Không bản lĩnh, chẳng thần thông, vì sao Đường Tăng dẫn đầu đoàn thỉnh Kinh? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đường Tăng được phép dẫn dắt cả nhóm đi lấy Kinh là vì ông có lòng kiên định? Điều ấy đúng, nhưng có lẽ chưa đủ. Sức mạnh của Đường Tăng không chỉ ở sự kiên định, mà còn nằm ở hai chữ này...

Có người nói: Thấu hiểu “Tây Du Ký”, thấu hiểu kiếp nhân sinh. Lại có người nói: Bề mặt là câu chuyện trừ yêu diệt quái, nhưng thật ra nội hàm chân chính của “Tây Du Ký” là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành.

Nếu nói như vậy, thì xuyên suốt hành trình thỉnh Kinh, cả bốn thầy trò Đường Tăng đều đang từng bước từng bước trừ bỏ ma tính, thành tựu sinh mệnh, cuối cùng đắc được Phật Pháp, viên mãn công thành.

Chúng ta đã nghe nói nhiều đến quá trình tu tâm dưỡng tính của Ngộ Không, Bát Giới, và Sa Tăng. Vậy thì hôm nay, chúng ta hãy cùng bàn luận một chút về Đường Tăng.

Không bản lĩnh, chẳng thần thông, vì sao Đường Tăng được dẫn đầu đoàn thỉnh Kinh?

Trong “Tây Du Ký”, nếu như Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại khiến người ta khâm phục, Trư Bát Giới ham ăn tham ngủ lại có phần ngờ nghệch khiến người ta thích thú, Sa Ngộ Tĩnh cần cù chịu khó, trung thực thật thà khiến người ta yêu mến, thì Đường Tăng lại gần như không có bản sự nào, thậm chí đôi lúc còn khiến người ta thấy phản cảm…

Đường Tăng không có chút bản lĩnh, cũng chẳng có năng lực gì, mỗi lần bị yêu quái bắt đi, ông chỉ biết khóc khóc lóc lóc, vừa làm thơ vừa kể khổ. Mỗi khi đồ đệ làm điều gì sai trái, ông lại lải nhải nhiều lời, dài dòng trách cứ, không ít lần khiến đại đồ đệ phải chịu oan uổng bất công. Người ta đánh chết rõ ràng là yêu tinh, ông lại không biết phải trái, hết niệm Khẩn cô nhi chú lại đòi đoạn tuyệt quan hệ thầy trò, khiến người xem ai nấy đều bất bình thay cho Ngộ Không.

Trẻ nhỏ đọc “Tây Du Ký” thường không yêu thích Đường Tăng. Khi tôi còn nhỏ cũng luôn tự hỏi: Vì sao lại để Đường Tăng dẫn dắt cả nhóm đi lấy Kinh? Nếu không có Đường Tăng, rất có thể đã sớm lấy được Kinh rồi!

Nhưng sau này đến khi có tuổi, suy nghĩ mới có phần chín chắn. Đường Tăng giống như Lưu Bị trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đằng sau vẻ ngoài yếu đuối không có năng lực ấy lại ẩn tàng một sức mạnh mà chỉ những bậc lão niên mới có thể lý giải được.

Có người nói: Đường Tăng dẫn dắt cả nhóm đi lấy Kinh là vì ông có lòng kiên định. Tôn Ngộ Không có thể giận dỗi trở về Hoa Quả Sơn, Trư Bát Giới và Sa Tăng có thể phân chia hành lý rồi ai đi đường nấy. Nhưng từ đầu tới cuối, chỉ riêng Đường Tăng là không dao động tín niệm, không quay đầu dù chỉ nửa bước, không từ bỏ hành trình sang Tây Thiên. Do đó, ông xứng đáng là người dẫn đầu đội ngũ đi lấy kinh.

Tôi thấy đúng, nhưng chưa đủ. Sức mạnh của Đường Tăng không chỉ nằm ở lòng kiên định, mà còn ở tâm thiện lương.

