Kim Dung tiểu thuyết bình khảo: Giải mã những ẩn số chính trị về ĐCSTQ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Độc giả đọc xong có thể mỉm cười và chỉ coi đó là những sáng tác văn chương, nhưng thực tế lịch sử còn bi hài hơn thế...

Xem lại: Kỳ 1

Kỳ 2: Văn hóa giả dối, sùng bái lãnh tụ và giấc mộng lãnh thổ của ĐCSTQ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ

“Thánh giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” là khẩu hiệu mà giáo chúng Triêu Dương thần giáo tung hô mỗi khi được tiếp kiến giáo chủ của mình. Chỉ cần phân tích khẩu hiệu này, chúng ta sẽ khám phá ra được rất nhiều ẩn ý và liên kết đến nhiều tình tiết của Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Thánh giáo chủ

Nhậm Ngã Hành sau khi đã trả hờn Đông Phương Bất Bại xong xuôi, ngồi lại vào ghế giáo chủ, còn đẩy mạnh thêm mức độ thần thánh hóa ngôi vị giáo chủ của lão bằng cách bắt giáo chúng thêm chữ “thánh” vào trước từ “giáo chủ”. Không chỉ vậy, giáo chúng Triêu Dương thần giáo mỗi lần làm lễ tương kiến giáo chủ hay để tỏ dạ trung thành trước mặt các giáo chúng khác thì đều hô những câu đại loại như là:

- Giáo chủ là bậc anh minh, kế hoạch không còn thiếu sót, khác nào cây đuốc rạng soi bốn biển, tạo phúc muôn dân. Cờ ra đắc thắng bá lão thành công. Thuộc hạ nghiêng mình khép nép tuân theo lệnh dụ cốt sao giữ vẹn lòng trung, xá quản thân này muôn thác?

- Ðó là những lời huấn thị thánh thần của giáo chủ, thì dù trải qua trăm năm vẫn còn là mới mẻ, sau muôn thuở vẫn không người vượt mức. Kẻ thuộc hạ dĩ nhiên phải nhất khâm tuân.

Nhậm Ngã Hành ngồi lại vào ghế giáo chủ, còn đẩy mạnh thêm mức độ thần thánh hóa ngôi vị giáo chủ của lão bằng cách bắt giáo chúng thêm chữ “thánh” vào trước từ “giáo chủ”.
Nhậm Ngã Hành ngồi lại vào ghế giáo chủ, còn đẩy mạnh thêm mức độ thần thánh hóa ngôi vị giáo chủ của lão bằng cách bắt giáo chúng thêm chữ “thánh” vào trước từ “giáo chủ”. (baike.baidu.com)

- Thánh giáo chủ mưu trí khôn lường. Ðại sự trong thiên hạ không ra ngoài sự trù tính của lão nhân gia được. Lão nhân gia nói sao chúng ta cứ thế mà làm là không khi nào lầm lẫn.

- Thánh giáo chủ chỉ giơ một ngón tay út lên là bọn thuộc hạ dù phải lội nước ngược xông vào lửa đỏ dù chết cũng chẳng lùi bước.

- Ðã làm việc cho thánh giáo chủ thì dù có phải chết đến mười muôn lần cũng còn hơn là sống một cách hồ đồ.

- Anh em thuộc hạ đều nghĩ rằng: trong đời người mấy bữa nay là ngày có ý định nhất. Hàng ngày chúng ta được tham kiến thánh giáo chủ. Cứ mỗi lần được tham kiến thánh giáo chủ là tâm thần phấn khởi kình lực phát huy hơn cả rèn luyện nội công mười năm.

- Ánh sáng của thánh giáo chủ chiếu xuống thiên hạ khác nào vừng thái dương của Triêu Dương thần giáo ta. Thánh giáo chủ ơn khắp lê dân tựa hồ trời đại hạn mà có mưa ngọt ai cũng hoan hỷ trong lòng cảm ơn không xiết.

