Lịch sử Nga: 500 năm gió mây biến ảo, vinh quang cuối cùng của Đế quốc Nga đang tiêu tan (P-4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 500 năm gió mây biến ảo, điều duy nhất mà Nga có thể phô trương là lực lượng quân sự được tích lũy trong thời đại đế chế. Cuộc chiến Nga-Ukraine có thể làm mất đi dấu tích vinh quang cuối cùng của đế quốc Nga. 

Xem lại: Phần 2; Phần 3

Liên Xô: Thây ma Đế chế Nga sống lại

Bị ảnh hưởng bởi xu hướng cách mạng Châu Âu vào giữa thế kỷ 19, một làn sóng cách mạng chống lại chế độ chuyên quyền của Nga Sa Hoàng đã xuất hiện trong Đế quốc Nga. Tầng lớp trí thức độc lập hình thành ở Nga thời hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu lịch sử, nhân dân đòi hỏi xây dựng thể chế cộng hòa, thậm chí một số dân tộc đòi độc lập. Hệ tư tưởng chính thức của đế chế Nga là "Chính thống giáo + chế độ quân chủ chuyên chế + dân tộc Nga" được thiết lập từ thời Nicholas I đã bị thách thức. Thất bại trong Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 đã làm bùng nổ làn sóng cách mạng đầu tiên ở Nga vào năm 1905, đồng nghĩa với việc Đế quốc Nga đã bước vào một thời kỳ sóng gió.

Vào thời kỳ cuối của Đế chế Nga, nhiều lực lượng chính trị thành lập để lật đổ sự cai trị của Sa Hoàng, bao gồm các đảng tự do và xã hội chủ nghĩa. Năm 1914, Đế quốc Nga có vũ trang đã tham gia vào cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử lúc bấy giờ - Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Cuộc chiến này đã trở thành đống rơm cuối cùng nghiền nát Đế quốc Nga.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Nga đã chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài ba năm đẫm máu với Đức, một cường quốc công nghiệp đang lên, với cái giá là hàng triệu người thương vong, đồng thời mất đi phần phía tây giàu có và đông dân nhất của đế chế. Nga mắc nợ tài chính chồng chất, chính phủ gặp khó khăn tứ bề, đặc biệt là cư dân thành phố bị lạm phát trầm trọng, và tình trạng thiếu nguồn cung đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô Petrograd (sau chiến tranh, St.Petersburg được đổi tên thành Petrograd). Do giao thông đường sắt ngày càng tồi tệ, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu.

Chính phủ lâm thời Nga sau cuộc Cách mạng Tháng 2 lật đổ Nga Sa Hoàng. (Phạm vi công cộng)
Chính phủ lâm thời Nga sau cuộc Cách mạng Tháng Hai lật đổ Nga Sa Hoàng. (Phạm vi công cộng)

Năm 1917, khi cuộc chiến vẫn còn bế tắc, Cách mạng Tháng Hai do những người dân chủ lãnh đạo đã nổ ra ở thủ đô Petrograd, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế của Sa Hoàng, Đế quốc Nga tuyên bố sụp đổ, nước Nga bước vào một nước cộng hòa tồn tại trong thời gian ngắn. Thật không may, chỉ bảy tháng sau, Lenin phát động Cách mạng Tháng Mười, và cái thây ma chuyên quyền của Đế quốc Nga được hồi sinh dưới hình thức mới.

Từ tháng 11 năm 1917 đến tháng 10 năm 1922, một cuộc nội chiến nổ ra trên lãnh thổ của Đế quốc Nga, giữa chế độ Xô Viết do Lenin lãnh đạo, và chế độ lâm thời do những người dân chủ thành lập. Cuối cùng, chế độ Xô Viết đã chiến thắng trong cuộc nội chiến. Vào ngày 30 tháng 12 năm 1922, Nga, Ukraine, Belarus và vùng Ngoại Kavkaz, dưới sự kiểm soát của chế độ Xô Viết, đã ký một thỏa thuận thành lập Liên bang Xô Viết, quốc gia đầu tiên trong lịch sử có chế độ độc đảng.