Sức mạnh của Đường Tăng không chỉ nằm ở lòng kiên định, mà còn ở tâm thiện lương.
Sức mạnh của Đường Tăng không chỉ nằm ở lòng kiên định, mà còn ở tâm thiện lương. (Ảnh qua Epoch Times)

Đường Tăng không có thần thông, không có hỏa nhãn kim tinh. Ông một thân mắt thịt da phàm, nhưng chỉ có thiện lương là ngời sáng. Trên con đường tới Linh Sơn, đến đâu cũng thấy những bậc kỳ năng dị sĩ, thần thông quảng đại, nhưng lại rất khó tìm được người nhân nghĩa thực sự. Nơi nào cũng là yêu quái, nơi nào cũng thấy pháp lực cao cường, thần thông đại hiển, nhưng thiện lương lại ít ỏi lắm thay.

Có người bị trói trên cây, Đường Tăng vừa biết liền đến cứu. Có đứa trẻ bị nhốt trong lồng, Đường Tăng vừa nghe nói đến liền lã chã nước mắt rơi. Thấy ông lão Đạo sĩ bị thương ở chân, Đường Tăng không đắn đo đã nhảy xuống nhường ngựa cho ông ta cưỡi. Những việc thiện vô cùng tinh tế ấy, duy chỉ có Đường Tăng mới làm được như vậy.

Nếu không có Đường Tăng, thì Tây Du Ký sẽ là một thế giới khủng khiếp không còn hy vọng

Đi Linh Sơn là vì muốn cầu Phật Pháp cứu độ thế nhân. Vậy nếu không có Đường Tăng, thì còn ai xứng đáng dẫn dắt đoàn lấy Kinh?

Chúng ta cho rằng Đường Tăng không phân biệt được tốt hay xấu, không nhận rõ được người hay ma, do đó mà không ít lần trách oan khiến Tôn Ngộ Không phải chịu nhiều ủy khuất. Ví dụ như trong phần “Tam đả Bạch Cốt Tinh”, rõ ràng Tôn Ngộ Không đánh là yêu ma, Đường Tăng cứ nhất quyết nói đó là người và đuổi Ngộ Không về Hoa Quả Sơn.

Đường Tăng xác thực đã trách oan Tôn Ngộ Không. Chúng ta biết điều này là vì chúng ta ở vị trí là độc giả, có thể nhìn được khách quan toàn cảnh. Nhưng nếu đứng tại giác độ của Đường Tăng mà nhìn, một nhà từ lớn đến bé, từ già tới trẻ đều bị đánh chết ngay trước mắt, ông không phẫn nộ được chăng? Có thể có người sẽ nói: Ông đã biết Ngộ Không có hỏa nhãn kim tinh, đáng lẽ ông phải tin tưởng Ngộ Không mới đúng.

Nhưng Tôn Ngộ Không có thực sự đáng tin đến như vậy hay không?

Hồng Hài Nhi hóa thành đứa trẻ gặp nạn, Đường Tăng để Tôn Ngộ Không cõng cậu bé trên lưng. Tôn Ngộ Không vừa đi vừa nghĩ: “Đường núi gồ ghề hiểm trở thế này, đi không cũng vất vả, vậy mà lại còn bắt lão Tôn phải cõng người nữa! Thằng nhóc này cho dù chẳng phải yêu quái, cho dù là người tử tế đi chăng nữa, nhưng chẳng còn bố mẹ thì biết cõng nó mang cho ai? Chi bằng giết quách cho xong!”.

Hãy xem, trong mắt Ngộ Không thì cho dù là người tốt cũng “chẳng thà giết quách cho xong”!

