Khôn đâu đến trẻ (Phần 1): Thần đồng phương Đông [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tục ngữ dân gian có câu “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, trẻ nít đâu đã mấy khôn, ý nói rằng hãy rộng lòng bỏ qua sự ngu ngơ của trẻ. Ấy vậy nhưng trí khôn không đợi tuổi, khéo khéo kẻo giật mình.

Khổng Tử bái cậu bé Hạng Thác 7 tuổi làm thầy

Sách chép, Khổng Tử thông tuệ là thế nhưng đã bái cậu bé 7 tuổi làm thầy. Cậu bé đó là Hạng Thác.

Khổng Tử cùng một số học trò trên đường qua nước Tần, gặp một đám thiếu nhi chơi đùa giữa đường. Trong bọn có một đứa trẻ mặt mũi khôi ngô đang cắm cúi lấy cát đắp cái thành nhỏ và ngồi vào trong đó.

Khổng Tử xuống xe hỏi:

- Xe ngựa đến rồi, cậu không tránh cho xe của lão phu đi hay sao?
- Thưa, ngài là ai?
-Ta là Khổng Phu Tử

Cậu bé thản nhiên đáp:

- Cháu nghe người ta đồn rằng, Khổng Phu Tử trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người. Vậy mà hôm nay cháu gặp Phu Tử thì không phải vậy, bởi vì từ xưa đến nay, chỉ nghe nói đến chuyện xe tránh thành, chứ thành nào lại tránh xe đâu!

Ngạc nhiên, Khổng Tử liền hỏi:

- Cậu tên là gì?
- Dạ, Hạng Thác
- Năm nay cậu bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 7 tuổi ạ.
- Mới 7 tuổi mà sao đã sớm khôn thế?

Hạng Thác thong thả đáp:

- Cháu nghe nói cá nhỏ sau khi sinh 3 ngày có thể bơi lội trong sông biển; thỏ sinh ra sau 3 ngày cũng biết chạy được một đoạn; người ta sinh ra sau 3 tháng đã có thể nhận biết được cha mẹ. Tuổi tác lớn hay nhỏ thì có quan hệ gì đây. Cháu sinh ra đến nay đã được 7 tuổi rồi, sao nói là sớm được?

Cảm thấy đứa trẻ này rất thú vị, muốn thử tài, Khổng Tử hỏi lại:

- Cậu đã nói như thế, ta lại muốn hỏi cậu chút nữa. Lửa nào không khói? Nước nào không cá? Núi nào không đá? Cây gì không cành? Người nào không vợ? Ai kẻ không chồng? Trâu nào không nghé? Ngựa nào không con? Trống nào không mái? Mái nào không trống? Ai là quân tử? Ai kẻ tiểu nhân? Vật gì không đủ? Vật gì có thừa? Thành nào không chợ? Người nào không con?

Hạng Thác đáp liền một mạch:

- Lửa đom đóm không khói. Nước giếng không cá. Núi đất không đá. Cây khô không cành. Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng. Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con. Trống độc không mái. Mái độc không trống. Hiền là quân tử. Kẻ dại tiểu nhân. Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa. Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con.

Khổng Tử khen rằng:

- Trả lời tốt! Trả lời tốt.

Hạng Thác đắc ý, hỏi lại Khổng Tử:

- Thưa lão tiên sinh, ngài hỏi cháu điều chi, cháu đều trả lời hết, nay cháu muốn hỏi lại ngài vài điều, xin ngài chỉ bảo cho. Con ngỗng con vịt vì sao có thể nổi bồng bềnh trên mặt nước được ạ? Chim hồng, chim hộc vì sao có thể phát ra tiếng kêu to? Tại sao cây tùng, cây bách xanh cả mùa hè lẫn mùa đông?

Khổng Tử đáp:

- Con ngỗng, con vịt có thể nổi trên mặt nước là vì chân chúng có màng. Chim hồng, chim hộc kêu to là vì cổ chúng dài. Tùng bách xanh tươi bốn mùa, là vì thân của chúng đặc.

