Kỳ thuật: nhìn gió có thể biết trước vận mệnh thịnh suy thành bại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Trung Quốc cổ đại, có một thuật số cổ đại được gọi là ‘phong giác thuật’. Người ta căn cứ vào hướng gió, sức gió, tốc độ gió, màu gió và thời gian của gió… để dự đoán vận hạn hung cát hoạ phúc của người và việc. Căn cứ lý luận là: gió là sản vật của hai khí âm và dương, nếu hai khí mất cân bằng hoặc không hòa hợp thì sẽ hình thành gió. Như vậy, theo lý luận tương khắc của âm dương, ngũ hành thì “gió” tự nhiên có mối liên hệ nội tại nào đó với trời đất, vạn vật, xã hội, con người, sự vật. Sử dụng quan hệ nội tại này, có thể suy đoán được hung cát, thành bại của con người, sự việc.

Một số nhà thuật số nổi tiếng ở thời Tây Hán như Kinh Phòng và Dực Phụng đều đã viết các tác phẩm về chủ đề này. Tới thời Đông Hán, phong giác thuật rất thịnh hành trong một thời gian, thậm chí còn thể hiện xu hướng đi đầu vượt qua các thuật số khác. Trong “Hậu Hán Thư” có ghi chép rằng các bậc phương sĩ tinh thông phong giác thuật có rất nhiều người.

Lang Tông

Lang Tông là người đến từ An Khâu, Bắc Hải. Theo học “Kinh Thị dịch”, ông am hiểu các thuật bói toán như phong giác, tính toán chiêm tinh, có thể dự đoán hung cát bằng cách quan sát trạng thái khí, và thường dựa vào việc bán bói toán để kiếm sống. Một lần, có cơn bão bất ngờ thổi qua, thông qua tính toán, Lang Tông đã biết được rằng, sắp có hỏa hoạn lớn ở thủ đô, vì vậy ông đã ghi lại ngày tháng và phái người đến đợi, quả nhiên sự việc xảy ra y như những gì ông tính toán.

Sau khi các quần thần biết sự việc này, họ đã bẩm báo lên An Đế, An Đế phái người đã cử người đến chiêu mời và ban chức tước cho Lang Tông làm bác sĩ (chức quan xưa, dành cho bậc sĩ phu học rộng). Lang Tông cảm thấy xấu hổ khi khả năng bói toán của mình ứng nghiệm rồi mới được biết tới và được bổ nhiệm, nên một đêm nọ, ông đã treo ấn tín lên trước cửa huyện nha môn, rồi lặng lẽ rời đi, sau đó cả đời không đảm nhiệm chức vụ trong triều đình. Con trai ông là Lang Nghĩ kế thừa chí hướng của cha, từ khi còn nhỏ cũng rất thông thạo các tác phẩm kinh điển.

Nhậm Văn Công

Nhậm Văn Công là người quê ở Lãng Trung, quận Ba. Cha của Nhậm Văn Công là Nhậm Văn Tôn, rất am hiểu về thiên văn và các bí thuật về phong giác. Từ khi còn nhỏ, Văn Công đã học đạo thuật của cha, châu phủ chiêu mời ông đảm nhiệm chức quan Tòng sự. Khi đó đang hạn hán nghiêm trọng, Nhậm Văn Công đã bẩm báo với quan Thứ sử: “Sẽ có một trận lụt vào ngày 1 tháng 5, sự biến hóa của thiên tai đã xảy ra rồi, nhưng không thể ngăn chặn hoặc cứu hộ. Tốt nhất hãy để cho các quan lại và bách tính sẵn sàng chuẩn bị trước”.