Đường Tăng biết năng lực ấy phi phàm là thế, nhưng cũng hiểu bản năng hiếu sát của Ngộ Không. Do đó, mỗi khi thấy Ngộ Không đánh hạ yêu quái hình người, ông luôn dao động giữa tin và ngờ. Cuối cùng, ông thường lựa chọn ‘không tin’. Đương nhiên, quyết định của ông có thể khiến người xem nổi giận: Ông không tin Ngộ Không sao? Vậy hãy để yêu quái ăn thịt ông cho rồi! Nhưng đối với Đường Tăng mà nói, quan hệ nặng nề giữa hai việc “yêu quái có thể ăn thịt ta” và “ta có thể sát hại người vô tội” là khác với suy nghĩ của chúng ta.

Đường Tăng biết năng lực ấy phi phàm là thế, nhưng cũng hiểu bản năng hiếu sát của Ngộ Không.
Đường Tăng biết năng lực ấy phi phàm là thế, nhưng cũng hiểu bản năng hiếu sát của Ngộ Không. (Ảnh: Shen Yun)

Nếu như Đường Tăng ôm giữ niềm tin vô hạn đối với Tôn Ngộ Không, vậy kết cục sẽ ra sao? Nói không chừng, một ngày nào đó Tôn Ngộ Không biết rõ đối phương là người tốt, nhưng vẫn “chi bằng giết quách cho xong”. Đường Tăng vì niềm tin mù quáng mà không mảy may nghi ngờ, mặc cho đồ đệ đi giết người. Khi ấy, hỏa nhãn kim tinh kia sẽ trở thành ‘giấy phép’ cho Tôn Ngộ Không tha hồ lộng hành.

Sự thật là, không có Đường Tăng ra sức ước thúc thì đội ngũ lấy kinh sẽ biến thành những kẻ hiếu sát máu tanh

Khi bốn thầy trò đi qua Bảo Tượng quốc, công chúa Bách Hoa Tu bị yêu quái Hoàng Bào bắt làm thê tử và đã sinh hạ hai đứa con. Trư Bát Giới và Sa Tăng lừa cướp lấy hai đứa trẻ trong động rồi bay đến hoàng cung, “vứt đánh bịch một cái ngay trước thềm ngọc”. Đáng thương thay hai đứa trẻ khác nào hai tảng thịt, chỉ thấy “máu me lênh láng, xương cốt nát nhừ”...

Từ khi Bát Giới và Sa Tăng gia nhập đội ngũ đi lấy kinh đến nay, đây là hành động tàn bạo nhất của họ. Vì sao? Vì thiếu vắng Đường Tăng. Bởi trước đó, Đường Tăng đã bị yêu quái Hoàng Bào biến thành hổ và bị nhốt trong lồng.

Nếu như Đường Tăng có mặt ở đó, liệu Trư Bát Giới và Sa Tăng có cả gan làm như vậy hay không? Hai đứa trẻ liệu có phải chết thảm hay không? Chắc chắn là không.

Chúng ta biết, Tôn Ngộ Không tượng trưng cho ma tâm, Trư Bát Giới tượng trưng cho dục vọng, Sa Ngộ Tĩnh tượng trưng cho vô minh. Nếu như không có cái thiện của Đường Tăng làm chủ, thì cả ba đồ đệ sẽ biến thành ma quỷ. Quan Âm Bồ Tát biết rõ điểm này, Đường Tăng biết rõ điểm này, Tôn Ngộ Không cũng biết rõ điểm này. Cho dù Ngộ Không có nóng giận làm càn thế nào, căm phẫn bất bình đến đâu, nhưng trong sâu thẳm nội tâm, điều Tôn Ngộ Không luôn hướng đến và luôn quy phục chính là đức tính mà Đường Tăng có nhưng bản thân y lại không – Thiện lương.

