Khổng Tử viết thư cảnh cáo Hàn Hoảng - tể tướng Đại Đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tử Lộ là học trò của Khổng Tử ở thời Xuân Thu nhưng lại có mối liên hệ với tể tướng Hàn Hoảng đời Đường. Câu chuyện được ghi chép trong sách "Thái Bình quảng ký" này tiết lộ bí ẩn gì?

Trọng Do, tự Tử Lộ, là một trong 10 học giả minh triết của Khổng môn. Người đời sau đánh giá ông rằng: "Nghe người khác nói về lỗi lầm của mình thì vui mừng, nghe người khác nói về việc thiện liền thực hiện". Tử Lộ bẩm tính cương trực dũng mãnh, thấy người gặp nguy nan, ông nhất định sẽ cứu giúp.

Năm Chu Kính Vương thứ 40 (tức năm Lỗ Ai Công thứ 15), nước Vệ xảy ra nội loạn, Tử Lộ vì cứu Vệ Xuất Công Cơ Triếp mà bị Khoái Hội giết chết. Người chết thì cũng đã chết rồi, có lẽ cũng nên đặt dấu chấm hết ở đó. Tuy nhiên theo ghi chép của thư tịch cổ, sự việc sau khi chết của Tử Lộ còn kéo dài ít nhất nghìn năm sau - cho đến thời kỳ Hàn Hoảng làm tể tướng triều Đường mới có hồi kết. Thực ra đó là sự tình gì?

Tử Lộ là một trong 10 minh triết của Khổng môn
Tử Lộ là một trong 10 minh triết của Khổng môn. (Ảnh: miền công cộng)

Thương thuyền xuyên việt thời không vào đảo Tiên

Năm Trinh Nguyên thứ 2 đời Đường Đức Tông (786), Hàn Hoảng vào triều làm tể tướng. Hàn Hoảng trong tâm có mưu đồ bất chính, mặc dù người ngoài không biết, nhưng lại bị người thầy của ông nhìn thấu.

Theo sách "Thái Bình quảng ký" ghi chép, một hôm thương nhân Lý Thuận dừng thuyền ở bến sông Kinh Khẩu. Đêm khuya thanh tĩnh, trên sông bỗng nổi gió to khiến dây chão neo thuyền bị đứt, con thuyền cứ thế trôi dạt theo gió. Đến khi trời sáng, thuyền trôi đến chân một quả núi thì dừng lại. Sóng gió vừa yên, Lý Thuận bèn lên bờ tìm kiếm sự giúp đỡ.

Lý Thuận thấy trên núi có một con đường mòn, thế là ông men theo con đường nhỏ đi chừng 5, 6 dặm, một lúc sau thì gặp một người đội khăn đen. Nhìn cách ăn mặc của người này rất cổ xưa chất phác, hoàn toàn không giống với trang phục thời Đường, cũng không giống với trang phục của người dân thường.

Người đó dẫn Lý Thuận leo lên một quả núi, trên núi có một cung điện, có thể thấy lâu đài đình các rất mực trang nghiêm hoa lệ, giống như thế giới Thần Tiên cư trú vậy. Lý Thuận bước vào cổng chính cung điện, lại đi xuyên qua tầng tầng cửa cung, rồi mới vào đến sân trong. Cung điện ở sân trong rất rộng lớn. Lý Thuận bèn hướng về điện phía xa bái lễ.

Duyên kỳ ngộ: Khổng Tử đích thân viết thư

Lúc này có người từ sau bức rèm cửa lớn của đại điện bước ra, nói với Lý Thuận rằng: "Muốn nhờ ngài đem thư chuyển đến cho Hàn Hoảng ở Kim Lăng, việc này phải phiền đến ngài rồi". Nói rồi bèn lấy một phong thư giao cho Lý Thuận. Lý Thuận nhận thư, hành lễ rồi theo người đó bước ra ngoài cung điện, người đó còn đưa ông xuống núi lên thuyền.

Lý Thuận rất hiếu kỳ, quang cảnh nơi này và trang phục của mọi người đều không giống với người đương thời, thế là ông bèn hỏi người kia: "Đây là nơi nào? Nếu Hàn Hoảng hỏi là người nào bảo tôi đưa thư, tôi nên trả lời thế nào?"

