Lịch sử ẩn giấu trong chiếc nhẫn trên ngón tay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo quan điểm ngày nay, trong các loại trang sức thì nhẫn là vật có tính nghi thức cao nhất. Bất kể là nhẫn kim cương cầu hôn, cặp nhẫn cô dâu chú rể đeo cho nhau trong lễ cưới, hoặc là nhẫn đeo hàng ngày của các cặp vợ chồng, đều thể hiện hàm ý về sự thánh khiết và hạnh phúc của hôn nhân. Những điều có xuất xứ từ văn hóa nhẫn của phương Tây này đã chiếm lĩnh tư duy và quan niệm của chúng ta.

Cũng có thể có người nhớ ra rằng, nhẫn hay “giới chỉ” của Trung Quốc cổ đại xuất hiện từ khi nào, trông ra sao, ngoài ra lại còn mang ngụ ý văn hóa cổ xưa xúc động lòng người. "Hà dĩ đạo ân cần? Ước chỉ nhất song ngân." (Dùng vật gì để thể hiện sự quan tâm ân cần với đối phương? Chính là dùng một đôi nhẫn bạc.) "Dục trình tiêm tiêm thủ, tùng lang tác chỉ hoàn." (Giơ ngón tay thon nhỏ, để chàng đeo nhẫn cho). Những câu thơ lãng mạn tinh tế này đang muốn nói điều gì?

Nhẫn truyền thống có tên gọi phong phú, và được làm bằng chất liệu quý giá

Dù thời kỳ và khu vực khác nhau, ngoại hình của nhẫn hầu như không sai biệt quá lớn, tổng thể hình tròn, chúng chỉ khác nhau ở việc thô lậu hay tinh tế, xa hoa hoặc giản dị, lấy mặt nhẫn làm trung tâm trang sức hay điêu khắc trên thân nhẫn. Đeo nhẫn lên ngón tay thon sẽ đặc biệt đem lại một ý nghĩa biểu trưng và cảm giác nghệ thuật. Thời Trung Quốc cổ, lúc ban đầu còn chưa gọi nhẫn là “giới chỉ”, căn cứ hình thái cùng với các loại công dụng khác nhau của nó, người xưa đặt cho chúng rất nhiều cái tên đặc biệt.

Nhẫn pha lê trong suốt thời Thanh, thân nhẫn là vòng tròn pha lê trắng, mặt nhẫn đính rồng pha lê đỏ trong suốt. (Đài Bắc cố cung viện bảo tàng cung cấp)

Ví như "chỉ hoàn", là tên gọi dựa theo ngoại hình, nghe danh sẽ biết ý nghĩa, ý chỉ phụ kiện tròn đeo trên tay, đây cũng là một trong những tên gọi thường dùng nhất trước đời Thanh. Trong “Thập tác tứ thủ” có nói: "Dục trình thiêm thiêm thủ, tùng lang tác chỉ hoàn." (Giơ ngón tay thon nhỏ, để chàng đeo nhẫn cho). Rồi còn có "ước chỉ", là đặt tên theo cách đeo, “Thuyết văn” nói : "Ước, cũng có nghĩa quấn lấy." Ước chỉ là phụ kiện quấn trên ngón tay. Còn có "thủ ký", là đặt tên theo công dụng.

Bắt đầu triều Minh, danh từ "giới chỉ" xuất hiện trong điển tịch văn hiến, cuối cùng trở thành tên gọi được sử dụng rộng khắp. Ví dụ trong “Tam dư chuế bút” nói: "Tục ngày nay dùng vàng bạc làm vòng, đeo vào ngón tay phụ nữ, gọi là giới chỉ."

“Tam tài đồ hội” ghi: "Thời Hậu Hán, 19 người nhóm Tôn Trình có công lập Thuận Đế, được ban thưởng kim xuyến chỉ hoàn, cũng tức là giới chỉ ngày nay."

Lịch sử phát triển của nhẫn rất xa xưa, nguồn gốc của nó đại khái có thể truy ngược bốn, năm nghìn năm về thời "xã hội nguyên thuỷ". Tại rất nhiều di chỉ văn hóa ở các nơi đều khai quật được rất nhiều nhẫn với chất liệu khác nhau, bao gồm làm bằng xương, ngọc thạch, đồng v.v… Có chiếc nhẫn được thấy ở trên xương ngón tay chủ nhân mộ cổ, nhưng thời đó chưa định ra quy cách đeo cho giới tính, tay phải và tay trái.

