Kỳ nhân kỳ lạ nhất lịch sử: Ẩn cư trong hoàng cung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là người được cho là hóa thân của trí tuệ, là mẫu người điển hình phóng khoáng thoát tục. Trong triều đình “làm bạn với vua như làm bạn với hổ”, ông vẫn hoạt kê khôi hài, tính hài hước bùng nổ, thường trêu đùa Hán Vũ Đế cười ha hả. Nhưng ngoài lúc gây trò đùa cười vui, ông quan sát nét mặt, trực ngôn can gián. Có người gọi ông là Trí Thánh. Ông là ai? 

Thư tự tiến cử bản thân nặng ký nhất trong lịch sử

Hán Vũ Đế lên ngôi, ngay năm đầu tiên, ông đã chiêu mời nhân tài trong thiên hạ. Nho sinh khắp mọi miền nô nức dâng thư ứng tuyển. Đông Phương Sóc cũng gửi bản lý lịch của mình cho Hán Vũ Đế, ông đã dùng 3000 miếng thẻ tre, nặng 170 cân (85kg), và phải 2 người mới khiêng được vào trong cung. Đông Phương Sóc đã tán dương những tài năng của mình. Ông viết:

Thần Đông Phương Sóc, thuở thiếu niên đã mất cha mẹ, được anh trai và chị dâu nuôi dưỡng, 13 tuổi mới đọc sách, nhưng nhờ cần cù khắc khổ học tập, thư tịch văn sử đọc trong 3 mùa đông là đã đủ dùng rồi.

Thần 15 tuổi học đánh kiếm, 16 tuổi học kinh Thi, Thư, đã đọc 22 vạn chữ. Thần 19 tuổi học binh pháp Tôn Tử, bày binh bố trận, các sách về quân sự cũng đã đọc 22 vạn chữ rồi, tổng cộng các sách đã đọc là 44 vạn chữ. Hiện nay thần 22 tuổi, cao 9 thước 3 tấc (khoảng 2m), mắt như sao sáng, răng như vỏ hến. Thần dũng cảm, thần nhanh nhẹn, thần liêm khiết, thần thành tín, người hoàn mỹ không khiếm khuyết nào như thần thế này có thể làm đại thần của Thiên tử được.

Hán Vũ Đế kiên nhẫn ngày ngày đọc, có lẽ cũng bởi vì văn phong của Đông Phương Sóc rất hay, Vũ Đế đọc 2 tháng mới xong bức thư tự tiến cử nặng trịch này, cảm thấy gã này dám nói, khí phách cũng không nhỏ, quả là một nhân tài. Thế là Hán Vũ Đế cho vời Đông Phương Sóc đến làm việc ở Công xa thự. Vấn đề là lương bổng ở Công xa thự rất ít, lại không bao giờ được gặp Hoàng đế, do đó Đông Phương Sóc rất không vui, nghĩ cách làm thế nào để Hoàng đế sớm triệu kiến mình.

Người lùn trở thành viên gạch gõ cửa

Đông Phương Sóc đảo mắt nhìn liền nảy ra một ý, tìm đến những người lùn mua vui cho Hoàng đế, rồi nghiêm mặt nói: “Chà, các anh biết chưa, các anh sắp chết rồi”.

Những người lùn cảm thấy kỳ lạ hỏi: “Tại sao? Chúng tôi đang sống tốt thế này cơ mà”.

Đông Phương Sóc nói: “Nhóm người các anh, không đi lính đánh trận, làm không thể ra đồng làm ruộng, càng không biết an bang trị quốc, chẳng có tác dụng gì đối với quốc gia, chẳng phải chỉ ăn hao tổn lương thực của quốc gia đó sao? Nghe nói giờ đây Hoàng thượng đưa các anh đến Trường An chính là muốn giết các anh, để tiết kiệm lương thực cho quốc gia”.