Lý thuyết về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã được lưu hành ở Châu Âu ngay từ giữa thế kỷ 19. Theo người sáng lập, Marx, cuộc cách mạng cộng sản trước tiên sẽ nổ ra ở các nước tư bản phương Tây phát triển về công nghiệp. Nhưng thực tế lịch sử, Nga là một nước Đông Âu với nền nông nghiệp lạc hậu nhất, lần đầu tiên nổ ra cuộc cách mạng, và thành lập chế độ cộng sản. Nguyên nhân chính là do thổ nhưỡng lịch sử và văn hóa của nước Nga phù hợp với sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa Marx. Lý thuyết về chủ nghĩa xã hội ở Nga đã nhiều lần được giải thích rằng, nhà nước có quyền kiểm soát vô hạn đối với công dân và tài sản của họ, đây là đặc điểm tồi tệ nhất của chế độ chuyên chế Nga Sa Hoàng.

Ngoài ra, nông nô và nông dân ở dưới đáy nước Nga thường tôn thờ quyền lực và những nhà lãnh đạo quyền lực. Họ coi thường phong cách lãnh đạo bị cho là yếu đuối của các nhà lãnh đạo dân chủ. Truyền thống chuyên quyền của Sa Hoàng, và tâm lý nô dịch của tầng lớp dưới đáy xã hội đã khiến một chế độ độc tài toàn trị được tái tạo, nhanh chóng hồi sinh trên thây ma của Đế quốc Nga. Ở các nước phương Tây, sự phát triển không chỉ là nền công nghiệp phát triển, mà còn là sự phát triển của nền văn minh dân tộc. Nhân dân và nhà nước là một mối quan hệ hợp đồng bình đẳng và cùng có lợi. Điều này mang lại cho nền văn minh phương Tây một cơ chế phòng ngừa tự động để tránh cuộc cách mạng bạo lực.

Đây là một thực tế lịch sử cần phải đặc biệt rõ ràng: vào năm 1920, khi Nội chiến Nga còn đang diễn ra sôi nổi, trước khi Liên Xô được thành lập, Đảng Cộng sản Nga đã bắt đầu xuất khẩu các cuộc cách mạng, và thành lập chi nhánh Viễn Đông ở Trung Quốc: Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự thành lập của Liên bang Xô Viết và sự xuất khẩu rầm rộ các cách mạng ra thế giới bên ngoài đã làm thay đổi chiều hướng của lịch sử thế giới, và hình thành nên mô hình Chiến tranh Lạnh gồm hai phe đối lập trong nửa thế kỷ sau, cuối Thế chiến II.

Chiến tranh Nga-Ukraine: Vinh quang cuối cùng của Đế chế Nga sắp tiêu tan

Sau khi Liên Xô được thành lập, nước này đã tận dụng mức độ tập trung cao độ của chế độ độc đảng, và tập trung các nguồn lực quốc gia để phát triển các ngành công nghiệp nặng bằng mọi giá, bao gồm năng lượng, thép, máy móc và vũ khí; và sử dụng nguồn vốn tư bản của Anh và Mỹ chảy vào Liên Xô trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô dựa vào lãnh thổ rộng lớn làm chiều sâu chiến lược của mình, cùng với tiếp nhận liên tục các nguồn lực chiến tranh từ Hoa Kỳ - quốc gia công nghiệp mạnh nhất thế giới; cuối cùng, Liên Xô cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh của Anh đã đánh bại Đức, trở thành siêu cường sánh với Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ hai.

Chiến lược quốc gia của Liên Xô là xuất khẩu cách mạng và xây dựng một thế giới mới do Đảng Cộng sản Liên Xô thống trị thế giới. Cấu hình của hệ thống công nghiệp của nước này luôn nhằm phát động và chiến thắng các cuộc chiến tranh. Nền kinh tế Liên Xô phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và vũ khí, và bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giá dầu, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nó.

Đầu những năm 1980, Mỹ thành lập liên minh với Ả Rập Xê Út để thuyết phục Ả Rập Xê Út tăng sản lượng khai thác dầu, dẫn đến giá dầu quốc tế giảm mạnh, khiến giá trị xuất khẩu dầu của Liên Xô giảm mạnh. Mặt khác, Liên Xô đang sa lầy trong cuộc chiến ở Afghanistan vào thời điểm đó, và sức mạnh quốc gia được tích lũy do giá dầu thế giới tăng vọt trong những năm 1970 đang bị cạn kiệt, khiến Liên Xô rơi vào khủng hoảng kinh tế. Năm 1985, nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đề xuất kế hoạch khôi phục kinh tế. Năm 1986, sau khi công cuộc cải cách kinh tế bị thất bại, Gorbachev phải tiến hành cải cách chính trị. Các nước cộng sản ở Đông Âu cũng đang tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của Liên Xô.

Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev. (Phạm vi công cộng)

Ngày 4 tháng 6 năm 1989, công đoàn Đoàn kết Ba Lan thắng lợi trong cuộc bầu cử toàn quốc, mở ra bức màn lịch sử về sự chuyển mình của các nước cộng sản Đông Âu. Trong hai năm sau đó, các chế độ cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ. Vào tháng 3 năm 1990, Lithuania (Lít-va), với tư cách là 1 trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, lần đầu tiên tuyên bố độc lập. Từ đó, Liên bang Xô Viết bước vào giai đoạn đếm ngược đến ngày tan rã. Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Liên bang Xô Viết tuyên bố tan rã, toàn bộ 15 nước cộng hòa thuộc nhà nước liên bang này khôi phục lại tư cách là các quốc gia có chủ quyền, bao gồm Nga, Ukraine, Belarus, v.v. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Cộng hòa Liên bang Nga được tuyên bố ra đời, là nước cộng hòa thứ hai trong lịch sử Nga, kế thừa hệ thống luật pháp của nước cộng hòa Nga sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917.

Liên Xô tan rã cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh, phe cộng sản - phe phản đối thế giới tự do - không còn tồn tại ở Châu Âu, toàn thế giới bước vào một niên đại phát triển hòa bình. Nước Nga cũng bước vào một nền dân chủ. Nhưng ba mươi năm sau, nền dân chủ của Nga đã không phát triển thuận lợi. Về mặt chính trị, nước Nga đã hình thành một chế độ độc tài đầu sỏ của Tổng thống Putin dưới lớp áo dân chủ. Là một tín đồ Chính thống giáo, Putin có thể không thích ý thức hệ vô Thần của chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông thích sự cai trị chuyên quyền của Đảng Cộng sản, và hoài niệm sức mạnh quân sự của đế chế Liên Xô để thống trị thế giới. Thậm chí Putin còn liên hệ sự tan rã của Liên bang Xô Viết với vận mệnh của đế quốc Nga. Putin than thở rằng, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết không chỉ là một thảm họa, mà còn là sự sụp đổ của "nước Nga lịch sử". Có thể thấy, Putin, người xuất thân trong ngành tình báo Liên Xô, không bao giờ quên những đế chế hùng mạnh một thời - dù là Đế chế Nga hay Đế chế Xô Viết. Tư duy cũ của Liên Xô rõ ràng đã ảnh hưởng đến việc biến Nga thành một nước cộng hòa thực sự.

Về mặt kinh tế, sức mạnh kinh tế của Nga vẫn còn tụt hậu so với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thu nhập chính của nước này đến từ xuất khẩu dầu khí. Năm 2021, GDP của Nga là 1,77 nghìn tỷ đô-la Mỹ, đứng thứ 11 trên thế giới; trong khi GDP của Hàn Quốc là 1,79 nghìn tỷ đô-la Mỹ, đứng thứ 10. Diện tích đất đai và tài nguyên của Nga khác hoàn toàn với Hàn Quốc. Nga, với lãnh thổ và tài nguyên khổng lồ, nhưng chỉ ngang bằng Hàn Quốc về sức mạnh kinh tế. Nga có rất ít thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, trong khi Hàn Quốc có Samsung, Hyundai; Đài Loan có TSMC. Trong ngành công nghệ toàn cầu, vị trí của Nga kém xa Hàn Quốc và Đài Loan, và càng không thể sánh với các cường quốc công nghiệp phương Tây.

Ba mươi năm sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga vẫn chưa hoàn thành quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang một xã hội tự do và cởi mở, và đã hình thành một mô hình độc quyền trong cả hệ thống kinh tế lẫn chính trị, thậm chí ảnh hưởng đến các chính sách đối nội và đối ngoại của chế độ Putin. Từ khi Ivan IV thành lập Đế chế Nga cho đến việc Tổng thống Putin nắm quyền quản lý kho vũ khí hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại, sau 500 năm thay đổi, thứ duy nhất mà Nga có thể phô trương là lực lượng quân sự được tích lũy từ thời đế quốc. Và cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022, được cho là sẽ làm tiêu tan vinh quang đế quốc cuối cùng của nước Nga.

