Không phải Đường Tăng, đây mới là tăng nhân đầu tiên đi Tây Thiên thỉnh kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

1600 năm trước, cao tăng Pháp Hiển thời Đông Tấn dẫn đầu nhóm người đi Tây Thiên thỉnh kinh. Trong sa mạc mênh mông chết chóc, chỉ dựa vào mặt trời để nhận biết phương hướng, và dựa vào xương cốt dọc đường làm cột mốc chỉ đường. Xem ra, trong lịch sử, đâu chỉ có Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, cao tăng Pháp Hiển đã đi trước Huyền Trang hơn 200 năm.

“Vượt sa mạc hoang vắng, chẳng thấy chim trên không, dưới đất không muông thú, bốn bề cát mênh mông, không thấy một vật gì, chỉ mặt trời thiêu đốt, xương cốt cột chỉ đường”.

Trên đường đi, băng qua sông lớn, sa mạc, núi tuyết, chỉ dựa vào đôi chân bước đi, đã tạo nên một kỳ tích.

3 tuổi xuất gia, duyên kết Phật môn

Pháp Hiển chào đời năm 337 tại Bình Dương, tức Lâm Phần, Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay. Đây là khu vực thống trị của người Yết Hồ. Thời đó là thời Ngũ Hồ loạn Hoa, chiến tranh loạn lạc liên miên, nhưng người Hồ vẫn luôn sùng kính Phật giáo, Phật giáo được truyền rộng khắp vùng Trung Nguyên.

Khi tại gia, Pháp Hiển có họ Cung, nhà họ Cung vốn có 4 anh em, nhưng không may là 3 người anh trai của Pháp Hiển đều lần lượt chết yểu. Khi Pháp Hiển 3 tuổi, cha mẹ ông, người vốn thành tín Phật, lo lắng ông cũng ra đi sớm, nên đưa ông đến một ngôi chùa cạo đầu làm chú tiểu, hy vọng được Thần Phật bảo hộ, cậu sẽ bình an trưởng thành.

Do cậu còn quá nhỏ tuổi nên sau khi cạo đầu vẫn ở nhà vài năm. Một năm nọ, Pháp Hiển bỗng mắc bệnh nặng, xem chừng sắp không xong rồi, người cha vội vàng bế cậu đến chùa Bảo Phong ở địa phương. Thật bất ngờ, ở trong chùa, Pháp Hiển chỉ 2 đêm thì trọng bệnh không cánh mà bay. Càng không thể ngờ là, lần sống ở chùa này khiến Pháp Hiển say mê, mẫu thân đến đón cậu về nhà, Pháp Hiển nhất quyết không chịu. Không còn cách nào khác, mẫu thanh đành dừng túp lều bên ngoài cổng chùa, để thường xuyên được trông thấy con trai.

Mấy năm sau, cha mẹ Pháp Hiển lần lượt qua đời. Trong lòng không còn vướng bận gì nữa, từ đó Pháp Hiển hoàn toàn tĩnh tâm chuyên tâm tu hành trong chùa.

Một lời ngăn cướp, cảm hóa đạo tặc

Thời đó, các ngôi chùa đều có ruộng đất riêng, dùng để duy trì cuộc sống thường nhật của tăng chúng. Một ngày nọ, Pháp Hiển lúc đó đã 17 tuổi, đang cùng mấy chú tiểu gặt lúa trên cánh đồng. Đang lúc làm việc mồ hôi đầm đìa, nóng hầm hập, thì một nhóm đại hán thân hình to lớn xông đến. Bọn họ người nào cũng trợn mắt cau mày, không để mọi người phân giải, họ giơ tay cướp những bó lúa trong tay các chú tiểu. Những chú tiểu chỉ mười mấy tuổi đầu này, chưa bao giờ nhìn thấy tình thế như vậy, sợ quá vội vàng vứt liềm đi co cẳng chạy.