Người kia nói: "Đây là núi Quảng Tang ở Đông Hải, năm xưa Tuyên Phụ Trọng Ni nước Lỗ đắc Đạo thành Tiên, Thượng Thiên mệnh cho ông cai quản đảo Tiên này. Hàn Hoảng chính là đệ tử Trọng Do của ông chuyển thế. Hàn Hoảng là người cứng rắn tự phụ, Khổng Phu Tử sợ ông ta mắc tội rơi vào lưới pháp luật, do đó đã viết thư để nhắc nhở ông ta".

Nói rồi người này cáo từ. Tuyên Phụ Trọng Ni chính là Khổng Tử, tên Khâu, tự Trọng Ni. Năm Trinh Quán thứ 11, Đường Thái Tông Lý Thế Dân xuống chiếu tôn xưng Khổng Tử là "Tuyên Phụ".

Lý Thuận trở về thuyền, một sứ giả của Tiên giới nói với người trên thuyền rằng: "Mọi người ngồi cẩn thận, chớ sợ hãi, nhất thiết không được nhìn ra ngoài thuyền, một lát sẽ đến được nơi mọi người cần đến".

Người trên thuyền đều không dám nhìn ra ngoài, thuyền như là xuyên việt thời không, xuất hiện ở bến sông Kinh Khẩu. Chỉ trong chớp mắt, chiếc thuyền này đã vượt qua hàng nghìn vạn dặm.

Phu Tử dụng tâm vất vả khuyên bảo Hàn Hoảng giữ bổn phận

khổng tử
Tranh "Chân dung Đường Trịnh Quốc Công Hàn Hoảng mặc triều phục" của Trình Hoài Lập đời Tống. (Ảnh: miền công cộng)

Lý Thuận tìm đến phủ Hàn Hoảng, trao thư cho ông ta. Hàn Hoảng mở thư xem, trên thư chỉ viết 9 chữ kiểu cổ xưa, rất giống chữ khoa đẩu, người Đường hoàn toàn không thể nhận biết được. Hàn Hoảng hỏi Lý Thuận là việc gì. Lý Thuận bèn kể lại cho Hàn Hoảng toàn bộ quá trình thuyền bị trôi dạt đến đảo Tiên Quảng Tang, gặp Tiên nhân.

Hàn Hoảng cảm thấy không thể nào tin nổi, cho rằng Lý Thuận reo rắc lời ma mị, liền bắt ông ta lại chuẩn bị thẩm vấn hình sự. Để giải đáp văn tự cổ, Hàn Hoảng lần lượt mời những người am hiểu chữ triện cổ đại, thể chữ đại triện, nhưng họ đều không biết được 9 chữ cổ này có nghĩa là gì.

Cho đến một hôm, có một người ăn vận trang phục cổ xưa đến bái kiến Hàn Hoảng, tự xưng là giỏi phân biệt chữ cổ. Hàn Hoảng đưa phong thư cho ông ta xem. Người đó xem thư, nâng thư bằng hai tay cao quá đầu, rồi chúc mừng Hàn Hoảng rằng: "Đây là thư của Tuyên Phụ Khổng Khâu, văn tự là chữ khoa đẩu thời Vũ Vương nhà Hạ. 9 chữ này nghĩa là: "Bảo Hàn Hoảng, giữ thần tiết, chớ vọng động", tức là Khổng Tử khuyên bảo Hàn Hoảng, cần phải cẩn thận giữ lễ tiết của kẻ bề tôi, không được khinh suất làm bừa, mưu đồ bất chính.

Đợi người khác đi rồi, Hàn Hoảng thần tình thảm hại, lặng lẽ ngồi xuống, một lúc lâu, cuối cùng ông bỗng nhớ ra, xưa kia ở đảo Quảng Tang, ông cũng đã từng làm Thần Tiên rồi. Hàn Hoảng dùng lễ hậu tạ Lý Thuận. Từ đó trở đi, Hàn Hoảng càng cung kính cẩn thận phò tá triều đình.

Thời cổ đại không có máy bay, không có truyền hình, không có điện ảnh, đương nhiên người thời đó cũng chưa xem phim khoa học viễn tưởng. Nhưng những ghi chép từ những văn bản cổ đại này thì tình tiết câu chuyện, bao gồm cả xuyên việt thời không, luân hồi chuyển thế, không kém gì phim khoa học viễn tưởng ngày hôm nay. Thật đáng suy ngẫm lắm!

Tường Hòa

Thep Epoch Times

Nguồn: "Thái Bình quảng ký - Hàn Hoảng"



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử viết thư cảnh cáo Hàn Hoảng - tể tướng Đại Đường