Những người lùn nghe vậy thì kinh sợ lắm, khóc lóc cầu xin Đông Phương Sóc tính kế giúp họ. Đông Phương Sóc dạy họ rằng: “Các anh đợi khi Hoàng đế ngồi xe ngựa đi ra thì hãy chặn trước xe, khấu đầu cầu xin tha mạng”.

Những người lùn vô cùng cảm ơn Đông Phương Sóc rồi cứ đứng ở đó chờ đợi. Đơi đến khi thấy xe của Hán Vũ Đế đi qua, những người lùn đồng loạt quỳ xuống bên đường khấu đầu khóc lớn như cha chết.

Hoàng thượng lấy làm lạ hỏi: “Có việc gì vậy?”

Những người lùn đồng thanh vừa khóc vừa nói: “Đông Phương Sóc nói Hoàng thượng muốn giết chúng thần”.

Thế là Hán Vũ Đế triệu Đông Phương Sóc vào cung, muốn trị tội tung tin đồn thất thiệt. Hán Vũ Đế trách tội rằng: “Tại sao khanh lại đơm đặt chuyện để hù dọa những người lùn?”

Đông Phương Sóc thấy mưu kế của mình đã đạt, nén niềm vui trong lòng xuống và nói với Hoàng thượng rằng:

“Thần sống cũng nói như thế, mà chết cũng nói như thế. Những người lùn này cao chưa đầy 3 thước (khoảng 65cm) mà mỗi tháng mỗi người được lĩnh một bao gạo và 240 tiền”.

“Thần Đông Phương Sóc cao hơn 9 thước, cũng lĩnh một bao gạo và 240 tiền. Bọn họ thì no căng bụng đến chết, còn thần thì đói chết. Hoàng thượng nếu phát lương theo chiều cao thân thể thì phải phát cho thần 3 bao gạo và 720 tiền mới đúng. Nếu Hoàng thượng thấy thần vô dụng thì hãy để thần về nhà, như thế có thể tiết kiệm chút lương thực cho quốc gia”.

Hán Vũ Đế nghe xong thì cười ha hả, cảm thấy Đông Phương Sóc này rất hài hước.

Thế là Hoàng đế bổ nhiệm Đông Phương Sóc làm chức Đãi chiếu ở Kim Mã Môn, có việc thì triệu kiến ông.

Thần toán

Đương thời, trong cung đình thịnh hành trò chơi đoán vật, gọi là “xạ phúc”, tức là bỏ một đồ vật vào trong một đồ chứa, sau đó để người khác đoán trong đó chứa vật gì.

Một lần, Hán Vũ Đế bỏ một con thạch sùng vào trong một cái bồn, rồi bảo mọi người đoán, nhưng không ai đoán ra.

Đông Phương Sóc tinh thông Kinh Dịch, lấy cỏ thi ra để toán quái, gieo quẻ tính toán, một lát rồi nói: “Là rồng không có sừng, là rắn lại có chân. Giỏi leo tường, không phải thạch sùng thì là thằn lằn”.

Hán Vũ Đế rất vui mừng, và đã thưởng cho Đông Phương Sóc rất nhiều lụa là.

Hán Vũ Đế có một viên nhạc quan rất được sủng ái là Quách Xá nhân. Ông ta thấy Đông Phương Sóc làm cho Hán Vũ Đế rất vui vẻ nên sinh lòng đố kỵ, cho rằng Đông Phương Sóc chẳng qua là lừa bịp, nên đề xuất: “Thần muốn thử Đông Phương Sóc. Nếu Đông Phương Sóc đoán đúng thì thần xin chịu bị đánh 100 gậy. Còn nếu đoán không đúng thì xin bệ hạ hãy thưởng lụa là cho thần”.

Kết quả là Đông Phương Sóc đoán cái nào đúng cái đó, hoàn toàn không gây khó khăn cho ông được. Việc này khiến Hán Vũ Đế càng coi trọng ông hơn. Quách Xá nhân đành phải chịu nhận 100 gậy, còn Đông Phương Sóc được thăng làm Thường thị lang, thường xuyên tùy tùng bên Hán Vũ Đế.

