Khổng Tử đã truyền bí quyết kinh doanh gì cho Tử Cống?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tử Cống là một môn sinh đắc ý của Khổng Tử, có tư chất kinh doanh Trời phú. Tử Cống là nhà Nho kiêm thương gia đầu tiên, được tôn vinh là ông tổ Nho Thương.

Đoan Mộc Tứ, người nước Vệ, tự Tử Cống, ông là một trong mười đệ tử xuất sắc của Khổng Tử. Ông là người toàn tài, là một Nho sĩ uyên bác, cũng là một chính trị gia kiệt xuất, ngoại giao tung hoành thiên hạ, còn là một thương nhân thành đạt cực kỳ giàu có (phú khả địch quốc). Trong lịch sử Trung Hoa, Tử Cống là nhà Nho kiêm thương gia đầu tiên, được tôn vinh là ông tổ Nho Thương.

Tử Cống còn làm tướng quốc hai nước Lỗ, Vệ. Tử Cống vừa là nhà Nho, vừa là thương gia, vừa là quan viên, ông giao lưu qua lại với các quốc vương các nước, ngồi xe lớn ngựa đẹp hết sức sang trọng, còn mang theo lễ vật đủ đầy để biếu tặng chư hầu. Ông đi đến đâu cũng được quốc quân nước đó tôn kính, dùng lễ chủ-khách đối đãi, chứ không dùng lễ quân-thần đón tiếp.

Tử Cống có ưu thế kinh doanh cùng tư chất kinh doanh Trời phú

Tử Cống là môn sinh đắc ý của Khổng Tử, tính cách ông hào sảng hoạt bát, khẩu tài siêu quần, cơ trí mẫn tiệp, giỏi biện luận, giao lưu rộng rãi, có năng khiếu bẩm sinh về kinh doanh.

Ngoài ra, quê nhà Tử Cống ở Triều Ca là đô thành của bốn đời Ân Thương, có bề dày thương nghiệp. Bản thân ông cũng là con gia đình thương nhân, có năng khiếu buôn bán. Tử Cống cho rằng: Có ngọc đẹp để trong hộp, đợi giá cả hợp lý thì bán đi, chứ không cất giữ vĩnh viễn. Ông cho là giá cả thương phẩm cao thấp được quyết định bởi quan hệ cung cầu, đồng thời đề xuất lý luận: “Vật dĩ hy vi quý” (Vật hiếm thì quý).

Chu du các nước cũng là đi kinh doanh

Tương truyền Tử Cống bái sư Khổng Tử năm 17 tuổi, hơn 20 tuổi kế thừa gia nghiệp. Khi ông cùng Khổng Tử chu du các nước, cũng đồng thời làm kinh doanh. Ông chú ý tìm hiểu nội chính, ngoại giao các nước, phong thổ nhân tình, thị trường hàng hóa, tùy theo tình trạng biến hóa cung cầu của thị trường, người bỏ ta nhặt, rẻ mua đắt bán, thu lợi rất lớn.

Ví dụ, mùa đông năm ấy, Tử Cống biết được nước Ngô sẽ xuất binh viễn chinh nước Tề. Ông nhận định rằng, Ngô vương Phù Sai sẽ phải trưng thu tơ lụa trên toàn quốc để dùng chống rét cho quân đội, như vậy sẽ làm thị trường tơ lụa trong nhân gian thiếu hụt, thế là ông nhanh chóng bố trí nhân lực đến các nơi trong nước Lỗ thu mua gom hàng, sau đó quyết định vận chuyển ngay sang nước Ngô. Lúc ấy, quả nhiên như vậy, dân chúng nước Ngô quần áo mỏng manh, đang chịu giá lạnh. Tơ lụa của Tử Cống vừa tới, lập tức tranh nhau mua hết sạch, Tử Cống kiếm được một khoản lớn.

Khổng Tử đánh giá Tử Cống: “Tứ bất thụ mệnh, nhi hóa thực yên, ức tắc lũ trúng”, có nghĩa là Tử Cống không an phận làm quan mà lại làm kinh doanh, dự đoán thị trường rất chuẩn xác.

Trong “Sử ký - Hóa thực liệt truyện” có ghi, Tử Cống học tập ở chỗ Khổng Tử, sau rời sang nước Vệ làm quan, lại làm kinh doanh giữa hai nước Tào, Lỗ.

Chu du các nước cũng là đi kinh doanh. (Tranh Winnie Wang)

Tử Cống học được gì từ Khổng Tử?

Nếu Tử Cống không theo học Khổng Tử, dựa vào tài năng thiên phú của ông, chắc rằng ông cũng sẽ là một thương nhân không tồi, nhưng khẳng định sẽ không có thành tựu kinh doanh lớn đến như vậy. Khổng Tử đã dạy ông bí quyết gì, mà có được thành công xuất sắc đến thế?