Chỉ có một mình Pháp Hiển đứng yên chỗ cũ, không mảy may động đậy. Cậu mở miệng nói với nhóm đạo tặc rằng: “Nếu các anh thực sự không có gì ăn thì các anh cứ tùy ý lấy đi. Tuy nhiên, tôi thấy hôm nay các anh phải đến cánh đồng làm như thế này, thì đó là vì đời trước các anh không bố thí cho người khác, nên mới bị quả báo như thế này. Nếu giờ đây các anh vẫn muốn cướp lương thực của người khác, e rằng đời sau các anh còn sống khổ cực hơn. Bần tăng thực sự lo lắng cho các anh”.

Nói xong, Pháp Hiển quay người bước đi.

Nhóm cướp khi nãy còn khí thế hùng hùng hổ hổ, nghe những lời này của Pháp Hiển, ai nấy đều xẹp xuống như quả bóng xì hơi, họ tới tấp ném những bó lúa trong tay xuống, rồi lủi thủi bỏ đi.

Chỉ mấy lời của Pháp Hiển đã thuyết phục được cả nhóm cướp bỏ ác theo thiện. Các tăng nhân trong chùa đều thay đổi cách đối đãi, rất coi trọng cậu.

Chỉ mấy lời của Pháp Hiển đã thuyết phục được cả nhóm cướp bỏ ác theo thiện. (Tranh NTDVN)

Ở trong chùa Pháp Hiển sống cuộc sống yên tĩnh, sáng đánh chuông chiều gõ trống, tham thiền đả tọa, trong thoáng chốc, đã 40 năm. Năm Pháp Hiển khoảng 50 tuổi, ông đến Trường An, và ở lại đó 10 năm. Trong thời gian này, ông tìm đến các cao tăng, hoặc tập kinh điển, việc tu hành của ông được nâng cao rất nhiều.

Thời đó, tuy Phật giáo rất thịnh hành, nhưng do vùng Trung Nguyên thiếu các kinh điển giới luật, nên mãi vẫn không có bộ quy định hoàn chỉnh để quy phạm hành vi của các tăng nhân. Có lúc tranh cãi nhau, ai nấy cho rằng mình có lý. Nhìn thấy cuộc sống các tăng nhân cao cấp ngày càng sa hoa, Pháp Hiển ngày càng lo lắng. Đã đến tuổi hoa giáp (60 tuổi), ông bỗng nhiên nảy ra ý nghĩ muốn đến Thiên Trúc thỉnh giới luật, để giải quyết cơn khát thiếu giới luật ở Trung Nguyên.“Xem ra ta phải đích thân đi một phen mới có thể khiến tăng chúng hiểu được ý nghĩ chân chính của giới luật của Phật môn".

Thập tử nhất sinh, hành trình gian nan

Năm Long An thứ 3 đời Tấn An Đế, tức năm 399, Pháp Hiển cùng các tăng nhân Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng, Huệ Ngôi, nhóm 5 người xuất phát từ Trường An, nhằm về hướng miền đất Thánh trong tâm cất bước.

Năm đó, Pháp Hiển 62 tuổi rồi, trên đường lại gặp mấy vị đồng đạo, đội ngũ đi Tây Thiên tăng lên thành 11 người. Khi đó, đi con đường tơ lụa không dễ dàng, không có các phương tiện giao thông, cũng không có bản đồ hay các thiết bị xác định vị trí để tham khảo.

Xem ra, thời cổ đại, người muốn đến thăm các nước khác nhất không phải là các nhà ngoại giao, hàng hải, cũng không phải thương nhân, văn nhân, mà là một nhóm tăng nhân trong tâm khẩn thiết cầu Pháp. Họ đội trăng sao, chẳng quản gió mưa, luôn ở trên đường. Trên con đường dài dằng dặc đi Tây Thiên thỉnh kinh, đoàn người Pháp Hiển gặp khó khăn đầu tiên, đó là vượt sa mạc Bạch Long Đôi, đó chính là cảnh tượng đã miêu tả ở đoạn đầu tiên.

Sa mạc Bạch Long Đôi có khí hậu khô hanh luôn có những dòng khí nóng và cát chảy, hễ không chú ý, cả người bị cuốn vào dòng cát chảy, lành ít dữ nhiều. Trải qua 17 ngày đêm, nhóm Pháp Hiển lặn lội gian nan, cuối cùng cũng vượt qua sa mạc, đến Lâu Lan, một tiểu quốc ở Tây Vực.