Thậm chí quá đáng đến mức:

- Khổng Phu Tử, Quan Vương gia, Gia Cát Lượng chẳng ai có thể bì kịp Thánh giáo chủ trong thần giáo chúng ta… Sau khi thần giáo chúng ta nhất thống giang hồ sẽ cất thần tượng Khổng Phu Tử ở trong Văn Miếu, khiêng thần tượng Quan Vương gia trong Võ Miếu khắp thiên hạ và yêu cầu hai vị nhường ngôi để làm nơi cầu chúc cho Thánh giáo chủ chúng ta trường thọ muôn năm. (1)

Giáo chúng Triêu Dương thần giáo mỗi lần làm lễ tương kiến giáo chủ hay để tỏ dạ trung thành trước mặt các giáo chúng khác thì đều quỳ rạp tung hô lão.
Giáo chúng Triêu Dương thần giáo mỗi lần làm lễ tương kiến giáo chủ hay để tỏ dạ trung thành trước mặt các giáo chúng khác thì đều quỳ rạp tung hô lão. (Ảnh qua kknews.cc)

Nếu không nói những lời ấy thì sao, hãy nghe hậu quả từ lời kể của “thánh cô” Nhậm Doanh Doanh - con gái của Nhậm Ngã Hành trước cuộc chiến của lão với Đông Phương Bất Bại để giành lại ngôi vị giáo chủ:

“Doanh Doanh liền cười nói:

- Gia gia! Nếu chúng ta định trà trộn lên Hắc Mộc Nhai thì điều cần nhất là nên thay đổi hình dạng, đừng để đối phương biết mặt. Thứ hai là phải học lấy những sáo ngữ trên Hắc Mộc Nhai, nếu không thì mở miệng ra là nói trật.

Nhậm Ngã Hành hỏi:

- Những sáo ngữ trên Hắc Mộc Nhai thế nào?

Doanh Doanh đáp:

- Tỷ như Thượng Quan thúc thúc vừa nói: "... cốt sao giữ vẹn lòng trung, xá quản thân này muôn thác..." gì gì đó. Những câu này đều do Dương Liên Ðình nghĩ ra để tâng bốc Ðông Phương Bất Bại. Hắn càng nghe càng vừa dạ. Thậm chí về sau ai không biết nói những câu này là phạm vào tội đại nghịch. Còn những kẻ nói năng thiếu vẻ mặt khiêm cung liền rước lấy thảm họa sát thân…” (2)

Và sự kiêu ngạo của Đông Phương Bất Bại đã đến mức tự coi mình là “đỉnh cao trí tuệ”, có thể độc quyền chân lý, tỉ dụ như là:

“Nhậm Ngã Hành lại hỏi:

- Theo ý Thượng Quan lão đệ thì chúng ta nên làm thế nào?

Thượng Quan Vân đáp:

- Trong lòng giáo chủ đã có định kiến. Những kế hoạch của giáo chủ đều là thần cơ diệu toán, người đương thời chẳng ai bì kịp trong muôn một. Trước tòa giáo chủ, thuộc hạ đâu dám đưa ra đề nghị kém cỏi?

Nhậm Ngã Hành cười hỏi:

- Thế ra trong bản giáo khi hội nghị việc lớn, Ðông Phương Bất Bại nói sao nên thế không một ai dám dị nghị hay sao?

Doanh Doanh đáp:

- Ðông Phương Bất Bại tài trí siêu quần. Kiến thức người ngoài đã không bằng hắn thì còn ai dám nói xen vào để rước lấy tai bay vạ gió.” (3)

Độc giả đọc xong có thể mỉm cười và chỉ coi đó là những sáng tác văn chương, nhưng thực tế lịch sử còn bi hài hơn thế.

Năm 1966, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành “Thông tri 16/5”, Cách mạng Văn hóa chính thức bắt đầu. Ngày 18/5, Lâm Bưu có một bài nói chuyện, gọi “Mao Chủ tịch là thiên tài, câu nào của Mao Chủ tịch cũng là chân lý, mỗi câu hơn cả vạn câu của chúng ta”, từ đó các nơi trên toàn quốc bắt đầu phong trào sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông.

Đó là lúc Mao bắt đầu được phong thánh, cũng tương tự một “thánh giáo chủ” lừng lẫy của giáo phái Mặt trời - Triêu Dương thần giáo, với bốn cái vĩ đại: “Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại.”