Tuy chúng ta còn chưa xác định được nguyên nhân chế tạo và sử dụng nhẫn của người xưa, nhưng thông qua nguyên liệu quý và công dụng đặc biệt của nó, có thể thấy tấm lòng thành kính của họ. Người xưa tin rằng linh hồn bất diệt và có tồn tại luân hồi chuyển thế, tạo thành văn hóa chôn cất độc đáo "sự tử như sự sinh" (thờ phụng người chết như phụ sự họ khi còn sống). Nhẫn đã được chọn làm vật bồi táng, nói lên rằng hoặc giá trị của nó không tầm thường, hoặc nó là vật yêu thích lúc sinh thời của người đã khuất.

Ghi chép trong văn tự cho thấy nhẫn vốn đa dạng hơn nhiều so với hiện vật khai quật được. Nhẫn xuất hiện trong thư tịch cổ nói chung đều được dùng vật liệu vô cùng quý giá để làm ra. Ví như “Nam sử” ghi lại, hoàng đế muốn nạp phi tần, liền ban cho nhẫn vàng.

Trong “Bắc đường thư sao” nói, căn cứ nghi thức cũ thời Hán, khi phi tần hậu cung hầu hạ hoàng đế sẽ đeo nhẫn bạc.

Trong “Văn hiến thông khảo” ghi lại, thời Tống Thái Tổ, một quốc gia cổ ở Đông Nam Á tiến cống vô số kỳ trân dị bảo, một trong số đó là nhẫn thủy tinh.

Trong “Quảng bác vật chí” có nói đến nhẫn hổ phách; trong “thuyết phu” xuất hiện nhẫn kim cương và nhẫn phỉ thúy. Thực sự là rực rỡ muôn màu, đẹp không tả xiết.

Đeo nhẫn không phải vì đẹp mà người xưa có thâm ý khác

Niên đại xuất hiện của nhẫn từ rất sớm, lúc ban đầu dùng chất liệu cứng rắn tạo ra. Bởi vì người cổ đại chủ yếu hoạt động săn bắn, thường phải giương cung ném giáo, cho nên họ cần một loại dụng cụ bảo vệ ngón tay. Phỏng đoán này có thể chứng minh dựa vào vật bảo vệ ngón nay gọi là thịnh hành từ thời Tiên Tần đến Hán. Vật bảo vệ ngón tay này tức là "thiếp".

“Thuyết văn” ghi: "Thiếp, hay xạ quyết, vốn dùng để giương dây cung." Thiếp, đeo trên ngón cái tay phải, là công cụ giúp giương cung bắn tên, thường dùng xương voi chế tác, bên trong lót da mềm. Bởi vì dùng tay không giương cung sẽ khiến ngón tay đau đớn, cũng không dễ phát lực, cho nên người ta rất cần thiếp để bảo vệ và trợ giúp.

Ngọc thiếp. Thiếp vốn là công cụ đeo trên ngón tay cái khi bắn cung, dùng để giương dây cung, về sau chỉ giữ lại hình dạng chính chứ không còn công dụng cũ nữa. (Bảo tàng Cố cung Đài Bắc cung cấp)

Tạo hình của thiếp là dạng ống, hình bầu dục với một đầu kéo dài. Lúc bắn cung, thiếp có thể giữ chặt dây cung, cũng có thể phòng ngừa dây cung bật làm trầy da ngón tay. Bắn cung là một trong "lục nghệ" của quân tử, cung tên là vũ khí có lực sát thương lớn nhất trên chiến trường cổ đại, cho nên người xưa cực kỳ coi trọng dụng cụ liên quan đến bắn cung, vì vậy là hình thái của thiếp cũng không ngừng phát triển, hoàn thiện.

Cho đến đời Thanh, sau khi Bát kỳ nhập quan, không còn nặng nề chuyện chiến đấu, vật tùy thân bảo vệ ngón tay cũng từ từ thu nhỏ thể tích, biến thành hình trụ đơn thuần. Thợ thủ công còn điêu khắc văn tự, hình ảnh… lên trên nó, biến đồ vật bảo vệ ngón tay trở thành trang sức của nam giới cổ đại gọi là “ban chỉ”.

Các ghi chép sớm nhất về công dụng của nhẫn đã có vào thời kỳ Tiên Tần. Đương thời nhẫn không thịnh hành ở dân gian, nhưng trong cung đình được sử dụng rộng rãi làm “thủ ký”. Trở thành một loại đồ vật mang tính biểu tượng, ý nghĩa sử dụng của thủ ký lớn hơn nhiều so với chỉ là trang sức và sản phẩm văn hóa.

