Lai lịch Đường Tăng: Sinh ra là để lấy chân kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Đường Tăng vốn là đệ tử thứ hai của Đức Phật Thích Ca, tên là Kim Thiền Tử. Chỉ vì khinh mạn Phật Pháp mà bị giáng xuống trần thế, phải qua mười kiếp tu hành, lại kinh qua ma nạn trùng trùng, cuối cùng mới có thể chứng đắc Phật quả.

Tìm người lấy kinh

Sau khi thu phục Tôn Ngộ Không, Phật Như Lai Thích Ca Mâu Ni từ biệt Ngọc Đế, trở về chùa Lôi Âm. Lúc ấy 3000 chư Phật, 500 vị A La Hán, tám đại Kim Cang cùng vô lượng Bồ Tát tay cầm tràng phiên, lọng báu, dị bảo, tiên hoa, xếp hàng nghênh tiếp Phật Tổ về Linh Sơn tiên cảnh.

Một hôm, Phật Tổ mời các chư Phật, La Hán, Yết Đế, Bồ Tát, Kim Cang, Tỳ kheo, tăng ni… đến và nói: “Từ ngày diệt trừ khỉ quái và giúp trời được yên ổn đến nay, ta sống trong cảnh giới chẳng hay năm tháng, nhưng ở trần gian có lẽ đã đến 500 năm rồi. Hôm nay đúng ngày rằm tháng bảy, ta có một chiếc bồn quý trồng đủ trăm giống hoa lạ, nghìn thứ quả hiếm, nay muốn cùng các vị thưởng hội Vu Lan Bồn, chư vị thấy sao?”.

Mọi người chắp tay đảnh lễ ba lần. Như Lai sai hai tôn giả A Nan và Ca Diếp mang những thứ hoa thơm quả lạ ra phân phát cho mọi người. Sau đó Như Lai lại giảng Pháp và nói rằng:

“Ta xem trong bốn đại bộ châu, chúng sinh thiện ác có khác nhau: Người Đông Thắng Thần Châu tôn trời kính đất, tâm khí thanh sảng. Người Bắc Câu Lư Châu tính thích sát sinh, ăn nói hồ đồ, tình sơ tính vụng; chẳng được việc gì. Người Tây Ngưu Hạ Châu thì không tham không giết, dưỡng khí nuôi thần, tuy chưa được vào bậc thượng chân, nhưng mọi người được hưởng thọ. Duy có người Nam Thiệm Bộ Châu tham dâm gây họa, hay giết hay tranh, chính là nơi đánh nhau cãi cọ, ác độc thị phi. Nay ta có ba tạng chân kinh có thể khuyên họ làm việc thiện. Ba tạng chân kinh của ta: Một là Pháp tạng, bàn về trời; Hai là Luận tạng bàn về đất; Ba là Kinh tạng độ cho ma quỷ. Đó là kinh tu luyện chân tâm, cửa vào cõi thiện, mà ta muốn truyền sang phương Đông”.

Đức Phật nói tiếp: “Nay ta cần một vị có pháp lực sang phương Đông tìm người thiện tín, bảo người ấy chịu đựng gian khổ, vượt qua muôn núi nghìn sông, đến chỗ ta cầu lấy chân kinh để lưu truyền sang phương Đông mãi mãi. Đó là phúc duyên cao rộng như núi, là việc thiện sâu như bể vậy. Có vị nào dám đi một chuyến không?”.

Khi ấy, Quan Âm Bồ Tát bước tới gần đài sen, lạy Phật Tổ ba lạy và đáp: “Đệ tử bất tài, xin sang phương Đông tìm người lấy kinh”.

Quan Âm Bồ Tát lĩnh chỉ, nguyện đến Đông Thổ tìm người lấy kinh (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)

Người lấy kinh ấy là ai? Chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường từ khi Đường Tăng chuyển sinh nơi Đông Thổ cho đến lúc nhận ý chỉ sang Tây phương thỉnh kinh.

Ngụp lặn giữa trần ai

Vào năm Trinh Quán thứ 13, thiên hạ thái bình, tám phương tiến cống, Hoàng đế Đường Thái Tông sai treo bảng chiêu hiền, mở hội thi tại Tràng An. Trạng nguyên tân khoa năm ấy là một học trò ở vùng Hải Châu tên là Trần Quang Nhị.

