Kiệt tác thư pháp ‘Sấu kim thể’ của Hoàng đế tài hoa Tống Huy Tông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngọc kinh tằng ức tích phồn hoa, vạn lý đế vương gia
Quỳnh lâm ngọc điện triêu tuyên huyền quản, mộ tắc sênh bà
Hoa thành nhân khứ kim tiêu sách, xuân mộng nhiễu hồ sa
Gia sơn hà xứ nhẫn thính khương địch, xuy triệt mai hoa

(Tống Huy Tông “Nhãn nhi my - Ngọc kinh tằng ức tích phồn hoa”)

Tạm dịch:

Nhớ về kinh đô phồn hoa xưa, đất đế vương ngàn dặm
Điện ngọc lầu vàng, sáng nghe đàn sáo, chiều thưởng sênh cầm
Thành xưa người vắng nay xơ xác, đâu giấc xuân lụa là
Non nước nơi đâu, nhẫn nghe tiếng sáo người Khương, hoa mai tan tác.

(Tống Huy Tông “Mắt biếc - Nhớ về kinh đô phồn hoa xưa”)

Vị Hoàng đế đam mê nghệ thuật

Tương truyền trước khi Huy Tông ra đời, ngày nọ, Thần Tông nằm mộng gặp Lý Dục. Lý Dục là vị hoàng đế cuối cùng của Nam Đường, người ta gọi là Nam Đường Lý Hậu Chủ. Lý Dục tinh thông thi từ thư họa, là một tài tử xuất chúng, giỏi thư pháp, thông âm luật, đặc biệt giỏi sáng tác thi từ.

Tranh vẽ chân dung Tống Huy Tông. (Miền công cộng)

Sau giấc mộng, Thần Tông rất đỗi vui mừng, bởi Bắc Tống là một triều đại có trào lưu nghệ thuật nồng hậu, các hoàng đế Bắc Tống không ai không yêu thích thi thư hội họa, tất nhiên Tống Thần Tông cũng vậy. Cho nên ông tin rằng ông sẽ có con giống như Lý Hậu Chủ đa tài đa nghệ.

Kết quả giấc mộng đẹp đã trở thành hiện thực, không lâu sau Triệu Cát ra đời, mang tài năng thiên bẩm về thi thư hội họa, người ta gọi là ‘Tiểu Lý Dục’. Trong lịch sử thư pháp, lối viết nổi tiếng ‘Sấu kim thể’ (nét bút mảnh mai sắc bén, chứa khí lực) là do ông sáng tác.

Chắt lọc tinh hoa, diễn dịch sáng tạo

‘Sấu kim thể’ thuộc dạng Khải thư, ông chắt lọc được tinh hoa thư pháp của các thư pháp gia nổi danh như Trữ Toại Lương, Tiết Diệu, Tiết Tắc, Liễu Công Quyền, Hoàng Đình Kiên, dung hợp quán thông rồi diễn dịch sáng tạo. Với hình chữ, kết cấu phân bố, quy tắc đưa bút, tốc độ vận hành, khí vận lưu chuyển, cùng các phương diện khác, đều dựa trên nền tảng truyền thống, sáng tạo ra một bút pháp khác biệt, mới hơn hai mươi tuổi mà đã sáng tạo ra thư pháp ‘Sấu kim thể’ vang dội cổ kim.

Một phần bức thư pháp "Nùng phương thi thiếp" thể ‘Sấu kim thư’ của Triệu Cát. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Thư pháp này vận bút hơi nhanh, hành bút nhẹ nhàng thỏa ý, khi vung bút như múa như xoay. Bất kể nét nào chấm, phết, ấn, nhấn, sách, mác, mỗi nét đều hết sức cầu kỳ. Như viết nét hoành (ngang), khi khởi tay lộ đầu bút, nghiêng xuống nhẹ đưa ngang, sau đó ấn đậm thu bút; còn khi bẻ nét gấp, đại để trước tiên giữ nét vuông, rồi nghiêng bút đưa thẳng xuống, đầu nét bút chưa kịp lưu vết thì đã chuyển vào giữa nét bút, tiếp tục nhẹ đưa. Như vậy mỗi nét đều có thủ pháp đặc định đồng thời vận chuyển tự nhiên, làm người ta có cảm giác tươi mới sống động nhưng không mất đi sự trang trọng thư định.

Đánh giá qua các triều đại

Cuối thời Nguyên đầu nhà Minh, nhà sử học Đào Tông Nghi đã đánh giá về thư pháp ‘Sấu kim thể’ của Tống Huy Tông trong cuốn “Thư sử hội yếu” rằng: ‘Ý cảnh, lực độ tự nhiên, không thể cầu được chỉ bằng hình dáng chữ’

Còn có người bình luận: ‘Nét hoành như xương hạc, nét câu tựa mỏ cò, nét mác giống lá lan, nét phết như kim vàng, mảnh mai mà rắn rỏi, tự tạo nên phong cách riêng’

Thời nhà Thanh, Trần Bang Ngạn từng viết lời bạt cho kiệt tác “Nùng phương thi thiếp” (Bài thơ cỏ thơm) với bút pháp ‘Sấu kim thể’ của Triệu Cát: ‘Tác phẩm này dùng họa pháp tác thư, bỏ qua lề lối khuôn thước thông thường, nhìn tựa khóm lan bụi trúc, vẳng tiếng trong veo gió thổi mưa rơi’. Lời bình này đã nói lên khuynh hướng bút pháp, bút ý của thể chữ ‘Sấu kim thể’, có sự khác biệt với bút pháp thông thường.

