Không phải Gia Cát Lượng, đệ nhất thần cơ diệu toán trong Tam Quốc là người này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong Tam Quốc, ai ai cũng biết tới Gia Cát Lượng, một nhân vật thần cơ diệu toán. Tuy nhiên, để bàn về ngôi vị đệ nhất thần toán, thì phải nói tới Quản Lộ.

Tìm gì thấy đó, đoán đâu trúng đó

Khi Quản Lộ còn trẻ, tại vùng đồng bằng quê nhà ông có một bà lão bị mất bò, tới nhờ ông bói quẻ. Quản Lộ nói: “Bên con sông nhỏ ở phía Bắc nhà của bà, có 7 người đang làm thịt con bò của bà, sắp chín rồi! Bà mau mau đến, còn có thể tìm được chút da thịt”.

Bà lão theo lời của Quản Lộ, vội vã đi đến làng có con sông nhỏ ở phía bắc, và thực sự nhìn thấy 7 người trốn sau túp lều, họ đang đun nước, đùi bò đã mổ đang chất ở bên cạnh, da và thịt chưa bỏ vào nồi. Bà lão liền đệ đơn kiện lên Thái thú của khu vực là Lưu Bân, và bắt giữ bảy người.

Thái thú Lưu Bân hỏi bà lão: “Làm sao bà biết họ trộm bò của bà?”

Bà lão nói: “Đó là Quản Lộ bói ra giúp tôi”.

Lưu Bân không tin, bèn mời Quan Lộ tới. Ông giấu cái túi đựng con dấu và lông gà rừng vào trong một chiếc hộp, và yêu cầu Quản Lộ đoán xem trong hộp có gì.

Quản Lộ nói: "Một cái bên trong thì vuông, bên ngoài thì tròn, nét chữ năm màu, có ngọc thủ tín, xuất tắc hữu chương. Đây là cái túi đựng một con dấu. Còn cái kia: mỏm núi đá cao, có con chim mình đỏ, cánh đen vàng, kêu báo bình minh, không còn nghi ngờ gì nữa, đó là lông gà rừng”.

Lưu Bân sửng sốt, tiếp đãi Quản Trọng trẻ tuổi như một vị thượng khách.

Tài năng không đủ thì mưu toan lắm
Lưu Bân sửng sốt, tiếp đãi Quản Trọng trẻ tuổi như một vị thượng khách. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Vậy nhân vật Quản Lộ này là ai? Trong “Tam Quốc Chí” có ghi chép rất nhiều về Quản Lộ (209-256). Ông có tên tự là Công Minh, là nhân vật Thần toán lợi hại nhất trong Tam Quốc. Người này tinh thông Chu Dịch, thuật phong giác, chiêm tinh, âm dương, phong thủy, tướng thuật, thậm chí cả tiếng chim, trăm quẻ trăm trúng, kỹ năng tuyệt đỉnh, được hậu thế phong là Tổ sư của bói toán, xem tướng.

Quản Lộ cũng xuất hiện trong hồi 69 của "Tam Quốc Diễn Nghĩa" khi ông xem quẻ bói cho Tào Tháo. Trước khi ông xuất hiện, quan Thái sử Hứa Chi đã liên tục kể cho Tào Tháo 5 câu chuyện bói toán của Quản Lộ. Nhưng khi Tào Tháo chết, Quản Lộ mới 11 tuổi, cho nên đó chỉ là tình tiết trong tiểu thuyết, có thể không đáng tin, nhưng cũng đủ cho thấy danh tiếng của Quản Lộ lúc đó quả thực vô cùng lớn.

Quản Lộ
Quản Lộ (nguồn wikipedia)

Thiếu niên kỳ tài

Quản Lộ vốn đã là bậc kỳ tài từ nhỏ, mới tám, chín tuổi, khi đám trẻ cùng lứa vẫn đang nghịch bùn đất, thì Quản Lộ đã vẽ tranh các vì sao, đêm muộn cũng không đi ngủ, miệt mài ngắm sao hàng đêm.

Bố mẹ bảo đi ngủ nhưng cậu nhất quyết không chịu, còn hùng hồn nói lý: "Gà nhà, chim rừng, những con thú đó đều biết thiên thời, con cũng là người, dù còn nhỏ tuổi, nhưng cha mẹ cũng không thể ngăn cản con trở thành Phục Hy ngước lên quan sát thiên tượng, nhìn xuống thông hiểu địa lý!”.