Hán Vũ Đế thường để Đông Phương Sóc kể chuyện hài hước cho vui, do đó ông đã trở thành người giải khuây cho Hán Vũ Đế. Ông quả thật không hổ thẹn với sứ mệnh, thường xuyên xuất tuyệt chiêu.

Hán Vũ Đế
Hán Vũ Đế (Phạm vi công cộng)

Cắt thịt đem về cho vợ

Một lần, vào ngày Tam phục (nắng nóng), Hoàng thượng xuống chiếu phát thịt, để mọi người đến lĩnh.Mọi người đều đã đến rồi nhưng viên quan phát thịt vẫn mãi chưa thấy đến. Mọi người chờ đợi mãi đều đã rất sốt ruột, nhưng không ai dám động vào thịt. Lúc này Đông Phương Sóc rút gươm ra và nói: “Tiết Tam phục quá nóng nực, thịt dễ bị thiu, tôi xin tiếp nhận ban thưởng của bệ hạ trước”.

Thế rồi ông bước tới cắt một miếng thịt rồi đem về nhà. Viên quan quản lý thịt đến xem thấy thiếu một miếng, hỏi thì được biết Đông Phương Sóc đã cắt một miếng đem về rồi. Viên quan quản lý thịt tức giận lắm, liền tố cáo việc này với Hoàng thượng.

Ngày hôm sau thiết thiều, Hán Vũ Đế hỏi về việc này, muốn Đông Phương Sóc tự phê bình.

Đông Phương Sóc bái Hoàng thượng rồi đứng lên nói: “Đông Phương Sóc ơi Đông Phương Sóc, ngươi không đợi quan quản lý đến chia thịt, quả thực là vô lễ rồi. Ngươi rút kiếm cắt thịt, cũng có thể coi là hành động hùng tráng rồi. Ngươi không lấy nhiều thịt, cũng có thể coi là liêm khiết rồi. Ngươi đem thịt về cho vợ, cũng có thể coi là nhân ái rồi”.

Đông Phương Sóc tự kiểm điểm thế này khiến Hán Vũ Đế ôm bụng cười, và nói: “Quả là chưa từng thấy khanh như thế này. Được rồi, khanh đã tự tâng bốc mình nhân ái, hôm qua lấy ít thịt, thế thì lại thưởng cho khanh một chút nữa”.

Thế là Đông Phương Sóc lại nhận được rượu thịt thưởng và đem về nhà.

Làm Thái trung Đại phu

Triều thần đều chế Đông Phương Sóc là người không nghiêm túc. Hán Vũ Đế nói: “Nếu ông ta nghiêm túc thì không ai trong các khanh có thể sánh với ông ta được”.

Hán Vũ Đế tuy là nhất đại hùng chủ, nhưng mấy năm sau khi lên ngôi, việc gì cũng bị Thái hoàng Thái hậu Đậu thị chế ước, cảm giác mình là anh hùng không có đất dụng võ, do đó ông thường xuất cung đi săn vui chơi. Sau này ông dự tính trưng dụng mảnh đất rộng lớn để làm vườn thượng uyển, làm nơi săn bắn của riêng mình.

Sự việc này được Thái hậu ngầm đồng ý, các đại thần trong triều cũng không có ai phản đối. Nhưng có một người lại đứng lên phản đối xây dựng vườn thượng uyển. Người đó chính là Đông Phương Sóc.

Lần này, Đông Phương Sóc rất nghiêm túc nói: “Trong vùng rừng núi này có ngọc, vàng, bạc, đồng, sắt và gỗ. Nơi đất bằng phẳng thì trồng dâu, trúc, đay. Dưới nước còn có cá, tôm, cua. Bách tính dựa vào mảnh đất này để được no ấm. Một mảnh đất màu mỡ như thế này, mỗi mẫu đất đều trị giá một cân vàng, phải không?”

