Làm ơn nên oán muốn trả thù, lòng sinh thiện niệm đổi số phận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguyên Tự Thực kiếp trước là hàn lâm học sĩ, khi tại vị thì tự cao tự ngạo, không dạy dỗ truyền thụ cho hậu sinh, cho nên kiếp này chịu cảnh ngu si không biết chữ; tự cho mình ở tước vị cao sang, mà không thèm kết giao tiếp đãi với người, nên kiếp này phải phiêu bạt lang thang không chốn nương thân

Cuối thời Nguyên có một vị tên Nguyên Tự Thực, người Sơn Đông, thật thà chậm chạm, không biết bút nghiên, nhưng gia cảnh gia đình giàu có đủ đầy, sống nhờ nguồn thu nhập từ ruộng đất, trang viên. Đồng hương nơi ấy có một vị tên Mậu Tài, được trao chức quan ở Phúc Kiến, do thiếu lộ phí đi nhậm chức nên tới gặp Nguyên Tự Thực hỏi vay hai trăm lạng bạc. Do họ là bạn bè thân thiết, nên Nguyên Tự Thực giao tiền đủ số mà không cần viết giấy giao kèo.

Đồng hương vay tiền không trả

Những năm cuối niên đại Chí Chính triều Nguyên, Sơn Đông đại loạn, gia tài Nguyên Tự Thực bị cướp sạch, phút chốc tay trắng. Khi ấy dải Phúc Kiến thì vẫn an bình, nên Nguyên Tự Thực dắt díu vợ con đi đến Phúc Châu, định nương nhờ Mậu Tài. Tới Phúc Châu hỏi thăm, được biết Mậu Tài là quan chấp chính, quyền lực trong tay, nhà cửa hiển hách. Nguyên Tự Thực rất đỗi vui mừng, nhưng đang vào cảnh khổ, thêm đường xa lặn lội áo quần rách bươm, nên không dám đi gặp ngay. Ông thuê nhà trọ, thu xếp cho vợ con rồi sửa sang quần áo, chọn lựa ngày tốt để đi gặp bạn.

May sao lại gặp ngay Mậu Tài trên đường, liền xin dừng ngựa gặp. Mới đầu Mậu Tài dường như không nhận ra, đến khi nghe địa danh quê quán cùng tên họ thì kinh ngạc xin lỗi, rồi mời ông về nhà, lấy lễ chủ khách tiếp đãi. Sau khi trà cạn, liền tiễn khách về.

Hôm sau, Nguyên Tự Thực lại tới Mậu phủ, chỉ được đãi vài chén rượu nhạt, dăm bát trà thô, hoàn toàn không có chút thịnh tình lưu luyến, cũng không có nhắc tới hai trăm lạng bạc vay trước đây. Nguyên Tự Thực buồn bã quay về lữ xá, vợ con ai oán: “Ông không quản đường xa vạn dặm tới nương dựa bạn thân sao? Nay vì ba chén rượu nhạt mà không cất nổi lời, nhà mình còn hy vọng gì nữa đây!”

Cực chẳng đã, ngày thứ ba ông đành đến Mậu phủ xin gặp, nhưng Mậu Tài lúc này tỏ ra chán ghét, Nguyên Tự Thực đang định mở lời, thì Mậu Tài vội nói: “Khi xưa nhờ ơn ông cho vay tiền làm lộ phí, tôi luôn ghi khắc trong tâm, đâu dám quên; chẳng qua là quan lộ eo hẹp, lương bổng không nhiều, nhưng nay bạn cũ đến từ phương xa, lẽ nào dám cô phụ ân đức ấy? mong bạn hãy đưa giấy biên nhận, tôi sẽ trả đúng theo số nợ ghi trên giấy.”

Nghe những lời này, Nguyên Tự Thực lo lắng bảo: “Tôi và ông là đồng hương, chơi với nhau thân thiết từ nhỏ, chu cấp cho ông lúc ông gặp khó khăn, đâu có cần giấy tờ văn tự gì, nay sao ông có thể nói ra những lời như thế?”