Lại nói, thừa tướng Ân Khai Sơn có một cô con gái tên là Ôn Kiều, cũng gọi là Mãn Đường Kiều, hôm ấy đang đứng trên lầu cao ném cầu kén rể. Vừa hay Quang Nhị cưỡi ngựa đi qua, tiểu thư biết chàng là nhân tài xuất chúng, lại vừa đỗ trạng nguyên, bèn ném quả cầu thêu vào mũ của Quang Nhị. Thừa tướng và phu nhân bước ra đón chàng rể tương lai, lại mời tân khách đến làm lễ cưới và gả tiểu thư cho.

Hoàng đế Thái Tông trao cho tân khoa trạng nguyên chức tri phủ Giang Châu và lệnh phải thu xếp lên đường ngay, không được lỡ hạn. Quang Nhị tạ ơn vua, trở về phủ thừa tướng từ biệt cha mẹ vợ, rồi hai vợ chồng lên đường đi Giang Châu nhậm chức.

Ấy là lúc cuối xuân, gió ấm vờn liễu biếc, mưa nhẹ điểm hoa hồng. Trên đường, hai vợ chồng tạt qua nhà đón mẹ già, bà Trương Thị mừng rỡ thu xếp hành lý cùng đi với con. Đi được vài hôm, bà mẹ mắc bệnh phải tĩnh dưỡng vài ngày trong điếm Vạn Hoa.

Hôm sau có người rao bán con cá chép vàng ngay trước cửa điếm. Quang Nhị mua cá định làm thịt cho mẹ ăn, bỗng thấy mắt con cá nhấp nháy thì lấy làm lạ lắm. Nghĩ bụng con cá này không phải tầm thường, Quang Nhị bèn thả nó xuống sông Hồng Giang. Bà mẹ nghe chuyện con trai phóng sinh cũng vô cùng vui mừng khen ngợi con trai.

Mặc dù mẹ già bệnh nặng cần phải nghỉ trong quán trọ, nhưng ngặt vì hạn quan gấp gáp, Quang Nhị không thể ở lại lâu, bèn thuê cho mẹ một căn phòng để tĩnh dưỡng, hẹn sang thu mát mẻ thì đến đón mẹ về.

Tới bến sông Hồng Giang, tên lái đò Lưu Hồng thấy Ân tiểu thư mặt như trăng rằm, mắt như sóng thu, môi thắm anh đào, lưng ong liễu biếc, thực là vẻ đẹp chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường, nên động lòng lang muốn chiếm đoạt. Chúng đẩy thuyền tới chỗ vắng vẻ, đợi lúc đêm khuya thanh vắng giết chết kẻ hầu rồi đánh chết Quang Nhị, quẳng xác xuống sông. Lưu Hồng ôm chặt lấy Ân tiểu thư và đe dọa: “Nàng nghe ta thì mọi sự êm đẹp, nếu không nghe thì một nhát dao là người đứt làm hai đoạn ngay!”. Tiểu thư đang mang thai nên chẳng còn cách nào khác, đành phải cắn răng nhẫn nhục. Thực tế, Ân tiểu thư mang trên mình sứ mệnh, để đệ tử của Phật là Kim Thiền Tử được hạ sinh. Do đó luôn có Thần Phật dõi theo nàng, không để tiểu thư phải bỏ mạng lìa đời.

Xác Quang Nhị chìm xuống đáy sông. Long vương nhận ra đây chính là ân nhân của mình, bèn sai quỷ Dạ Xoa đi đòi lại hồn phách và nói với Quang Nhị: “Tiên sinh ạ, con cá chép vàng mà ngài cứu sống ngày nào chính là tôi đấy. Ngài chính là ân nhân cứu mạng tôi, nay ngài gặp nạn, lẽ nào tôi lại không cứu?”. Sau đó, Long Vương đặt vào miệng Quang Nhị một viên ngọc “định nhan” để thân thể khỏi hủy hoại, đợi cơ duyên đến sẽ hoàn hồn hồi sinh.

Người bình thường chúng ta không lý giải được là vì không nhìn thấy. Con người chết rồi, nhưng linh hồn không chết, có thể hành động tự do như ý trong không gian khác. Không gian này người trần mắt thịt nhìn không thấy, chỉ thấy thi thể nằm yên bất động. Nhưng rất nhiều sự việc như hồn lìa khỏi xác, nguyên thần ly thể, Long cung dưới nước, tiên cảnh trên trời… lại nằm trong không gian khác mà người bình thường không thấy được, kính viễn vọng hay công nghệ hiện đại cũng không thấy được.