Đó là lúc Mao bắt đầu được phong thánh, cũng tương tự “thánh giáo chủ” Triêu Dương thần giáo, với bốn cái vĩ đại: “Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại.” (Getty)
Đó là lúc Mao bắt đầu được phong thánh, cũng tương tự “thánh giáo chủ” Triêu Dương thần giáo, với bốn cái vĩ đại: “Người thầy vĩ đại, Lãnh tụ vĩ đại, Thống soái vĩ đại, Người cầm lái vĩ đại.” (Getty)

Đã là “thánh giáo chủ”, thì dĩ nhiên phải có “thánh thư” và “thánh ngôn”.

“Thánh thư” chính là “Mao chủ tịch ngữ lục” hay còn gọi là “Hồng bảo thư”. Thống chế Lâm Bưu (Lin Biao), tổng tham mưu trưởng và là người được Mao chỉ định kế vị, đã ra lệnh phân phối cuốn sách này trong quân đội từ năm 1964, sau đó đến lượt Hồng vệ binh và tất cả mọi người dân đều phải học thuộc lòng những câu của Mao viết trong sách.

Ngày 18/6, Mao Trạch Đông tiếp kiến đoàn đại biểu hồng vệ binh tại cổng thành Thiên An Môn, sự sùng bái bùng lên cao ngất. Trên quảng trường Thiên An Môn, hàng trăm ngàn hồng vệ binh tay vẫy “Hồng bảo thư”, hô to khẩu hiệu “vạn tuế” vang dội cả Thiên An Môn.

Trên quảng trường Thiên An Môn, hàng trăm ngàn hồng vệ binh tay vẫy “Hồng bảo thư”, hô to khẩu hiệu “vạn tuế” vang dội cả Thiên An Môn.
Trên quảng trường Thiên An Môn, hàng trăm ngàn hồng vệ binh tay vẫy “Hồng bảo thư”, hô to khẩu hiệu “vạn tuế” vang dội cả Thiên An Môn. (Getty)

Trong Cách mạng Văn hóa, tất cả văn chương, bao gồm cả luận văn khoa học, đều phải kèm theo các trích dẫn trong “Mao Chủ tịch ngữ lục”, hơn nữa tất cả chữ lấy từ sách của Mao Trạch Đông đều phải in đậm. Tất cả các bài phát biểu trong đại hội trước tiên phải bắt đầu với “Mao Chủ tịch ngữ lục”, khởi đầu bằng “Mao Chủ tịch dạy chúng ta rằng….”

Thậm chí người ta nói chuyện với nhau trên đường phố cũng phải bắt đầu với “Mao Chủ tịch ngữ lục”; ai ai cũng phải nhảy “điệu múa trung thành” để biểu thị bản thân “trung thành vô hạn với lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch”; chính giữa sảnh lớn trong mỗi gia đình đều phải treo chân dung của Mao.

Còn trẻ em Trung Quốc thời đó từ lúc nhỏ đã phải ca ngợi “người cha dân tộc”. Các em thường phải đồng thanh hô : “Cha mẹ là quan trọng, nhưng Mao chủ tịch còn quan trọng hơn”.

Trái với logic tự nhiên của tình cảm con người, cha mẹ - những người thân gần gũi nhất của trẻ - đã buộc phải nhường vị trí thân yêu nhất trong trái tim đứa con mình dứt ruột đẻ ra cho Mao chủ tịch, một ông “cha già dân tộc” hay “thánh giáo chủ” xa xôi nào đó mà lũ trẻ hầu như chưa từng gặp mặt.

“Thánh thư” chính là “Mao chủ tịch ngữ lục” hay còn gọi là “Hồng bảo thư”. Cuốn sách này xuất hiện trong quân đội từ năm 1964, sau đó đến lượt Hồng vệ binh và tất cả mọi người dân đều phải học thuộc lòng những câu của Mao viết trong sách.
“Thánh thư” chính là “Mao chủ tịch ngữ lục” hay còn gọi là “Hồng bảo thư”. Cuốn sách này xuất hiện trong quân đội từ năm 1964, sau đó đến lượt Hồng vệ binh và tất cả mọi người dân đều phải học thuộc lòng những câu của Mao viết trong sách. (Getty)