Quan Thứ sử đã không nghe theo lời khuyên của Văn Công, nên ông tự mình chuẩn bị một chiếc thuyền lớn. Trong bách tính có người biết chuyện, nhiều người cũng chuẩn bị các biện pháp đề phòng. Tới ngày mồng 1 tháng 5, thời tiết vô cùng hanh khô, Nhậm Văn Công vội vàng hạ lệnh cho người nhanh chóng thu dọn đồ đạc, rồi phái người đi bẩm báo với quan Thứ sử, nhưng quan Thứ sử cho rằng đó là chuyện vô căn cứ.

Đến gần giữa trưa, trên bầu trời phía Bắc xuất hiện mây mù, rất nhanh, mưa to ập tới, đến thời điểm bữa tối, nước dâng cao hơn chục trượng, lũ đã làm hư hỏng nhà cửa và hàng nghìn người gặp nạn. Từ đó Nhậm Văn Công trở nên nổi tiếng với khả năng xem bói, và được bổ nhiệm chức Tư không duyện. Khi Bình Đế lên ngôi, Nhậm Văn Công viện cớ sinh bệnh, từ chức quay trở về quê nhà.

Sau khi Vương Mãng soán ngôi, Nhậm Văn Công suy theo số thuật, biết rằng thiên hạ sẽ xuất hiện đại loạn, vì vậy ông đã thúc giục gia nhân mang vác những vật nặng trăm cân (50 kg), mỗi ngày tập đi nhanh quanh nhà, đi vài chục vòng. Khi đó mọi người không biết tại sao ông ấy lại làm thế. Sau đó, chiến tranh nổ ra khắp nơi, rất ít người chạy trốn thoát được, chỉ có người trong gia đình Văn Công, từ già đến trẻ, đều vác trên vai lương thực và đi rất nhanh, cả gia đình mới tránh được tai họa. Sau đó, họ chạy đến núi Tử Công, lánh nạn ở đó hơn 10 năm mà không bị chiến loạn ảnh hưởng.

“Thiên hữu bất trắc phong vân”, nhìn gió cũng có thể biết được. (Ảnh: Pixabay)

Tạ Di Ngô

Ta Di Ngô quê ở Sơn Dương, Cối Kê. Khi còn trẻ, ông từng là một viên tiểu lại của quận phủ, học phong giác và xem bói. Thái thú Đệ Ngũ Luân đã cất nhắc ông lên làm cho ông làm Đốc Bưu. Khi đó, Huyện trưởng huyện Ô Trình phạm tội tham nhũng, quan Thái thú phái Tạ Di Ngô đi trước tới bắt Huyện trưởng Ô Trình để trị tội. Sau khi Tạ Di Ngô đến huyện Ô Trình, ông không hề điều tra chứng cứ, chỉ nhìn vào cửa lầu gác và quỳ rạp trên mặt đất khóc rồi quay trở về. Mọi người ở khắp huyện đều thấy kỳ quái và không biết ông muốn làm gì.

Khi ông quay lại phục mệnh, ông báo cáo với Thái thú: “Theo tính toán của tiểu quan, Huyện trưởng huyện Ô Trình chắc chắn sẽ chết, nếu nhanh thì trong vòng ba mươi ngày, nếu chậm hơn là sáu mươi ngày. Hiện giờ hắn chỉ là thân thể bị linh hồn lang thang mượn tạm, cũng không cần hình phạt trừng trị hắn, cho nên tôi mới không bắt hắn”.

Thái thú tin lời Tạ Di Ngô. Hơn một tháng sau, quả nhiên có dịch sứ đem tới ấn tín của Huyện trưởng huyện Ô Trình đến bẩm báo rằng, Huyện trưởng đã bị đột tử.

Dương Do

Dương Do là người quê ở Thành Đô, quận Thục. Từ nhỏ ông đã nghiên cứu Kinh dịch cũng như thuật chiêm tinh, xem bói như như thất chính, nguyên khí và phong giác. Ông từng là đảm nhiệm chức quan Văn học duyện ở quận phủ. Khi đó, có một con chim sẻ lớn rơi trên nhà kho binh khí vào ban đêm. Vì vậy Thái thú Liêm Phạm đã hỏi ý kiến Dương Do.