Luận Ngữ có ghi chép về hỏi đáp của Khổng Tử và môn đồ, trong đó đối thoại với Tử Cống là nhiều nhất. Tử Cống giỏi đặt câu hỏi từ đó mà học hỏi, đồng thời lật đi lật lại vấn đề từng bước thâm nhập, làm Khổng Tử có cơ hội giải thích ở các tầng diện khác nhau. Hai vị tinh tế đối đáp, câu nào cũng thể hiện trí tuệ lấp lánh.

Một lần, Tử Cống hỏi Khổng Tử về trị lý quốc gia. Khổng Tử đáp: “Lương thực đủ đầy, quân binh đủ đầy, được dân chúng tín nhiệm, chỉ có vậy thôi”.

Tử Cống hỏi: “Nếu bất quá phải vứt bỏ một thứ đi, thì trong ba thứ ấy thì vứt bỏ cái nào trước?

Khổng Tử trả lời: “Vứt bỏ quân binh.

Tử Cống lại hỏi: “Nếu phải vứt đi thứ nữa, thì vứt cái nào”.

Lần này, Khổng Tử đáp: “Vứt lương thực đi, tự cổ đến nay người ta cuối cùng đều chết cả, nếu không có được tín nhiệm của bách tính, thì quốc gia ấy không thể trụ được.”

Trị lý quốc gia cần giữ đạo lý này, Tử Cống lĩnh ngộ được chỗ này, kinh doanh cũng đồng dạng như vậy, chữ “Tín” là nhân tố quan trọng nhất.

Khổng Tử nói: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” có nghĩa là: Quân tử hiểu về đạo nghĩa, còn tiểu nhân thì chỉ biết về lợi ích mà thôi.

Khổng Tử chủ trương: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (Quân tử yêu quý tài vật, để có được tài vật phải tuân thủ theo Đạo).

Tử Cống có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có khuyết điểm, Tử Cống “Hỷ dương nhân chi mỹ, bất năng nặc nhân chi quá” (Tử Cống thích biểu dương chỗ tốt của người khác, nhưng lại không thể giấu chỗ xấu của người ta đi). Do vậy trong Luận Ngữ, Khổng Tử ba lần nhắc nhở ông cần phải “Thứ” (Bao dung tha thứ).

Nói về Tử Cống, tư tưởng Nho gia được dung hội trong tâm ông, là chuẩn tắc chỉ đạo trong xử thế. Tử Cống dùng lễ đãi nhân, cẩn trọng giữ tín nghĩa, không bao giờ làm tổn nhân lợi kỷ, cung cấp những thương phẩm có uy tín, được tin dùng, từ đó thu lợi nhuận nên được, ông lấy “Hòa vi quý” (Hòa là quý) mà quảng giao bằng hữu, “Tứ hải chi nội giai huynh đệ dã” (Người khắp nơi đều là anh em).

Cảnh giới đạo đức của người phú quý

Vị cự phú như Tử Cống, có lẽ cũng ý thức rõ ảnh hưởng của tiền bạc đối với người ta, ông hỏi thầy Khổng Tử một vấn đề quan trọng: “Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như?”, có nghĩa là: Một người bần cùng nhưng không siểm nịnh, người giàu có nhưng không kiêu ngạo phóng túng, như vậy đã được chưa?

Khổng Tử muốn ông tinh tấn thêm một bước, nên nói: “Cũng được rồi, nhưng nghèo mà vui vẻ, phú quý mà hiểu được lễ nghĩa thì càng tốt.”

Tử Cống có sở ngộ, lại hỏi tiếp: “Có phải giống như mài ngọc không ngừng, quân tử cần liên tục đề cao cảnh giới đạo đức?”

Khổng Tử thấy ngộ tính của học trò như vậy, vui mừng nói: “Như vậy, ta có thể cùng con đàm luận ‘Kinh thi’ rồi đó!”

Có người cho rằng, Tử Cống học tập, chấp chính, kinh doanh đều rất thành công, là đệ tử tiêu biểu của Khổng Tử, việc làm của ông, cũng như là “Dĩ thân chứng đạo” (Lấy thân mình chứng thực Đạo), đã minh chứng cho tinh túy của tư tưởng Nho gia là ‘Nhân’(Lòng nhân từ) có tác dụng dẫn đạo cho tất cả các phương diện làm người, trị quốc, kinh doanh.

Thực ra, chân chính thể hội được ngũ thường “Nhân, lễ , nghĩa, trí, tín” của Nho gia, thành tâm thực hành, đồng thời giống như việc mài ngọc mà không ngừng đề cao cảnh giới đạo đức, thương nhân như thế, sao có thể không được người ta tôn kính và tin cậy, sao có thể không thành công đây! Do vậy, người đời sau tán tụng những thương nhân có sự thành tín như Tử Cống, gọi là “Đoan Mộc di phong” [Có phong cách của Đoan Mộc di lưu lại (Tử Cống tên là Đoan Mộc Tứ).

Thái Bình
Theo Thanh Lưu - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử đã truyền bí quyết kinh doanh gì cho Tử Cống?