Lễ nhạc - Đất Trời hòa hợp (P-3): Lễ Nhạc là để bảo vệ và nuôi dưỡng sinh mệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có thứ âm nhạc làm cho con người ta thiện lương nhưng cũng có thứ âm nhạc làm cho con người ta tăng thêm ma tính, do vậy cần có Nhạc để di dưỡng tinh thần. Người sống phóng túng tình cảm, xem nhẹ lễ nghĩa cho rằng đó là hành động tự nhiên, người như vậy cuối cùng sẽ tự mình huỷ hoại chính mình, do vậy cần có Lễ để ước thúc hành vi. Đó là tác dụng của Lễ - Nhạc

Xem lại:
Lễ nhạc - Đất Trời hòa hợp (P-2): Trí huệ của "Lễ nhạc" đến từ trời đất

Trong Sử Ký- Nhạc Thư có viết: "Phàm là âm nhạc thì đều do cảm thụ của nội tâm con người mà sáng tác, mà trời và con người lại có chỗ có thể tương thông, như bóng ảnh nhất định phải giống với hình thể nguyên gốc, như vọng âm ắt phải giống với âm gốc ban đầu. Vậy nên hành vi lương thiện của con người nhất định được thiên thượng ban cho phúc đức để tán thưởng. Còn hành vi ác của con người ắt sẽ bị thiên thượng giáng hoạ mà trừng phạt, đây là lẽ tất nhiên".

Nội dung trên đã minh chứng cho nguyên lý: 'Thiện có thiện báo', đây chính là thiên lý. Muốn được thiên thượng ban phúc vậy thì cần làm thiện. Đương nhiên thiện ở đây có thể là lời nói thiện hoặc giả là hành vi thiện. Nhưng có lẽ cái thiện căn bản nhất lại là những điều xuất phát từ trái tim thiện lương. Thiện tâm này trời đất có thể chứng giám, đó chính là bản tính tiên thiên của con người. Ở đây chính là nói nếu như ai đó có thể bảo trì bản tính tiên thiên thuần tịnh, bảo trì phẩm chất thiện lương ban đầu thì ắt sẽ nhận được phúc báo của trời đất.

Bản tính con người vốn dĩ là thiện lương, thuần tịnh, an tĩnh. Đây chính là thể hiện tâm tính tối cao của sinh mệnh tại thế gian. Tuy nhiên khi con người nhận phải sự kích thích từ vật chất bên ngoài khiến cho tâm ý bị dao động, từ đó sinh ra các loại dục vọng và tình cảm, làm cho tiêu chuẩn của tâm tính không còn được cao như lúc ban đầu nữa. Nếu như loại dục vọng và tình cảm này không được tiết chế, nhân tâm sẽ không ngừng tụt dốc, nhân loại sẽ ngày càng rời xa bản tính thiện lương của mình và cuối cùng trở thành ác và chịu sự trừng phạt. Nếu như lại không biết hối cải tiếp tục trượt xuống, vậy thì đối với một sinh mệnh mà nói, chính là một việc vô cùng nguy hiểm.

Tác dụng của âm nhạc trong văn hóa truyền thống
tác dụng của Lễ Nhạc chính là thông qua phương thức điều tiết và chế ước mà ước thúc, bảo dưỡng sinh mệnh, khiến cho sinh mệnh không bị mê lạc trong tình cảm và dục vọng... (Ảnh: Shutterstock).

Vậy nên nói, đối với một sinh mệnh, thiện lương lớn nhất chính là bảo trì tiêu chuẩn tâm tính ban đầu. Mà tác dụng của Lễ Nhạc chính là thông qua phương thức điều tiết và chế ước mà ước thúc, bảo dưỡng sinh mệnh, khiến cho sinh mệnh không bị mê lạc trong tình cảm và dục vọng, giúp sinh mệnh bảo trì trạng thái tâm tính tiên thiên ban đầu của mình.

Vì sao lại chế tác Lễ?