Dương Do trả lời: “Điều này báo hiệu rằng sẽ có một cuộc chiến loạn nhỏ trong quận, nhưng sẽ không có trở ngại lớn”.

Hơn 20 ngày sau, man di nổi dậy ở trong huyện Quảng Nhu, sát hại các quan lại. Quan Thái thú điều động quân đội canh giữ kho binh khí đi đánh quân man di.

Một lần khác, gió thổi bay vỏ cây, Thái thú hỏi Dương Do. Dương Do trả lời: “Sẽ có người biếu tặng quả trên cây, nó có màu đỏ vàng”.

Một lúc sau, quả nhiên có viên Ngũ quan duyện đem biếu tặng vài túi quýt.

Dương Do đã từng uống rượu với người khác, ông đã dặn dò người đánh xe ngựa của mình: “Nếu đã uống rượu ba lượt, tốt nhất cần nhanh chóng đánh xe ngựa đi”.

Không lâu sau đó, ông thúc gục nhanh chóng rời đi. Sau đó, tại dinh thự của chủ nhân Dương Do cùng uống rượu đã xảy ra ẩu đả và giết người. Khi có người hỏi làm sao biết trước được sự việc, Dương Do nói: "Gần đây trên cây ở khu vực chùa miếu có chim ngói đánh nhau. Đây là dấu hiệu của binh tặc”.

Nhiều lời dự đoán của Dương Do đã ứng nghiệm, trở thành sự thực. Ông đã viết hơn mười tập sách có tên “Kỳ bình”. Sau này ông tạ thế tại gia.

Lý Nam

Lý Nam là người Câu Dung, Đan Dương. Ông vốn đã chuyên tâm vào học tập từ khi còn nhỏ, và am hiểu phong giác. Dưới thời trị vì của Hoà Đế những năm Vĩnh Nguyên (năm 89-105), Thái thú Mã Lăng do phạm vào sự tình của đạo tặc nên bị triệu tập về kinh đô, và sẽ phải gặp quan Đình uý, nên trong lòng cảm thấy bất an. Lý Nam đã đặc biệt đến thăm Mã Lăng và chúc mừng ông

Trong lòng Mã Lăng cảm thấy oán giận, bèn nói với Lý Nam rằng: “Ta thân vốn là Thái thú nhưng không có đức, nay sắp bị trừng phạt. Sao ông lại đi chúc mừng ta?”

Lý Nam nói: “Buổi sáng sớm có gió lành, trưa mai chắc hẳn phải có tin tốt đẹp, vì thế nên tôi tới chúc mừng”.

Ngày hôm sau, Mã Lăng mong ngóng chờ mãi đến tối vẫn không có tin tức tốt, nghĩ rằng, lời của Lý Nam không thể ứng nghiệm. Vào giờ ăn tối, có dịch sứ tới mang theo chiếu thư ân xá đến, thông báo ngừng truy cứu.

Lý Nam hỏi tại sao sứ giả đến muộn. Vị sứ giả nói: “Khi chúng tôi đi thuyền ngang qua cửa biển Uyển Lăng, gót ngựa bị trật và nó không thể đi nhanh được”.

Chỉ tới lúc đó, Mã Lăng mới bội phục Lý Nam.

Con gái của Lý Nam cũng thông thạo đạo thuật gia truyền, cô kết hôn với một người hầu ở quận Do Quyền. Một buổi sáng khi cô đang vào bếp, trời nổi giông tố, cô vội lên nhà xin phép mẹ chồng về nhà bố mẹ đẻ, từ biệt bố mẹ đẻ. Bà mẹ chồng không đồng ý, cô đã quỳ xuống đất khóc và nói: “Đạo thuật truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình, bỗng một cơn bão xuất hiện, trước tiên thổi ống khói trên bếp lò, sau đó thổi giếng. Đây là người phụ nữ nấu ăn chính gặp tai nạn, và nó là một dấu hiệu cho thấy con sắp chết”.