Trong thiên “Kinh Thi - Tĩnh nữ”, có một đoạn Trịnh Huyền chú thích, giới thiệu về phương pháp sử dụng của thủ ký. Đại khái thời cổ ở hậu cung, nữ quan phát cho mỗi vị phi tần hai chiếc nhẫn một vàng, một bạc, để biểu trưng cho việc hầu hạ của họ với thiên tử. Người phi được chọn hầu hạ thiên tử cần đeo nhẫn bạc ở tay trái, xong việc sẽ đổi sang tay phải, chỗ này thể hiện quan niệm "trái dương, phải âm" thời cổ. Người phi đến kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai, sẽ đeo nhẫn vàng ở tay phải, làm đánh dấu đặc thù. Nữ quan ở trong cung, đối với hành tung hằng ngày của phi tần đều phải ghi chép lại tỉ mỉ, cũng chính là "sự vô đại tiểu, ký dĩ thành pháp". Những chiếc nhẫn mà nữ quan phân phát, vì có tác dụng đánh dấu, thế là sinh ra biệt danh “thủ ký”.

Ngoài đính ước, nhẫn còn có nhiều ngụ ý hơn nữa

Thông qua việc sử dụng thủ ký, nhẫn tựa hồ có liên hệ nhất định với hôn nhân và sinh sản. Kỳ thực trong ngữ cảnh truyền thống Trung Hoa, nó thường thường được dùng làm vật đính ước, dùng để nam nữ thanh niên tặng nhau.

Nhẫn vàng song long hí châu đời Thanh. Trên nhẫn trang trí hoa văn rồng và mây vàng, trên chân đèn ở giữa có khảm viên minh châu. Nhẫn có thể thay đổi trạng thái kích thước. (Bảo tàng cố cung Đài Bắc cung cấp)

Thứ nhất, có thể thấy nhẫn hình dạng rất tròn, tương trưng viên mãn, cho nên có thể biểu đạt nguyện vọng vĩnh kết đồng tâm, nhớ nhung về nhau. Trong “Trang lâu ký” thời Đường có một câu chuyện, nói rằng Hà Sung cùng một vị Động Tiên Nữ Tử kết giao, đem tặng nàng một chiếc nhẫn phỉ thúy. Không ngờ, Động Tiên đem nó đổi lấy một cây bút đẹp. Sau khi Hà Sung biết được, thở dài nói: "Vật ấy đại biểu ta và Động Tiên gắn bó trăm năm!"

Lập tức sai người hầu dùng "mũ cánh chuồn” chuộc đồ. Hà Sung coi chiếc nhẫn là biểu tượng không thể chia lìa của hai người, cho nên nhất định phải đem chuộc về.

Thứ hai, nhẫn tròn có ý nghĩa tuần hoàn không ngừng, cũng có thể truyền đạt nỗi lòng tương tư bất tận của tình nhân. Trong “Tài quỷ ký” thời Tống ghi lại, tài tử Lý Chương Võ gặp gỡ người phụ nữ họ Vương, lúc tạm biệt, hai người tặng đồ trang sức và thơ ca cho nhau. Người phụ nữ đưa một chiếc nhẫn bạch ngọc, thơ viết: "Niệp chỉ hoàn tương tư, kiến hoàn trọng tương ức. Nguyện quân vĩnh trì ngoạn, tuần hoàn vô chung cực." (Xoay chiếc nhẫn tương tư, thấy nhẫn nhớ thêm nhiều. Xin chàng mãi giữ lấy, tuần hoàn không kết thúc.)

Bởi vì nhẫn có nội hàm diễn đạt tình ý, người xưa trọng lòng tin liền đem nó làm tín vật, ước định suốt đời. Thời Đường có danh thần Vi Cao quản lý đất Thục, lúc trẻ từng có một cuộc kỳ ngộ.

“Vân khê hữu nghị” chép, Vi Cao ở khi làm khách tại nhà quan quận thú họ Khương, tỳ nữ Ngọc Tiêu của Khương gia thường xuyên hầu hạ ông, hai người liền nảy sinh tình cảm. Lúc Vi Cao rời đi, lưu lại nhẫn ngọc làm chứng, hứa hẹn chậm thì 5 năm, lâu thì 7 niên, sẽ tới cưới Ngọc Tiêu. Chẳng ngờ Vi Cao chậm chạp không đến, Ngọc Tiêu trong lúc chờ đợi mỏi mòn, tuyệt vọng mà chết. Người nhà họ Khương thương cảm khí tiết và cảnh ngộ của nàng, đem nhẫn ngọc đeo vào ngón giữa tay nàng rồi mai táng.