Phụ mẫu không thể lay chuyển được Quản Lộ, vì vậy cũng đành phải đồng ý với cậu.

Chớ thấy Quản Lộ tuổi nhỏ, thế nhưng những gì cậu nói, tới người lớn cũng thường nghe không hiểu được.

Phụ thân của Quản Lộ đã từng nhậm chức ở quận Lang Gia. Khi 15 tuổi, Quản Lộ mới đến trường của quận Lang Gia để học Kinh Thi, Luận Ngữ, Kinh Dịch. Quả nhiên, cậu nhanh chóng bộc lộ tài năng, trong số hơn 400 bạn học không ai là không ngưỡng mộ cậu, và còn gọi cậu là “Thần nhân”. Thái thú của Lang Gia là Đơn Tử Xuân nghe đồn danh tiếng của Quản Lộ, đã triệu mời cậu tới yến tiệc, có hơn 100 văn nhân tham dự, với ý đồ muốn làm khó Quản Lộ.

Trước mặt các quan khách, Quản Lộ tự tin nói về "Kinh dịch", những chuyện ngũ hành, quỷ Thần. Trước những câu hỏi của Thái thú và các vị khách, Quản Lộ đều đối đáp trôi chảy. Cả ngày hôm đó tinh thần Quản Lộ vẫn vô cùng phấn chấn, trong khi quan Thái thú và tất cả các vị khách đều gục xuống kiệt sức, tất cả đều không khỏi thán phục Quản Lộ. Kể từ đó, danh tiếng Thần đồng của Quản Lộ lan truyền nhanh chóng.

Con người cũng phải thuận theo sự biến hóa âm dương của tự nhiên này để điều dưỡng âm dương nội tại trong thân thể. (Miền công cộng)
Trước những câu hỏi của Thái thú và các vị khách, Quản Lộ đều đối đáp trôi chảy. (Miền công cộng)

Ngoại hình không cao, đạo đức tài cao

Ngoại hình của Quản Lộ thô kệch, không có dung mạo uy nghi chút nào. Ông là một người uống rượu giỏi và hay đùa, đối xử với mọi người như nhau. Vì vậy, người dân quê đều thích ông nhưng họ không tôn trọng ông. Tuy nhiên, Quản Lộ là người có phẩm đức vô cùng tốt. Theo sử sách ghi lại rằng ông “bản tính khoáng đạt”, không bao giờ so bì, thường lấy đức báo oán.

Quản Lộ xem quẻ, bói cát tường họa phúc cho người, lúc nào cũng trúng, chiêm tinh toán số chuẩn xác, có thể nói là xuất Thần nhập hóa, làm người ta phải tặc lưỡi thán phục, những câu chuyện như thế kể không hết.

Trả lại hươu, chữa bệnh

Một lần nọ, có người vừa bắt được một con hươu, lại bị kẻ khác lấy trộm mất, người này đã đến tìm Quản Lộ nhờ xem bói. Quản Lộ nói với ông ta: "Tại ngôi nhà thứ ba trên phố Đông trong thôn của ông, hãy đợi khi nhà họ không có ai, hãy lật cây rui thứ bảy trên mái nhà đó và đặt viên ngói dưới cây rui đó. Đến bữa ăn ngày mai, sẽ có người mang con hươu trả lại cho ông”.

Đêm hôm đó, cha của kẻ trộm hươu đau đầu kinh khủng nên đã tìm đến Quản Lộ để xem bói. Quản Lộ yêu cầu tên trộm trả lại con hươu đánh cắp, và đầu của cha hắn lập tức không còn đau nữa.

Vì vậy, trong thôn của Quản Lộ, ban đêm các nhà đều không đóng cửa, vì không ai dám lấy trộm đồ, dù có làm chuyện bí mật cũng có thể bị Quản Lộ bói toán ra được.

Quản Lộ bói quẻ không chỉ tìm được đồ vật, mà còn có thể tìm được người. Một lần, có người vợ đi lạc mất, đứa con bé ở nhà oe oe khóc đòi bú, anh này vô cùng lo lắng. Quản Lộ bảo với anh ta rằng ngày hôm sau hãy ra ngoài cổng Đông Dương đợi, đúng giữa trưa thấy có người gánh lợn qua, hãy gây sự ầm ĩ với anh ta, như thế sẽ tìm được vợ.

