Lịch sử Nga: 500 năm gió mây biến ảo, vinh quang cuối cùng của Đế quốc Nga đang tiêu tan (P-3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 500 năm gió mây biến ảo, điều duy nhất mà Nga có thể phô trương là lực lượng quân sự được tích lũy trong thời đại đế chế. Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể làm mất đi dấu tích vinh quang cuối cùng của đế quốc Nga. 

Xem lại: Phần 1; Phần 2

Thể chế lạc hậu, Đế chế Nga từ thịnh vượng chuyển sang suy tàn

Đế chế Nga là phiên bản Mông Cổ 2.0, mặc dù sự kết hợp giữa nền văn minh Chính thống giáo và sự tập quyền trung ương đã hỗ trợ khuôn khổ của một đế chế thực sự, nhưng đế chế này lại rất lạc hậu từ trong ra ngoài và không theo kịp xu thế thời đại.

Vào năm 988, Công quốc Rus nằm ở nơi giao thoa của nền văn hóa phương Đông và phương Tây, đã chấp nhận đức tin Cơ đốc giáo (Kitô giáo) của người Byzantine, Nhà thờ Chính thống của người Slav phương Đông, từ đó trở thành cánh phía đông của Cơ đốc giáo. Mặc dù nền văn hóa Byzantine rất phát triển, đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Đế quốc Nga sau này, nhưng việc lựa chọn Nhà thờ Chính thống giáo cũng dẫn đến sự xa lánh với Công giáo La Mã, khiến Nga mất cơ hội tiếp thu những thành tựu của nền văn minh Công giáo La Mã; đồng thời, Nga mở mang mối quan hệ với nền văn minh Latinh và Tây Âu hơn.

Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 là thời đại của những thay đổi sâu sắc ở phương Tây, thời kỳ Phục hưng bùng nổ, cuộc cải cách tôn giáo và cuộc cách mạng thương mại tư bản nối tiếp nhau. Sự phát triển của Tây Âu đang trên đà, và Nga bị Mông Cổ xâm lược, do đó đã mất mối liên hệ với sự thay đổi của phương Tây. Sự xuất hiện của người Mông Cổ đã cắt đứt quan hệ của Nga với hầu hết phần còn lại của Châu Âu, và sự cô lập này kéo dài hơn hai thế kỷ. Phải đến thời Ivan III vào giữa thế kỷ 15, Nga mới nối lại liên lạc với các nước Châu Âu. Sau khi kết thúc ách thống trị của người Mông Cổ vào năm 1480, nền văn minh Nga đã có một khoảng cách lớn với nền văn minh Tây Âu, và khoảng cách này đã không được thu hẹp trong những năm tiếp theo mà ngày càng mở rộng.

Hầu hết các khu vực Châu Á bị Nga chinh phục là đồng cỏ và rừng rậm của các dân tộc du mục, có kích thước lớn và khí hậu lạnh giá, nền kinh tế còn rất lạc hậu. Thời kỳ đầu của đế quốc, nhân dân Nga chưa bao giờ có quyền sở hữu ruộng đất, tất cả ruộng đất trong nước đều thuộc về Sa Hoàng. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, nước Nga chưa thực hiện chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, nhưng giới hạn cho giới quý tộc, và chỉ giới quý tộc mới có quyền sở hữu đất đai.

Ngược lại, phần lớn đất đai ở Tây Âu thuộc sở hữu tư nhân từ thời Trung cổ. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp ở Nga là chế độ nông nô, và đại đa số dân cư trong đế chế được coi là nông nô, bị tước đoạt quyền tự do cá nhân, hoàn toàn bị ràng buộc với đất đai, không có quyền sở hữu và quyền tư pháp. Mãi cho đến thế kỷ 19, nước Nga mới xóa bỏ chế độ nông nô vào những năm 1960, chế độ nông nô cũng là nguyên nhân khiến sự phát triển công nghiệp ở Nga chậm lại.

Về hệ thống chính trị, Nga đã thiết lập quyền lực tập trung và củng cố quyền kiểm soát đối với toàn bộ đế chế, quyền lực tập trung của Sa Hoàng là mô hình chuyên chế nhất trong lịch sử.

Sau khi Trung Quốc thiết lập hệ thống tập quyền trung ương vào các triều đại nhà Tần và nhà Hán, luôn tồn tại mô hình đồng quản trị quân thần cùng trị, nội các phân quyền, và quyền lực của hoàng đế chịu nhiều hạn chế. Thứ hai, nền văn minh Nho giáo của Trung Quốc đã tạo ra một tầng lớp sĩ đại phu độc lập chịu trách nhiệm về quyền lực văn hóa và quyền lực phán xét đạo đức, với sự giáo dục chức trách của hoàng đế bằng quan niệm Thiên mệnh, đã tạo thành một sự ước thúc rất lớn đối với quyền lực của triều đình.