Trong cuốn sách nhiều tác giả kể về những năm tháng Hồng vệ binh mang tên “Ký ức về cơn bão”, đạo diễn nổi tiếng Trần Khải Ca kể về nạn sùng bái cá nhân, đặc biệt trong các trường tiểu và trung học như sau:

Năm 1965, ông đi xem vở nhạc kịch cách mạng “Đông phương hồng”. Khi màn nhung kéo lên, hàng trăm cô gái trẻ mặc váy xanh, cầm những bông hoa màu tím nhạt, làm thành một biển cả hướng về hậu cảnh, nơi chân dung của Mao từ từ trỗi dậy. Cuối buổi diễn kéo dài ba tiếng đồng hồ, tiếng vỗ tay như sấm dậy nổi lên trong nhà hát trên 10.000 khán giả. Một người khác nhớ lại : “Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã hát : Thiên địa vĩ đại, nhưng Mao chủ tịch còn vĩ đại hơn”.

“Thánh giáo chủ” đã có “thánh thư” và “thánh ngôn”. Chưa hết, những nơi mà vị “thánh” này đi qua, những việc vị “thánh’ này từng làm đều không thể tầm thường như phần còn lại của nhân loại, mà nó sẽ là những “thánh tích”. Chẳng hạn quả xoài Mao chủ tịch tặng cho công nhân một nhà máy dệt ở Bắc Kinh mùa hè 1968 đã được đón tiếp bằng một buổi lễ cực kỳ long trọng: những công nhân ở nhà máy này đọc những câu trong “Hồng bảo thư”, bọc sáp quả xoài đặt lên bàn thờ. Nhưng chẳng may quả xoài quý giá ấy bị ung thối, thế là phải làm một quả xoài giả và cũng thờ cúng tương tự.

Quả xoài - "thánh tích" của Mao Trạch Đông tặng cho công nhân một nhà máy dệt ở Bắc Kinh mùa hè 1968. (Wikimedia Commons)
Quả xoài - "thánh tích" của Mao Trạch Đông tặng cho công nhân một nhà máy dệt ở Bắc Kinh mùa hè 1968. (Wikimedia Commons)

Còn nếu không hòa mình vào các hoạt động tung hô ấy thì sao? Nhà sử học Frank Dikötter cho biết không ít thanh niên tham gia các cuộc mít-tinh đại quy mô ủng hộ Mao chỉ vì sợ hãi. Một nữ sinh viên Đức viết thư cho Mao nói rằng các cuộc tập hợp này khiến cô nhớ đến Nuremberg và Đức quốc xã, kết quả là cô gái phải vào tù. Tất cả những tội “khi quân” đối với Mao chủ tịch đều bị trừng phạt nặng nề. Một người từng sống qua thời Cách mạng văn hóa kể lại: “Có tình cảm tôn sùng Mao Trạch Đông thật, nhưng cũng có sự sợ hãi nữa. Lỡ có sai sót gì với chân dung Mao thì có thể bị lên án bất kỳ lúc nào, không khí sợ hãi lan tỏa khắp nơi”.

Mao vẫn chưa phải là quá khứ của Trung Quốc, thân xác của vị “thánh giáo chủ” vẫn được ướp và ngự trị ngay tại trung tâm Bắc Kinh, nơi hàng triệu Hồng vệ binh từng ngợi ca Mao chủ tịch. Trong Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 6 vào tháng 6/1981, ĐCSTQ đánh giá như sau về thành tích và sai lầm của Mao: 70% tích cực và 30% tiêu cực. Vậy là công nhiều hơn tội. Tập Cận Bình hiện nay đã sử dụng phong cách Mao, những phương thức từ thời Mao như sùng bái cá nhân, đàn áp ly khai. Chẳng hạn như “Tập Đại Đại ái Bành Ma ma” - một ca khúc bợ đỡ Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên của ông ta, được chính quyền ĐCSTQ ra sức tuyên truyền. Và vị “thánh giáo chủ” còn sống - Tập Cận Bình đã cúi đầu trước vị “thánh giáo chủ” đã chết - Mao Trạch Đông đang nằm trong lăng trong mấy lần đi viếng để quyết tâm làm sống lại tinh thần ủng hộ Đảng và nhà nước, vốn phổ biến dưới thời Mao Trạch Đông và đã kêu gọi đất nước hoàn thành "Giấc mộng Trung Hoa". Để giống như ước mơ của Triêu Dương thần giáo cùng các vị “thánh giáo chủ” của nó, ĐCSTQ sẽ được “muôn năm trường trị”.