Ngày hôm sau, theo lời Quản Lộ, người đàn ông đã ra ngoài cổng Đông Dương từ sớm để đợi. Đến đúng trưa, quả nhiên có một người gánh lợn xuất hiện, người đàn ông không nói không rằng tiến tới đánh lộn. Người gánh lợn bất ngờ bị đẩy ngã xuống đất. Lợn ở trong rọ chạy ra ngoài, chạy tới sân một ngôi nhà, húc hỏng cả tường ở đó. Lúc này, từ căn phòng bước ra một người phụ nữ, chính là người vợ bị lạc của người tới nhờ Quản Lộ xem bói.

Thiếu nữ xinh đẹp nghe xong, đỏ bừng mặt xấu hổ, cúi đầu một lúc lâu mới chậm rãi nói: "Xin quân tử chờ lát, tôi đi giải quyết chút việc, quay lại sẽ nói" (Tranh vẽ: Vision Times)
chính là người vợ bị lạc của người tới nhờ Quản Lộ xem bói. (Tranh vẽ: Vision Times)

Thực ra, không chỉ có tìm đồ vật, tìm người, ngay cả thủ phạm giết người, Quản Lộ cũng toán quái ra được.

Khi cha của Quản Lộ làm quan Tào vận ở kênh Lợi Tào, ở địa phương có người tên là Quách Ân, hiểu biết về Kinh Dịch và chiêm tinh thiên văn. Quản Lộ thường theo ông Quách Ân học Dịch, quan sát thiên văn, kết quả chỉ sau 10 ngày Quách Ân quay ngược lại thỉnh giáo Quản Lộ. Quách Ân có 3 huynh đệ đều bị tật thọt chân, chữa trị cả 30 năm vẫn không khỏi. Một hôm, Quách Ân nhờ Quản Lộ xem bói tìm nguyên nhân. Quản Lộ nhìn quẻ bói rồi nói: “Trong nhà ngài có một ngôi mộ, trong đó có một người nữ bị chết oan, là cô của ngài. Trước đây cuộc sống khó khăn, khi cô ngài đi vo gạo bên giếng, có người muốn chiếm lấy mấy thăng gạo của bà ấy nên đã đẩy bà ấy xuống giếng. Bà ấy vật lộn ở dưới, còn người đẩy bà ấy ở trên lại ném tảng đá to xuống đè chết bà ấy. Cô hồn oan ức đau khổ đó lên Trời tố cáo. Vì thế, căn bệnh các huynh đệ ngài mắc phải là báo ứng, không có cách nào khác”.

Nghe tới đây, Quách Ân khóc lóc đau khổ, nhận tội, thừa nhận thực sự có chuyện đó. Vậy là vụ án giết người từ hơn 30 năm trước đã vô ý mà được Quản Lộ phá giải.

Người quân tử và kẻ tiểu nhân
Quách Ân khóc lóc đau khổ, nhận tội, thừa nhận thực sự có chuyện đó. (Ảnh: Epochtimes)

Quản Lộ còn có khả năng thần kỳ, đó là hiểu được tiếng chim. Huyện lệnh Lưu Trường Nhân của huyện An Đức không tin có chuyện này và nói rằng, chim thú là động vật, làm sao biết được việc hung cát của con người. Một hôm, Quản Lộ tới nhà của Lưu Trường Nhân, đúng lúc có một con chim hỉ thước bay tới mái nhà của huyện lệnh, tiếng kêu của nó rất khẩn thiết. Lưu Trường Nhân liền nói: “Quản tiên sinh chẳng phải hiểu tiếng chim sao? Con chim đó nó đang kêu gì vậy?”.

Quản Lộ bèn đáp lời: “Con chim nói rằng ở phía đông bắc có một người phụ nữ, tối hôm qua, vừa mới sát hại người chồng của mình, rồi sau đó vu cáo cho người láng giềng ở phía tây giết hại, gần tới hoàng hôn, kẻ tố cáo sẽ tới”.

Quả nhiên, vào đúng hoàng hôn, có một người phụ nữ ở vùng đông bắc tới báo án, nói rằng người láng giềng ở phía tây có thù hận với chồng cô ta nên đã giết hại chồng mình. Lúc này, Lưu Trường Nhân kinh ngạc tới chết lặng người, mãi sau mới hoàn hồn.