Cuộc chiến Nga-Ukraine này, bất kể từ chiến trường, các yếu tố địa chính trị khi chiến tranh bùng nổ, hay kết quả dự kiến ​​của cuộc chiến, cũng gần giống như Chiến tranh Crimea nổ ra năm 1853. Hệ thống kinh tế, chính trị và công nghệ quân sự lạc hậu của Nga, lại một lần nữa thông qua "Chiến tranh Crimea", đã được phơi bày trước thế giới. Chiến tranh Nga-Ukraine là một thế hệ chiến tranh mới được thống trị bởi công nghệ mới, và nó là một mô hình chiến tranh mà nhân loại chưa từng trải qua trước đây. Mạng vệ tinh + Trí tuệ nhân tạo + Dữ liệu lớn + Thông tin và hệ thống chỉ huy được nối mạng + Máy bay không người lái tiên tiến, cùng với vũ khí dẫn đường chính xác, đã thay đổi đáng kể hình thức chiến tranh.

Vào ngày 20 tháng 4 năm 2022, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa phòng không vác vai Stinger. (Bộ Quốc phòng Ukraine)

Các đội quân tinh nhuệ nhỏ dựa vào máy bay không người lái và vũ khí cá nhân tiên tiến, có thể tấn công chính xác xe tăng, máy bay chiến đấu và các mục tiêu quan trọng trên mặt đất của đối phương. Với sự trợ giúp của sức mạnh tính toán tiên tiến của trí tuệ nhân tạo, tên lửa và lựu đạn thông thường có thể được biến thành vũ khí tấn công chính xác, và những đòn tấn công chính xác này có thể kiểm soát tình hình cuộc chiến. Quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tiến hành phương thức chiến tranh mới này là Hoa Kỳ. Quân đội Ukraine được Hoa Kỳ huấn luyện, hỗ trợ bởi thông tin tình báo do Hoa Kỳ cung cấp, và có vũ khí công nghệ cao do Hoa Kỳ cung cấp, đã tham gia vào cuộc chiến công nghệ mới bất đối xứng này với Nga.

Mặt khác, trong lịch sử loài người, chưa từng có quốc gia nào giống như Nga, phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế chung của các cường quốc trên thế giới vì phát động chiến tranh. Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu ngày nay, các biện pháp trừng phạt kinh tế đó đã giáng đòn nặng vào Nga, thậm chí còn vượt trên cả bản thân cuộc chiến. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, thì sự suy tàn của Nga là điều khó tránh khỏi. Trong tương lai, nước Nga ngoài sở hữu vũ khí hạt nhân ra, sẽ không có ảnh hưởng đáng kể gì trên toàn cầu, và sẽ trở thành một nước Bắc Triều Tiên với lãnh thổ rộng lớn.

Đối mặt với quân đội Ukraine, với lợi thế tác chiến phi đối xứng do Mỹ hỗ trợ, Nga tiếp tục thua trên chiến trường, và bị loại khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu trong các hoạt động kinh tế. Nga có thể đã mất hoàn toàn cơ hội hội nhập với các nước phương Tây khi phát động cuộc chiến này. Nga buộc phải trói buộc tương lai của mình với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Iran, và cả Triều Tiên, những quốc gia độc tài và xấu xa nhất hiện nay. Nó có thể trở thành một quốc gia thực sự bị nền văn minh Châu Âu ruồng bỏ.

Vì vậy, có hy vọng nào cho tương lai của Nga? Liệu nước Nga, một quốc gia hiện đã thành lập một hình thức chính phủ dân chủ, có thể từ bỏ giấc mơ khôi phục Đế chế Nga hay Đế chế Xô Viết hay không? Sau Chiến tranh Nga-Ukraine, trong môi trường quốc tế và hệ thống văn minh mới, liệu Nga có thể từ bỏ lối tư duy cũ là dựa vào xâm lược và bành trướng để có được cái gọi là không gian sinh tồn của đế quốc hay không? Tuy nhiên, do Nga đã thiết lập một khuôn khổ quốc gia của một nước cộng hòa dân chủ, nên tác giả tin rằng, tương lai sẽ rộng mở cho nước Nga để giải quyết những vấn đề lịch sử này.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Huệ Hổ Vũ)

(Hết) - Xem Phần 1

Nguyệt Hà
Theo Huệ Hổ Vũ - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử Nga: 500 năm gió mây biến ảo, vinh quang cuối cùng của Đế quốc Nga đang tiêu tan (P-4)