Thường ngày Kê Khang gảy đàn, đọc sách, hái thuốc, rèn kim khí, ngao du sơn thủy… Mỗi khi mệt mỏi, ông lại nhảy xuống ao bơi thỏa thích, hoàn toàn thong dong tự tại, không bị vướng mắc vào thế sự rối ren.

Thi nhân Lâm Bô ẩn cư dưới chân núi Cô Sơn ở Tây Hồ, ngày ngày bán mai kiếm sống, tháng ngày vô cùng bình dị. Ông khi thì chèo thuyền lênh đênh giữa dòng, khi thì tựa vào cây mai mà xem bạch hạc nhảy múa, vô ưu vô lự.

Gia đình Phong Tử Khải từng chuyển đến cư trú ở một ngôi làng hoang vu vùng ngoại ô Trùng Khánh. Ông từ bỏ công việc giảng dạy, trút bỏ gánh nặng thanh danh, tự mình rào một mảnh đất trồng đậu trồng rau, nuôi chim nuôi ngỗng. Ngoài giờ lao động, ông đọc sách, vẽ tranh, vui quên tháng ngày.

Khi mệt mỏi, ông tựa vào cửa sổ ngắm đàn ngan trắng mà ông chăn thả, dí dỏm gọi chúng là “ngan lão gia”. Những ngày tháng xem ra thiếu thốn, nhưng ông lại sống với tâm cảnh điềm đạm, đầy lạc thú thi vị.

Ba Kim từng nhận xét về Phong Tử Khải như sau: “Hình tượng ‘Phong tiên sinh’ trong tôi là: Một người không tranh với người khác, không gì không yêu mến, một tâm hồn thơ trẻ thuần khiết không tì vết”. Phong Tử Khải đạm bạc danh lợi, ông vẽ tranh, viết văn không để cầu danh tiếng hay tiền tài. Khách đến chơi nhà, ông tiện tay tặng cho họ bức tranh vừa vẽ. Tháng ngày cứ thế trôi qua, bình đạm, giản đơn, nhưng khoái lạc vô cùng.

Phong Tử Khải(Ảnh: feature_sinchew/ins)

Ấy gọi là “nhân gian chí vị thị thanh hoan” (mỹ vị nhân gian là niềm vui thanh đạm). Niềm vui thanh đạm khiến người ta say mê, bởi nó không trói buộc vào vật chất, chỉ cầu sự giàu có của tâm hồn.

Dương Giáng tiên sinh nói: “Chúng ta từng khát vọng mệnh vận ba đào như thế, đến cuối cùng mới phát hiện ra rằng: Phong cảnh đẹp nhất cõi nhân sinh lại chính là sự thong dong và bình đạm của tâm hồn. Chúng ta từng trông chờ được người đời công nhận như thế, đến cuối cùng mới biết rằng: Thế giới là của chúng ta, không hề liên quan với người khác”.

Sự phong phú của nhân sinh hoàn toàn không do vật chất mang đến. Cứ mãi phân tranh nơi thế tục, cứ mãi hao tâm tổn trí vào hư danh và lợi ích phù phiếm, cuối cùng chỉ khiến thân tâm kiệt quệ. Buông xuống những dục vọng không cần thiết, phản bổn quy chân, linh hồn mới có thể tự do tự tại.

Tự đắc: Không mệt mỏi vì tâm

Trong thiên “Thu thủy”, Trang Tử biện luận về sự khoái lạc của cá Du.

Hôm ấy trên cầu sông Hào, Trang Tử và Huệ Tử cùng ngắm đàn cá đang bơi lội dưới nước.

Trang Tử nói: “Đàn cá Du thung thăng bơi lội, thật khoái lạc sao!”

Huệ Tử nói: “Ông không phải cá, làm sao biết cá vui?”.

Trang Tử đáp: “Ông không phải tôi, làm sao biết tôi không biết niềm vui của cá?”.

Suy cho cùng, nhân sinh là của bản thân mình, ấm lạnh tự biết, vui buồn tự vượt qua. Chúng ta không cần lấy kẻ khác làm tiêu chuẩn đo lường, cũng không cần mệt mỏi vì những lời bình giá của người khác về mình.

Cũng giống như con ếch không thỏa mãn ngồi đáy giếng, nó quyết tâm nhảy ra ngoài ngắm trời đất bao la. Nhưng lại có con ếch hài lòng với cuộc sống dưới đáy giếng, ở đó nó vui thích quan sát rêu xanh, chơi đùa cùng với con sóng gợn lăn tăn trong dòng nước lạnh. Hai thế giới quan, hai cách sống, không có gì là ưu việt hay kém cỏi, mà là được sống thuận theo nội tâm, tìm về bản ngã chân thực của chính mình.