Sau đó, cô ấy viết ra ngày mình sẽ chết. Mẹ chồng cho cô về nhà cha mẹ đẻ. Đến ngày đó, cô ấy thực sự ốm và chết.

Trong chính sử “Hậu Hán Thư” có ghi lại ví dụ thực về trường hợp tinh thông thuật số, nhưng tiếc rằng ngày nay đã thất truyền, ngược lại, những hiện tượng vượt trên khoa học này lại bị xem là ‘mê tín’ (Ảnh: Pixabay)

Phàn Anh

Phàn Anh là người Lỗ Dương, Nam Dương. Từ nhỏ ông đã học “Kinh Thị Dịch”, thông hiểu “Ngũ kinh”, “Hà Đồ”, “Lạc Thư”, lại vừa giỏi các thuật suy tính ra thiên tai như phong giác, chiêm tinh, thất vĩ thư…

Phàn Anh sống ẩn dật ở phía nam núi Hồ Sơn, mọi người từ khắp nơi đến để xin ông lời khuyên. Châu và quận đã liên tiếp mời ông nhậm chức, nhưng ông đều không đồng ý. Công khanh tiến cử ông là người hiền đức, ngay thẳng, chính trực, ông cũng không đi.

Một hôm có một cơn bão thổi từ phía tây, Phàn Anh nói với các học trò: “Sẽ có đám cháy ở chợ Thành Đô”.

Sau đó, ông nhổ nước bọt trong miệng về phía tây, yêu cầu các học trò ghi lại ngày giờ. Sau này, một vị khách từ Thành Đô, quận Thục đến thăm, kể rằng: “hôm đó có đám cháy lớn, từ phía đông đột nhiên xuất hiện một đám mây đen, một lúc sau trời đổ mưa to nên đám cháy đã được dập tắt”.

Vì vậy, người người khắp thiên hạ đều ca ngợi pháp thuật của Phàn Anh.

Đoàn Ế

Đoàn Ế là người Tân Đô, Quảng Hán, vốn tu tập “Kinh Dịch”, am hiểu phong giác. Lúc đó có những người đến theo học ông, trước khi người đó đến, ông đã biết họ tên của anh ta rồi. Ông từng nói với các quan lại trông coi bến phà: “Một ngày nào đó sẽ có hai học trò tìm đến hỏi thăm nơi ở của tôi, xin hãy nói cho họ biết”.

Sau đó thực sự có người đến.

Có một người học trò đã từng theo học ông nhiều năm, tự cho rằng, mình đại thể đã học được hết những điều tinh thâm trong học thuật của thầy, nên từ biệt thầy trở về quê. Đoàn Ế chuẩn bị cho anh ta chút thuốc cao, viết một tờ giấy và niêm phong trong ống tre, rồi nói với người học trò rằng: “Hãy mở nó ra xem trong trường hợp khẩn cấp”.

Khi cậu học trò tới Gia Manh, cậu ta tranh giành qua sông với quan lại, bị quan lại gác phà đánh vỡ đầu. Cậu học trò mở ống tre ra thấy bức thư, trong bức thư viết: “Ngươi đến Gia Manh, tranh đấu với quan lại, bị đánh vỡ đầu, hãy bôi thuốc cao này lên đầu”.

Cậu học trò sau khi bôi lớp thuốc cao vào, quả thực đã ổn. Cậu học trò đã rất kinh ngạc trước công lực của thầy, vì thế đã quay trở lại để hoàn thành việc học của mình. Đoàn Ế cả đời sống ẩn dật và qua đời tại gia.

