Lão ông du Địa phủ, tận mắt chứng kiến cõi âm tào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thư tịch cổ có câu chuyện kể về một chuyến hành trình đặc biệt dưới âm tào. Do âm sai bắt nhầm người, ông lão được dẫn đi du ngoạn khắp Địa phủ, tận mắt chứng kiến rất nhiều cảnh tượng kỳ lạ. Trải nghiệm của ông được ghi chép trong “Di Kiên Bính Chí”, quyển số 8.

Vào thời Nam Tống, có một vị lão nhân 85 tuổi tình cờ đến thăm Địa phủ. Vị lão nhân này tên là Hoàng Đại Ngôn, là người Phổ Thành, sống ở Quảng Đức Quân (thuộc Giang Nam Đông lộ, Trị Kiến Khang phủ). Vào ngày mồng 4 tháng 11 năm Thiệu Hưng thứ 27 (năm 1157), sau nhiều ngày mắc bạo bệnh mà không có dấu hiệu thuyên giảm, ông Hoàng đã đột ngột từ trần. Trong lúc mơ mơ hồ hồ, ông thấy một vị Hoàng y đồng tử mặc áo vàng đứng ngoài cửa gọi tên ông.

Ông Hoàng theo chân vị đồng tử bước đi trên đại lộ, thấy hai bên đường liễu rủ xanh xanh, nước trong văn vắt nhìn thấu đến tận đáy. Mặc dù lúc này đã là tiết đông lạnh lẽo, nhưng không hiểu sao ông lại nhìn thấy hoa sen vốn chỉ nở giữa mùa hè.

Lại đi tiếp hơn mười dặm đường, cảnh vật dần dần đổi thay, không còn bóng dáng thôn xóm hay làng mạc, chỉ thấy ra xa là những lầu đài điện các nguy nga, vàng ngọc lấp lánh, thật là một cảnh tượng rực rỡ huy hoàng. Vị đồng tử dẫn ông Hoàng tiến vào Đại Môn.

Phía sau cánh cửa lớn là một cảnh tượng hoàn toàn khác: Có hàng vạn tội nhân đang đứng dưới điện đường, trên đại điện là bốn vị quan nhân ngồi bốn vị trí khác nhau, họ đều đội mũ Thông Thiên, mặc áo vàng kim. Một vị quan gọi ông Hoàng đến và nói: “Chà, âm sai đã bắt nhầm ông đến đây, thực ra dương thọ của ông vẫn chưa hết, vẫn còn có thể hưởng thêm vài năm nữa”. Nói xong, quan nhân liền lệnh cho Thanh y đồng tử dẫn ông đi ra cửa phía đông.

Cảnh tượng ngoài Đông Môn cũng giống như trên dương gian, có cửa tiệm, có phố phường, dòng người đi đi lại lại tấp nập không ngừng. Mới đi chưa được bao xa, ông lại thấy cung điện hoa lệ, bên trong bên ngoài có rất nhiều cai ngục đầu trâu mặt ngựa, vẻ mặt dữ dằn đáng sợ. Ngồi bên trên là một vị vương gia đầu đội mũ Lưu Miện, tay cầm ngọc khuê, dáng vẻ vô cùng uy nghiêm thần thánh.

Mianfu which is called myeonbok in Korea
Vị vương gia đầu đội mũ Lưu Miện, tay cầm ngọc khuê. (Ảnh Miện phục Triều Tiên/ wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Một vị sai lại mặc áo tím hỏi ông lão: “Lúc sinh tiền ông từng làm việc tốt nào không?”.

Hoàng Đại Ngôn đáp: “Trước kia trong lúc binh loạn, tôi từng bị hai tên tặc khấu cướp đoạt mất tài vật. Không lâu sau thì chúng bị bắt, những người đồng hương với tôi muốn giết chúng, nhưng tôi cảm thấy thương xót cho họ nên đã lấy ra hai vạn quan tiền để chuộc họ khỏi tội chết. Ngoài đó ra, tôi bình sinh vẫn kiêng sát sinh, thường hay tụng niệm kinh Phật, khi có điều kiện thì tu sửa tượng Phật, v.v. Ngẫm lại, tôi thấy chỉ có mấy việc nhỏ như vậy thôi”.

