Lạc Sơn Đại Phật từng trấn thủy quái, vì sao giờ đây nước ngập chân Phật?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một câu nói được lưu truyền rộng rãi ở Lạc Sơn: “Rửa mũi chân, hồng thủy ngập”. Có nghĩa là nếu nước sông dâng đến ngón chân của Lạc Sơn Đại Phật, Tứ Xuyên nhất định sẽ hứng chịu một trận lụt lớn.

Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng Phật bằng đá khổng lồ ở ngoại vi thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bức tượng Phật Di Lặc đang ngồi với cặp mắt hơi mở, từ bi nhìn xuống chỗ hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y.

Gần đây, tỉnh Tứ Xuyên vì mấy ngày liền mưa to không ngớt khiến mực nước sông tăng vọt, và đài ngắm tượng Lạc Sơn Đại Phật bị dìm ngập, chân tượng Phật cũng ngập trong nước lũ. Ở Lạc Sơn có lưu truyền một câu ngạn ngữ dân gian: "Tẩy cước tiêm, hồng thủy yêm" - Rửa mũi chân, Hồng thủy ngập. Là ý nói, nếu như nước sông đã dâng mũi chân của Lạc Sơn Đại Phật, vậy thì Tứ Xuyên chắc chắn gặp tai họa lũ lụt lớn. Bởi vậy người dân không khỏi lo lắng suy đoán: "Chân Phật bị ngập nước" là điềm báo sẽ có đại sự phát sinh.

Quay trở lại, bức Lạc Sơn Đại Phật đã tồn tại hàng nghìn năm qua, ban đầu là vì sao mà được xây dựng lên?

Truyền thuyết Lạc Sơn Đại Phật ngàn năm trấn thủy quái

Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng Di Lặc ngồi được đục từ vách đá của đỉnh Tê Hà trên núi Lăng Vân, cao 71 mét, được gọi là "Sơn thị nhất tọa Phật, Phật thị nhất tọa sơn" (Núi là Phật và Phật cũng là núi). Bức tượng được tạc năm Khai Nguyên thứ nhất đời Hoàng đế Đường Huyền Tông (năm 713), kéo dài hơn 90 năm, đến năm Trinh Nguyên thứ 19 đời Hoàng đế Đường Đức Tông (năm 803) thì hoàn thành, cách đây đã hơn 1.200 năm, là bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới.

Người bắt đầu xây dựng bức Đại Phật là hòa thượng Hải Thông, năm đó xuất gia làm tăng ở chùa Lăng Vân trên núi Lăng Vân. Đương thời, dưới núi Lăng Vân, nơi hợp lưu của 3 con sông, thế nước vô cùng hung mãnh, sóng lớn vỗ bờ, đánh thẳng đến chân núi Lăng Vân, thuyền bè qua lại thường xuyên bị đắm. Hòa thượng Hải Thông chứng kiến cảnh tượng này, trong lòng luôn cảm thấy day dứt. Ông nghĩ, thế nước ba con sông hung hăng ngang ngược như thế, ắt có thủy quái tác oai tác quái, thế là ông phát nguyện tạc tượng Phật, muốn nhờ vào pháp lực của Phật Pháp vô biên để hàng phục thủy quái, phù hộ thuyền bè qua lại bình an.

Lạc Sơn Đại Phật bị ngập
Ông phát nguyện tạc tượng Phật, muốn nhờ vào pháp lực của Phật Pháp vô biên để hàng phục thủy quái, phù hộ thuyền bè qua lại bình an. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Hòa thượng Hải Thông không quản trải qua muôn vàn khổ cực, đi khắp nơi hoá duyên để gom kinh phí tạc tượng Phật. Sau khi ông hoá duyên trở về, mời được nhiều thợ tạc tượng giỏi tạc tượng Đại Phật. Dân chúng xung quanh nghe nói hòa thượng Hải Thông mời được người tạc tượng Đại Phật để trấn áp yêu quái, cũng tấp nập kéo nhau đến làm giúp. Theo "Phật Tổ thống kỷ" kể lại, cảnh tượng lúc ấy cực kỳ hùng vĩ: "Nhân công tận lực, hàng ngàn chiếc búa cùng giáng xuống, từng tảng đá lớn rơi như sấm, thuồng luồng kinh sợ ẩn mình, thung lũng lấp đầy, thủy quái không còn".

Tuy nhiên, năm đó ở Gia Châu có một tay quan lại quý của hơn mạng người. Ông ta nghe nói hòa thượng Hải Thông hoá duyên được nhiều ngân lượng liền nảy sinh tà tâm, muốn hãm hại để đoạt tiền tài. Ngày nọ, ông ta dẫn quan binh đến chùa Lăng Vân, đòi phạt 1 vạn lượng vì tạc tượng mà không báo quan, hạn trong 3 ngày phải nộp đủ. Nhưng Hải Thông hòa thượng quả quyết cự tuyệt, cho rằng số ngân lượng hiện có là nhờ hóa duyên, phải dùng vào việc tạc tượng, không thể động đến. Viên quan bèn dọa rằng nếu không giao nộp tiền thì sẽ móc mắt Hải Thông.

Hòa thượng Hải Thông khẳng khái nói rằng: "Mắt ta thì khoét được, nhưng tài vật của Phật thì không được động đến!".