Mậu Tài nghiêm mặt đáp: “Xác thực là có giấy nợ, chỉ e binh lửa thất lạc, nhưng không có giấy ghi nợ cũng không sao cả, chỉ mong ông rộng lượng gia hạn thêm, để tôi cố gắng thu xếp trả sau”.

Nguyên Tự Thực nghe vậy đành ra về, trong lòng chê trách Mậu Tài xảo trá cuồng vọng, vong ân phụ nghĩa. Nửa tháng sau, Nguyên Tự Thực lại đến, Mậu Tài lại dùng lời xảo biện, không trả nợ một xu, cứ như vậy đùn đi đẩy lại kéo dài nửa năm.

Đói rét khốn cùng

Nơi ấy có một ngôi chùa nhỏ nằm giữa đoạn đường đến nhà Mậu Tài, nên ông Nguyên thường tới đó nghỉ chân. Cụ trụ trì chùa là một người tu luyện tên là Hiên Viên, thấy Nguyên Tự Thực đi qua đi lại, lâu dần thành quen. Đông về giá lạnh, lại dịp cuối năm, Nguyên Tự Thực ở cảnh cực điểm khốn quẫn, đành phải tới nhà Mậu Tài kêu khóc: “Năm sắp hết rồi, vợ con nheo nhóc đói rét, trong túi chẳng còn lấy một xu, chum gạo chẳng dư nấu bát cháo. Khoản nợ năm xưa, nay tôi cũng chẳng dám đòi, chỉ xin ông rủ lòng thương xót!” - Nói xong quỳ xuống rập đầu.

Mậu Tài nâng ông dậy, bấm đốt tay tính ngày, rồi bảo: “Mười ngày nữa là đêm giao thừa, ông cố gắng ở nhà mà đợi, tôi có lương bổng sẽ chia cho ông hai thạch gạo, hai đĩnh bạc, phái người phi ngựa tới đưa để ông kịp chi dùng năm mới, hy vọng ông không chê ít.” - Rồi còn dặn đi dặn lại, chỉ cần ở nhà ngồi đợi, không cần ra ngoài ngóng trông.

Đĩnh bạc Phúc Thọ triều Thanh (Miền công cộng)

Nguyên Tự Thực cảm kích ra về. Tới nhà dùng lời của Mậu Tài vừa nói để an ủi vợ con. Đến hôm ấy, cả nhà ngồi ngóng. Nguyên Tự Thực ngồi ngay ngắn trên giường, phái đứa nhỏ ra cổng làng thăm dò. Lúc sau, cậu bé chạy về nói: “Có người cõng gạo tới rồi!”

Nguyên Tự Thực vội ra cửa đón, ai ngờ người ấy đi qua cửa nhà ông mà chẳng ngó vào, Nguyên Tự Thực cho là họ nhầm nhà, liền chạy theo để hỏi, người kia đáp: “Đây là lương thực của Trương viên ngoại gửi cho thầy dạy học.

Ông đành cúi mặt lặng lẽ quay về. Lúc sau, con trẻ lại chạy về báo: “Có người mang tiền đến rồi kìa!”

Nguyên Tự Thực lại vội ra đón, người kia đi qua nhà họ mà chẳng rẽ vào, đuổi theo hỏi thì được biết: “Đây là tiền của Lý huyện lệnh tặng cho bạn ông lúc chia tay.”

Nghe xong lời ấy ông thấy ngại ngùng thất vọng, cứ như thế mấy lần, cho đến tận tối mịt vẫn biệt vô âm tín.

Thiện niệm vừa xuất, phúc Thần giáng lâm

Hôm sau là ngày đầu năm mới, Nguyên Tự Thực bị Mậu Tài lừa hết lần này đến lần khác, trong nhà không còn hạt gạo, bó củi, vợ con kêu khóc.