Ở Châu Âu, từ Hy Lạp cổ đại đến La Mã đều có truyền thống dân chủ và cộng hòa, hệ thống nghị viện là một nền văn hóa truyền thống, và luôn rất phát triển. Nước Anh được gọi là "mẹ của hệ thống nghị viện", đã triệu tập nghị viện lần đầu tiên (còn gọi là Hội nghị Simon) vào năm 1264, để các hiệp sĩ và công dân của các tầng lớp xã hội thấp hơn bước lên sân khấu chính trị quốc gia.

Sau Cách mạng Thanh giáo vào giữa thế kỷ 17, Vương quốc Anh chính thức thành lập dân chủ đại diện, và trở thành sự khởi đầu của một nền dân chủ hiện đại. Ngoài ra, ở phương Tây, sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, dưới hệ thống văn minh Công giáo phương Tây, quyền lực tôn giáo và vương quyền ở trong tình trạng xung đột nhị phân, hình thành một tranh chấp chính trị và tôn giáo, cũng làm cho quyền lực tôn giáo hạn chế vương quyền.

Mặt khác, những yếu tố văn hóa và chính trị hạn chế chế độ quân chủ như ở Trung Quốc hay Tây Âu, thì ở Nga hầu như không tồn tại. Nền giáo dục ở Nga còn lạc hậu, trong một thời gian dài trong lịch sử, nước này thiếu vắng một tầng lớp trí thức độc lập như tầng lớp sĩ đại phu Nho giáo ở Trung Quốc. Mãi đến đầu thế kỷ 18, Peter Đại đế (cũng gọi là Pyotr Đại đế) mới tiến hành cải cách, phương Tây hóa và thành lập các trường đại học. Nhờ đó mà Nga có hệ thống giáo dục hiện đại, tầng lớp trí thức độc lập dần dần hình thành, và các tầng lớp trí thức này đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị Nga cho đến cuối thế kỷ XIX.

Peter Đại đế (cũng gọi là Pyotr Đại đế). (Phạm vi công cộng)

Thể chế đại diện được sử dụng ở Nga để kiểm soát quyền lực của Sa Hoàng chỉ xuất hiện vào năm 1906, muộn hơn vài trăm năm so với sự ra đời của hệ thống nghị viện ở các nước Tây Âu. Về mối quan hệ giữa uy quyền tôn giáo và vương quyền, vì tuổi thọ của Đế chế Đông La Mã dài hơn Đế chế Tây La Mã khoảng một nghìn năm, nên Giáo hội Chính thống luôn chịu sự kiểm soát của các hoàng đế Byzantine, các việc lớn của giáo hội như bổ nhiệm và loại bỏ các tổng giám mục, triệu tập các hội đồng, giải thích học thuyết… đều do hoàng đế kiểm soát.

Hệ thống chính trị và tôn giáo này cũng được kế thừa bởi Đế quốc Nga, giúp Sa Hoàng kiểm soát quyền lực tôn giáo. Dưới chế độ chuyên chế của Nga, Sa Hoàng không chỉ được hưởng quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp tối cao, mà còn là người làm chủ toàn bộ đất nước. Tất cả đất đai, tài nguyên và tài sản đều nằm dưới sự kiểm soát của một mình Sa Hoàng. Loại chính quyền này, như nhà xã hội học người Đức Weber gọi là "chuyên chế gia trưởng", đã hạn chế quyền lực của tầng lớp quý tộc lớn trong nước, và đưa quyền lực của nhà vua lên đến đỉnh điểm.

Những căn bệnh về thể chế này của Đế chế Nga không có tác động nghiêm trọng đến nước Nga cho đến thế kỷ 19. Các vị Sa Hoàng của Nga trong tất cả các triều đại một mặt duy trì quyền cai trị trong nước bằng nắm đấm sắt chuyên quyền, mặt khác muốn tiến hành các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và xâm chiếm đất đai của các nước khác.