Người phụ nữ bái lạy trước bàn thờ của Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình:

Muôn năm trường trị

Tức là cai trị đến vĩnh viễn. Khẩu hiệu của ĐCSTQ là: “Vĩ đại, quang vinh, chính xác đích. Trung Quốc Cộng Sản đảng vạn tuế!”. ĐCSTQ cũng có giấc mơ được cai trị đến vạn tuế - một thứ tâm lý vĩ cuồng. Con người không phải là thần tiên trẻ mãi không già mà đều phải tuân theo quy luật “sinh lão bệnh tử”, một tổ chức chính trị dù có ưu việt đến đâu cũng chẳng thể nào thoát khỏi quy luật vũ trụ “thành trụ hoại diệt”. Những bậc thánh nhân xưa như Hiên Viên Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ... những vị vua anh minh bậc nhất lịch sử thế giới như Đường Thái Tông, Hán Vũ Đế, Khang Hy, vua Mặt trời Louis 14, Frederick 2 đại đế, Pyotr đệ nhất... rồi cũng phải ra đi và những triều đại huy hoàng ấy cũng phải rời khỏi vũ đài lịch sử để nhường chỗ cho các triều đại kế tiếp. Chẳng cần nói đến những triều đại lấy giả dối và khủng bố làm phương thức tồn tại như triều đại của ĐCSTQ. Làm sao có thể muôn năm trường trị? Làm sao có thể “quang vinh muôn năm”? Làm sao có thể “vạn tuế, vạn vạn tuế”?

Người ta khi chưa bị cuốn vào vòng danh lợi thì đều đủ sáng suốt để nhận định về “muôn năm trường trị” như Nhậm Ngã Hành trước lúc trở lại ngôi vị giáo chủ:

“Nhậm Ngã Hành gật đầu nói:

- Té ra là thế! Những từ ngữ "trường trị thiên thu, nhất thống giang hồ" nghe có hay thật, nhưng mình không phải là thần tiên thì làm gì có chuyện muôn kiếp ngàn thu?”

Bất kỳ triều đại nào trong quá khứ dù ưu việt đến đâu cũng đều phải thuận theo quy luật "thành, trụ, hoại, diệt" mà rời khỏi vũ đài lịch sử để nhường chỗ cho triều đại kế tiếp.
Bất kỳ triều đại nào trong quá khứ dù ưu việt đến đâu cũng đều phải thuận theo quy luật "thành, trụ, hoại, diệt" mà rời khỏi vũ đài lịch sử để nhường chỗ cho triều đại kế tiếp. (Wikipedia)

Nhất thống giang hồ

Đây không phải chỉ là tham vọng riêng của Triêu Dương thần giáo, mà còn là giấc mơ của một số nhân sĩ võ lâm phe chính đạo, trong đó có Tả Lãnh Thiền - minh chủ của Ngũ nhạc kiếm phái và Nhạc Bất Quần - trưởng môn phái Hoa Sơn.

Tuy nhiên, âm mưu của Tả Lãnh Thiền đã bị các cao nhân trong võ lâm phát giác.

“Xung Hư lại nói:

- Bước đầu của Tả Lãnh Thiền là lên làm minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái. Bước thứ hai là hợp cả năm phái vào làm một để y làm chưởng môn. Sau khi Ngũ phái thống nhất, lực lượng hùng hậu, thế là ngấm ngầm phái này sẽ cùng hai phái Thiếu Lâm, Võ Ðang thành thế chia ba chân vạc. Khi ấy Tả Lãnh Thiền tiến thêm bước nữa như tằm giữ lấy cành, hắn sẽ thôn tính những phái Côn Luân, Nga My, Không Ðộng, Thanh Thành hợp vào làm một. Ðó là bước thứ ba. Sau nữa hắn quay lại gây hấn với Triều Dương thần giáo, đứng ra thống lãnh các phái Thiếu Lâm, Võ Ðang để đè bẹp Triều Dương thần giáo. Ðó là bước thứ tư.