Về sau Vi Cao ra giữ đất Thục, vô tình gặp lại người nhà họ Khương, sau khi nghe cảnh ngộ Ngọc Tiêu thì vô cùng đau lòng, liền chép kinh tạc tượng siêu độ cho nàng, thông qua thuật chiêu hồn mà gặp lại nàng. Ngọc Tiêu nói cho ông biết, bản thân sắp sửa chuyển thế, 13 năm sau sẽ trở lại làm thiếp của ông. Quả nhiên, có một năm Vi Cao sinh nhật, thu nhận một món quà đặc biệt, là một ca nữ tên Ngọc Tiêu. Tướng mạo của nàng so với Ngọc Tiêu năm đó thì chẳng khác chi, trên ngón giữa còn ẩn ẩn một một khối thịt hình chiếc nhẫn, hình dạng giống như vật mà Vi Cao đã tặng. Trong câu chuyện tình buồn và đẹp này, chiếc nhẫn là tín vật không thể thiếu, chứng kiến cho hai lần kết duyên của Vi Cao và Ngọc Tiêu.

Hài âm là nghệ thuật ngôn ngữ ý nhị trong tiếng Hán, với danh từ "chỉ hoàn" mà nói, từng chữ đều có thể khai triển ra nội hàm phong phú. “Chỉ” là ngón tay, cũng là “đình chỉ”.

“Hoàng Phủ ti huân tập” chép, đại thần Hoàng Phủ Liêm triều Minh có mẹ là Hoàng thị, lúc mang thai từng mơ thấy một ông lão thần bí, đưa cho bà một chiếc nhẫn ngọc, mặt trên lại còn có một cái đỉnh. Sau khi tỉnh lại, bà đem việc này nói cho chồng. Cha Hoàng Phủ Liêm giải thích: "Đỉnh, tượng trưng nam tử tôn quý; chỉ hoàn là có ý ‘đình chỉ’. Giấc mộng này biểu thị sắp tới bà sinh quý tử, mà sau này thì không mang thai nữa." Quả nhiên, sau khi Hoàng thị sinh hạ Hoàng Phủ Liêm, tất cả những điều tiên đoán về giấc mộng đều ứng nghiệm.

Hoàn còn có ý "khải hoàn", về nhà. “Tuân tử - Đại lược” chép: "Hỏi vợ dùng ngọc khuê, hỏi kẻ sĩ dùng ngọc bích, gọi người đến dùng ngọc viện, tuyệt giao với người dùng ngọc quyết, không tuyệt giao nữa dùng ngọc hoàn." Thời cổ, thần tử lưu vong ở bên ngoài, hoàng đế nếu muốn đặc xá người đó, thì ban tặng ngọc hoàn, nhẫn ngọc, tỏ ý rằng người đó có thể tự do về quê. Cũng có những biến thể trong cách sử dụng chiếc nhẫn dù đều mang ý nghĩa tốt đẹp.

“Bắc sử” chép, thời Bắc Nguỵ, khi Nguyên Thụ và người yêu Ngọc nhi cáo biệt, Ngọc nhi đưa cho ông nhẫn vàng lưu niệm, Nguyên Thụ vẫn thường mang. Về sau ông đem chiếc nhẫn gửi lại, biểu thị quyết tâm nhất định quay về.

Mặt khác, nhẫn còn có tên “ước chỉ”, mang ý ước thúc, tiết chế. Trong tiểu thuyết “Thiện chân hậu sử” đời Minh có một đoạn tình tiết, Dương Lôi phạm tội chạy trốn, mẹ ông là Lao thị gỡ nhẫn trên tay, giao cho con trai, lại dặn ông khi lưu lạc thì nhớ ba giới cấm: "Giới thứ nhất là chớ trộm cướp, giới thứ hai là chớ giết người, giới thứ ba là chớ tham sắc dục." Ở đây, nhẫn là vật nhắc nhở Dương Lôi thận trọng từ lời nói đến hành vi.

Chiếc nhẫn nhỏ bé mà lại ẩn chứa bên trong những điều rộng lớn của lịch sử và trời đất, có thể nói là một khía cạnh đẹp đẽ tinh xảo trong văn hóa truyền thống văn hóa. Mong rằng khi chúng ta đeo nhẫn, không chỉ đơn thuần xem nó như vật đánh dấu hôn nhân, mà có thể hồi tưởng lại di sản mà nó đã mang theo tự ngàn năm.

Theo Lan Âm - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử ẩn giấu trong chiếc nhẫn trên ngón tay