Đúng lúc họ đang ăn mừng vì đã vượt qua sa mạc, dự định nghỉ ngơi một chút rồi lại xuất phát, nào ngờ, một phiền phức lớn hơn đã đợi họ từ lâu, đó chính là sa mạc Taklamakan nổi tiếng có vào mà không có ra.

undefined
Sa mạc Taklamakan. (Wikipedia)

Nhóm Pháp Hiển lại bước đi 1 tháng và 5 ngày trời mới lại lần nữa thành công vượt qua sa mạc đến nước Ư Điền, tức Hòa Điền, Tân Cương ngày nay. Nước Ư Điền này khi đó là một trung tâm Phật giáo ở Tây Vực, nhóm Pháp Hiển đã dừng chân ở đó 3 tháng.

Vượt Tiểu Tuyết Sơn đạo hữu mất mạng

Khởi hành hơn 10 người, đến khi vượt Tiểu Tuyết Sơn, thì người bỏ đi, người bệnh chết, người quay trở lại, chỉ còn lại 3 người là Pháp Hiển, Huệ Cảnh và Đạo Chỉnh. Tiểu Tuyết Sơn này chính là núi Sulaiman trong lãnh thổ Afghanistan. Tiểu Tuyết Sơn quanh năm tuyết phủ, lạnh giá vô cùng. Khi họ leo đến một nơi âm u ở mặt Bắc của Tiểu Tuyết Sơn thì đột nhiên một trận gió lạnh nổi lên. Trên đường đi, do bôn ba cực nhọc, Huệ Cảnh đã kiệt sức, không chống cự nổi gió rét, người run bần bật, miệng phùi bọt trắng, nói với Pháp Hiển rằng: “Đệ không xong rồi, các sư huynh tiếp tục đi đi, không thể để mọi người đều vùi thân nơi này”.

Nói xong, Huệ Cảnh ra đi. Pháp Hiển ôm thi thể Huệ Cảnh khóc và nói rằng: “Đại nguyện thỉnh kinh còn chưa hoàn thành, sư đệ đã ra đi trước rồi. Vận mệnh quả là khiến người ta bất lực”.

Pháp Hiển và Đạo Chỉnh cực chẳng dã phải để Huệ Cảnh lại, vừa khóc vừa đi tiếp. Cuối cùng, họ cũng đã vượt qua Tiểu Tuyết Sơn

Lên núi Linh Thứu đối mặt với 3 con sư tử

Tuy con đường đi Tây Thiên thỉnh kinh đầy cực nhọc hiểm nguy, nhưng khi nhìn thấy nước Tây Trúc càng ngày càng gần, trong lòng Pháp Hiển và Đạo Chỉnh cảm thấy được an ủi. Khi sắp đến nước Thiên Trúc, họ đi đến một ngôi chùa gần thành Vương Xá. Hôm đó, trời sắp tối, Pháp Hiển bèn ở lại chùa tá túc, dự định hôm sau sẽ đi đến núi Linh Thứu, nơi xưa kia Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp.

Các tăng nhân trong chùa đều khuyên can ông, rằng đường khó đi, hơn nữa còn có rất nhiều sư tử, trước đây cũng đã xảy ra những vụ sư tử ăn thịt người rồi, ông vẫn đi sao?

Pháp Hiển khăng khăng sẽ đi: “Tôi từ xa xôi lặn lội đường trường đến đây, cũng không biết còn có thể sống bao năm nữa. Thệ nguyện thành kính trong tâm bấy lâu nay, làm sao có thể từ bỏ chỉ vì mấy con sư tử?”

Mọi người thấy không thể khuyên ngăn được ông, nên hôm sau phái 2 tăng nhân hộ tống ông. Khi họ đến núi Linh Thứu, thì đã gần hoàng hôn, Pháp Hiển muốn ở lại trên núi qua đêm.