Lệnh Hồ Xung nói:

- Té ra Tả Lãnh Thiền muốn bao nhiêu hào sĩ võ lâm trong thiên hạ đều phải tuân theo mệnh lệnh của y?

Xung Hư đạo trưởng cười khanh khách đáp:

- Chính là thế đó! Khi ấy e rằng hắn còn muốn làm hoàng đế. Sau khi làm hoàng đế rồi hắn còn muốn trường sinh bất lão, vạn thọ vô cương! Cho nên mới có câu: "Lòng người chẳng biết thế nào cho thỏa mãn như rắn muốn nuốt voi". Từ cổ chí kim đều thế cả. Những anh hùng hào kiệt rất ít người tránh thoát được cửa quan "quyền vị". (4)

Xung Hư: "Lòng người chẳng biết thế nào cho thỏa mãn như rắn muốn nuốt voi". Từ cổ chí kim đều thế cả. Những anh hùng hào kiệt rất ít người tránh thoát được cửa quan "quyền vị"."
Xung Hư: "Lòng người chẳng biết thế nào cho thỏa mãn như rắn muốn nuốt voi". Từ cổ chí kim đều thế cả. Những anh hùng hào kiệt rất ít người tránh thoát được cửa quan "quyền vị"." (Baike.baidu.com)

Điều khác biệt là Tả Lãnh Thiền ra tay lộ liễu, đến lúc sắp thành công, hắn lại bị Nhạc Bất Quần, kẻ ngoài mặt hiền hòa mà bên trong đầy ngụy kế, hớt tay trên. Bằng những lời lẽ hết sức thánh thiện, những mục đích cao cả có vẻ như vì hạnh phúc của chúng sinh mà Nhạc Bất Quần có thể dễ dàng qua mặt nhiều đồng đạo võ lâm. Ai nấy tưởng hắn là người có lòng dạ Bồ Tát muốn đem các bang phái hợp lại để tạo phúc cho giang hồ.

“Nhạc Bất Quần lại nói tiếp:

- Vì thế mà tại hạ nhận thấy rằng các phe đảng, môn phái hợp lại được còn hay hơn là phân tán ra. Sự phân tán trên giang hồ trải hàng ngàn năm đã gây những vụ thù hằn chém giết không bao giờ chấm dứt. Số bạn đồng đạo võ lâm bị chết uổng không biết lên tới bao nhiêu mà kể? Xét cho cùng thì kiếp nạn giang hồ gây ra chỉ vì ý kiến riêng rẽ bè phái. Tại hạ nghĩ rằng nếu khắp võ lâm thiên hạ không có môn hộ bang phái riêng biệt, thiên hạ biến thành một nhà. Ai ai cũng coi nhau như huynh đệ đồng bào thì những tai nạn huyết kiếp mười phần bớt được đến chín. Các vị anh hùng hào kiệt đã không phải bỏ mình trong lúc tráng niên thì dĩ nhiên số cô nhi quả phụ trên đời không còn mấy nữa.

Nhạc Bất Quần nói những câu này bằng một giọng hùng mạnh mà thánh thót, nó có ngụ ý kính sợ thiên luân, thương người đồng đạo, lão tỏ ra có tâm tính một người hiền triết, khiến những người nghe đều gật đầu khen phải. Có người thì thào bàn tán:

- Ðồng đạo võ lâm thường kêu Nhạc Bất Quần chưởng môn phái Hoa Sơn là Quân tử kiếm thì ra tiếng đồn của lão không ngoa. Tiến sinh đúng là một nhân giả đầy lòng từ thiện.”(5)

Nhạc Bất Quần còn nói thêm rằng: “đây là bước đầu cho cuộc đại đoàn kết võ lâm”.

Nhạc Bất Quần, kẻ ngoài mặt hiền hòa mà bên trong đầy ngụy kế, hớt tay trên.
Nhạc Bất Quần, kẻ ngoài mặt hiền hòa mà bên trong đầy ngụy kế, hớt tay trên. (Baike.baidu.com)

Thật có khác gì giấc mơ "thế giới đại đồng" mà thế giới cộng sản xưa kia theo đuổi, giống như tôn chỉ của Karl Marx, Engels: “Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại”. Lenin dấn thêm một bước nữa: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”. Nước Nga Xô Viết vừa thuyết phục, vừa đe dọa, cưỡng chế khủng bố các nước nhỏ xung quanh để thành lập Liên Bang Xô Viết, từ đó muốn “đỏ hóa” toàn Châu Âu và toàn thế giới.