Hạng Thác reo lên:

- Thưa, không đúng! Con rùa nổi lên mặt nước, đâu có phải nhờ đôi bàn chân có màng. Con ễnh ương kêu to mà cổ nó đâu có dài. Cây trúc cũng xanh bốn mùa, mà ruột nó rỗng đấy thôi.

Khổng Tử chưa biết giải thích ra sao, thì cậu bé lại hỏi:

- Thưa Phu Tử, cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?

Khổng Tử nói:

- Là vì buổi sáng, mặt trời gần ta hơn.
- Không phải ạ! Buổi sáng mặt trời gần ta hơn, sao lại mát, còn buổi trưa mặt trời xa ta hơn, sao lại nóng?

Khổng Tử đang ngập ngừng thì Thác hỏi tiếp:

- Cháu không làm sao hiểu buổi sáng mặt trời mọc ở phương Đông, buổi chiều lặn ở phương Tây, rồi sáng hôm sau lại mọc ở phương Đông mà không từ phương Tây mọc lại.

Khổng Tử cười không đáp. Hạng Thác lại nói:

- Thưa lão tiên sinh, trên trời có bao nhiêu sao?

Khổng Tử thở dài trách:

- Mình đang ở dưới đất mà lại hỏi chuyện trên trời! .

Hạng Thác nói:

- Vâng thế thì dưới đất có bao nhiêu ngôi nhà?

Khổng Tử lại nói:

- Hãy nói chuyện trước mắt, đừng nói những việc trời đất đâu đâu.

Thác cười khanh khách:

- Vâng, chuyện gần trước mắt ngài đây, lông mày cháu có bao nhiêu sợi ạ?

Khổng Tử cười mà không đáp, quay lại bảo các học trò rằng:

- Thật là hậu sinh khả úy! Xem ra ta còn phải học tập cậu ấy rồi!

Câu “hậu sinh khả úy” ra đời từ đấy.

Khổng Tử bái Hạng Thác làm thầy
Khổng Tử bái Hạng Thác làm thầy (Ảnh chụp màn hình từ video Chánh Kiến)

Sự thông tuệ của Hạng Thác được truyền lại không nhiều. Chủ yếu là những đối đáp ngang ngửa trong cuộc gặp mặt tình cờ trên con đường vị “vạn thế sư biểu”. Cuộc gặp đó lâu lâu hơn một chút với mấy câu hỏi và trả lời nữa. Giai thoại cũng không cho biết thêm khi Khổng Tử đi rồi, Hạng Thác có nói câu nào nữa hay không. Chừng ấy cũng đã rất thú vị, đáng để mãi về sau trầm trồ.

Hạng Thác mất năm 10 tuổi, được lập đền thờ, gọi là Tiểu Nhi Thần, nghĩa là Thần Nhi Đồng, gọi tắt là Thần đồng. Từ “Thần đồng” cũng có từ ngày đó.

Trạng Hiền

Nguyễn Hiền quê ở Dương A, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường sau đổi là trấn Sơn Nam Hạ (nay huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam,

Nguyễn Hiền mồ côi cha từ nhỏ.Tương truyền, lúc đầu vào chùa học, sư cụ mới viết được 10 trang giấy, Hiền liền đọc ngay được như người đã từng đi học rồi. Sư cụ lấy làm lạ.

Hiền vừa thông minh, vừa khéo tay. Nghe kể, năm lên 7 Hiền nặn con voi đất di chuyển được, tai phe phẩy, vòi co duỗi, đuôi đung đưa, bởi vì chân voi đặt trên mình cua, vòi voi làm bằng con đỉa, lấy bươm bướm làm tai, sâu đo làm đuôi.

Có viên quan đi qua, chợt thấy đám trẻ la hét, dậm chân, múa tay bèn rẽ vào xem. Nhìn con voi bằng đất của Hiền sống động, viên quan vuốt râu gật gù khen và đọc một vế đối:

- Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo. (Nghĩa là: trẻ con năm sáu đứa, chẳng ai khéo như mày).

