Khổng Tử Gia Ngữ, quyển 1, phần 1: Làm tướng quốc nước Lỗ 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khổng Tử là người mà ai ai cũng biết đến, ông là người thầy dạy học sớm nhất ở Á Đông, những điểm mạnh và điểm yếu trong phẩm hạnh và tính cách của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến người dân, đặc biệt là giới trí thức Á Đông từ hàng nghìn năm nay. Tác phẩm "Khổng Tử Gia Ngữ" ghi lại chi tiết những suy nghĩ, lời nói việc làm của Khổng Tử và các đệ tử.

Cuốn sách gồm có mười tập và bốn mươi bốn chương, mỗi chương hầu hết đều ngắn gọn và súc tích.

Để giúp bạn đọc hiểu và nắm được bản chất tư tưởng của một nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Chúng tôi đã cố gắng hết sức biên dịch và chỉnh lý Khổng Tử Gia Ngữ theo đúng nguyên tác.

Trong thời đại hưởng thụ vật chất ngày nay, trí thông minh siêu phàm mà Khổng Tử cùng các đệ tử thể hiện có thể mang lại cho bạn một niềm vui như dòng suối tưới mát tâm hồn, gợi mở suy nghĩ của bạn về vũ trụ, thời không và sinh mệnh.

Chuyện kể rằng khi mới làm quan, Khổng Tử đã làm quan đến chức Ấp Tể của Trung Đô Ấp, tức tổng đốc Kinh đô Trung ương. Ông đã đưa ra một loạt chết độ để người dân có được cuộc sống sống có bảo đảm, chết có nơi chôn, sống vui vẻ và hạnh phúc. Chẳng hạn, về chế độ ăn uống, khả năng tiêu hóa của mọi người là khác nhau, ông chủ trương ăn các loại thức ăn khác nhau theo độ tuổi. Ngoài ra, về phương diện xã hội, sẽ căn cứ theo khả năng làm việc để giao việc. Nam nữ có phân biệt khác nhau, đi đường nam nữ mỗi giới đi một bên.

Sau khi thực hiện một loạt sách lược như trên, dần dần, đồ vật có rơi trên đường cũng không ai nhặt làm của riêng, các sản phẩm dụng cụ không còn yêu cầu phải trang sức hào nhoáng lấp lánh. Kích thước quan tài của những người đã khuất đều giống nhau, vị trí các ngôi mộ cũng giống nhau, đều nằm trên đồi, không xây mộ cao to, xung quanh nghĩa trang không trồng thông và bách. Bằng cách này, người dân sẽ thấy không có ai là đặc biệt, và mọi người sẽ cảm thấy thanh thản, và không có ác cảm với người khác. Một năm sau khi thực hiện các chế độ như vậy, tất cả các nước chư hầu ở phương Tây đều tới tấp học theo.

孔子化行中都(图片:出自〔清〕改琦《孔子圣迹图》,局部)
Khổng Tử thực hiện việc giáo hoá ở Trung Đô (Ảnh: Một phần bức tranh "Khổng Tử thánh tích đồ" của Cải Kỳ đời Thanh)

Một hôm, Quốc quân nước Lỗ là Lỗ Định Công nói với Khổng Tử rằng: “Ta sẽ học phương pháp cai trị của ngài để cai quản nước Lỗ, ngài nghĩ thế nào?”

Khổng Tử đáp: “Cho dù là cả thiên hạ thì cũng trị sửa được tốt, đâu phải chỉ trị sửa tốt nước Lỗ!”

Sau hai năm thực hiện, Lỗ Định Công đã bổ nhiệm Khổng Tử làm Tư Không. Căn cứ theo tính chất đất đai, Khổng Tử đã chia đất thành năm loại gồm có: núi rừng, sông ngòi, gò đồi, cao nguyên và đầm lầy, tất cả các loại cây trồng đều được trồng trong môi trường phù hợp, nên đều sinh trưởng rất tốt.

Sau đó, Khổng Tử được thăng từ Tư Không lên Đại Tư khấu nước Lỗ. Mặc dù ông đặt ra pháp luật, nhưng cũng không dùng đến, vì không có ai vi phạm pháp luật.

Một lần, Lỗ Định Công và Tề Hầu hẹn tổ chức một cuộc họp lập liên minh tại Giáp Cốc thuộc nước Tề. Khổng Tử đóng vai trò là người đại diện trông coi lễ nghi và là người chủ trì. Trước khi đi Khổng Tử nói với Lỗ Định Công rằng: "Thần nghe nói, cử hành cuộc họp lập liên minh hòa bình phải được hậu thuẫn bằng vũ lực, mà tiến hành các hoạt động quân sự cũng phải được chuẩn bị ngoại giao hòa bình. Khi các chư hầu thời cổ đại rời khỏi lãnh thổ, phải có văn võ bá quan tháp tùng, xin hãy mang theo chánh và phó Tư Mã.”

Lỗ Định Công liền nghe theo lời kiến nghị của Khổng Tử.