Viên sai lại gật đầu rồi bảo ông đứng dưới một tấm gương lớn để soi lại những việc thiện ác trong đời, phát hiện ông chưa từng mắc nợ oan trái nào.

Vị trưởng quan trong Tổng quản ty lệnh cho âm sai đưa Hoàng Đại Ngôn trở về dương gian. Viên phó quan Tổng quản ty tên là Vương Tuân nhân lúc ấy đã ân cần dặn dò Hoàng Đại Ngôn:

“Ông sẽ được trở về nhân gian lần nữa. Khi gặp những người trên dương thế, ông nhất định phải khuyên họ gắng trọng đức, tu thiện, tôn kính trời đất, còn phải hiếu thuận và phụng dưỡng cha mẹ thật chu toàn. Hãy bảo họ đừng sát sinh, hại mệnh, chớ có tham lam chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình, hơn nữa cũng không được ham mê sắc dục, không ôm giữ tâm đố kỵ, không phỉ báng người thiện lương, không làm những việc tổn đức. Hãy nhớ: Hễ làm điều ác thì sẽ bị đọa nhập vào địa ngục, vĩnh viễn không có ngày thoát ra, đợi đến khi hoàn trả xong ác nghiệp thì lại phải chuyển sinh làm ngạ quỷ, bị đọa vào đường súc sinh. Chớ coi nhẹ những lời dạy của người xưa, kinh Phật có hơn trăm điều khuyên người ta hành thiện, đều không phải lời nói sai”.

Vương Tuân lại căn dặn thêm rằng: “Xin ông nhắn với người nhà tôi rằng: Xưa kia khi còn ở chốn công đường, tôi cũng từng mắc không ít lỗi lầm. Nhưng vì tôi đã từng giúp 31 người khỏi bị tội chết nên tích được một chút âm đức, do đó sau khi qua đời mới được nhậm chức ở đây. Ông hãy bảo người nhà tôi hãy vì tôi mà làm thêm nhiều việc thiện, tụng niệm kinh Phật, đốt một vạn bảy ngàn quan tiền giấy rồi dâng sớ tấu với Thần Thành Hoàng, như thế tôi mới có thể chuộc lại những tội lỗi xưa kia. Con người thế gian muốn làm một chút công đức cho người đã khuất thì cần phải được Thần Thành Hoàng chứng giám. Điều quan trọng là phải hành thiện, tích đức, kiêng sát sinh. Nếu như năm mới hay ngày giỗ mà giết vật sống để tế tự Thần linh thì tổ tiên sẽ không được hưởng. Mong ông hãy nhớ cho”.

Vương Tuân nói tiếp: “Tại lầu Vô Ưu nơi Địa phủ này sắp diễn ra cuộc hội kiến các thiện nam tín nữ, căn cứ vào việc thiện nhiều ít mà mỗi người có được thiện quả và phúc phận khác nhau. Ngoài ra, những tội nhân dưới địa ngục cũng được đưa đến đó, điều này cũng giống như việc ân xá tù nhân trên dương gian vậy, kẻ tội nhẹ sẽ có cơ hội được chuyển sinh. Ông đã đến Địa phủ rồi, thiết nghĩ cũng nên đến đó xem xem một chút”.

Ông thấy tòa cung điện cao chót vót đến tận mây xanh, khắp lầu là các loại trân bảo tỏa ra ánh hào quang lấp lánh. (Tranh Tôn Ôn đời Thanh)

Hoàng Đại Ngôn nhận lời đến thăm lầu Vô Ưu, tận mắt thấy tòa cung điện cao chót vót đến tận mây xanh, khắp lầu là các loại trân bảo tỏa ra ánh hào quang lấp lánh. Nơi đây có rất nhiều người thiện lương đang dự hội. Họ đều mặc y phục hoa lệ, trong tay cầm hoa thơm và kinh sách, có người đứng trên thềm vàng bậc ngọc, lại có người ngao du tự tại giữa những đám mây rực rỡ sắc màu. Khác hẳn với những tội nhân của địa ngục, ai nấy đều bị còng tay, khóa chân, vẻ mặt khiếp đảm, dáng vẻ tiều tụy không bút mực nào diễn tả được.