“Giờ đây Hoàng thượng muốn đoạt lấy mảnh đất màu mỡ này của bách tính, việc này trên thì giảm thu nhập tài chính quốc gia, dưới thì phá hoại sản xuất nông nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Do đó thần thấy rằng, chúng ta không nên làm như thế. Hơn nữa, nếu xây dựng vườn thượng uyển, thì phạm vi hoạt động của cáo, thỏ hoang, hổ, chó sói sẽ mở rộng, và còn phá hoại mộ phần của bách tính, phá dỡ nhà cửa của bách tính. Còn nữa, bệ hạ ở vườn thượng uyển, đánh ngựa phi khắp nơi, đánh xe đuổi khắp chốn, ngộ nhỡ rơi xuống rãnh sâu, sông lớn, thì thần thấy quá nguy hiểm”.

“Còn nữa, Thương Trụ Vương, Sở Linh Vương và những vị vương khác, đều xây dựng những công trình lớn, mà kết quả bị diệt vong. Thần hy vọng Hoàng thượng không học theo họ”.

Hán Vũ Đế thấy Đông Phương Sóc nói rất có đạo lý, bèn bổ nhiệm ông làm Thái trung Đại phu, và thưởng cho ông 100 cân vàng để khích lệ.

Trực ngôn can gián

Nhưng Đông Phương Sóc quả thực không để ý đến tiểu tiết, và cũng gây họa. Một lần, ông uống rượu say, dám tiểu tiện trên đại điện, và bị người ta bắt tận tay, rồi tố cáo với Hán Vũ Đế. Thế là Đông Phương Sóc bị giáng xuống làm thường dân, nhưng vẫn được ở bên Hoàng đế.

Người chị ruột của Hán Vũ Đế là Công chúa Long Lự có người con trai là Chiêu Bình Quân, là người ngang ngạnh ngỗ ngược. Công chúa Long Lự biết con trai khó tránh khỏi gây họa sát thân, do đó trước lúc lâm chung, bà cầm tay Vũ Đế, thỉnh cầu rằng, nếu con trai bà phạm tội chết thì xin được dùng nhiều vàng bạc để chuộc tội cho con trai, để được đặc xá miễn tội chết.

Vũ Đế đồng ý. Không lâu sau, Chiêu Bình Quân quả thật đã giết người. Việc này khiến Vũ Đế vô cùng đau đầu, ông nói: “Luật nhà Hán là Tiên đế chế định, nếu vì nguyên do Công chúa mà phá hoại phép tắc của Tiên đế, ta còn mặt mũi nào vào tông miếu của Cao tổ đây? Làm sao ta có thể đối diện với bách tính lê dân trong thiên hạ đây?”

Vũ Đế suy nghĩ rất lâu, cuối cùng vẫn phê chuẩn xử tử Chiêu Bình Quân. Sau đó ông không nén nổi bi thương khóc đau khổ.

Lúc này, Đông Phương Sóc cầm chén rượu đến trước mặt Vũ Đế và nói: “Thần nghe nói, các Thánh vương làm việc triều chính, thưởng không né tránh kẻ thù, giết không né tránh người thân. Ngày nay, bệ hạ tuân theo giáo huấn xưa, đó là phúc của bách tính trong thiên hạ. Thần nâng chén chúc Hoàng thượng vạn tuế”.

Vũ Đế không nói năng gì, quay người đi vào nội cung. Đến chập choạng tối, Vũ Đế triệu kiến Đông Phương Sóc, trách ông nói chuyện không biết chọn thời cơ: “Ta đau lòng như vậy, khanh chúc thọ cái gì chứ”.

Đông Phương Sóc giải thích rằng: “Tình cảm đau thương làm tổn hại đến thân thể, mà rượu có thể giải ngàn mối sầu, do đó thần mới chúc rượu chúc thọ bệ hạ. Vừa là để chúc tụng ca ngợi bệ hạ cương nghị chính trực, xử lý theo pháp luật, lại muốn để bệ hạ giải nỗi bi sầu”.

