Lão hòa thượng bị bức hại đến chết, trần duyên chưa hết tạm trở lại nhân gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hòa thượng Hư Vân còn chưa nghe xong Bồ Tát Di Lặc thuyết Pháp thì Bồ Tát Di Lặc đã chỉ vào ông và nói: "Ngươi cần phải trở về!". Hòa thượng Hư Vân trả lời: "Đệ tử nghiệp chướng sâu nặng, không muốn trở về!". Di Lặc còn nói: "Ngươi nghiệp duyên chưa hết, nhất định phải trở về, sau này lại đến".

Từ xưa đến nay, những người tin vào Thần Phật vẫn chưa bao giờ ngừng khao khát được đặt chân đến Thiên đình, Tiên giới và Phật quốc tịnh thổ. Một số người tu Phật tu Đạo trong quá khứ đã từng du hành đến thiên quốc trong khi thiền định. Hư Vân, vị cao tăng đắc đạo đã trải qua thời kỳ cuối thời nhà Thanh, Trung Hoa Dân Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính là một trong số đó.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) soán đoạt chính quyền vào năm 1949, lão hòa thượng Hư Vân đã 110 tuổi, tu hành tại chùa Vân Môn ở Nhũ Nguyên, tỉnh Quảng Đông. Năm 1951, ĐCSTQ phát động phong trào “trấn áp phản cách mạng”. Sau đó, ngày 24/2, ĐCSTQ lấy danh nghĩa "truy bắt đặc vụ", phái hàng trăm quân cảnh hung hãn xông vào chùa Vân Môn. Họ không chỉ phá hủy mái chính điện của ngôi chùa và tượng Phật Tổ bằng vàng trong chùa mà còn cướp sạch toàn bộ trước tác trong cả cuộc đời của hòa thượng Hư Vân. Hòa thượng Hư Vân và 26 nhà sư khác đã bị giam giữ, bị tra tấn nhiều lần, một trong số họ đã bị đánh đến chết.

Hòa thượng Hư Vân khi ấy đã 112 tuổi vẫn bị đối xử bằng những thủ đoạn tàn khốc, ông bị đánh gãy xương sườn, khiến toàn thân bị tàn phá nghiêm trọng.

Chùa Vân Môn gặp kiếp nạn như vậy liên tục trong ba tháng, sau đó mới được đồng môn trong và ngoài nước giải cứu. Sau đó, hòa thượng Hư Vân đã thuật lại sự việc, được các đệ tử của mình ghi chép lại, rồi bí mật gửi đến Hồng Kông. Khi đó ngoại giới mới biết về sự tàn bạo của ĐCSTQ trong "biến cố Vân Môn". Những ghi chép này hiện đang được bảo tồn tại Đài Loan.

Hòa thượng Hư Vân khi ấy đã 112 tuổi
Hòa thượng Hư Vân. (Ảnh: Wikipedia)

Theo ghi chép, hòa thượng Hư Vân sau khi tra tấn đã rơi vào tình trạng nguy kịch, nhưng ông vẫn kiên trì đả tọa trong suốt 9 ngày liền, mãi cho đến sáng sớm ngày 11/3. Sau đó, ông không thể kiên trì nổi, liền từ từ ngã xuống, nằm trên sập thiền. Các đệ tử chăm sóc ông dùng cỏ đăng thảo để kiểm tra xem mũi ông còn thở hay không, phát hiện ông đã tắt thở. Họ lại bắt mạch trên tay trái và tay phải của hòa thượng Hư Vân, thấy đều không còn đập nữa. Điều bất thường duy nhất là sắc mặt của ông vẫn như bình thường, thân thể vẫn ấm áp.

Đến sáng sớm ngày 12/3, các đệ tử đột nhiên nghe thấy hòa thượng Hư Vân rên rỉ yếu ớt, rồi từ từ mở mắt. Đệ tử nói cho ông biết, ông đã tắt thở một ngày rồi, nhưng hòa thượng Hư Vân lại cảm giác như vừa mới trải qua mấy phút mà thôi. Ông lập tức sai đệ tử ghi chép lại những điều mà ông vừa mới trải qua, đồng thời căn dặn không được tùy tiện nói cho người ngoài biết, để tránh dẫn tới phiền phức.