Hiền ngừng chơi, lễ phép, khoanh tay thưa:

- Bẩm xin cho biết ông làm chức gì?

Viên quan hợm hĩnh khoe luôn:

- Thái thú, ăn lương hai ngàn hộc.

Hiền vừa ngạc nhiên xuýt xoa và xin cho đối lại vế đối vừa rồi.

Viên quan khoái chí gật đầu. Hiền bèn đọc:

- Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công ...

Viên quan cười, vẻ cảm thông:

- Trẻ con chưa được học hành nên chưa biết đối. Vế đối của ta gồm 9 chữ: "Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo", vậy mà người đối chỉ có 8 chữ .

Hiền vội thưa:

- Bẩm, con chưa đọc hết.

Viên quan khuyến khích:

- Vậy đọc nốt đi!

Hiền nói to:

- Chữ cuối cùng là "tham" . (Nghĩa là: Quan thái thú ăn lương 2000 thạch, không ai tham bằng ông)

Nói xong, Hiền chạy biến mất.

Khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (Đinh Mùi 1247) thời vua Trần Thái Tông là khoa thi Nho học đầu tiên trong lịch sử nước nhà, đặt ra danh vị tam khôi. Khoa thi đó Nguyễn Hiền, đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu 17 tuổi, bảng nhãn và Đặng Ma La 14 tuổi, thám hoa.

Vua Trần Thái Tông ngự ở sân rồng, gặp các vị tân khoa đỗ cao trong kỳ thi.

Khi Hiền vào bái trước sân rồng, vua thấy trạng bé loắt choắt trong bộ áo mũ quá khổ, bèn hỏi:

- Trạng học với ai?

Nguyễn Hiền trả lời:

- Thần không phải là người sinh ra đã biết, khi có một đôi chữ không biết thì hỏi thầy chùa.

Vua thấy trạng Hiền nói năng quê kệch mà còn có vẻ kiêu căng, không được vừa lòng nên truyền phán buộc trạng trở về học lễ nghĩa thêm.

Nguyễn Hiền trở về quê nuôi dưỡng mẹ, ngày ngày đọc sách.

Một lần, sứ nhà Nguyên sang nước ta. Nghĩ rằng Đại Việt không có người tài, lại tỏ ra mình hiểu biết hơn người. Y đưa ra một vỏ ốc xoắn nhờ xâu qua ruột nó một sợi chỉ mảnh. Viên sứ nghênh ngang cho biết chỉ khi triều đình làm nước Nam được như vậy thì mới chịu vào thành.

Vua truyền cho các quan tìm cách xâu thử, nhưng không vị nào xâu được. Chợt nghĩ đến trạng nguyên Nguyễn Hiền, vua bèn cho triệu trạng về kinh.

Sứ giả nhà vua về quê trạng, gặp ngay một lũ trẻ chăn trâu nghịch đất đầu làng. Trong đám đó có đứa trẻ khôi ngô, đồ chừng là trạng Hiền. Để thăm dò sứ giả buông một câu:

- Tự (字) là chữ, cắt giằng đầu, chữ tử (子) là con, con nhà ai đấy?

Nghĩa là: Chữ "tự" (字) là chữ, bỏ giằng đầu (bộ miên 宀) đi, thì là chữ "tử" (子), tử là con

Câu hỏi mang sắc thái của người trên hỏi kẻ dưới.

Cậu bé nghe được, không ngước mặt lên, cũng thủng thẳng buông một câu:

- Vu (于) là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa, đứa nào đứa này?

Nghĩa là: Chữ "vu" (于) là chưng, bỏ nét ngang đi (chữ nhất 一), thì thành chữ "đinh" (丁), đinh là đứa. Quả là một vế đối rất chỉnh và rất xược.

Đáp xong, cậu bé bỏ chạy về nhà. Khi viên quan tìm được vào nhà thì thấy Hiền đang đun bếp. Ông ta lại ra một câu đối:

– Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo. (Tôi nghe người quân tử xa chỗ bếp núc, sao lại nịnh ông bếp).