Sử Ký- Nhạc Thư viết: "Chế tác ra Lễ vốn dĩ là khởi nguồn từ con người, vì con người trong cuộc sống tự nhiên đã có dục vọng, khi dục vọng không được thoả mãn ắt sẽ sinh tâm oán giận. Có tâm oán giận mà không được tiết chế ắt sẽ sinh ra hành vi tranh giành, có hành vi tranh giành thiên hạ tất loạn. Các bậc tiên hiền khi xưa vì không muốn nhìn thấy cảnh này mà chế tác ra Lễ để tiết chế dục vọng và ý thức bổn phận đoàn thể của con người. Giúp con người thỏa mãn dục vọng của mình một cách thỏa đáng, cho con người những yêu cầu hợp lý, khiến con người không cần phải có được tài vật đủ đầy mới được xem là phú quý. Dục vọng và sự cung ứng vật chất là hai lập trường tương đối đối lập, có thể vì thế mà được điều tiết, khiến vật chất không ngừng được cung ứng, khiến dục vọng được thỏa mãn dài lâu. Đây chính là nguyên nhân sinh khởi của Lễ, cho nên Lễ chính là có tác dụng điều dưỡng".

Có thể thấy, âm nhạc tốt nhất chính là mang lại cho con người sự cát tường, êm dịu, khiến cho con người không ngừng hướng thiện. Lễ nghĩa tốt nhất chính là khiến con người thủ được tiết lễ thích hợp của mình, biểu hiện ra nguyên tắc tối cao của đạo làm người. Do vậy thi hành giáo hóa Lễ Nhạc tự nhiên sẽ khiến nhân tâm hòa ái an nhiên, xã tắc thái bình.

Xã hội ngày nay đạo đức trượt dốc, nhân tâm buông lơi, nhiều người lại xem Lễ như một thứ nguyên tắc trói buộc và lạc hậu, thậm chí có người còn cho rằng đó là thứ công cụ duy hộ chính quyền giai cấp thống trị; và xem Nhạc như một thứ công cụ để hưởng lạc, phóng túng cảm xúc. Họ hoàn toàn không còn nhìn thấy sự dẫn đạo thiện lương của Lễ Nhạc để bảo hộ và nuôi dưỡng sinh mệnh nữa. Đương nhiên, những sinh mệnh như vậy đã rời quá xa so với đặc tính thiện lương tiên thiên rồi, và đương nhiên họ cũng không thể nhận ra sự nguy hiểm của sinh mệnh bản thân mình cũng như toàn xã hội.

Âm nhạc hiện đại đang âm thầm phá hủy đạo đức con người
Xã hội ngày nay đạo đức trượt dốc, nhân tâm buông lơi, nhiều người lại xem Lễ như một thứ nguyên tắc trói buộc và lạc hậu, và xem Nhạc như một thứ công cụ để hưởng lạc, phóng túng cảm xúc. (Ảnh: Pexels).

Thời cổ đại có điển cố: “Tang gian bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm dã" (âm thanh trong ruộng dâu trên bãi sông Bộc là tiếng nhạc mất nước) được ghi chép trong Luận Ngữ như sau:

Khi Khổng Tử trả lời Nhan Uyên về đạo trị quốc từng nói: “Cần phải huỷ bỏ âm nhạc của nước Trịnh". Âm nhạc của nước Trịnh thuộc thứ âm nhạc phóng dục, trong con mắt của Khổng Tử nhìn nhận, thì loại âm nhạc đó khiến cho đàn ông ham sắc tham dục, làm bại hoại gia phong, tính tình và sự hoà ái.

Sử Ký - Nhạc Thư cũng viết đại ý: Nghe nhạc cũng có loại nhạc hung nhạc cát, có thứ âm nhạc làm cho con người ta thiện lương nhưng cũng có thứ âm nhạc làm cho con người ta tăng thêm ma tính. Đây chính là vấn đề âm nhạc liên quan đến tâm tính, mà tâm tính lại liên quan đến đạo lý tự nhiên và đạo đức xã hội. Vậy nên có thể thấy việc chúng ta biết lựa chọn âm nhạc để nghe là một việc vô cùng quan trọng, nó không chỉ đơn giản là vấn để thoả mãn nhu cầu dục vọng con người mà còn là vấn đề liên quan đến trách nhiệm đối với vận mệnh của mỗi chúng ta.

Khổng Tử nói: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật , phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, (Không hợp lễ không nhìn, không hợp lễ không nghe, không hợp lễ không nói, không hợp lễ không làm); ở đây có thể thấy các bậc Thánh nhân xưa kia đã xem trong đạo đức thế nào.

Trong Sử Ký - Nhạc Thư cũng viết: “Nhân cẩu sinh chi vi kiến, nhược giả tất tử; Cẩu lợi chi vi kiến, nhược giả tất hại; đãi nọa chi vi an, nhược giả tất nguy; Tính thắng chi vi an, nhược giả tất diệt".

