Làm thơ thay đổi được vận số? Bị trượt trạng nguyên, được ban vợ hiền.

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triều Tống là một thời đại của rất nhiều tao nhân mặc khách, phong lưu nho nhã, tình thơ ý họa, lưu lại nhiều giai thoại văn đàn. Có Tống Kỳ với danh hiệu ‘Hồng hạnh thượng thư’, vận mệnh truyền kỳ của ông được quyết định chỉ bởi 2 bài thơ.

Tống Kỳ cùng người anh Tống Tường được mệnh danh là ‘Đại tiểu Tống’(anh em nhà họ Tống), đều là đại quan triều đình Bắc Tống, cũng là những đại văn học gia có văn phong rực rỡ một thời. Khi còn là dân thường, họ được Hạ Tủng - trưởng quan địa phương, cũng là thầy dạy của Tống Nhân Tông rất xem trọng. Một lần, Hạ Tủng ra đề ‘Lạc hoa thi’ (thơ hoa rụng), để anh em ‘Đại tiểu Tống’ ứng tác ngay tại đó.

Trong bài thơ của Tống Tường có câu: ‘Hán Cao bội giải lâm giang thất, kim cốc lầu nguy đáo địa hương’.

Tạm dịch: Đài cao trao ngọc ra sông mất, lầu vàng tuẫn tiết tiếp đất thơm.

Câu thơ này nói về 2 điển tích. Điển tích 1 là: Trịnh Giao Phủ thời nhà Chu đến dưới đài Hán Cao thì thấy 2 cô gái, mỗi người đeo 2 viên trân châu. Họ Trịnh xin 2 cô tặng trân châu, hai cô tháo ngọc trao cho họ Trịnh. Họ Trịnh cất vào trong ngực, đi được 10 bước thò tay vào ngực thì không thấy ngọc đâu nữa, quay lại nhìn thấy 2 cô gái cũng biến mất.

Điển tích 2 là: Ca kỹ của Thạch Sùng thời Tấn là Lục Châu có sắc đẹp lại giỏi thổi sáo. Tôn Tú sai người đến cầu xin, Thạch Sùng từ chối nên bị Tôn Tú thù, và bị bắt. Lục Châu tự trách tội mình rồi nhảy lầu tự sát.

Bài thơ của Tống Kỳ cũng có câu: ‘Tương phi cánh tác hồi phong vũ, dĩ lạc do thành bán diện trang.

Tạm dịch: Hồi phong điệu múa rơi nền; Rụng rồi còn điểm nửa thềm cánh hoa.

Ngày nay khi xem những dòng thơ ấy, chúng ta có thể cảm nhận: Anh em họ viết đều rất tài tình, thật khó mà bình luận ai hơn?

Khi đó, Hạ Tủng có lời bình: ‘Trò anh vịnh hoa rụng, nhưng không tả trực tiếp cảnh hoa rơi, có thể thấy được phẩm đức cao thượng trong đó, tính cách trầm ổn. Sau này nhất định đỗ trạng nguyên Đại Tống, còn có thể làm đến chức tể tướng.’

Rồi ông quay sang người em nói tiếp: ‘Tiểu Tống là em mà, tuy không bằng được anh, nhưng sau này cũng làm cận thần bên hoàng đế!’

Chân dung Tống Tường (baidu)

Vừa vặn, năm ấy hai anh em cùng tham dự khoa cử. Triều đình vốn ban đầu địch để Tống Kỳ đỗ đầu bảng, Tống Tường xếp thứ ba. Nhưng Thái hậu đương triều cho là phải theo thứ tự trưởng ấu, không thể mang em đặt trước anh. Các quan đại thần phụng mệnh sắp xếp lại, thế là Tống Kỳ xếp thứ mười, Tống Tường lên đầu bảng, trở thành Trạng nguyên.

Kỳ thực, nhìn từ lần sắp đặt xướng danh đầu tiên, tài học của hai anh em thật khó phân cao thấp, nhưng cổ nhân coi trọng luân lý đạo đức, nên mới đặt tên anh lên trước. Về sau, Tống Tường làm tới Tể tướng, Tống Kỳ làm tới Thượng thư. Sao lời bình của Hạ Tủng lại linh nghiệm vậy? Đại để đó chính như câu mà người ta thường bảo: ‘Văn như kỳ nhân’ (văn sao người vậy), đâu có gì lạ!

Người anh ở triều đình giúp vua trị lý quốc gia, người em Tống Kỳ ngoài việc quan, thời gian còn lại chuyên chú thơ văn, ngày càng tiến xa, sáng tác ra nhiều tác phẩm hay, được lưu truyền khắp. Trong đó có một bài thơ, giúp ông kết nên mối nhân duyên tốt đẹp.

Khi Tống Kỳ đảm nhiệm chức Hàn lâm học sĩ, có một ngày trông thấy xe ngựa hoàng cung đi qua. Trong đoàn xe ấy, có một cung nữ kéo rèm nhìn ra. Cô nhìn thấy Tống Kỳ rồi bất chợt reo vui: ‘Tiểu Tống!’ Tống Kỳ chưa kịp đáp lời thì xe đã đi xa.