Để bày tỏ quyết tâm hộ Pháp, hòa thượng Hải Thông sắc mặt không đổi, tự móc xuống đôi mắt của mình, đặt lên mâm sứ, tự mình đưa cho tên quan lại. Truyền thuyết kể rằng, tên quan chứng kiến cảnh này, giật mình kinh hãi thoái lui, ai ngờ quên mất sau lưng là vực sâu vạn trượng, bị ngã xuống mà chết. Lúc này, đôi mắt kia lại tự động bay trở về trong hốc mắt của hòa thượng Hải Thông. Những quan tham ô còn lại, không còn dám tiếp tục dọa dẫm lão hòa thượng để đoạt tiền.

Khi tượng Phật được tạc đến vai, hòa thượng Hải Thông viên tịch, việc tạc tượng cũng vì thế mà bị dừng lại. Khoảng 10 năm sau, quan Tiết độ sứ tại Tây Xuyên, Kiếm Nam là Chương Cừu Kiêm Quỳnh tự quyên góp 20 vạn lượng bạc, tiếp tục tạo tác tượng Phật. Bởi vì công trình to lớn, cần rất nhiều kinh phí, nên triều đình đã đặc biệt ban thưởng cho địa phương nơi đó thuế đay và muối để làm kinh phí tạo dựng tượng Phật.

Lạc sơn đại Phật tạc đến vai
Khi tượng Phật được tạc đến vai, hòa thượng Hải Thông viên tịch, việc tạc tượng cũng vì thế mà bị dừng lại. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 3.0)

Khi tượng Phật tạc đến đầu gối, Chương Cừu Kiêm Quỳnh vì có công tạo tượng Phật nên được phong làm Thượng thư bộ Hộ, đi đến kinh đô nhậm chức. Vì vậy công trình tạo tác tượng Phật một lần nữa phải dừng lại.

Cho đến năm Trinh Nguyên thứ 4 đời Hoàng đế Đường Đức Tông (năm 788), Tiết Độ Sứ Tây Xuyên Kiếm Nam là Vi Cao quyên góp 50 vạn lượng, chiêu mộ thợ thủ công, tiếp tục tạc tượng. Triều đình cũng chiếu ban thưởng các khoản thuế để trợ giúp kinh phí.

Với nỗ lực của ba thế hệ, sau hơn 90 năm, bức Lạc Sơn Đại Phật cuối cùng cũng được hoàn thành, toàn thân được dát vàng, dáng vẻ vô cùng uy nghiêm tráng lệ.

Theo "Thái Bình Trấn chí" ghi chép, truyền thuyết kể rằng vào một ngày nọ, một đám mây mù từ trên trời giáng xuống, trong mây có một vị tăng nhân nói vọng xuống: "Tứ Xuyên có ba vị Phật, ứng với ba huynh đệ, Đại Phật tại Lạc Sơn rửa chân, Nhị Phật tại huyện Vinh đi ngủ, Tam Phật ở chỗ này ngồi xem nghìn Phật" (Chùa Thái Bình ở bờ đối diện có vách đá Nghìn Phật). Nói vừa dứt lời, hóa khói xanh mà đi.

Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng Phật ngồi
Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng Phật ngồi ngay ngắn ở chỗ lõm sâu dưới nách của “Phật ngủ khổng lồ”. (Ảnh: Commons wikimedia - CC BY-SA 4.0)

Kỳ thực, núi Ô Long cùng với núi Lăng Vân nơi có Lạc Sơn Đại Phật, là một dãy núi được cho là có hình dáng tựa như Phật đang ngủ. Mặc dù dãy núi này đã tồn tại ngàn vạn năm, nhưng không có người ngộ ra. Mãi đến ngày 11/5/1985, Phan Hồng Trung (Pan Hongzhong), một lão nông ở Thuận Đức, Quảng Đông, trong lúc vô tình chụp được một tấm hình, mới bất ngờ phát hiện dãy núi giống như hình dáng một vị Phật đang nằm ngửa. Mà Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng Phật ngồi ngay ngắn ở chỗ lõm sâu dưới nách của “Phật ngủ khổng lồ”. Điều này dường như thật ứng với ngụ ý "tâm tức thị Phật" (tâm chính là Phật) của các tác phẩm điêu khắc Phật giáo vào thời nhà Đường, và "thánh nhân xuất ư dịch hạ" (Thánh nhân xuất từ nách) lưu truyền trong dân gian, tạo thành kỳ quan 'bên trong Phật có Phật'.

Lạc Sơn Đại Phật đã trải qua bao mưa gió chiến hỏa, mắt chứng kiến từng đợt từng đợt thảm họa nhân gian, từng mấy lần hiển linh nhắm mắt rơi lệ. Bức Đại Phật này không chỉ vì để lưu lại di sản văn hóa thế giới quý giá, mà còn lưu lại cho nhân loại những huyền cơ để nhận biết chính xác sự kiện trọng đại sẽ xảy ra vào thời khắc cuối cùng của lịch sử. Giờ đây, nước lũ dâng ngập chân Phật, Trung Hoa đại địa hỗn loạn bất an, bức tượng Phật Di Lặc tượng trưng cho tương lai tươi sáng, là muốn truyền tải thông điệp gì cho nhân loại? Thật khiến chúng ta phải suy ngẫm, tìm kiếm chân tướng ở nơi đây.

Quỳnh Chi
Theo secretchina.com



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Lạc Sơn Đại Phật từng trấn thủy quái, vì sao giờ đây nước ngập chân Phật?