Không cần bàn luận đến vũ trụ bao la vô cùng này, mà chỉ nói riêng quả địa cầu của chúng ta. Trên địa cầu có núi, sông, hồ, biển, đất bằng, vực sâu, v.v. đều có Thần chưởng quản, đều do Thần an bài. Người bình thường hễ điều gì không nhìn thấy liền không tin, nhưng không tin không có nghĩa là không tồn tại. Thời cổ đại có rất nhiều cao nhân có thể câu thông với không gian khác. Ở phương Đông có Gia Cát Lượng, Viên Thiên Cang, Lý Thuần Phong, Lưu Bá Ôn, v.v. Ở phương Tây có nhà tiên tri Nostradamus, Jane Dixon v.v. Họ có thể nhìn thấy, nghe thấy những sự việc xảy ra trong không gian khác.

Lại nói về Ân tiểu thư, mặc dù nàng vô cùng căm giận tên giặc Lưu, nhưng hiềm nỗi trong bụng mang cốt nhục của Quang Nhị, vạn bất đắc dĩ đành phải miễn cưỡng đi theo thằng giặc. Lưu Hồng cưỡng đoạt Ân tiểu thư làm vợ, rồi lại đóng giả Trần Quang Nhị làm tri phủ tỉnh Giang Châu.

Ngày tháng thấm thoắt thoi đưa, một hôm Lưu Hồng có việc quan phải đi xa, tiểu thư ở trong phủ nhớ mẹ, nhớ chồng, ngồi lặng ở đình hoa than thở. Bỗng nhiên nàng thấy thân thể mệt mỏi, bụng đau dữ dội, lát sau sinh hạ được một đứa con trai kháu khỉnh. Lúc ấy, bên tai nàng có giọng nói văng vẳng: “Mãn Đường Kiều, nàng nghe ta dặn đây! Ta là Nam Cực Tinh Quân, vâng lệnh Quan Âm Bồ Tát mang đến cho nàng đứa trẻ này. Sau này cậu bé tiếng tăm lừng lẫy, không hề tầm thường đâu. Nàng phải hết lòng gìn giữ, đừng để thằng giặc Lưu hãm hại đứa trẻ. Sau này vợ chồng sẽ đoàn tụ, mẹ con được quây quần và rửa được mối thù này. Hãy nhớ kỹ lời ta dặn!”.

Tiểu thư tỉnh dậy, nhớ rõ từng lời căn dặn của Tinh Quân. Nàng ôm chặt lấy đứa con không biết làm thế nào. Nhân lúc Lưu Hồng vắng nhà, tiểu thư lo sợ tính mạng con mình sẽ lâm nguy, đành cắn răng thả đứa trẻ trôi sông, hy vọng trời phù hộ cho có người cứu vớt, sau này mẹ con lại được gặp nhau… Tiểu thư bèn cắn đứt ngón tay, lấy máu viết một lá thư, lại cắn đứt một vết nhỏ trên ngón chân út của đứa con để đánh dấu, lấy chiếc áo lót mình bọc đứa trẻ lại. Đến bờ sông, nàng khóc lóc hồi lâu. Được một lúc thì thấy có tấm ván trôi vào bờ, nàng ngẩng mặt lên trời cầu khấn rồi đặt con trai lên tấm ván và buộc lại, mặc cho tấm ván trôi theo dòng, rồi nuốt nước mắt trở về.

Kim Thiền Tử giáng sinh, trưởng lão chùa Kim Sơn thấy một tiểu hài tử trôi đến, vội vàng cứu lên (Ảnh: “Tân khiết Tam Tạng xuất thân toàn truyện”)

Đứa bé nằm trên ván, thuận dòng trôi đến chân chùa Kim Sơn. Trưởng lão chùa Kim Sơn là hòa thượng Pháp Minh vốn là bậc chân tu mộ Đạo, thấy có một đứa bé trôi sông bèn vội vàng vớt lên, đặt tên là Giang Lưu, đồng thời giấu kín bức thư viết bằng máu kia.

Giang Lưu từ nhỏ đã ở chùa Kim Sơn theo sư phụ Pháp Minh tu hành, đến năm 18 tuổi được trưởng lão thụ giới và đặt cho Pháp danh Huyền Trang. Mãi đến lúc này Huyền Trang mới được xem bức huyết thư, hiểu rõ oán cừu của gia đình mình. Sư phụ nói: “Con hãy mang theo bức huyết thư và chiếc áo này, đến thẳng tư thất nha môn ở Giang Châu thì mới gặp mẹ con được”.