Đầu thế kỷ 19 là thời kỳ đỉnh cao của Đế chế Nga, năm 1812, Sa Hoàng Alexander I đánh bại Napoléon I của Pháp, và khôi phục các hoàng gia Châu Âu bị Napoléon đánh bại. Ông được gọi là "Thánh vương" đã cứu Châu Âu, và Nga trở thành một trong năm cường quốc thống trị của Châu Âu. Vào thời điểm này, sức mạnh quốc gia của Nga đang phát triển mạnh, liên tục can thiệp vào các công việc của Châu Âu, giúp các nước đàn áp dân chủ và các cuộc cách mạng quốc gia, bảo vệ quyền lực của chế độ quân chủ, được gọi là "quân cảnh Châu Âu".

Sau khi đàn áp cuộc Cách mạng Châu Âu năm 1848, Sa Hoàng Nicholas I đã từng ngạo nghễ tuyên bố: “Quân vương nước Nga là ông chủ của cả Châu Âu, không nước nào dám cản đường nước Nga”.

Sau đó, vào giữa thế kỷ 19, trong Chiến tranh Crimea, quân đội Nga dưới sự cai trị của Nicholas I, ở ngay trên lãnh thổ của mình, đã bị liên quân Anh-Pháp, đội quân từ xa đến, đánh bại, đánh dấu Đế chế Nga bắt đầu từ thịnh vượng đến suy tàn.

Sa Hoàng Nicholas I. (Phạm vi công cộng)

Như đã nói ở trên, khi nước Nga được giải phóng khỏi ách thống trị của Mông Cổ và thành lập đế quốc vươn ra bên ngoài, thì phương Tây đang bước vào thời đại hàng hải, các nước phương Tây tiến hành buôn bán với thuộc địa ở Tân Thế giới và trên thế giới, làm cho nền văn minh thương mại tư bản chủ nghĩa đi vào một giai đoạn phát triển nhanh chóng.

Vào nửa cuối thế kỷ 17, Anh là nước đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi sang hệ thống dân chủ hiện đại, đồng thời thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, và hệ thống dịch vụ dân sự hoàn hảo, cho phép Quốc hội Anh giám sát chặt chẽ các khoản chi tiêu tài chính của chính phủ, cung cấp các bảo đảm thể chế cho sự phát triển của thị trường nợ quốc gia ở Vương quốc Anh. Sự thành công của hệ thống tài chính cũng đã dẫn đến việc hình thành các hệ thống tài chính hiện đại như thị trường cổ phiếu tư nhân, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các nhà kinh tế phương Tây gọi là những thay đổi tài chính này là “cách mạng tài chính ”.

Việc hiện đại hóa hệ thống tài chính của Anh đã tạo ra sự đảm bảo về vốn mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp tập trung tư bản như thép, dệt may và đường sắt, giúp Vương quốc Anh bắt đầu làn sóng cách mạng công nghiệp đầu tiên vào những năm 1760. Đến giữa thế kỷ 19, Anh, Pháp và Mỹ là những nước đầu tiên hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thực hiện công nghiệp hóa, và trở thành cường quốc công nghiệp.

Mặt khác, Nga không theo kịp tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất do chế độ nông nô, chế độ chuyên quyền, và sự phản kháng mạnh mẽ đối với văn hóa Châu Âu, và đã có khoảng cách lớn với Anh và Pháp.

Năm 1853, Nga có ý định sáp nhập Bosphorus và Dardanelles do người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman kiểm soát, và giành quyền tiếp cận Biển Địa Trung Hải, gây ra sự can thiệp của Anh và Pháp, và Chiến tranh Crimea nổ ra. Cuộc chiến về cơ bản là hai cường quốc công nghiệp hóa đánh một quốc gia mới bước vào công nghiệp hóa, và cuộc chiến kéo dài đến năm 1856, kết thúc với thất bại của Nga.

Chiến tranh Crimea là "cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên" trong lịch sử thế giới. Nhiều công nghệ mới lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc chiến này. Ví dụ, hải quân Anh và Pháp đã sử dụng tàu chiến chạy bằng hơi nước, sử dụng tàu hỏa để vận chuyển tiếp tế và tiếp viện, và đã sử dụng điện báo có dây. Quân đội Nga trang bị quân sự rất lạc hậu, không có đường sắt hỗ trợ vận chuyển, hầu hết các loại súng được trang bị là súng hỏa mai từ thời Chiến tranh Napoléon, tầm bắn và độ chính xác kém hơn cả súng trường Mini của Anh và Pháp cả một thế hệ. Ngoài ra, những người lính Nga đều là nông nô thất học, phẩm chất quân nhân và tinh thần trách nhiệm rất kém.