Tuy ‘Sấu kim thể’ được giới nghệ thuật đánh giá rất cao, nhưng tự trước tới nay vẫn chưa có được sự trọng thị và tôn sùng xứng đáng, có một nguyên nhân là các thời đại đều dựa trên tầng diện chính trị mà phán xét Huy Tông, coi ông là vị vua vong quốc, ‘Ngoạn vật táng chí’ (tham hưởng lạc, mất ý chí), bị cuộc hạn trong quan điểm đó, thêm nữa thể chữ này làm người ta cảm thấy mong manh, sắc bén, không phù hợp với phong cách truyền thống mang cái đẹp chứa đựng sự ấm áp đôn hậu, thâm trầm hàm súc, cho nên không có được sự tôn sùng xứng đáng.

Một trong hai bức kiệt tác thư pháp "Thiên tự văn" mà Tống Huy Tông để lại. (Miền công cộng)

Có lẽ sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao hậu thế chỉ có thể mô phỏng theo hình chữ, mà chưa có ai bì kịp được ông? Tự cổ người Trung Quốc có câu ‘Văn như kỳ nhân’ (văn sao người vậy), tất nhiên thì ‘Thư như kỳ nhân’(chữ sao người vậy), trong các áng văn chương, rồi các tác phẩm tranh vẽ, thư pháp đều phản ánh ra tâm cảnh của tác giả, những tín tức cùng tính cách cũng dung nhập vào nội hàm tác phẩm mà hình thành nên phong cách độc đáo của tác phẩm.

Tống Huy Tông là hoàng đế, mang trên thân nhiều thứ, gồm cả tính cách, khí chất khí độ, kiến thức chí hướng, ông ở vị trí tôn quý chí cực ‘Thiên chi tử, duy ngã độc tôn’ (con Trời, duy nhất ngôi cao), nên khí thế ấy tự nhiên như nhiên dung nhập vào ngôn hành cử chỉ của ông, không phải là thứ cố ý diễn tạo ra được. Mà những thứ đó, hậu nhân đâu có được, tuy hậu thế cũng có nhiều đế vương, nhưng lại không có tư chất thiên phú như ông, cho nên mặc cho người ta cố gắng thế nào, cũng chỉ có thể mô phỏng được phần bề ngoài nông cạn mà thôi, còn những thứ như phú quý khí, cốt cách… thì học thế nào? Mà cũng không thể học được!

Còn nữa, ‘Sấu kim thể’ vô cùng đặc biệt, nét giữa mạnh mẽ sắc bén, nét nghiêng lại như lan như trúc, viết thể chữ này cần phải có công lực cùng tố chất cực kỳ cao thâm, cũng cần phải bảo trì tâm cảnh thần minh khí định trong thời gian lâu dài thì mới có thể hoàn thành được tác phẩm, người thường không thể đạt được, tất nhiên cũng không thể bắt chước.

Tống Huy Tông để lại tác phẩm lưu truyền hậu thế không nhiều, nhưng đều là kiệt tác bất hủ. Ngày nay chúng ta có thể thấy là các tác phẩm “Sấu kim thể thiên tự văn”, “Dục tá phong sương nhị thi thiếp”, “Hạ nhật thi thiếp”, “Âu Dương Tuần Trương Hàn thiếp bạt”, mỗi bức đều là tuyệt thế kinh điển.

Ở các thể thư pháp khác, vô luận Khải thư hay Lệ thư, Tống Huy Tông cũng rất xuất sắc, chỉ là không đặc sắc như ‘Sấu kim thể’, nhưng cũng gây ấn tượng khó quên.

Mặc cho ‘Sấu kim thể’ có phù hợp với thẩm mỹ quan chủ lưu hay không, nhưng điều mà không ai có thể phủ nhận là: đó là các tác phẩm ‘Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả’ (trước đó chưa từng có, sau đó cũng chưa từng có).

Tống Huy Tông - Dục Tá Phong Sương nhị thi thiếp. (Miền công cộng)

Với nét bút ‘Thiết họa ngân câu’ (nét mạnh như sắt thép, nét mềm tựa câu vàng) đã mở ra một thể thư pháp vô tiền khoáng hậu, không những được lưu trong sử sách, tiếng thơm muôn đời, mà còn lưu trong nội tâm sâu thẳm, qua bao đời triều đại của vạn vạn con dân mảnh đất Thần Châu.

Trịnh Hành Chi - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kiệt tác thư pháp ‘Sấu kim thể’ của Hoàng đế tài hoa Tống Huy Tông