Nếu như không có cái thiện của Đường Tăng làm chủ, thì cả ba đồ đệ sẽ biến thành ma quỷ
Nếu như không có cái thiện của Đường Tăng làm chủ, thì cả ba đồ đệ sẽ biến thành ma quỷ. (Epoch Times)

Do vậy trong chặng đường sau này, Ngộ Không vẫn luôn tôn trọng quyết định của Đường Tăng. Khi Đường Tăng đi ‘giúp người’ trong rừng Hắc Tùng, nán lại cùng ngâm thơ với các vị ‘Tiên nhân’, Ngộ Không rõ ràng biết đó là yêu quái nhưng đã không lập tức ngăn trở. Bởi vì Ngộ Không biết rằng, bản thân mình không thể thay đổi tâm thiện lương của Đường Tăng.

Đường Tăng trước sau đều khăng khăng cố chấp, cứ mãi vô năng, mãi làm vướng chân người khác. Nhưng nếu thiếu vắng ông, thì đội ngũ lấy kinh đi mãi đi mãi cũng không thể đến Linh Sơn, đi mãi đi mãi cũng không thể gặp Phật Tổ, đi mãi đi mãi cũng vẫn là một thân vấy máu. Họ có lẽ sẽ dừng chân giữa đường, hoặc là chiếm cứ một ngọn núi, hoặc là thống lĩnh một dòng sông, cuối cùng biến thành yêu quái giống như Sư Đà Lĩnh.

Trong thế giới hắc ám, chỉ có thiện lương mới là sức mạnh đích thực

“Tây Du Ký” viết rằng, Đường Tăng đã trải qua mười kiếp tu hành. Vậy trong chín kiếp trước ông là ai? Sa Tăng ở Lưu Sa hà đã ăn thịt chín người đi lấy kinh rồi xâu chuỗi đầu lâu của họ thành vòng cổ. Có ý kiến cho rằng, chín người đi lấy kinh chính là tiền kiếp của Đường Tăng. Đương nhiên ý kiến trên có thể không chính xác, bởi vì trong sách không nói rõ điểm này.

Nhưng nếu quả thực là vậy, thì hình tượng nhân vật Đường Tăng có một loại sức mạnh cực đại. Trong thế giới mà yêu quái hoành hành, yêu ma thống trị, cái xấu cái ác hiện hữu ở khắp nơi, thật hiếm có ai đã sống chín lần, chết chín lần, sau đó đến kiếp thứ mười vẫn giữ vững cái tâm lương thiện như thuở ban đầu. Chúng ta gọi đó là “cố chấp”, là “bảo thủ”, người bình thường căn bản không thể làm được đến như vậy. Nhưng chính sự bảo thủ ấy lại là một loại sức mạnh để Đường Tăng có thể dẫn dắt ba “yêu quái” đến Linh Sơn.

Đương nhiên, nếu như không được Thần Phật an bài để Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng đến bảo hộ người lấy kinh, thì có thể Đường Tăng vẫn sẽ phải bỏ mạng giữa đường. Đến kiếp sống thứ 11, thứ 12, hết lần này tới lần khác ông vẫn bảo trì tâm thiện lương, hết lần này tới lần khác ông vẫn hướng đến Linh Sơn, hết lần này đến lần khác ông vẫn phải gục ngã giữa Lưu Sa hà…

Vậy, nếu như không có thiện lương thì kết cục sẽ ra sao? Nếu như ông cũng giống như chúng ta, xem thường sự vô năng, xem thường người không có bản lĩnh, xem thường kẻ cố chấp “chẳng có bản sự gì ngoài thiện lương”... thì kết cục sẽ ra sao?

Nếu như không có thiện lương, thì con đường từ Trường An tới Linh Sơn sẽ chỉ toàn yêu nghiệt. Nếu như không có thiện lương, thì những ai đến Linh Sơn cầu Pháp sẽ chỉ giống như Hoàng Mi lão quái, và đất Phật ấy sẽ chỉ là Lôi Âm giả mà thôi…

Minh Hạnh
Theo Hạ Tiểu Cường Net



BÀI CHỌN LỌC

Không bản lĩnh, chẳng thần thông, vì sao Đường Tăng dẫn đầu đoàn thỉnh Kinh? [Radio]