Chiến tranh Crimea đã phơi bày sự lạc hậu của Nga. Sa Hoàng nhận thấy tác động to lớn của công nghệ tiên tiến và công nghiệp hóa đối với cuộc chiến, cũng như sự khác biệt giữa quân đội gồm nông nô, và quân đội gồm những người tự do của Anh và Pháp, và cuối cùng nhận ra rằng, thể chế này của Nga tụt hậu so với các nước phương Tây tiên tiến. Thế nên, năm 1861, Alexander II bắt đầu cuộc cải cách xóa bỏ chế độ nông nô.

Năm 1861 dường như là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới. Ba cường quốc quân sự lớn trên thế giới khi đó là Mỹ, Trung Quốc và Nga đều bắt đầu công cuộc cải tổ nội bộ theo hướng hiện đại hóa gần như cùng một lúc. Ở Nga, chế độ nông nô bị xóa bỏ; ở Mỹ, Nội chiến nổ ra nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ; và ở Trung Quốc, phong trào phương Tây hóa theo hướng hiện đại hóa được phát động.

Hoa Kỳ đã là một nước cộng hòa tương đối trưởng thành vào thời điểm đó, và những gì cần giải quyết là vấn đề một quốc gia hai hệ thống, và sự chia cắt miền Bắc và miền Nam do chế độ nô lệ để lại vào thời kỳ đầu lập quốc. Sau Nội chiến, người Mỹ đã cắt đứt khối u chế đô nô lệ bám lên quốc gia với cái giá là sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Nước Mỹ non trẻ từ đó tỏa ra ánh sáng sinh mệnh thần thánh, đã phát triển nhảy vọt để trở thành quốc gia văn minh tự do nhất, dân chủ nhất, hùng mạnh nhất và hợp lý nhất trên thế giới, và trở thành người bảo vệ trật tự toàn cầu trong tương lai.

Ở Trung Quốc, Phong trào Tây hóa bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, và thiết lập các ngành công nghiệp hiện đại như đường sắt và nhà máy. Dưới sự lãnh đạo của Phong trào Tây hóa, ở Trung Quốc đã có những tiếng nói kêu gọi cải cách chính trị, sau Cách mạng năm 1911, hoàng đế nhà Thanh thoái vị năm 1912, và thành lập nước cộng hòa đầu tiên ở Châu Á, đó là Trung Hoa Dân Quốc.

Ở Nga, những cải cách của Sa Hoàng là nhằm tiếp tục bành trướng thế lực của mình ra khắp thế giới, và xâm chiếm lãnh thổ các nước khác. Từ năm 1858 đến năm 1864, chỉ một vài năm trước và sau khi Alexander II xóa bỏ chế độ nông nô, Nga đã lợi dụng Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai để cướp 1,44 triệu km vuông đất của Trung Quốc. Năm 1900, 30.000 quân của liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh, thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt Nghĩa Hòa Đoàn, và giải quyết vấn đề các nhân viên ngoại giao sứ quán bị mắc kẹt. Nga nhân cơ hội này tiếp tục chiếm đất Trung Quốc.

Nga đem 200.000 quân chiếm ba tỉnh miền Đông Trung Quốc. Ngày 16/7/1900, Nga thực hiện vụ thảm sát Hailanpao (Hải Lan Bào), hàng nghìn người Trung Quốc sống ở Hải Lan Bào bị quân đội đế quốc Nga giết hại. Từ ngày 17 đến ngày 21/7, quân đội Nga liên tiếp đưa hơn 10.000 cư dân của 64 ngôi làng ở Giang Đông đến bờ sông Hắc Long Giang rồi bắn chết, hoặc giết chết bằng rìu, số còn lại nhảy xuống sông Hắc Long Giang, chỉ một số ít chạy thoát được bằng cách bơi lội.

Sau khi chính phủ nhà Thanh và các nước phương Tây đạt được sự bồi thường và ký kết "Hiệp ước Tân Sửu", các nước phương Tây khác đã rút quân, trong khi Nga vẫn có 100.000 quân cố thủ ở Đông Bắc, và cuối cùng xung đột với Nhật Bản, dẫn đến cuộc Chiến tranh Nga- Nhật năm 1904. Cuộc chiến kết thúc năm 1905, với sự thất bại thảm hại của nước Nga. Đế quốc Nga mất đi lực lượng quân sự đáng gờm để duy trì đế chế của mình, và từ đó trở nên suy yếu.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Huệ Hổ Vũ)

(Xem Phần 4)

Nguyệt Hà
Theo Huệ Hổ Vũ - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử Nga: 500 năm gió mây biến ảo, vinh quang cuối cùng của Đế quốc Nga đang tiêu tan (P-3)