Khả năng tướng thuật của Quản Lộ cũng rất thần diệu, ông có thể thông qua quan sát hình thái tướng mạo mà đoán trước được sinh tử của một người.

Em trai của Quản Lộ là Quản Thần cho rằng anh trai mình còn lợi hại hơn so với nữ đại sư xem tướng số Hứa Phụ của thời nhà Hán.

Vào ngày 28/12 âm lịch năm Chính Thủy thứ 9, Lại Bộ Thượng thư Hà Yến nhờ Quản Lộ xem quẻ bói, khi đó quyền thần Đặng Dương cũng ở đó. Hà Yến nói với Quản Lộ: “Nghe nói ông toán quái rất thần diệu, nhờ ông xem xem giúp vị trí làm quan của tôi có thể lên được tam công không. Hơn nữa, mấy ngày gần đây, tôi liên tục mơ thấy con nhặng đậu ở trên mũi, đuổi thế nào cũng không đi, đó là điềm báo gì vậy?”

Quản Lộ thẳng thắn đáp: “Người ta khiếp sợ quyền thế của ngài, nhưng không kính trọng đức hạnh của ngài. Mũi là núi cao ở cung thiên đình. Giờ nhặng xanh bẩn thỉu đậu trên đó mà không đi, ngài nói xem nó có thể là điềm gì? Ngài cần hiểu rõ đạo lý vật cực tất phản, thịnh cực tất suy. Thiên hạ không có người nào chịu thiệt về mình, làm lợi cho người khác mà không được mọi người yêu quý; và cũng không có kẻ chuyên làm điều ác nào mà không bị diệt vong. Nếu muốn tiêu tai giải nạn, chỉ có học tập theo Chu Công, Khổng Tử, làm người khiêm tốn, không làm việc xấu ác”.

Đặng Dương, kẻ xưa nay vốn ngang ngược, ở bên nghe không lọt tai, khinh thường nói: “Đây chỉ là những lời dông dài của mấy ông già cổ hủ thường nói”.

Quản Lộ cũng không khách khí đáp lại: “Ông già cổ hủ còn thấy kẻ sắp không được sống nữa, người nói lời dông dài còn thấy kẻ sắp không nói được nữa”.

Sau khi về nhà, Quản Lộ kể lại sự việc với cậu của mình, người cậu sợ hãi mà quở trách: “Cháu đúng là không hiểu chuyện, hai kẻ đó chức cao quyền trọng. Lẽ nào cháu không muốn sống nữa?”.

Quản Lộ rất bình tĩnh trả lời: “Nói với hai người chết thì có gì phải sợ! Dáng đi đứng của Đặng Dương, gân không bó được xương, mạch không giữ được thịt, đứng dậy loạng choạng, như không chân tay, gọi là tướng quỷ táo. Còn Hà Yến, hồn không giữ được nhà, sắc mặt không còn tươi màu, tinh thần vật vờ, dáng như củi khô, gọi là tướng quỷ u. Hai người đó sớm đã thần hồn ly thể, chẳng sống được bao lâu”.

Ông cậu nghe vô cùng tức giận, mắng Quản Lộ nói lời cuồng ngạo hoang đường.

Năm đó, Tây Bắc nổi gió, bụi đất cuồn cuộn, che lấp bầu trời, 10 ngày sau nghe tin Hà Yến và Đặng Dương bị giết. Lúc đó, cậu của Quản Lộ mới tâm phục.

Quản Lộ xem quẻ quá chuẩn xác cũng khiến người ta phải kinh sợ. Tại sao vậy?

Một lần, Quản Lộ tới thăm Thái thú quận Ngụy là Chung Dục, hai người họ cùng thảo luận về “Chu Dịch”. Quản Lộ nói: “Bói toán có thể biết được ngày sinh tử của ngài”.

Chung Dục bảo Quản Lộ bói ngày sinh của ông, quả nhiên hoàn toàn chính xác. Chung Dục vô cùng kinh ngạc nói: “Ông thật đáng sợ, ngày chết của ta giao cho Trời, không dám giao cho ông được”. Thế là, ông không hỏi Quản Lộ bói tiếp nữa.

Quản Lộ cũng xem tướng và bói sinh tử cho bản thân mình.