“Gì cơ? Ở lại trên núi qua đêm?” - Hai tăng nhân hộ tống ông nghe vậy kinh sợ mặt xanh như tàu lá - “Xin thứ lỗi, tiểu tăng không thể ở lại với ngài được”.

Hai tăng nhân này để mặc Pháp Hiển ở lại và quay người chạy trở về. Một mình Pháp Hiển lưu lại trên núi thắp hương lễ bái, chiêm ngưỡng Thánh tích.

Đêm khuya vắng lặng, quả nhiên 3 con sư tử từ trong núi chui ra, ngồi trước mặt Pháp Hiển, thè lưỡi liếm mép, ngoe nguẩy đuôi, nhìn Pháp Hiển chằm chằm. Pháp Hiển nhất tâm niệm Phật, giống như không nhìn thấy sư tử vậy, không ngừng tụng kinh. Trong tâm ông niệm rằng: “Các ngươi muốn ăn thịt ta thì hãy đợi ta tụng kinh xong, còn nếu muốn khảo nghiệm ta, thì hãy mau chóng đi đi”.

Cuộc đối đầu giữa con người và dã thú này kéo dài rất lâu, 3 con sư tử mới quay người bỏ đi.

Tăng hữu đồng hành chia rẽ đôi đường

Trải qua muôn vàn khó khăn nguy hiểm, năm 402, nước Thiên Trúc cuối cùng cũng hiện ra trước mắt Pháp Hiển và Đạo Chỉnh. Hai người bắt đầu chu du các nước, thăm các chùa chiền. Các tăng nhân Ấn Độ vô cùng khâm phục khi thấy họ từ ngoài xa vạn dặm lặn lội tới cầu Pháp. Trong thời gian này, Pháp Hiển ngốn ngấu học tiếng Phạn, không ngừng sao chép kinh thư. Cứ như thế, lại rất nhiều năm trôi qua.

Một ngày nọ, Đạo Chỉnh từ nơi xa trở về, nhìn thấy những cuốn kinh thư dày cộm thì kinh ngạc hỏi: “Sư huynh sao chép nhiều kinh thư thế này, lẽ nào còn muốn đem về Trung Thổ?”

Pháp Hiển cũng kinh ngạc hỏi: “Lẽ nào sư đệ không trở về?”

Đạo Chỉnh trầm ngâm nói: “Trung Nguyên không ngừng phân tranh, các quy định của Phật môn cũng loạn, chúng ta khó khăn lắm mới thoát được biển khổ, sao phải quay về?”

“Nhưng chính vì thế mà chúng ta mới đến đây thỉnh kinh cơ mà. Nếu không trở về thì tăng nhân nơi Hán địa chẳng phải vẫn mãi không được giáo hóa đó sao. Chúng ta đem những cuốn kinh văn này trở về thì mới khiến họ cùng tiến bộ được”.

Đạo Chỉnh do dư một lúc, rồi nói ra những ưu tư trong lòng: “Con đường trở về cũng thập tử nhất sinh, rất có thể không đem kinh thư trở về được, chúng ta cũng sẽ mất mạng. Xin sư huynh suy nghĩ kỹ”.

Pháp Hiển suy nghĩ rất lâu, vẫn không quên được cái tâm ban đầu, thế là ông cáo biệt Đạo Chỉnh, một mình tiếp tục hành trình đi khắp nơi, không ngừng thu thập kinh sách, sao chép kinh Phật. Ông còn vượt biển đến nước Sư Tử, tức Srilanka ngày nay. Lúc này, Pháp Hiển đã phiêu bạt tha hương dị quốc 12 năm trời rồi.

Ông còn vượt biển đến nước Sư Tử, tức Srilanka ngày nay. (Baidu)

Một buổi sáng, Pháp Hiển ở một ngôi chùa núi Vô Úy trong kinh thành nước Sư Tử, bỗng mắt ông sáng bừng khi nhìn thấy một chiếc quạt lụa trắng từ Trung Quốc được dâng cúng trên đài thờ Phật. Pháp Hiển nhìn là nhận ra ngay, loại lụa này chỉ được sản xuất ở quê hương của ông - đất Tấn vùng Trung Nguyên. Pháp Hiển trông thấy quạt lụa trắng này thì cảm thấy vô cùng thân thiết, lòng thương cảm, hồi tưởng lại mình phiêu bạt hơn chục năm. Các bạn đồng hành đã không còn ai ở bên, một mình ông đơn độc, nội tâm thê lương, bất giác nước mắt long lanh.