Hán Vũ Đế nghe xong thì bất giác cảm thán: “Đúng là rất hiểu sự đời”.

Thế là, Vũ Đế lại bổ nhiệm Đông Phương Sóc làm Trung lang, và thưởng cho 100 súc vải.

Hán Vũ Đế có người cô, và cũng là nhạc mẫu là Công chúa Quán Đào, cũng gọi là Đậu Thái chủ. Bà có một sủng nam là Đổng Yển. Người này bất kể là chọi gà đua ngựa, hay cầm kỳ thư họa, cái gì cũng tinh thông, lại rất biết lấy lòng Hán Vũ Đế.

Một lần, Hán Vũ Đế tại Tuyên thất ở chính điện trong hoàng cung mở tiệc mời Công chúa Quán Đào và Đổng Yển. Nhưng đúng lúc Đổng Yển chuẩn bị vào điện thì Đông Phương Sóc đứng ở công giơ chiếc kích cá nhân lên chặn lại, và nói với Hán Vũ Đế rằng: “Đổng Yển đã phạm phải 3 tử tội, làm sao có thể để ông ta vào điện được”.

Hán Vũ Đế hỏi: “Những lời này là thế nào?”

Đông Phương Sóc nghiêm giọng nói: “Gia thần tư thông với chủ nhân, đây là tội thứ nhất. Làm bại hoại phong tục, không cưới mà ở chung, đây là việc thứ hai. Dụ dỗ Hoàng thượng đắm chìm trong xa xỉ, thanh sắc khuyển mã, đó là đại tặc của quốc gia, đó là tội thứ ba”.

Hán Vũ Đế dường như bừng tỉnh ngộ, mãi không nói năng gì. Một lúc sau, Vũ Đế nói: “Ta đã làm tiệc rượu rồi, sau này thay đổi vậy”.

Đông Phương Sóc lại không chịu nhượng bộ, ông nói: “Không được. Tuyên thất là chính điện của Tiên đế, không phải người hợp và việc pháp, hợp lý thì không được vào, nữa là kẻ siểm nịnh, dâm loạn. Việc này diễn biến thành mối họa soán nghịch. Trong lịch sử, những việc như thế này còn ít sao”.

Hán Vũ Để quả không hổ danh là vị quân chủ anh minh, nghe những lời này, bất giác ông gật đầu nói “Đúng vậy”, và chuyển tiệc rượu sang Bắc cung, và để Đổng Yển vào cung bằng cổng Đông Tư Mã. Cổng Đông Tư Mã cũng vì thế đổi tên thành Đông Giao Môn, trở thành nơi những người hạ đẳng ra vào. Hán Vũ Đế còn thưởng cho Đông Phương Sóc 30 cân vàng.

Từ đó, sự sủng ái của Hoàng thất đối với Đổng Yển ngày một giảm đi. Cuối cùng Đổng Yển 30 tuổi qua đời trong niềm u uất khôn nguôi.

Cướp rượu trường sinh của Hoàng đế

Hán Vũ Đế tin có Thần Thiên, và yêu thích chuyện tu Đạo. Một lần, Hán Vũ Đế muốn đến Bồng Lai cầu Tiên, Đông Phương Sóc nói: “Thần Tiên đi đến tự nhiên, không phải cứ cầu là có thể gặp được. Người tu hành có thành tựu thì không cần phải lo là không gặp được Thần Tiên. Người không ở trong Đạo, cho dù nhìn thấy Thần Tiên ở Bồng Lai thì cũng có thể làm gì?”

Vũ Đế nghe, cho rằng có lý, nên không đi nữa.

Một lần khác, khó khăn lắm, Vũ Đế mới có được một loại rượu trường sinh. Nào ngờ, Đông Phương Sóc trông thấy liền giật lấy uống hết. Vũ Đế vô cùng tức giận, nói sẽ chém đầu Đông Phương Sóc.