Trang Tử(Ảnh: tranh vẽ của Hoa Tổ Lập)

Trong cuốn tiểu thuyết “The Moon and Sixpence” của W. Somerset Maugham có một câu nói làm lay động nhân tâm:

“Làm những việc bản thân thích làm nhất, sống trong hoàn cảnh mà bản thân vui thích. Đạm bạc, bình yên, không tranh với đời, lẽ nào lại là chà đạp bản thân sao?”.

“Trái lại, làm một bác sĩ ngoại khoa trứ danh, thu nhập mỗi năm hàng vạn bảng, kết hôn với một cô gái xinh đẹp, chẳng lẽ lại là thành công sao?”.

Tự đắc chính là không cầu được người khác công nhận. Trong cuộc đời này, việc được người khác tán thưởng không thể sánh với việc được làm chính mình.

Tự xử: Không bấn loạn vì người

Trong thiên “Đại tông sư”, Trang Tử từng kể câu chuyện rằng:

Hai con cá mắc cạn dưới đáy sông, miệng nhả nước bọt làm ẩm cho nhau, miễn cưỡng duy trì sự sống. Trang Tử cho rằng, thay vì dằn vặt và chịu khổ để duy trì quan hệ, chẳng thà mỗi người hãy vào sông hồ, trơ trọi một mình nhưng lại sống được vui vẻ. Nương tựa vào nhau, chẳng thà vùng vẫy ở sông hồ mà quên nhau. Các mối quan hệ phức tạp giữa người với người giống như sợi dây cương trói buộc thân tâm. Thay vì gắng gượng duy trì một mối quan hệ chẳng mấy vui vẻ, chẳng thà chia ly mà tiêu sái, mỗi người sống cuộc sống tốt đẹp của riêng mình.

Khi Vương Duy còn làm thừa tướng, các vương tôn quý tộc kết giao với ông, các học trò tranh nhau đến thăm ông, khách viếng thăm lũ lượt không ngớt. Bận bịu chén tạc chén thù, quay cuồng trong các mối quan hệ rối rắm giữa người với người, Vương Duy cảm thấy tâm thần mỏi mệt. Sau đó ông quyết định từ quan, ẩn cư trong rừng trúc, gảy đàn Cầm dưới trăng và cất cao giọng hát, không hề thấy tịch liêu cô quạnh mà chỉ có niềm vui.

“U hoàng tọa khiếu đồ” (Ảnh: Bảo tàng Sơn Đông)

Lâm Thanh Huyền có câu: “Niềm vui cô độc, là khi ở một mình cũng có thể vui vẻ, có sự giàu có trong tâm hồn và sinh mệnh. Tỉnh thức cô độc, là không bị mê hoặc trong niềm vui của người khác”.

Thời nhà Thanh, “Kim Thạch gia” Trương Đình Tế có đôi câu đối: “Chu Hối Ông bán nhật tĩnh tọa, Âu Dương Tử phương dạ độc thư” (Chu Hối Ông nửa ngày tĩnh tọa, Âu Dương Tử ban đêm đọc sách). Chu Hy thích dành nửa ngày tọa thiền, bảo trì tâm cảnh trong sáng. Âu Dương Tu một mình đọc sách giữa đêm, thả hồn vào trang giấy. Làm người không chỉ cần giao thiệp mà còn cần thu xếp thỏa đáng cho bản thân mình.

Tập tin:宋参政欧阳文忠公修.jpg
Âu Dương Tu(Ảnh: Wikisource)

Thành công lớn nhất trên đời chính là làm chủ cuộc sống theo cách riêng của mình. Như thế, mỗi ngày trôi qua mới có thể sống như ta mong muốn, nội tâm thong dong tự tại.

Nhân tử Nguyễn Văn Thọ từng viết: Sách của Trang là cả một kho tàng châu báu, nhưng thay vì để kho tàng ấy chất đống vào một nơi, ông đem nó vung vãi ra trong một vùng lớn lao gồm mười vạn chữ, giấu chúng vào trong những ngụ ngôn, những huyền thoại, những câu chuyện bông lơn. Ta hãy quên lời, quên chuyện của Trang kể, mà chỉ lưu tâm lượm lặt lấy những tư tưởng của Trang, đó chính là những châu ngọc thực sự mà Trang dành cho chúng ta vậy”.

Và một trong những hạt châu ngọc quý giá ấy chính là: Không trói buộc vào vật, không vướng mắc vào tâm, không bi lụy vào người.

Minh Hạnh
Theo Lý Văn Hàm - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Khi hoang mang mờ mịt, hãy đọc ba con cá của Trang Tử