Kỳ nhân dùng kỳ thuật chữa bệnh, đoán sinh tử, cải tử hoàn sinh [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với người bình thường, không ai có thể thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Nếu bạn bị ốm, bạn đương nhiên cần đến gặp bác sĩ để điều trị, tuy nhiên, luôn có một số bệnh các bác sĩ không thể chữa được, nhưng một số thuật sĩ dùng các phương pháp lạ thường chữa trị. Hầu hết những thuật sĩ này đều là những người tu luyện.

Thiệu Đạo nhân xem bệnh có thể đoán sinh tử

Có một Đạo sĩ họ Thiệu sống vào thời nhà Minh, năm 70 tuổi, ông đến Khánh Dương, Cam Túc. Ông bình thường không thích nói chuyện, và những gì ông muốn biểu đạt hiện ra trên nét mặt, vì vậy không ai biết ông đến từ đâu. Tuy nhiên, ai gặp cũng cho rằng ông là một người kỳ lạ. Con em nhà các quận đều đổ xô đến phụng sự ông.

Thiệu Đạo nhân có tài chữa bệnh, mỗi lần khám chữa bệnh, ông đều bảo bệnh nhân mở mắt thở mạnh. Nếu có thể cứu chữa được, ông ra hiệu cho các đệ tử, các đệ tử sẽ đặt một bát cơm trước mặt bệnh nhân. Sau đó ông lấy cây thước sắt trong tay áo ra, đặt ngang trên bát cơm và trì tụng Chú đại bi. Niệm xong, ông lấy thước sắt ra, sờ vào đầu bệnh nhân và nói: “Khỏi bệnh rồi!”

Nếu bệnh không chữa được, Đạo sĩ sẽ rời đi. Khi người nhà bệnh nhân hỏi người bệnh còn sống được bao nhiêu ngày nữa, Đạo sĩ liền xòe ngón tay ra biểu thị. Về sau, đã chứng minh rằng những dự đoán của ông là rất chính xác.

Thiệu Đạo nhân không bao giờ thu tiền chữa bệnh, hàng năm cứ bắt đầu từ tháng Giêng, cứ mỗi lần cứu sống một người thì ông lại lấy một thước vải để làm áo lót. Khi vải làm lớp lót đã đủ rồi thì ông không lấy nữa. Nếu người nhà bệnh nhân mời ăn cơm, ông không bao giờ quan tâm đến lượng thức ăn nhiều hay ít, ngon hay dở, tất cả đều ăn hết. Nếu thấy các món thịt đôi khi được trộn lẫn trong bữa ăn, đạo sĩ sẽ nói: “Chỉ cần đưa các món thịt ra ngoài”.

Đạo nhân rất giỏi uống nước, người dân trong làng nghe tin về điều đó rất ngạc nhiên, họ đều muốn xem ông có thể uống được bao nhiêu nước, ông liền mỉm cười và gật đầu đồng ý. Vì vậy, dân làng đã đặt rất nhiều bát nước trước mặt ông. Đạo sĩ uống hết tất cả những bát nước đó khiến ai nấy đều kinh ngạc. Điều tuyệt vời hơn là nếu nước đóng băng vào mùa đông, răng của đạo sĩ sẽ phát ra âm thanh róc rách, một lát sau, vai của Đạo sĩ sẽ nhún xuống, nước da đỏ ửng và mồ hôi rơi xuống như mưa.

Người bác của văn nhân Lý Mộng Dương cũng trạc tuổi Thiệu Đạo nhân, ông ấy bị bệnh chân lở loét từ lâu và không thể chữa khỏi. Lý đến hỏi Đạo sĩ tại sao thì Đạo sĩ Thiệu cho biết đó là một hồn ma đang tác quái, vì ông ấy đã có sính lễ với một người con gái, nhưng sau đó thấy cô xấu xí nên ông quyết định cưới một người con gái của một gia đình khác. Cô gái đó đã treo cổ tự tử vì xấu hổ, hồn ma cô ấy cứ bám theo ông ấy.

Họ Lý kinh sợ, liền phủ phục cầu xin Đạo sĩ cứu giúp. Đạo sĩ nói: “Ba ngày nữa vấn đề có thể được giải quyết”

Ba ngày sau, bàn chân lở loét của người bác họ Lý thực sự lành hẳn.