Năm thứ 2 Chính Nguyên, thời Tào Ngụy, người em Quản Thần nói với Quản Lộ rằng: “Em thấy đại tướng Tư Mã Chiêu đối xử với anh rất tốt, sau này anh có thể đại phú đại quý?”.

Quản Lộ thở dài nói: “Chao ôi, Thiên Thượng ban cho ta tài trí, nhưng không cho trường thọ. E rằng tới 47,48 tuổi, không kịp đợi con trai, con gái dựng vợ, gả chồng, ta đã ra đi rồi!”

Quản Thần hỏi: “Tại sao lại như thế?”

Quản Lộ đáp: “Trên trán ta không có cốt trường thọ, mắt vô thần, mũi không thẳng, dưới chân không gót, lưng không dày, bụng không tròn. Đó đều là dấu hiệu của không trường thọ. Lại thêm bản mệnh của ta vào năm Dần, còn sanh vào đêm nguyệt thực. Thiên mệnh vận hành tự có quy luật, không thể tránh khỏi, chỉ là người ta không biết đạo lý đó mà thôi. Cả đời ta đã bói toán cho hàng trăm người, hầu như đều không sai đâu”. Đúng là tới tháng 2 âm lịch năm sau, Quản Lộ mất, hưởng thọ 48 tuổi.

Từ xưa tới nay, làm người đối nhân xử thể, điều quan trọng chính là lấy trung hậu thật thà làm gốc không thay đổi.
Quản Lộ cũng xem tướng và bói sinh tử cho bản thân mình. (Ảnh qua Secretchina.com)

Mặc dù, Quản Lộ sớm đã nhìn thấy trước ngày ra đi của mình nhưng trong lòng ông vẫn có sự hối tiếc. Ông nói với người em trai: “Nếu có thể vượt qua nạn, ta muốn làm Huyện lệnh Lạc Dương. Ta nhất định sẽ để bách tính nơi đó an cư lạc nghiệp, không ai nhặt của rơi trên đường, đêm không nhà nào cần khóa cửa. Nhưng chỉ e rằng ta chỉ có thể tới Thái Sơn cai trị quỷ, Thiên mệnh không thể tránh”.

Trong “Lộ biệt truyện” có ghi chép lại rằng vào lúc danh tiếng Quản Lộ hiển hách nhất, người người tới nhờ vả, khách khắp nơi tề tựu tới thăm hỏi, cho dù họ giàu hay nghèo, Quản Lộ đều chuẩn bị rượu thịt, tiếp đãi nhiệt tình. Ở kinh thành có rất nhiều người tới bái kiến ông, không chỉ bởi vì danh tiếng của ông, mà còn vì rất sùng kính ông. Nếu như không phải Quản Lộ qua đời quá sớm, ông sẽ được hưởng vinh hoa phú quý vô cùng.

Cả đời, Quản Lộ đã viết khá nhiều sách, trong đó có “Chu dịch thông linh quyết”, “Phá táo kinh”, “Chiêm Ki”, “Quản Lộ dịch truyện”, “Chu Dịch lâm”, “Điểu tình nghịch chiêm”, “Toán chiêm thư”... Đáng tiếc là hầu như đều bị thất truyền.

Thời gian trôi qua, hàng trăm năm sau, tới năm Đại Quan thứ 3 thời Bắc Tống, Quản Lộ được Tống Vi Tông truy phong là Bình Nguyên Tử.

Thời kỳ Tam Quốc quả thực là một thời đại phong vân quần hội, anh hùng liên tiếp xuất hiện. Các nhân vật sống động trong màn kịch lịch sử lớn này, không chỉ diễn xuất ra nội hàm rộng lớn của chữ “Nghĩa”, mà cũng thông qua nhân vật như Quản Lộ diễn xuất ra sự kỳ diệu đặc sắc của “Dịch”.

Qua câu chuyện sống động của những nhân vật này, nội hàm văn hóa truyền thống được con người hiểu biết và lưu truyền qua các thời đại. Nội hàm tinh thâm trong nó dù khoa học hiện đại cũng không thể tìm tòi ra được.

Minh An
Theo Wenshidaguanyuan



BÀI CHỌN LỌC

Không phải Gia Cát Lượng, đệ nhất thần cơ diệu toán trong Tam Quốc là người này