Khi Hoàng Đại Ngôn quay lại Tổng quản ty, ông gặp lại rất nhiều người quen cũ. Họ lần lượt đến phó thác cho ông, xin ông hãy thay họ khuyên nhủ con cháu làm nhiều việc công đức. Những điều họ giao phó đều là những bí mật sâu kín nhất trong cuộc đời mà người ngoài không cách nào biết được.

Sau đó, lại có một đồng tử đến đưa Hoàng Đại Ngôn trở về dương gian. Trên đường, ông đi qua một tòa núi sắt, khắp núi hừng hực lửa cháy, những tội nhân rơi vào đó đều không thể chịu đựng được nỗi đau đớn vì da thịt cháy xém, xương cốt biến thành than, tất cả đều kêu la thảm thiết.

Kết cục của những kẻ làm bại hoại Phật Pháp là gì? 1
Khắp núi hừng hực lửa cháy, những tội nhân rơi vào đó đều không thể chịu đựng được nỗi đau đớn vì da thịt cháy xém. (Phạm vi công cộng)

Lại qua một ngọn núi, trên núi toàn là cây không lá, thì ra đó đều là đao kiếm dựng đứng, lưỡi đao sắc nhọn hướng lên trên. Tội nhân bị bắt phải nắm lấy đao kiếm để bò lên trên núi, mỗi thời mỗi khắc đều phải chịu cái khổ cắt thịt xẻ xương, đau đớn thấu tận tâm can.

Tiếp tục tiến lên phía trước là một sơn động, bên cạnh sơn động có một con sông bốc lên mùi xú khí nồng nặc. Vị đồng tử dẫn đường nói: “Con người thế gian sống hoang đàng, phung phí, họ đã đổ đi biết cơm thừa, canh thừa ra cống rãnh. Thần Thổ Địa thấy vậy đều thu giữ lại cho họ, đợi đến khi họ hết mệnh lìa đời thì sẽ khiến họ phải ăn hết những gì đã phí phạm”.

Hoàng Đại Ngôn đi thêm vài dặm đường đến tòa lầu của vị Vương gia. Vương gia căn dặn: “Ông vẫn còn sống được thêm 5 năm nữa, vậy hãy đem lời của ta truyền lại cho thế nhân: Người hành thiện sẽ được chuyển sinh làm người, hưởng hạnh phúc an lạc. Còn kẻ hành ác sẽ bị đọa nhập vào địa ngục, vạn kiếp phải chịu khổ không ngừng. Đừng cho lời ta nói là trò đùa, hãy để hậu thế khắc cốt ghi tâm: Phải trọng đức, hành thiện, chớ để đến khi mọi việc quá muộn màng, lúc ấy có hối hận thì cũng không kịp nữa rồi”.

Nói xong, Vương gia lệnh cho Thanh y đồng tử đưa Hoàng Đại Ngôn ra cửa Trường Xuân, lần này ông lại nhìn thấy hoa sen mà ông từng thấy trên đường đến đây. Khi đi qua cầu, ông Hoàng bất cẩn trượt chân ngã xuống, ông hét lên một tiếng hãi hùng rồi bừng tỉnh dậy. Hôm ấy là ngày mồng tám, ông Hoàng đã nằm trên giường hôn mê được bốn ngày rồi. Cùng năm ấy, một vị văn quan ở huyện Sùng Nhân tên là Tần Giáng đã thay ông Hoàng ghi chép lại toàn bộ câu chuyện này.

Chuyến thăm địa ngục của ông Hoàng Đại Ngôn không phải là trường hợp duy nhất, còn có rất nhiều bậc văn nhân, nho sĩ đã từng đích thân trải nghiệm và tận mắt chứng kiến. Những trải nghiệm du hành nơi âm gian của họ là ví dụ sống động để cảnh tỉnh thế nhân. Càng đọc thêm nhiều sách cổ, càng lần giở lại những ghi chép chân thật của người xưa, chúng ta lại càng thêm hiểu ý nghĩa của câu nói: “Trời xanh có đức hiếu sinh”. Thượng Thiên đã an bài tỉ mỉ, mượn chuyện xưa mà khuyên người nay, qua đó giáo hóa con người thế gian, mở đường dẫn lối cho thế nhân trên mỗi bước đường nhân sinh.

Minh Hạnh
Theo Tống Bảo Lam - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lão ông du Địa phủ, tận mắt chứng kiến cõi âm tào