Đạo sĩ có tài chữa bệnh khiến bệnh
Đạo sĩ có tài chữa bệnh khiến bệnh nhân cảm phục. Hình vẽ "Chuyến đi mùa xuân trên núi" của Mã Viễn thời Tống. (Phạm vi công cộng)

Cứ như thế sau hơn mười năm, Đạo sĩ Thiệu đột nhiên nói với tất cả các đệ tử rằng: “Ta sắp trở về rồi”

Các đệ tử tưởng ông về quê, nên họ nói: “Thầy là người tạo phúc cho Thanh Dương, dân chúng Thanh Dương cũng không dám bất kính với thầy, sao đột nhiên thầy lại nói sắp trở về?”

Đạo sĩ Thiệu không trả lời.

Ngày hôm sau, ông yêu cầu các đệ tử kê một cái bàn ba tầng và ngồi lên đó, lúc đó các đệ tử mới hiểu được ý nghĩa của “trở về” mà sư phụ đã nói, thế nên tất cả đều vây quanh bàn. Buổi tối có người leo lên trên bàn xem xét ông hô hấp ra sao, Đạo sĩ xua tay đuổi anh ta xuống.

Nửa đêm, trên nóc nhà thấp thoáng truyền đến tiếng sấm, giống như tiếng giáo mác chiến mã đang chiến đấu, các đệ tử kinh sợ phủ phục xuống đất. Khi trời sáng, các đệ tử đứng dậy xem xét thì thấy Đạo sĩ Thiều đã quy Tiên, đã trở về thế giới Thiên quốc rồi.

Người cầm gáo chữa khối u cho người hiếu hạnh

Vào thời Nam Tống, có một người tên là Dương Văn Tu ở Phong Kiều, tỉnh Chiết Giang, hiệu là Phật Tử, vì vậy, thiên hạ còn gọi ông là Dương Phật Tử. Ông một danh y nổi tiếng một đời. Ông cũng là tổ tiên vĩ đại của Dương Duy Trinh, một nhà văn thời nhà Nguyên. Dương Duy Trinh đã từng viết một bài thơ có tựa đề "Dương Phật Tử", trong đó miêu tả tấm lòng hiếu thảo của vị tổ tiên này, khiến thiên hạ cảm động.

Dương Văn Tu từ nhỏ đã rất hiếu thuận, lên sáu tuổi cậu đã có thể kể những câu chuyện những gương hiếu hạnh như Giang Cách làm người hầu để hầu hạ mẹ, và những tấm gương hiếu thảo khác. Mẹ Dương già yếu, bệnh tật, cha bận rộn với công việc đồng áng nên việc chăm sóc mẹ, việc nhà đổ lên đầu cậu từ rất sớm. Để chữa bệnh cho mẹ, cậu thường xuyên thử thuốc cho mẹ, nhưng bệnh tình mẹ vẫn không thuyên giảm, chỉ có thể duy trì.

Trong khi chữa trị không hiệu quả thì một hôm, Dương Văn Tu nghe được một bài thuốc bí truyền, đó là cắt nửa lạng thịt đùi, lấy hai lạng gạo nếp, đun nhỏ lửa nấu một bát cháo, và chia ra uống trong ba ngày, bệnh nhân sẽ lành. Sau khi về đến nhà, cậu đã chủ động cắt một miếng thịt ở đùi và làm thuốc cho mẹ theo bài thuốc đó. Tuy nhiên, tình trạng của mẹ trở nên tồi tệ hơn sau khi dùng. Cậu cho rằng những lời đồn thổi là sai, nên đã quyết tâm tự nghiên cứu để tìm cách chữa bệnh cho mẹ.

Sau đó, Dương Văn Tu mua một số lượng lớn sách y học để nghiên cứu, nhưng chưa kịp tìm ra cách chữa trị thì mẹ đã qua đời. Sau khi chôn cất mẹ xong, cậu đã xây ba gian nhà tranh ở bên phải ngôi mộ, một mặt giữ đạo hiếu, một mặt nghiên cứu sách vở y thuật, nghiên cứu y thuật, cuối cùng trở thành một danh y.