Lý Cáp

Lý Cáp là người Nam Trịnh ở Hán Trung. Cha của ông, Lý Hiệt, nổi tiếng về Nho gia và là một tiến sĩ trong triều. Lý Cáp được thừa hưởng nền giáo dục của gia đình, và từng du học ở Thái học. Ông thông thạo “Ngũ kinh”, am hiểu “Hà Đồ”, “Lạc Thư”, phong giác và chiêm tinh học. Ông là người rất giản dị, ngoại hình không có gì nổi bật, không ai biết về bản sự của ông.

Huyện phủ triệu mời Lý Cáp về làm chức tiểu lại tra bắt đạo tặc và tiếp đón khách. Sau khi Hoà Đế lên ngôi, Hoàng đế đã phái các sứ thần mặc thường phục đi khắp các quận, huyện để thu thập các bài ca dao. Hai sứ giả được chỉ định đến Ích Châu, họ đến ngủ tại một quán trọ do Lý Cáp quản lý. Lúc bấy giờ là một đêm mùa hạ, Lý Cáp nhìn lên trời hỏi hai vị sứ thần: “Khi hai ngài từ kinh thành xuất phát, có biết triều đình phái hai sứ giả không?”

Hai vị sứ thần cùng nhìn nhau ngạc nhiên và nói: “Tôi chưa nghe nói đến”.

Và họ hỏi lại Lý Cáp làm sao ông biết được chuyện đó.

Lý Cáp chỉ vào các vì sao trên bầu trời và nói với họ: “Có hai ngôi sao của sứ giả di chuyển đến khu vực Ích Châu, vì vậy tôi có thể biết việc này”.

Ba năm sau, một trong hai sứ giả giữ chức vụ Thái thú Mạc Trung, trong khi đó Lý Cáp vẫn còn là một viên tiểu lại. Vị Thái thú Mạc Trung rất ngưỡng mộ tài đức của Lý Cáp, nên đã triệu ông đảm trách chức quan Hộ tào sử.

Bấy giờ, khi Đại tướng quân Đậu Hiến cưới vợ, các quận, bang trên toàn quốc đều gửi quà lễ đến chúc mừng. Quan Thái thú cũng cử sứ giả đi, Lý Cáp khuyên can, nói: “Đại tướng quân là hoàng thân, ông ấy không coi trọng lễ nghi và phẩm đức, lại chuyên vượt quyền, kiêu ngạo phóng túng. Tai họa bại vong của ông ấy sắp đến rất nhanh. Kính mong ngài hãy tận sức trung thành với triều đình, không giao du với Đậu Hiến”.

Nhưng Thái thú nhất định phái sứ giả đi, Lý Cáp không thể ngăn cản được, bèn thỉnh cầu xin để tự ông đi, và đã được Thái thú đồng ý.

Thế là trên đường đi, Lý Cáp cố tình nán lại để chờ tình hình thay đổi. Khi ông đến Phù Phong, Đậu Hiến tự sát ở phong quốc, tất cả các bộ hạ của ông ta đều bị xử tử, và tất cả những ai có quan hệ với Đậu Hiến đều bị cách chức. Chỉ có Thái thú Mậu Trung là không tham gia, giao du với Đậu Hiến nên thoát nạn.

Trong năm này, Lý Cáp được tiến cử là Hiếu liêm, thăng chức 5 lần liên tiếp, giữ chức Thượng thư lệnh, rồi lại được ban chức Thái thường. Vào năm Nguyên Sơ thứ 4 (năm 117), ông thay thế Viên Sưởng đảm trách vị trí Tư Không. Ông đã nhiều lần phân tích những được mất trong thi hành chính sách triều đình, là người có phẩm đức tiết tháo của bậc trung thần.

Trên đây là một số trường hợp thực tế tinh thông thuật số được ghi lại trong chính sử “Hậu Hán Thư”, rất tiếc sau này nhiều điều đã bị thất truyền. Thuật dự đoán cao siêu của họ chắc hẳn ngày nay không có ai đạt được, vì thế khiến mọi người cho rằng đó là mê tín.

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ thuật: nhìn gió có thể biết trước vận mệnh thịnh suy thành bại