Khu vực tổ chức hội nghị thành lập liên minh, đài được xây cao và thiết lập ba bậc để bước lên đài. Sau khi hai bên chào nhau, khiêm tốn bước lên đài, trao quà cho nhau, chúc rượu nhau. Lúc này, chỉ thấy đội quân người Lai của nước Tề, là dân tộc thiểu số địa phương, đánh trống hò hét, và tiến đến gần Lỗ Định Công. Khổng Tử vội vàng bước lên bảo vệ Lỗ Định Công rút lui, lớn tiếng nói:

"Các binh sĩ nước Lỗ nghe đây, bây giờ mọi người hãy tấn công nhóm binh sĩ người Lai vô lễ này. Quân vương của hai nước đang họp lập liên minh hữu nghị, nhóm binh sĩ thiểu số này lại dám dùng vũ khí tấn công Lỗ Định Công, đây chắc chắn không phải là cách kết giao hữu nghị giữa Tề Hầu và chư hầu trong thiên hạ. Các dân tộc thiểu số không được làm rối loạn Trung Nguyên chúng tôi, các tù binh này không được làm loạn liên minh chúng tôi, vũ lực không thể ép buộc được hữu hảo. Nếu không, không chỉ là bất kính với Thần linh, mà từ đạo đức mà nói, đó là bất nghĩa, từ làm người mà nói, đó là thất lễ. Tề Hầu nhất định không làm việc này".

Nghe Khổng Tử nói xong, Tề Hầu cảm thấy hổ thẹn, xua tay lệnh quân đội người Lai rút lui.

Một lúc sau, nước Tề diễn tấu nhạc vũ cung đình, các nghệ sĩ ca múa và các chú hề lùn biểu diễn nhào lộn, cười đùa trêu ghẹo trước mặt quốc quân. Khổng Tử vội vàng bước lên bậc thềm, đứng trên bậc thứ hai và nói: "Các ngươi những kẻ hèn mọn này dám đùa giỡn quốc quân và chư hầu, đáng tội trảm. Mời Hữu Tư Mã nhanh chóng dùng hình với họ".

Vì vậy, ông đã trảm những chú hề lùn, anh em tay chân chú hề lùn chạy tán loạn. Trong tâm Tề Hầu rất hoảng sợ, trên mặt lộ ra thần sắc xấu hổ.

Khi nước Tề và nước Lỗ chuẩn bị việc trích máu ăn thề, họ chuẩn bị bôi máu động vật lên môi để tỏ lòng thành. Lúc này, nước Tề đã viết thêm một đoạn vào bản liên minh rằng: "Khi nước Tề phái quân đi viễn chinh, nếu nước Lỗ không cử 300 cỗ xe tham gia viễn chinh thì sẽ xử lý theo quy định của hiệp ước".

Khổng Tử liền sai đại phu nước Lỗ là Tư Vô Hoàn đối đáp lại: "Nếu nước Tề không trả lại lãnh thổ ở phía bắc sông Văn cho chúng tôi, mà muốn nước Lỗ phái quân đội đi theo viễn chinh, cũng sẽ đối chiếu theo hiệp ước mà trừng phạt".

Cuối cùng, Tề Hầu chuẩn bị tổ chức yến tiệc cho vua Lỗ Định Công. Khổng Tử nói với đại phu Lương Khâu Cứ nước Tề rằng:

"Chẳng lẽ ngài chưa từng nghe nói đến nghi thức truyền thống giữa nước Tề và nước Lỗ sao? Nay đại hội lập liên minh đã hoàn thành, quốc quân quý quốc lại muốn mở yến tiệc chiêu đãi quốc quân nước tôi, đây chẳng phải là làm phiền nhiễu đến quần thần quý quốc đó sao? Vả lại đồ uống rượu có hình tượng con bò và con voi, chiếu theo phép tắc thì không được mang ra ngoài hoàng cung. Và Nhã nhạc cũng không được tấu ở vùng đất hoang dã này. Nếu buổi yến tiệc mang những đồ uống rượu có hình tượng này ra, thì chính là vứt bỏ lễ nghi. Nếu trong yến tiệc, tất cả đều sơ sài, giống như bỏ ngũ cốc mà dùng bông cỏ lồng vực. Một yến tiệc đơn giản sẽ làm tổn hại đến thể diện của quốc quân quý quốc. Làm trái và vứt bỏ lễ nghi sẽ khiến quý quốc mang tiếng xấu. Hy vọng ngài cân nhắc kỹ lưỡng. Yến tiệc là để đề cao uy đức của bậc quân chủ, nếu yến tiệc không thể đề cao uy đức, thà rằng huỷ bỏ sẽ tốt hơn.”

Thế là nước Tề hủy bỏ yến tiệc.

Tề Hầu trở về kinh đô, ông đã khiển trách quần thần rằng: "Thần tử của nước Lỗ đã dùng đạo của người quân tử để trợ giúp quốc quân, còn các ngươi lại xúi bậy ta dùng hành vi bộ tộc người man rợ nơi hoang dã hẻo lánh dẫn dắt ta sai lầm, dẫn đến nỗi nhục nhã này” .

Thế là nước Tề liền trả lại bốn thành và vùng đất phía bắc sông Văn mà nước Lỗ trước đây đã chiếm đóng.

Thuần Chân
Theo Soundofhope



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử Gia Ngữ, quyển 1, phần 1: Làm tướng quốc nước Lỗ