Huyền Trang vâng lời đến thẳng Giang Châu. Vừa vặn lúc Lưu Hồng có việc phải đi xa, và cũng là lòng trời run rủi cho mẹ con được gặp gỡ, nên Huyền Trang cứ đến thẳng cửa tư thất nha môn. Ân tiểu thư đêm trước nằm mơ thấy trăng khuyết lại tròn, đang suy nghĩ mông lung thì nghe thấy tiếng niệm kinh ngoài cửa. Nàng chạy ra, thấy một hòa thượng trông giống hệt chồng mình năm xưa, miệng xưng là đồ đệ chùa Kim Sơn. Qua một vài câu thăm hỏi, lại được thấy bức huyết thư và chiếc áo lúc nhỏ, Ôn Kiều xúc động nhận ra con trai mình. Tiểu thư nói: “Con ơi, con phải khẩn cấp đi ngay thôi, thằng giặc Lưu về bây giờ thì tính mạng con nguy mất. Ngày mai mẹ sẽ giả ốm để được đến chùa của con làm lễ. Lúc ấy, mẹ con mình sẽ nói chuyện”.

Mấy hôm sau, Ân tiểu thư đến chùa Kim Sơn dâng hương làm lễ. Khi đàn chay kết thúc, pháp đường không còn ai, Huyền Trang mới bước tới quỳ xuống trước mặt mẹ. Tiểu thư bảo Huyền Trang cởi giày ra xem, quả nhiên thấy ngón chân út bên trái có vết sẹo nhỏ. Biết chắc đây chính là con trai mình, nàng bèn lạy tạ cảm ơn công nuôi dưỡng của Pháp Minh trưởng lão.

Tiểu thư nói: “Con ơi, con hãy cầm chiếc vòng thơm này và tới Hồng Châu ở mé Tây Bắc, cách đây chừng 1500 dặm. Vùng ấy có điếm Vạn Hoa, bà nội con là Trương Thị có khi còn trọ ở đó. Mẹ lại viết một bức thư này, con hãy đến thẳng kinh đô, tới nhà thừa tướng Ân Khai Sơn, đó là ông ngoại con đấy. Con dâng thư của mẹ cho ông ngoại, nhờ ông đến Giang Châu bắt thằng giặc, vậy mới có thể cứu được mẹ và tìm lại cha con”.

Huyền Trang từ biệt sư phụ đến thẳng Hồng Châu. Tới điếm Vạn Hoa, chàng hỏi chủ điếm là Lưu Tiểu Nhị, Lưu Tiểu Nhị thưa: “Bà cụ trước có trọ điếm tôi, về sau mắt bị mù, ba bốn năm chẳng có gì trả tiền thuê nhà cho tôi, nên bà cụ đã về trú ở trong ngôi nhà đổ ở cửa Nam, ngày ngày vào phố xin ăn sống qua ngày”.

Huyền Trang đến ngôi nhà đổ ở cửa Nam tìm bà. Bà cụ nghe kể rõ đầu đuôi, lại cầm lá thư và chiếc vòng thơm rồi òa lên khóc thảm thiết. Huyền Trang hỏi: “Mắt bà làm sao mà đến nông nỗi này?”.

Bà cụ đáp: “Tại bà suốt ngày mong ngóng mà chẳng thấy bố cháu về, bà khóc nhiều quá nên mắt lòa đi”.

Huyền Trang bèn quỳ xuống, ngẩng mặt lên trời cầu khấn: “Con vâng lời mẹ đi tìm bà, mong Trời Phật thương xót, chứng giám lòng thành, cứu cho bà con hai mắt lại sáng như cũ”.

Sau lời cầu khấn ấy, hai mắt bà cụ lại sáng lại như xưa. Huyền Trang đưa bà nội ra khỏi căn nhà nát và trở về điếm Vạn Hoa, thuê một căn buồng cho bà ở, rồi đưa thêm cho bà một ít tiền và dặn dò: “Cháu đi độ một tháng sẽ quay lại đón bà”.

Huyền Trang là đệ tử của Phật, đã trải qua nhiều kiếp tu hành, trên thân vốn có Pháp lực nên mới có thể khiến mắt bà nội sáng lại như xưa, chỉ là bản thân cậu không biết mà thôi.