Hiền đối đáp lại:

– Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh. (Ta vốn ở ngôi khanh tướng nhưng nay tạm nêm canh).

Biết đích là trạng, vị quan vui mừng tin rằng trạng Hiền sẽ giữ thể diện cho Đại Việt, mời trạng về triều để hỏi một việc quan trọng.

Trạng Hiền cười lớn:

- Trước đây vua nói ta chưa biết lễ, nay chính vua cũng không giữ lễ. Không ai đi mời trạng nguyên về kinh lại không theo lễ.

Viên quan không biết làm thế nào, phải trần tình đầu đuôi chuyện sứ Tàu đưa câu đố mà chưa ai giải được. Trạng Hiền nghe chỉ mỉm cười, lẳng lặng trở lại với đám trẻ chăn trâu. Chờ khi viên quan lên ngựa, Hiền mới xui đám trẻ cùng hát:

Tích tịch tình tang!
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thì lấy giấy mà bưng
Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang
Tích tịch tình tang!

Viên quan nghe nhẩm thuộc lời ấy, biết trạng đã chỉ cách giải, hớn hở trở về kinh.

Vua Trần Thái Tông ra lệnh ban mũ mão trạng nguyên và cho quân gia mang cờ quạt võng lọng về tận quê của Nguyễn Hiền mời quan trạng ra ông ra giúp nước
Vua Trần Thái Tông ra lệnh ban mũ mão trạng nguyên và cho quân gia mang cờ quạt võng lọng về tận quê của Nguyễn Hiền mời quan trạng ra ông ra giúp nước (Tranh Đông Hồ)

Ngay sau khi đối đáp được sứ thần Trung Hoa, Vua Trần Thái Tông ra lệnh ban mũ mão trạng nguyên và cho quân gia mang cờ quạt võng lọng về tận quê của Nguyễn Hiền mời quan trạng ra ông ra giúp nước.

Về đến triều đình, sứ thần Đô Sử của nhà Nguyên vẫn còn ở lại đây. Thấy vị trạng nguyên Đại Việt còn ít tuổi, tỏ rõ sự coi thường.

Hắn ta ra vế đố:

Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Nhị vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian

Câu thứ nhất, hai mặt trời ("nhật" 日) bằng đầu. Câu thứ hai, bốn ngọn núi ("sơn" 山) điên đảo. Câu thứ ba, hai ông vua ("vương" 王) cạnh tranh nhau. Câu thứ tư, bốn cái miệng ("khẩu" 口) ngang dọc.

Ông trạng nhỏ tuổi ấy cầm cục than viết ra một chữ “điền” ( 田 ) giữa sân rồng. Thấy giải đáp đúng, sứ thần lặng lẽ rút lui. Vua và đình thần thở dài khoan khoái.

Trạng Hiền liền được vua trao cho chức Công bộ thượng thư.

Và ít lâu sau triều đình phương Bắc lại gửi thông điệp với 2 chữ "Thanh thủy". Vua chưa hiểu thông điệp muốn nói gì. Hiền giải thích ngay rằng: "Tháng 12 xuất quân". Thời bấy giờ Bắc triều muốn cầu viện biên giới, lợi dụng các hào trưởng địa phương để dễ bề đối phó vua tôi nhà Trần. Nghe vậy, vua Trần Thái Tông bèn cử binh hùng tướng giỏi dẹp bè lũ phản trắc. Vào tháng 12, giặc Nguyên lui vì kế hoạch không thành.

Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay để phò vua giúp nước. Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất mùa màng thắng lợi. Năm Ất Hợi, Chiêm Thành xâm lược nước ta, nhà vua bèn giao cho trạng nguyên Nguyễn Hiền đánh giặc giữ nước.

Chỉ ít lâu sau, quân giặc bại trận, Trạng Hiền thu quân về Vũ Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông chức Đệ nhất hiển quý quan.

Duệ Anh
(Biên khảo)



BÀI CHỌN LỌC

Khôn đâu đến trẻ (Phần 1): Thần đồng phương Đông [Radio]