Khổng Minh thần cơ diệu toán, đứng trước thành bại sinh tử xem thiên ý như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khổng Minh thần cơ diệu toán trong trận Xích Bích, một trận chiến quyết định thế cuộc thiên hạ định ra làm 3 phần. Sau trận đánh giữa quân Thục Hán và quân Ngụy ở Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng đã nói một câu rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!” Tại Ngũ Trượng Nguyên, Gia Cát Lượng khi quan sát “Tướng tinh dục truỵ” (ngôi sao ứng với tể tướng sắp rơi xuống), ông đã nói rằng ông biết đạo thuật cầu sao giải trừ tai hoạ, “nhưng không biết ý trời ra làm sao?”. 

Trận Xích Bích tính toán như Thần, Khổng Minh mưu tính một trận, định thế cuộc thiên hạ chia 3. Ở Thục Hán, Khổng Minh 10 năm chăm lo gây dựng, trọng Đạo trượng nghĩa, giữ gìn tín nghĩa, dốc hết sức mình phò chúa lập công, tiết nghĩa trung trinh, cho đến chết mới thôi. Do ông thành tâm thi hành công lý, thưởng thiện phạt ác, phán quyết phân minh, thưởng phạt công bằng vô tư để khuyên răn dạy bảo. Vì vậy, trong khắp cõi Thục Hán, người người đều kính sợ và yêu mến ông. Nhưng trận chiến gò Ngũ Trượng, bao công sức đổ xuống sông xuống bể, Khổng Minh cúc cung tận tụy, gây dựng đại nghiệp nhà Hán vẫn mãi không thể hoàn thành.

Chúng ta nói về trận chiến kinh thiên động địa giữa Thục Hán và quân Ngụy ở Kỳ Sơn.

Tư Mã Ý phát động quân Ngụy dốc sức tấn công doanh trại của quân Thục ở Kỳ Sơn. Tuy binh lực của Thục Hán tương đối nhỏ, nhưng quân sĩ đều quyết chiến đến hơi thở cuối cùng, không sợ kẻ thù hùng mạnh, nói với nhau rằng: “Công ơn của Gia Cát tiên sinh, lấy cái chết cũng không đủ báo đáp!”. Ngày lâm trận, binh sĩ quân Thục ai nấy đều tuốt gươm đao tranh nhau xông lên trước, một chọi mười, kết quả cuộc chiến đã đại thắng quân Ngụy.

Tư Mã Ý nếm trải thất bại, mất doanh trại bờ Nam sông Vị, lòng quân xao động, hoảng loạn rút lui. Lúc này quân Thục từ tứ phương nổi lên xông vào, quân Ngụy bị thương tám chín phần, người chết vô số, chỉ có một số chạy qua bờ Bắc sông Vị trốn thoát.

Tư Mã Ý rút chạy trước Gia Cát Lượng. (Miền công cộng)

Khổng Minh ở trên núi nhìn thấy Ngụy Diên dụ quân của Tư Mã Ý đến Kỳ Cốc, trong thoáng chốc lửa bùng lên, trong lòng chắc mẩm rằng lần này Tư Mã Ý chắc chắn sẽ chết.

Nhưng nào ngờ trời giáng xuống mưa to, dập tắt ngọn lửa, không cho lửa lây lan. Hai cha con Tư Mã Ý thừa cơ bỏ chạy. Lúc này Khổng Minh mới thực sự hiểu rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Không thể cưỡng cầu được”. Tức là, thế cục trời cao an bài, con người không thể nào cải biến, người tài đức sáng suốt như Khổng Minh cũng chỉ có thể tâm phục mà thôi.

Người đời sau có thơ than rằng:

Cửa Kỳ Cốc gió to lửa rực
Trời bất ngờ trút xuống mưa ngay
Nếu như đạt được kế hay
Sơn hà sao lọt vào tay Tấn Triều.

Vài năm sau, lại tới gò Ngũ Trượng, trận chiến cuối cùng của Khổng Minh. Vào mùa xuân năm Hậu Chủ thứ 12, đóng quân gò Ngũ Trượng, cùng Tư Mã Ý giao đấu ở bờ Nam sông Vị trong hơn một trăm ngày. Tư Mã Ý án binh bất động, mãi không xuất trận.

Trong khoảng thời gian này, khi Khổng Minh nghe tin Đông Ngô xuất binh tiến đánh Tào Ngụy, không đánh được nên đã rút lui, ông bất giác ngã xuống đất bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, Khổng Minh than rằng: “Ta tâm hỗn loạn, bệnh cũ tái phát, e là không thể sống thêm được nữa!”

Đêm hôm đó Khổng Minh ôm bệnh đi ra khỏi trướng, nhìn lên trời xem thiên văn, nhìn thấy tinh tượng “tướng tinh dục trụy" (ngôi sao ứng với tể tướng sắp rơi xuống): “Trong 3 chòm sao, sao khách rực sáng, sao chủ ẩn, sao tướng ở bên, ánh sáng tối mờ ”, điều này càng khiến ông vô cùng kinh hãi, biết rằng số mệnh của mình sắp tới cùng rồi, hết thọ mệnh rồi.