Nguyên Tự Thực phẫn hận không chịu nổi, âm thầm mài một thanh đao sắc, ngồi đợi trời sáng. Tới khi gà gáy, dứt trống sang canh, ông chạy một mạch đến Mậu phủ, định đợi Mậu Tài xuất hiện sẽ đâm chết. Lúc này, trời chưa sáng rõ, trên đường không có người đi, chỉ có am nhỏ ven đường sư cụ Hiên Viên châm nến tụng kinh. Cụ nhìn thấy Nguyên Tự Thực đi qua, phía sau có mấy chục quỷ hồn hình thù kỳ quái theo sau, đứa mang kiếm, kẻ xách trùy, đầu bù tóc xõa, trông rất hung hãn.

Lúc lâu sau, Nguyên Tự Thực quay lại. Sư cụ nhìn thấy phía sau là trăm vị đầu đội mũ vàng, thân mang ngọc bội, cờ phướn che rợp, có vị cầm cờ sắc mặt vui tươi hòa nhã, dáng vẻ du nhàn. Cụ Hiên Viên thấy khó hiểu, nên tụng kinh xong đi tìm Nguyên Tự Thực hỏi rõ ngọn ngành. Sư ông nói: “Sáng sớm nay, ông đi đâu vậy? Tại sao khi đi thì vội vã hấp tấp, còn khi về lại thong thả ung dung? Nhờ ông nói rõ tôi nghe.

Nguyên Tự Thực không dám giấu giếm, kể hết: “Mậu Tài vong ân bội nghĩa, làm nhà tôi khốn đốn cùng cực. Sáng sớm nay, xác thực là tôi giấu dao đã mài sắc bén, đi tìm nó để giết cho hả giận. Đến cửa nhà hắn, tôi chợt nghĩ: Hắn xác thực là có tội với mình, nhưng vợ con hắn thì đâu có tội gì? Thêm nữa hắn còn mẹ già cần phụng dưỡng, nếu hôm nay giết hắn, thì cả nhà hắn sẽ biết dựa vào đâu?Thôi, thà để người ta phụ mình, chứ mình không thể phụ người. Thế là tôi nuốt giận quay về.”

Sư ông nghe xong, chúc mừng: “Ông làm như vậy sẽ có hậu phúc, bởi vì Thần minh đã biết việc này.”

Nguyên Tự Thực hỏi lý do, ông Hiên Viên trả lời: “Khi ông xuất ác niệm, ác quỷ liền tới ngay; lúc thiện niệm vừa sinh, phúc Thần liền giáng lâm. Đây cũng như là bóng với hình, như tiếng vọng của âm thanh mà khởi tác dụng. Do vậy cần nhớ, ngay trong phòng tối, hoặc lúc vội vàng, chớ có khởi tâm độc ác, mà làm tổn hao đức hạnh.

Và sư ông kể lại hết những gì ông nhìn thấy cho Nguyên Tự Thực nghe, vỗ về an ủi rồi trợ giúp chút tiền cho qua cơn nguy khốn. Ai ngờ, tối hôm ấy phát sinh sự việc, Nguyên Tự Thực bị rơi xuống giếng.

Kiếp trước hàn lâm, kiếp này mù chữ

Lại nói lúc rơi xuống giếng, bỗng thấy nước giếng tách ra, hai bên vách đá cao vút, nhẵn như dao cắt, ở giữa có một con đường nhỏ chỉ vừa người đi. Nguyên Tự Thực men theo vách đá, khoảng trăm bước thì hết đường đi, vách núi cũng tận, xuất hiện một hang động rộng rãi, đất trời mênh mông, nhật nguyệt cùng chiếu, hiển nhiên là một thế giới khác.