Ý muốn nói, người chỉ coi trọng an toàn của tự thân mà không biết tới danh dự liêm sỉ thì người này ắt không thể bảo toàn sinh mệnh của mình; người nếu như chỉ xem trọng lợi mà không xem trọng giá trị lễ nghĩa, người như vậy ắt sẽ bị huỷ hoại; người chỉ biết lười biếng ham nhàn, không thể dùng lễ để tự đối đãi chính mình, cho rằng như vậy là an nhàn hưởng thụ, người như vậy ắt sẽ gặp nguy nan đại nạn trùng trùng; Người sống phóng túng tình cảm, xem nhẹ lễ nghĩa cho rằng đó là hành động tự nhiên, người như vậy cuối cùng sẽ tự mình huỷ hoại chính mình.

Âm nhạc hiện đại đang âm thầm làm bại hoại đạo đức
Nhân loại hiện đại tự mình rời xa các lễ nghi và phép tắc truyền thống, cho đó là lạc hậu, phong kiến... từ đó truy cầu theo đuổi thỏa mãn các giác quan, xem đây mới là văn minh hiện đại. (Ảnh: Pexels).

Ở đây chẳng phải thủ Lễ chính là bảo hộ sinh mệnh chính mình hay sao? Đối diện với xã hội thực tại tứ bề loạn đạo, tư tưởng biến dị, làm sao để quý tiếc sinh mệnh, làm sao để quốc gia có cảnh thanh bình? Lời dạy của tiền nhân là điều vĩ đại cần xem trọng. Câu chuyện dưới đây thêm một lần nữa minh chứng cho tầm quan trọng của Lễ Nhạc mà tiền nhân đã từng đặt định cho con người.

Tương truyền Vua nước Vệ là Vệ Linh Công dẫn tùy tùng đến thăm nước Tấn, khi đến bên bờ sông Bộc Thủy (sông Bộc) thì trời đã tối. Họ đành phải ở lại bên sông để nghỉ tạm qua đêm.

Lúc này, họ nghe thấy một ca khúc mới lạ văng vẳng vang đến, trong lòng vô cùng phấn chấn, hứng thú. Vua Vệ Linh Công liền ra lệnh cho âm nhạc gia Sư Quyên ghi chép lại.

Ngày hôm sau đoàn người đến nước Tấn. Trong buổi tiệc, sau khi được thưởng thức các màn ca múa nhạc của nước Tấn, Vệ Linh Công lệnh cho Sư Quyên diễn tấu bản nhạc mà họ đã nghe ở bờ sông Bộc ngày hôm trước. Với tài gảy đàn của Sư Quyên, âm thanh bản diễn tấu vang lên, lúc thì da diết, bi thương khiến người khác tan nát cõi lòng, lúc lại giống như tiếng mưa phùn không ngớt.

Khi này có Sư Khoáng, là nhà âm nhạc nổi danh thời Xuân Thu, được lịch sử xưng tụng là “Thánh nhạc”. Ngồi ở bàn tiếp đãi, Sư Khoáng mỉm cười, dụng tâm nghe. Nhưng chỉ lát sau nụ cười trên gương mặt ông dần biến mất, thần sắc càng lúc càng nghiêm nghị hơn.

Sư Quyên mới gảy chưa đến một nửa bản nhạc thì Sư Khoáng rốt cuộc không nhịn được, đứng dậy giữ tay Sư Quyên lại và nghiêm nghị nói: “Mau dừng lại! Đây là loại tà âm vong quốc, ngàn vạn lần chớ nên gảy!”

Vua Tấn Bình Công vội chất vấn thái sư: “Khúc nhạc này thực sự nghe rất hay, ngài sao lại nói là âm nhạc vong quốc được?”

Sư Khoáng đáp: “Vào cuối đời nhà Ân, có Sư Diên là quan âm nhạc, cùng với vua Trụ làm ra khúc nhạc uỷ mị này. Vua Trụ nghe lấy làm thích lắm. Đến khi Vũ vương ta đánh vua Trụ, Sư Diên ôm đàn chạy về phía đông, nhảy xuống sông Bộc tự vẫn. Ai nghe được tiếng đàn này quốc gia nhất định gặp cảnh tang thương nên sau này mọi người gọi khúc nhạc này là “Vong quốc chi âm" (Nhạc mất nước)".

Khải Chính
Theo: Zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Lễ nhạc - Đất Trời hòa hợp (P-3): Lễ Nhạc là để bảo vệ và nuôi dưỡng sinh mệnh