Tướng Thục là Khương Duy khuyên ông tế trời cầu phúc tiêu tai: "Mặc dù thiên tượng như vậy, nhưng thừa tướng sao không dùng phép cầu phúc tiêu tai để vãn hồi?”

Khổng Minh trả lời: “Ta biết phép thuật cầu phúc tiêu tai, nhưng không biết ý Trời ra sao?”

Thế là, Khương Duy dẫn 49 người bảo vệ ở bên ngoài trướng, Khổng Minh ở trong trướng lập đàn bày đồ tế, hương hoa. Trên mặt đất xếp 7 ngọn đèn lớn, bên ngoài đặt 49 đèn nhỏ, bên trong đặt một đèn bổn mệnh. Khổng Minh thành tâm cầu nguyện, khẩn thiết Thượng Thiên nhân từ, chiếu cố cho tâm nguyện “Báo đáp ân chủ, cứu rỗi mệnh dân, thu phục cơ nghiệp xưa, kéo dài lộc nhà Hán”. Cúng tế hoàn tất, Khổng Minh ban ngày bày mưu tính việc quân cơ, ban đêm lại ở trong trướng làm phép cầu phúc giải tai ương.

Phép thuật cầu nguyện phải trải qua bảy đêm liên tục, Khổng Minh cầu nguyện trong trướng cho đến đêm thứ 6, thấy ngọn đèn chính đã sáng, trong lòng ông cảm thấy bừng lên hy vọng. Đúng lúc này, tướng Ngụy Diên lao tới cấp báo tình hình quân cơ, khiến ngọn đèn chính vụt tắt. Khổng Minh quăng kiếm than: “Sống chết có mệnh, không thể cầu mà được!” Tháng 8 năm đó, Khổng Minh qua đời trong quân ngũ.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Cho dù là thành bại sinh tử của một cá nhân hay đại cục của một đất nước, đều là do Thượng Thiên sắp đặt, và rất có thể an bài đó đi ngược lại với mong muốn của cá nhân. Một mặt, mặc dù Khổng Minh lo lắng “Kéo dài lộc nhà Hán" sắp thành lại bại; mặt khác, ông cũng bằng lòng với số mệnh, sinh hay tử, ở hay đi đều không cưỡng cầu. Nhưng ông coi trọng thiện ác phân minh, đó cũng là điều mà Thượng Thiên coi trọng! Lòng trung nghĩa và đức độ của Khổng Minh, vượt quá khỏi thành trụ hoại diệt của triều đại, làm tấm gương đức độ giữa thiên địa, trường tồn mãi mãi.

Lời kết

Trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử chúng ta đều thấy được rằng, thời mạt thế của một triều đại hay một quốc gia là khi nhân tâm đạo đức bại hoại, loạn tượng xảy ra khắp nơi, các chủng tai ương dịch bệnh cũng theo đó mà ập đến, làm thế gian đảo lộn. Đây cũng là quy luật tuần hoàn thành - trụ - hoại - diệt ở nhân gian. Có vẻ như thiên tai là tai hoạ cho con người tự chuốc lấy, kỳ thực là quá trình tịnh hoá và báo ứng những tội nghiệp mà con người đã tạo ra ở nhân gian. Ngôi sao ứng với hoàng đế trong những năm cuối triều đại nhà Hán không còn sáng, tặc thần loạn quốc, thiên tai dịch bệnh liên miên, muôn dân lầm than, trang sử thuộc về Hán triều đã khép lại. Ngọa Long Gia Cát Khổng Minh mặc dù hoàn toàn nhận được sự tín nhiệm và nhờ cậy của chúa công Lưu Bị, đã cố hết sức mình để kéo dài vận mệnh nhà Hán, tiết nghĩa trung trinh, dốc hết lòng trung phò Hậu Chủ thực hiện phó thác của Tiên Vương, nhưng gặp “A Đẩu không thể phò tá nổi”, quả nhiên là ý Trời, sứ mệnh mà Thiên Thượng an bài cho ông là dựng lập lên một hình tượng có tấm lòng trung nghĩa rộng lớn.

Nếu như nói rằng con người trong quá trình mưu sự có thể thực sự làm được điều gì, thì chỉ có quay trở về bản tính thiện lương thuần tịnh lúc sơ khai, để cao tầng thứ của sinh mệnh. Đó cũng là điều đáng coi trọng nhất trong việc giáo hoá của Khổng Minh. Khi sinh mệnh đạt đến cao tầng, cảnh giới tầng thứ càng cao, càng có thể tương thông với Trời Đất, càng có thể ngộ được nội hàm ở các cảnh giới khác nhau của câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, không cần mưu sự mà vẫn có thể được hưởng phúc báo, và có được sự bảo hộ bởi thiện đức mà mình đã tích được.

Lam Sơn
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Minh thần cơ diệu toán, đứng trước thành bại sinh tử xem thiên ý như thế nào?