Nguyên Tự Thực tiến vào trong động, không lâu thấy một tòa đại điện, phía trên đề bốn chữ lớn bằng vàng “Tam Sơn Phúc Địa”. Ông ngắm nhìn rồi đi tiếp vào trong cung điện, chỉ thấy hành lang dài vắng lặng, trên điện chẳng khói hương. Ông dùng dằng chưa bước, nhìn bốn xung quanh, không một bóng người, chỉ nghe tiếng chuông tiếng khánh, vọng lại từ mây khói xa xa. Nguyên Tự Thực lúc này đói quá, không nhấc nối chân, nên ngủ gục bên bệ đá.

Bỗng nhiên xuất hiện một vị Đạo sĩ khoác áo bào xanh, đến trước mặt Nguyên Tự Thực, đánh thức ông dậy rồi hỏi: “Vị hàn lâm đã hiểu được cảm giác xa nhà là thế nào rồi chứ?”

Nguyên Tự Thực chắp tay đáp: “Cảnh xa quê tôi đã nếm trải nhiều, nhưng ngài gọi tôi là ‘hàn lâm’ thì do duyên gì vậy?”

Đạo sĩ trả lời: “Lẽ nào ông đã quên việc khởi thảo Tây Phiên chiếu thư ở điện Hưng Thánh rồi sao?”

Nguyên Tự Thực đáp: “Tôi chỉ là một thường dân người Sơn Đông, tuổi vừa 40, chẳng biết một chữ, bình sinh chưa từng qua kinh thành, sao có chuyện khởi thảo chiếu thư gì đó?”

Đạo sĩ nói: “Có lẽ do bị cơ hàn bức bách, nên ông không có thời gian nhớ lại chuyện xưa.”

Thế là Đạo sĩ lấy trong tay áo ra mấy quả lê, táo cho Nguyên Tự Thực ăn: “Đây là Giao lê, Hỏa táo, ăn vào có thể nhớ lại được những sự tình quá khứ.”

Ăn xong, Nguyên Tự Thực thấy tỉnh táo lạ thường, nhớ lại tiền kiếp khi là hàn lâm học sĩ, việc khởi thảo Tây Phiên chiếu thư bên điện Hưng Thánh ở kinh thành cứ như mới xảy ra hôm qua. Ông bèn hỏi đạo sĩ: “Tôi kiếp trước đã phạm tội gì mà kiếp này chịu báo ứng như vậy?”

Đạo sĩ trả lời: “Ông không có tội gì lớn, chỉ là khi đương chức, ông cho mình là tài văn mà tự cao tự ngạo, không dạy dỗ bồi dưỡng hậu thế, nên kiếp này phải chịu cảnh mù chữ; cho mình ở ngôi cao tước vị, không kết giao tiếp đãi bạn bè, nên kiếp này phải chịu cảnh phiêu bạt lang thang không chốn nương thân.”

Nguyên Tự Thực gặp một vị Đạo sĩ nơi Tiên cảnh, Đạo sĩ cho ông thấy kiếp trước, để ông hiểu đạo lý nhân quả báo ứng. Tranh Minh Cừu Anh phỏng “Luyện đan đồ” của Triệu Bá câu. (Miền công cộng)

Dự ngôn Đạo sĩ, tất cả ứng nghiệm

Nghe xong, Nguyên Tự Thực còn chỉ trích quan lại khi xưa: “Kẻ đó thân là Thừa tướng, nhưng tham lam vô đáy, công nhiên hối lộ, thì hắn chịu báo ứng gì?”

Đạo sĩ đáp: “Kẻ đó là Vô Yếm quỷ vương, dưới địa ngục có 10 lò nung đốt tài sản bất minh của hắn, nay phúc phận của hắn đã hết, nên đang bị chịu cảnh tù đày tai họa.”

Nguyên Tự Thực lại hỏi: “Người kia thân là bình chương - chức quan cao ngất, nhưng không ước thúc quân binh, sát hại lương dân, hắn chịu báo ứng gì?”