Hòa thượng Hư Vân nói: "Ta ở trong mộng vừa đi tới cung Đâu Suất (Ghi chú: Trong Kinh Phật giảng Đâu Suất là tịnh thổ của Bồ Tát Di Lặc), nơi đó trang nghiêm mỹ lệ, hết thảy đều không có ở thế gian. Nhưng khi thấy Bồ Tát Di Lặc đang ngồi thuyết Pháp, phía trước có rất nhiều người nghe, trong đó có mười mấy người là ta đã từng quen biết... Ta kính chào họ, họ chỉ chỗ trống ở phía đông sau vị thứ ba, để cho ta ngồi ở đó. Tôn giả A Nan và ta ngồi rất gần. Ta còn chưa nghe xong Bồ Tát Di Lặc thuyết Pháp thì Bồ Tát Di Lặc đã chỉ vào ta và nói: 'Ngươi cần phải trở về!'. Ta trả lời: 'Đệ tử nghiệp chướng sâu nặng, không muốn trở về!'. Di Lặc còn nói: 'Ngươi nghiệp duyên chưa hết, nhất định phải trở về, sau này lại đến' ".

Hòa thượng Hư Vân còn chưa nghe xong Bồ Tát Di Lặc thuyết Pháp
Nhưng khi thấy Bồ Tát Di Lặc đang ngồi thuyết Pháp, phía trước có rất nhiều người nghe, trong đó có mười mấy người là ta đã từng quen biết... (Ảnh qua SOH)

Bất đắc dĩ, hòa thượng Hư Vân từ Phật giới lại trở về đến nhân gian. Cũng chính vì hòa thượng Hư Vân triển hiện Thần tích, khiến đám côn đồ muốn hãm hại ông cũng sinh lòng e ngại, không còn dám hạ độc thủ. Sau khi "biến cố chùa Vân Môn" được ngoại giới biết đến, cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các tôn giáo và hòa thượng Hư Vân cũng vì nhờ thế mà tạm thời dừng lại.

Năm 1952, với mục đích họa loạn tôn giáo, ĐCSTQ thành lập Giáo hội Phật giáo Trung Quốc, cũng truyền tin rằng “mọi người phải được tự do tin theo bất cứ tôn giáo nào, tăng ni nên được tự do lập gia đình, uống rượu, và ăn thịt, không ai nên can thiệp vào những việc này”. Hòa thượng Hư Vân là một trong những người được đề xuất và mời làm Hội trưởng danh dự, nhưng ông đã sớm thừa biết rằng ĐCSTQ chỉ đang lợi dụng bản thân, từ đó khiến các tín đồ đi theo ông chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

Vì để ngăn cản ĐCSTQ họa loạn tôn giáo, một mặt, trong một bức thư gửi tới Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, hòa thượng Hư Vân yêu cầu quy định quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, đồng thời đề nghị không được phá hủy chùa chiền, tượng hoặc kinh sách; Không được phép cưỡng bức tăng ni hoàn tục; Các nhà sư được phân bổ đồng ruộng và tự quản lý bảo vệ chùa chiền.... Mặt khác, ông cự tuyệt đảm nhiệm vị trí Hội trưởng danh dự, đồng thời dẫn các đệ tử của mình đến tu hành tại chùa Chân Như ở Vân Gia Sơn, Giang Tây. Trong thời gian này, ông đã lập nhiều kế hoạch tu bổ chùa chiền, khai khẩn đất hoang, tự cung tự cấp, trồng chè và cây ăn quả…

Trong dân gian có lưu truyền một câu chuyện, kể rằng sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, có một lần ở Vũ Hán, Mao Trạch Đông nghe chuyện kể về hòa thượng Hư Vân, nghe xong thấy rất động tâm, nghĩ ngay đến việc mời Hư Vân hòa thượng đến Vũ Hán, nhưng đã bị Hư Vân cự tuyệt. Hư Vân hòa thượng nói, xưa nay Pháp vương đều cao hơn nhân vương, Mao Trạch Đông cần quy theo, ông ta cần phải đến Nam Hoa. Chuyện này sau đó bị bỏ mặc.

Hư Vân không chỉ cự tuyệt đảm nhiệm chức Hội trưởng hội Phật giáo của ĐCSTQ, hơn nữa còn cự tuyệt gặp Mao Trạch Đông. Năm 1953, lãnh đạo ĐCSTQ mời hòa thượng Hư Vân đến Bắc Kinh phụng dưỡng tuổi già, nhưng ông lúc ấy đã 114 tuổi vẫn cự tuyệt lời mời này, vẫn ở tại Giang Tây cùng các đồ đệ tu hành.

Tháng 10 năm 1959, hòa thượng Hư Vân viên tịch tại chùa Chân Như. Trước khi ông qua đời, chùa Vân Môn lại một lần nữa bị phá hủy, đệ tử của ông, Phương trượng Phật Nguyên bị dán nhãn cánh hữu và bị bỏ tù hơn ba năm. Còn chùa Chân Như và các tăng lữ trong chùa cũng bị phá hủy và bức hại sau khi hòa thượng Hư Vân viên tịch.

An Nhiên
Theo Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Lão hòa thượng bị bức hại đến chết, trần duyên chưa hết tạm trở lại nhân gian