Sau khi chôn cất mẹ xong, cậu đã xây ba gian nhà tranh ở bên phải ngôi mộ, một mặt giữ đạo hiếu, một mặt nghiên cứu sách vở y thuật, nghiên cứu y thuật, cuối cùng trở thành một danh y. Hình vẽ là tranh lăng mộ của Cừu Anh thời nhà Minh. (Phạm vi công cộng)

Dương Văn Tu có một khối u lớn dưới cằm, và không có cách nào để loại bỏ nó. Một ngày nọ, khi đi chợ về, trên đường đi gặp một người đàn ông tay cầm một cái gáo, trên đầu lở loét, quần áo thì bẩn thỉu, không ai muốn đến gần. Nhưng Dương Văn Tu không hề tỏ ra ghê tởm vì vẻ ngoài không ưa nhìn của người đó.

Vào thời điểm đó, có một cơn mưa lớn bất ngờ trút xuống, người cầm gáo đã yêu cầu dùng chung áo mưa với Dương Văn Tu. Sau khi cả hai đi bộ hơn một dặm, người cầm gáo nắn nắn khối u của Dương Văn Tu bằng tay trái, dùng tay phải vuốt lưng ông và nói: “Nếu khối u có thể cắt bỏ, ông sẽ báo ơn tôi thế nào?”

Dương Văn Tu cười nói: "Ông đừng lừa tôi"

Người cầm gáo nói: “Trước tiên ông hãy tin tôi”

Nhưng Dương Văn Tu vẫn không tin, chỉ cắm cúi tiến lên phía trước. Khi phát hiện không có ai ở bên mình, ông ngoảnh đầu lại thì người cầm gáo đã biến mất.

Ông trở về nhà và nói với gia đình những gì đã xảy ra. Sáng hôm sau ngủ dậy, phát hiện mất khối u dưới cằm, người nhà cũng vô cùng ngạc nhiên, kiểm tra lưng thì phát hiện trên lưng có một dấu bàn tay lạ. Mọi người đều nhận ra rằng, ông đã gặp được kỳ nhân, được chuyển khối u từ dưới cằm ra sau lưng, và biến nó thành một vết lòng bàn tay. Đây có thể là phúc báo cho tấm lòng hiếu thảo của ông

Đạo sĩ cứu sống đứa trẻ đã chết

Vào năm Vạn Lịch thứ 24 triều nhà Minh (1596), có một người mẹ tên là Nhạc ở ngõ Bành Nhị, ngoài cổng thành Thuận, Bắc Kinh. Đứa con trai nhỏ của cô bị bệnh và chết, trong lúc không biết làm thế nào, cô dự định vứt xác xuống cây cầu. Trước khi vứt, cô đã khóc rất đau buồn.

Trong khi cô đang khóc thì một Đạo sĩ đi ngang qua, bước đến gần cô Nhạc và nói: “Con trai cô chưa chết, sao cô nỡ vứt bỏ nó?” Cô Nhạc cảm thấy đây là vị Đạo sĩ có Đạo hạnh, liền vội vàng hỏi: "Làm thế nào để con tôi sống lại?"

Vị Đạo sĩ nói: “Cô bế nó đem về nhà thì sẽ sống lại”

Cô Nhạc không tin điều đó, vì vậy vị Đạo sĩ đã viết một bức thư rồi niêm phong chặt lại và đưa cho cô. Đạo sĩ nói: "Tuổi thọ của con trai cô ở trong thư, nhưng không được mở ra, nếu mở ra sẽ gặp xui xẻo"

Cô Nhạc gật đầu đồng ý rồi ôm con trai trở về nhà, vừa về đến nhà thì con trai sống lại, cả nhà đều rất ngạc nhiên.

Vì tò mò về tuổi thọ của con trai mình trong thư, một ngày đẹp trời, cô Nhạc đã mở bức thư ra đọc, như nhìn thấy hai chữ "mười bốn", và nghĩ rằng con trai mình tuổi thọ là mười bốn tuổi. Không ngờ, khi mười bốn tuổi, con trai cô vẫn sống khỏe mạnh. Sau đó cô lại đem nó đi soi dưới ánh nắng, thấy trên chữ “mười bốn” hình như có chữ “hai”, liền cho rằng tuổi thọ của con trai mình là “hai mươi bốn” tuổi. Kết quả là con trai bà ngoài ba mươi tuổi mới qua đời vì bệnh.

Huy Hải
Theo Epochtimes

Tài liệu tham khảo:

"Kí viên ký sở kí"
"Dương Phật tử hành"



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ nhân dùng kỳ thuật chữa bệnh, đoán sinh tử, cải tử hoàn sinh [Radio]