Đông Phương Sóc cũng chẳng kinh sợ, nói: “Bệ hạ, nếu loại rượu này thực sự có thể trường sinh bất tử, thế thì chém thần cũng không chết. Nếu thần bị giết chết, thì có nghĩa rượu này là giả”.

Vũ Đế nghe rồi bỗng hiểu ra, cười hà hà và thả ông ra.

Sử sách có ghi chép, Đông Phương Sóc nhiều lần trực ngôn can gián Hoàng đế, có lúc thì lời trung thành thẳng thắn, có lúc thì khôi hài khéo léo, đều khổ công dụng tâm. Trước khi lâm chung, ông vẫn thành tâm khuyên Hoàng đế: Cẩn thận rồi mới nói, thì mới có thể an định được quốc gia.

Đông Phương Sóc (Phạm vi công cộng)
Đông Phương Sóc (Phạm vi công cộng)

Người ẩn cư trong triều đình

Tuy Đông Phương Sóc bác học đa tài, ông đã viết rất nhiều văn chương như “Đáp khách nan”, “Phi hữu tiên sinh luận”, “Phong Thái Sơn”, “Trách Hòa thị bích” v.v., ông được người đời sau gọi là nhà viết từ phú Tây Hán. Nhưng vì tính cách khôi hài, thường gây trò cười trước mặt Hán Vũ Đế, được Hán Vũ Đế coi là nghệ sĩ hài, chứ không coi là người đọc sách. Cả cuộc đời, chức vụ cao nhất của ông cũng chỉ là Thái trung Đại phu lương 1000 thạch. Ông làm bạn với Vũ Đế với thân phận là thị tùng thân cận, dùng phương thức của riêng mình đem lại những ảnh hưởng tích cực cho Hán Vũ Đế. Ông thường răn dạy con cháu rằng: “Ở triều đình, làm viên quan nhỏ, không cần cày cấy, vẫn có thể được ăn no, đi bộ thay xe là được rồi. Khoe tài hoa, mua danh, kết bè mưu lợi hay giữ riêng mình thanh cao, những thứ đó cũng đều không được làm. Thánh nhân như long xà, lúc ẩn lúc hiện, xử thế thần ẩn, chứ không phải hình ẩn”.

Ông nói ông chính là “đại ẩn, ẩn trong triều đình”.

Mộc tinh hạ phàm

Theo ghi chép trong “Thái Bình quảng ký”, khi còn sống, Đông Phương Sóc đã từng nói: “Thiên hạ không ai biết rõ tôi, chỉ có Thái Vương Công biết tôi”.

Sau khi Đông Phương Sóc qua đời, Hán Vũ Đế triệu Thái Vương Công hỏi: “Khanh biết rõ Đông Phương Sóc không?”

Thái Vương Công đáp: “Thần không biết”.

Vũ Đế hỏi: “Khanh có sở trường gì?”

Thái Vương Công nói: “Thần nghiên cứu tinh tú, lịch pháp”.

Vũ Đế hỏi tiếp: “Tinh tú trên trời còn cả đó chứ?”

Thái Vương Công trả lời rằng: “Các vì sao đều còn đó, chỉ có Mộc tinh là đã mất 18 năm, bây giờ lại xuất hiện rồi”.

Vũ Đế ngửa mặt lên trời than: “Đông Phương Sóc ở bên ta 18 năm, thế mà ta lại không biết ông ấy chính là Mộc tinh hạ thế”.

Lý Bạch cũng có thơ rằng:

Thế nhân bất thức Đông Phương Sóc
Đại ẩn Kim môn thị Trích Tiên

Tạm dịch:

Thế nhân chẳng biết Đông Phương Sóc
Ẩn chốn cung đình là Trích Tiên.

Trung Hòa
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ nhân kỳ lạ nhất lịch sử: Ẩn cư trong hoàng cung