Rồi từ buổi ấy, bóng hình kiều diễm của cung nữ cứ vương vấn trong tâm, nhưng nàng ở nơi thâm cung, là người của Hoàng đế, chàng là bề tôi, chớ nói chuyện yêu đương, đến ngay việc trông thấy nhau cũng là việc khó hơn lên trời rồi. Tống Kỳ tương tư trăn trở, viết ra bài thơ chứa đựng thương cảm triền miên “Giá cô thiên” (Tên một thể loại từ khúc. Giá cô: chim đa đa, thường dùng trong thơ văn ẩn dụ niềm thương nhớ), đoạn kết có câu: ‘Lưu lang dĩ hận Bồng sơn viễn, cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng.

Tạm dịch:

Chàng Lưu xưa hận Bồng Lai thẳm
Nàng cách Bồng Lai mấy vạn trùng

Tống Nhân Tông thấu tỏ, tác thành mối lương duyên cho Tống Kỳ và cung nữ, tranh vẽ Ban Cơ, phỏng theo tác phẩm của Cừu Anh “Thiên thu tuyệt diễm đồ”, (không có tên tác giả). (Miền công cộng)

Tiểu Tống hạ bút, tất thành tuyệt phẩm. Bài thơ rất nhanh được lưu truyền ngâm vịnh khắp kinh thành, thậm chí lọt vào cung đình. Tống Nhân Tông vừa nghe, đã thấu tỏ tâm tư của Tống Kỳ. Ông ví hoàng cung như núi Bồng Lai xa vời vợi, biểu đạt nỗi nhớ nhung tha thiết của lứa đôi khi ngàn dặm cách ngăn.

Thế nhưng, kẻ nào dám cả gan thầm thương trộm nhớ cung nữ của nhà vua, đây chẳng phải phạm tội khi quân sao, hoàng đế có thể bỏ qua sao?

Quả nhiên Tống Nhân Tông bảo: ‘Là cung nữ trong xe đó, đã gọi tên Tiểu Tống có phải không?’

Cung nữ đành lấy hết can đảm thừa nhận, do trong một hội yến trước đây, cô từng nhìn thấy vị hàn lâm học sĩ, quần thần xung quanh gọi ông là Tiểu Tống. Ai hay, khi trên đường lại bắt gặp bóng hình, bất giác thốt lời gọi tên.

Tiếp đó, Tống Nhân Tông cho mở yến tiệc, cho mời Tống Kỳ tham dự, còn làm như vô ý mà cho tấu khúc “Đa đa thiên”. Tống Kỳ nghe xong bàng hoàng, lẽ nào Hoàng đế cho bày Hồng Môn yến, để hỏi tội mình sao? Ông cảm thấy đại họa đang đến gần, vội vàng quỳ xuống chịu tội.

Tống Nhân Tông lại cười đùa bảo: ‘Bồng Lai tuy xa, nhưng hôm nay lại rất gần khanh đó!’

Vua nói xong liền mang cung nữ ấy ban cho Tống Kỳ, thành tựu mối lương duyên cho hai người. Đây thật đúng như câu nói cổ xưa “Quân tử thành nhân chi mỹ” (Bậc quân tử thành tựu điều tốt đẹp cho người)!

Tống Nhân Tông. (Miền công cộng)

Tống Kỳ tuy không đạt được danh vị Trạng nguyên, lại có được một duyên kỳ ngộ, đủ để cho văn nhân hậu thế tấm tắc tán thưởng mãi không thôi. Thực ra, không chỉ có văn nhân triều Tống phong nhã lãng mạn, mà hoàng đế Tống triều cũng hết sức cao minh nhân từ!

Chúng ta cùng thưởng ngẫm hai bài thơ của Tống Kỳ để thấy sự tinh tế tao nhã của cổ nhân:

Lạc hoa

Trụy tố phiên hồng các tự thương, thanh lâu yên vũ nhẫn tương vong.
Tương phi cánh tác hồi phong vũ, dĩ lạc do thành bán diện trang.
Thương hải khách quy châu hữu lệ, chương đài nhân khứ cốt di hương.
Khả năng vô ý truyền song điệp, tận phó phương tâm dữ mật phòng.

Tạm dịch:

Tả tơi cánh trắng cánh hồng
Lầu cao mưa khói mịt mùng lãng quên
Hồi phong điệu múa rơi nền
Rụng rồi còn điểm nửa thềm cánh hoa
Khách về biển biếc lệ nhòa
Chương Đài người khuất xương hòa hương thơm
Vô tình đôi bướm chập chờn
Tấm lòng son sắt vẫn còn ngát hương

Đa đa thiên

Họa cốc điêu yên hiệp lộ phùng, nhất thanh trường đoạn tú liêm trung.
Thân vô thải phụng song phi dực, tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
Kim tác ốc, ngọc vi lung, xa như lưu thủy mã du long.
Lưu Lang dĩ hận bồng sơn viễn, cách cách bồng sơn kỷ vạn trùng.

Tạm dịch:

Lọng hoa xe gấm đường mòn gặp
Tiếng gọi đứt ruột vọng sau rèm
Bóng hình chim phượng tung đôi cánh
Tâm linh nhất động kết liên thông
Lầu vàng gác tía giữ người ngọc
Xe như nước chảy ngựa như rồng
Chàng Lưu xưa hận Bồng Lai thẳm
Nàng cách Bồng Lai mấy vạn trùng

(Tài liệu tham khảo: Tống Sử, Thi Thoại Tổng Quy, Hoa Am Từ Soạn)

Liễu Địch - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

 

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Làm thơ thay đổi được vận số? Bị trượt trạng nguyên, được ban vợ hiền.