Sau đó, Huyền Trang tạm biệt bà nội và tìm đến phủ Ân thừa tướng, thừa tướng đọc thư mà nước mắt tuôn rơi. Sau đó ông vào chầu tâu rằng: “Con rể thần là Trần Quang Nhị, cùng vợ đến Giang Châu nhậm chức, bị tên lái đò Lưu Hồng đánh chết, chiếm con gái thần làm vợ rồi giả mạo trạng nguyên, làm quan từ bấy đến nay. Thật là tai họa ghê gớm của gia đình thần, xin bệ hạ cho mang quân tới tiêu trừ giặc cướp”.

Lại nói, Lưu Hồng còn đang mơ mơ màng màng bỗng nghe tiếng trống chiêng inh ỏi, quan quân bất ngờ ập vào tư thất khiến y không kịp trở tay. Ân tiểu thư biết cha mình đã trừ được thằng giặc, trong lòng không còn vương vấn nên treo cổ tự tử. May nhờ có Huyền Trang chạy vào cởi dây cứu mẹ, lại thêm Ân thừa tướng khuyên giải, tiểu thư mới giữ được tính mạng.

Tiểu thư nói: “Gái chính chuyên chỉ có một chồng. Chồng con đã bị giặc giết, con còn mặt mũi nào mà theo giặc? Chỉ vì cái thai trong bụng nên con đành nhẫn nhục sống qua ngày. Nay may mắn cháu đã khôn lớn, lại được cha tới báo thù cho chồng con, con hổ thẹn với lòng mình nên muốn tìm đến cái chết để báo tạ chồng con mà thôi!”.

Thừa tướng nói: “Con chỉ là bất đắc dĩ chứ không phải vì cơn thịnh suy mà đổi tiết, có gì phải hổ thẹn!”, rồi ôm con gái an ủi một hồi lâu.

Sau đó, thừa tướng cùng với tiểu thư và Huyền Trang đến bến sông Hồng Giang, lập bàn thờ tế vong linh Quang Nhị. Tiếng khóc thảm thiết trên sông làm kinh động thủy phủ. Long vương lập tức sai nguyên soái ba ba đi mời Quang Nhị đến và nói: “Xin chúc mừng ngài được trở lại dương gian, nay tôi xin tặng ngài một viên ngọc Như Ý, một chiếc đai ngọc Minh Châu cùng với lễ vật gọi là tiễn chân. Hôm nay gia đình ngài sẽ được đoàn viên gặp gỡ”.

Bỗng đâu trên sông nổi lên một xác người trôi dạt vào bờ, thân thể dần dần cử động rồi đột nhiên ngồi dậy. Quang Nhị mở mắt nhìn thấy Ân tiểu thư, Ân thừa tướng và một nhà sư trẻ đang sụt sùi khóc than. Người đã chết vì sao sống lại? Quang Nhị kể: “Khi còn trọ ở điếm Vạn Hoa, tôi từng phóng sinh một con cá chép vàng xuống sông, không ngờ con cá ấy là Long Vương xứ này. Ngài đã giữ hồn và xác tôi ở long cung, nay lại sai trả hồn cho tôi được sống lại. Tôi không ngờ nàng đã sinh hạ con trai và được cả nhạc phụ báo thù cho, thật là hết ngày khổ tận đến thì cam lai, không còn gì vui bằng!”.

Sau đó Quang Nhị và Huyền Trang đến điếm Vạn Hoa tìm bà Trương Thị. Quang Nhị nhìn thấy mẹ già, vội vàng quỳ xuống lạy. Mẹ con ôm nhau khóc lóc hồi lâu, kể lể chuyện xưa hết một lượt, đoạn trả tiền trọ cho Tiểu Nhị rồi lên đường về thẳng kinh đô.

Mấy hôm sau, Ân thừa tướng lên triều tâu rõ mọi chuyện cho hoàng đế biết. Đường Thái Tông chuẩn tấu, thăng cho Quang Nhị chức Học sĩ tại triều đình, còn Huyền Trang quyết chí tu hành nên được đưa tới chùa Hồng Phúc. Từ đây, Ân tiểu thư lại xênh xang hạnh phúc, còn Huyền Trang cũng không quên trở về chùa Kim Sơn báo đáp trưởng lão Pháp Minh.