Đạo sĩ nói: “Người ấy là Đa Sát quỷ vương, có ba trăm quỷ binh đầu đồng trán sắt hỗ trợ hắn làm càn. Nay mệnh vận hắn đã suy kiệt, sẽ bị họa nát thân.”

Nguyên Tự Thực hỏi tiếp: “Người nọ làm giám ngục, nhưng trông coi không nghiêm túc, kẻ kia thân là quận thú, nhưng thuế khóa lao dịch không công bằng, vị kia làm tuyên úy sứ, nhưng chẳng thấy làm gì, vị nọ làm kinh lược sứ, nhưng cũng chẳng làm việc kinh lược, những người như vậy thì nên chịu báo ứng gì?”

Đạo sĩ nói: “Những kẻ đó gông cùm đã khoác lên thân, xích sắt đã vòng quanh cổ, như đống thịt thối, như nắm xương tàn, đơn giản chỉ là lũ quỷ sống chờ bị giết, đâu có đáng phải suy đoán!”

Nguyên Tự Thực nhân tiện hỏi về khoản vay của Mậu Tài. Đạo sĩ nói: “Người ấy là người coi kho của Vương tướng quân, tài vật đâu có thể tùy ý mà loạn dùng được?”

Đạo sĩ nói tiếp: “Không đầy ba năm nữa, thế gian có biến động lớn, đại tai họa sẽ giáng xuống, rất đáng sợ. Ông nên tìm chỗ mà trú thân, nếu không sẽ bị liên đới, chịu tai ương.”

Nghe xong, Nguyên Tự Thực khẩn cầu Đạo sĩ chỉ cho nơi trú thân tránh họa. Đạo sĩ bảo: “Phúc Thanh khả dĩ.” (Phúc Thanh tạm ổn)

Đạo sĩ lại nói tiếp: “Bất như Phúc Ninh.” (không bằng Phúc Ninh.)

Rồi Đạo sĩ bảo: “Ông ở đây đã lâu rồi đó, người nhà đang ngóng trông, bây giờ có thể về được rồi!”

Nguyên Tự Thực nói là không biết đường về, Đạo sĩ liền chỉ đường cho. Nguyên Tự Thực vái chào Đạo sĩ rồi đi tiếp khoảng hai dặm, thì thấy một lối ra sau núi.

Về tới nhà thì thấy: Cảnh Tiên chưa quá một ngày, cõi trần sáu tháng đã trôi qua rồi. Nguyên Tự Thực tin lời Đạo sĩ, vội chuyển cả nhà đến Phúc Ninh, ra sức khai khẩn nuôi thân. Một ngày, khi đang cày thì nghe thấy tiếng ‘keng’ dưới đất, đào lên được bốn đĩnh bạc, gia cảnh từ ấy an khang đủ đầy. Sau đó thiên hạ đại loạn, rất nhiều quan lại bị cướp giết, còn Mậu Tài bị Vương tướng quân giết, gia tài tất cả bị Vương tướng quân thu hết. Tính ngày đếm tháng vừa vặn ba năm, dự ngôn của đạo sĩ hoàn toàn ứng nghiệm.

Nguyên Tự Thực do không thấy được quan hệ nhân duyên, lại chịu nhiều khổ sở, nên chút nữa thì giết Mậu Tài, sau đó hồi tâm chuyển ý, lòng sinh thiện niệm. Nhìn quá trình ấy từ không gian khác: Động ác niệm thì có ác quỷ đi theo; sau khi bỏ ác niệm thì thiện niệm sinh, có ngay Phúc Thần phù hộ, cuối cùng đắc phúc báo, toàn gia an bình trong thời loạn thế. Cổ nhân có câu rằng: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri.” (Nhân tâm sinh một niệm, cả Trời Đất đều hay), thật đúng như vậy đó!

(Nguồn tư liệu: “Tiễn đăng tân thoại”)

Theo Cảm Ân - Epochtimes

Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Làm ơn nên oán muốn trả thù, lòng sinh thiện niệm đổi số phận