Nhìn ra biển cả mênh mông, Pháp Hiển tuổi đã ngoài 70, biết rằng ngày về của mình còn khó biết, hoặc vì đã trải qua nỗi thống khổ khi băng qua sa mạc và Tuyết Sơn, nên lần này ông muốn đi đường biển trở về. Từ đó trong lòng ông bắt đầu nhen nhóm mong tìm có chiếc thuyền lớn trở về quê nhà.

Sóng lớn cuồng phong lại thử thách Đạo tâm

Một ngày tháng 8 năm Nghĩa Hi thứ 7 đời Đông Tấn, tức năm 411, Pháp Hiển đơn độc một mình đã hoàn thành thệ nguyện thỉnh kinh cầu Pháp của mình, cuối cùng bước lên một thương thuyền lớn để trở về. Đây là con thuyền lớn có thể chở được trên 200 người, không ngờ con thuyền lớn ra biển mới 2 ngày thì gặp cuồng phong, gió lớn thổi suốt 13 ngày đêm, cuốn lên tầng tầng những con sóng khổng lồ. Hết con sóng này đến con sóng khác liên tiếp đập mạnh vào thân tàu, cuối cùng đánh vở thân tàu, và một lượng nước lớn tràn vào khoang thuyền.

Những người trên thuyền đều vô cùng sợ hãi, nháo nhác ném những vật dụng mang theo mình xuống biển để giảm nhẹ trọng lượng tàu. Pháp Hiển cũng đem tất cả những vật mang theo ném xuống biển, chỉ 2 tay giữ chặt hòm chứa đầy kinh Phật. Nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến, mọi người đều vô cùng hoảng loạn. Chỉ thấy Pháp Hiển hai mắt nhắm nghiền, miệng không ngừng tụng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thỉnh cầu Thần Phật bảo hộ. Cuối cùng, kỳ tích đã xuất hiện, gió yên biển lặng, cả đội thuyền gặp hung dữ nhưng không bị nguy hiểm. Mọi người trên thuyền kinh ngạc phát hiện ra gió bão đã đưa con thuyền lên trên một hòn đảo nhỏ. Mọi người sửa chữa những lỗ thủng trên thân tàu, sau đó lại tiếp tục giong buồm khởi hành.

Biển ca mênh mông, khó phân biệt được phương hướng, chỉ nhìn vào mặt trời, mặt trăng và các vì sao để đi. Thỉnh thoảng lại có sóng lớn chồm tới, có lúc thì mưa to gió lớn, sấm sét đùng đùng. Trải qua hơn 100 ngày phiêu bạt, thương thuyền đến đảo Java của Indonesia ngày nay. Thuyền dừng lại trên đảo 5 tháng, sau đó Pháp Hiển lại theo các thương nhân khác đổi sang thuyền khác, rồi tiếp tục đi về phía Bắc, dự tính sẽ cập bến ở Quảng Châu.

Hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh và trở về của cao tăng Pháp Hiển. (Baidu)

Gió lớn thần kỳ đưa lão tăng trở về

Không ngờ trên hành trình lại gặp gió lớn, thương thuyền mất phương hướng, đành phải để mặc thuyền trôi theo chiều gió. Đúng lúc sơn cùng thủy tận, lương thực đã hết, thì mọi người vui mừng phát hiện ra họ đã ở trên bờ rồi.

Pháp Hiển nhìn thấy 2 người thợ săn trên bờ liền vội hỏi: “Xin hỏi, đây là nơi nào?”

Họ trả lời thì mọi người mới biết, thì ra thương thuyền bị thổi đến núi Lao Sơn, quận Trường Quảng, Thanh Châu, Sơn Đông, tức Lao Sơn, Thanh Đảo, Sơn Đông ngà nay. Biết mình cuối cùng cũng đã trở về Trung Nguyên rồi, Pháp Hiển thở một hơi dài khoan khoái. Hôm đó là ngày 14 tháng năm Nghĩa Hi thứ 8 đời Đông Tấn, tức năm 412.