Vì sao Ân tiểu thư lại tự vẫn? Người xưa tin vào nhân nghĩa lễ trí tín, tiêu chuẩn đạo đức rất cao, nhất là về quan hệ phu thê. Ân tiểu thư mười mấy năm bị bức bách, phải làm vợ thằng giặc, lại xót xa nghĩ đến oan hồn người chồng lạnh lẽo dưới lòng sông, trong tâm không khỏi cảm thấy nhục nhã ê chề. Hơn nữa, đây cũng có thể đây là khổ nạn Thần Phật an bài để nàng vừa hoàn trả nghiệp duyên, lại vừa hoàn thành sứ mệnh mà trời xanh phó thác.

Đại Đường Thái Tông xuất bảng chiêu tăng, tuyển chọn được pháp sư Huyền Trang (Ảnh: “Đỉnh tuyên kinh bản toàn tượng Tây Du Ký”)

Đại hội thủy lục, hỏi ai Kim Thiền?

Tại kinh đô Trường An, Thái Tông hội họp văn võ bá quan, lập đàn chay “Đại hội thủy lục” siêu độ cho những cô hồn dưới âm phủ, đồng thời treo bảng chiêu tăng, tìm trong thiên hạ một vị cao tăng đại đức, cuối cùng chọn được một tăng nhân đức hạnh cao dày. Vị ấy là ai? Có bài thơ rằng:

Linh thông xưa vốn Kim Thiền,
Vô tâm chẳng chịu nghe truyền Phật kinh.
Nên bị đày xuống thế gian,
Giáng sinh thế tục tai ương vô vàn.
Đầu thai đã gặp nguy nan,
Còn trong bụng mẹ mắc đường đảng gian.
(...)
Xưa con Phật, nay Giang Lưu,
Trần Huyền Trang ấy sáng lòa pháp danh.

Những cơ cực mà Huyền Trang phải trải qua trong 18 năm đầu đời cũng là bốn kiếp nạn đầu tiên trong 81 nạn được ghi chép trong cuốn sổ của Bồ Tát:

Nạn thứ nhất: Kim Thiền bị biếm.
Nạn thứ hai: Đẻ ra suýt chết.
Nạn thứ ba: Cách ngày quăng sông.
Nạn thứ tư: Tìm mẹ báo oan.

Lại nói, trong “Tây Du Ký” hồi thứ 100, khi thầy trò Đường Tăng đã đến Linh Sơn đất Phật, diện kiến Như Lai, Phật Tổ nói: “Này thánh tăng, kiếp trước nhà ngươi là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi Kim Thiền Tử. Chính vì nhà ngươi không chịu nghe thuyết Pháp, coi thường đạo giáo của ta, nên ta đày linh hồn nhà ngươi xuống cõi phương Đông. Nay mừng nhà ngươi đã quy y, giữ đạo sa môn, tuân theo giáo lý của ta, đi thỉnh chân kinh có nhiều công quả, vậy ta gia phong cho chính quả chức to là Chiên Đàn Công Đức Phật”.

Câu chuyện trên đã chỉ rõ rằng: Đường Tăng vốn là đệ tử thứ hai của Đức Phật Thích Ca, tên là Kim Thiền Tử (金蟬子). Nhưng trong lịch sử, đệ tử thứ hai của Phật Thích Ca Mâu Ni lại là Mục Kiền Liên, hơn nữa trong số các đệ tử còn lại cũng không có ai tên là Kim Thiền Tử.

Vậy Kim Thiền Tử thực chất là ai? Vì sao phải chuyển sinh xuống phương Đông?

Trong tiếng Hán, “Kim Thiền” (金蟬) nghĩa là con ve sầu, tên gọi Kim Thiền Tử là mượn ý trong câu “Kim thiền thoát xác” (ve sầu lột xác). Giống như một người tu luyện cần phải không ngừng tẩy tịnh thân tâm, đề cao tầng thứ, khi đạt đến cảnh giới viên mãn đắc Đạo thì cũng là lúc trút khỏi xác phàm, đắc được Phật thân. Đó chính là ý nghĩa của cái tên “Kim Thiền Tử”, cũng là chính là đích đến của hành trình sang Tây Trúc của Đường Tăng.

Câu chuyện trên cũng tiết lộ với chúng ta rằng: Từ việc Kim Thiền Tử chuyển sinh vào Đông Thổ, cho đến an bài của Phật Tổ cùng với hết thảy những khổ nạn trên đường đều là để thực hiện Thiên mệnh, hay nói cách khác: Đường Tăng sinh ra là để lấy chân kinh.

Minh Hạnh
Theo Lâm Tĩnh Tâm - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Lai lịch Đường Tăng: Sinh ra là để lấy chân kinh