Còn ĐCSTQ ngay sau khi giành được chính quyền vào năm 1949 đã tiến hành:

  • Xâm chiếm Tây Tạng - vốn độc lập từ 1912 - với “mục đích cao đẹp” là “giải phóng hòa bình Tây Tạng”, hợp nhất Tây Tạng vào lãnh thổ Trung Quốc năm 1951;
  • Chiếm đoạt Tân Cương - lúc đó có tên là “đệ nhị cộng hòa Turkestan”, năm 1949;
  • Âm mưu thôn tính Triều Tiên và hậu thuẫn cho cuộc chiến Liên Triều;
  • Cài người của mình vào đội ngũ lãnh đạo của đảng CS Malaysia và một số đảng CS khác;
  • Âm mưu đỏ hóa Indonesia;
  • Và sau này là: Quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng chính sách “Một Trung Quốc”;
  • Xé bỏ thỏa thuận Trung - Anh về việc cho phép Hong Kong hưởng quyền tự trị trong 50 năm;
  • Xâm chiếm Biển Đông và Biển Hoa Đông; can thiệp ở những vùng lãnh thổ Châu Phi, Nam Mỹ, Bắc cực và các khu vực khác trên thế giới…

Tất cả những hành động này không có gì mới mẻ mà chỉ là tiếp tục thực hiện giấc mơ lãnh thổ mà Mao Trạch Đông tuyên bố năm 1965: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam, Thailand, Miến Điện, Malaysia, Singapore. Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…" Những Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành... trong ĐCSTQ tất nhiên chẳng phải làm thế để tạo phúc cho chúng sinh hay tiến tới một thế giới lý tưởng nơi không còn mâu thuẫn và khác biệt, không còn máu chảy đầu rơi, chỉ còn những huynh đệ đồng bào thân ái… Không! cái mà họ mơ tưởng là giấc mộng quyền lực cá nhân, là tham vọng đè đầu cưỡi cổ nhân loại của riêng họ.

"Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…"
"Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…" (Getty)

Kim Dung đã viết như thế này:

“Phương Chứng đại sư nói:

Thực tình thì Triêu Dương thần giáo cùng các phái trong chính giáo đấu tranh liên miên không phải chỉ vì thù nghịch muốn giết chết nhau, các vị thủ lĩnh cả hai bên đều muốn độc bá võ lâm mà tiêu diệt đối phương. Bữa trước lão tăng cùng Xung Hư đạo trưởng, Lệnh Hồ chưởng môn ba người chúng ta đã thương nghị với nhau trên chùa Huyền Không, chúng ta hiểu rõ Tả chưởng môn phái Tung Sơn lấy việc thống nhất Ngũ nhạc kiếm phái làm khởi điểm cho công cuộc độc bá võ lâm. Cái dã tâm của y là ở chỗ đó.” (6)

Tuy vậy, giấc mơ hoang ấy của họ sẽ không bao giờ thành hiện thực, giống như nhận xét của Phương Chứng đại sư - phương trượng chùa Thiếu Lâm - vị cao tăng đầy lòng từ bi bác ái của Phật giáo:

“Nghe nói ở Triều Dương thần giáo có câu "Muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ" gì đó. Họ đã mưu đồ như vậy thì trong võ lâm còn ngày nào được yên tĩnh? Ta nên biết trên chốn giang hồ đã có môn phái khác nhau thì võ công tất cũng bất đồng. Cả tôn chỉ hành động và sự yêu ghét cũng không giống nhau, việc thống nhất giang hồ chẳng bao giờ thực hiện được.”

Bao giờ thì ĐCSTQ có thể thống nhất giang hồ? E rằng kết cục của họ cũng chẳng khác gì Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành… mà thôi.

Kỳ tới: Những màn đấu tố rùng rợn mang phong cách của Cách mạng Văn hóa trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (Phần 1)

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Kim Dung tiểu thuyết bình khảo: Giải mã những ẩn số chính trị về ĐCSTQ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (Kỳ 2)