Năm đó, ông đã là lão nhân 78 tuổi rồi. Nhớ lại hành trỉnh thỉnh kinh mười mấy năm của mình, ông đã trải qua những gian khổ mà người thường khó mà tưởng tượng nổi, đúng như lời Pháp Hiển sau này nói: “Nhớ lại những gì đã trải qua, bất giác tim đập vã mồ hôi”.

Nhưng cuối cùng thì ông cũng đã mang được kinh Phật mà ông đã thu thập trong hơn 10 năm trở về Trung Thổ, đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Đối với ông mà nói, đó là điều đáng giá cho những gian nan ông đã trải qua.

Trở về như nguyện ước viết sách dịch kinh

Trong thời gian mấy năm cuối cùng trong cuộc đời, Pháp Hiển hoằng dương giới luật, với tấm thân già, ông luôn gắng sức phiên dịch kinh điển chữ Phạn. Ông cùng với các tín đồ Phật giá trong và ngoài nước cùng nhau dịch kinh điển như “Ma Ha tăng chỉ luật”, “Nê hoàn kinh” và những kinh điển khác, tổng cộng 6 bộ 24 cuốn kinh luật luận, khoảng 100 vạn chữ, ở chùa Đạo Tràng tại Nam Kinh.

Sách "Phật quốc ký" của cao tăng Pháp Hiển được bán trên mạng Đài Loan.

“Nê hoàn kinh” mà Pháp Hiển dịch được lưu truyền rất rộng vào thời đó. Tương truyền, Chu Tước Môn ở Nam Kinh có một hộ gia đình, nhiều đời tín Phật, đã sao chép bộ “Nê hoàn kinh”, và thường xuyên tụng niệm, thờ cúng. Sau này, nhà này bị hỏa hoạn, đồ đạc trong nhà đều bị cháy hết, chỉ duy nhất còn lại bộ “Nê hoàn kinh”, thậm chí ngay cả bìa cũng không bị tổn hại. Sự kiện này được lưu truyền rộng rãi ở thành Nam Kinh, ai nấy đều cảm thán sự thần kỳ của kinh thư.

Pháp Hiển còn đem những gì ông mắt thấy tai nghe trên đường thỉnh kinh viết thành sách “Phật quốc ký”, nó còn có tên khác là “Pháp Hiển hành truyện”. Đây là bộ sách lữ hành du ký đầu tiên của Trung Quốc cổ đại về Trung Á, Ấn Độ và Nam Dương (tức Indonesia), cũng là một bộ kiệt tác, tập đại thành về địa lú, lịch sử, xã hội và tôn giáo. Sau này, bộ sách này được dịch sang các tiếng Anh, Pháp, Nhật, Ấn Độ, để lại di sản văn hóa quý giá về sự giao lưu văn hóa giữa vùng Trung Nguyên và các nước xung quanh.

Năm Nguyên Hi thứ 2, tức năm 422, cao tăng Pháp Hiển anh nhiên viên tịch tại chùa Tân Tự ở Kinh Châu, kết thúc cuộc đời 86 năm truyền kỳ của ông. Pháp Hiển là vị cao tăng đầu tiên thực sự đặt chân đến Ấn Độ, thỉnh được kinh Phật và trở về Trung Nguyên thành công, được ghi chép trong lịch sử.

Phần kết của sách “Phật quốc ký” có viết rằng:

Thành tâm khiến cho ông
Đường cùng lại khai thông
Chí nguyện luôn canh cánh
Sự nghiệp mới thành công

Hành trình đi Tây Thiên và hành trình trở về của ông, bản thân nó đã là Thần tích, đã có những cống hiến quan trọng trong việc hồng truyền Phật Pháp và đặt định văn hóa tu luyện ở Trung Thổ.

Theo Vườn văn sử

Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Không phải Đường Tăng, đây mới là tăng nhân đầu tiên đi Tây Thiên thỉnh kinh