Lịch sử, ý nghĩa và văn hóa của chiếc giường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiếc giường đầu tiên mà con người biết đến, ước tính có khoảng 77.000 năm tuổi, là một cái hố nông được đào dưới đất ở Nam Phi, hai bên được trồng đầy các loại cỏ và thực vật có tác dụng xua đuổi côn trùng.

Hầu hết mọi người được thai nghén ở đây, sinh ra ở đây, và chết đi ở đây. Một phần ba cuộc đời người dành ở đây. Ở đây đọc sách, nói chuyện, ôm người thân yêu, uống ly rượu trước khi đi ngủ hoặc tách cà phê vào buổi sáng.

Đây là nơi trú ẩn để cơ thể hồi phục, là nơi ẩn náu những khi buồn và muốn khóc một mình, là lâu đài kiên cố để những đứa trẻ tránh khỏi nỗi sợ bóng đêm. Đây vừa là pháo đài vừa là chiến trường của vợ và chồng.

Đây cũng là phương tiện chở chúng ta đến vùng đất của những giấc mơ, và tất nhiên, cả những cơn ác mộng.

Bạn đã đoán ra chưa? Đó chính là "chiếc giường".

Món đồ nội thất khiêm tốn này thường được đặt ở góc phòng và là phông nền cho các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Trên thực tế, trong truyện cổ tích "Nàng công chúa và hạt đậu" (The Princess and the Pea) của tác giả Hans Christian Andersen, và tác phẩm kinh điển "Nghìn lẻ một đêm" (The Arabian Nights), "chiếc giường" chính là sân khấu của câu chuyện. Và, trong các bức tranh từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều tác phẩm mô tả nhân vật đang ở trên giường, có thể là người đang ngủ, người yêu, trẻ em, người đang hấp hối hoặc đã qua đời…

Nếu mở rộng định nghĩa về văn hóa ra ngoài lĩnh vực nghệ thuật để bao hàm cả những phong tục tập quán của xã hội, chúng ta sẽ thấy rằng “chiếc giường” không chỉ là công cụ để ngủ mà đôi khi còn là sân khấu cho hài kịch, chính kịch hay bi kịch.

Sơ lược về lịch sử của ‘chiếc giường’

Con người thời tiền sử không quan tâm nhiều đến giấc ngủ, họ quan tâm nhiều hơn đến việc làm thế nào để tránh trở thành bữa ăn khuya cho thú dữ. Do đó, các nhà nhân loại học suy đoán rằng, có lễ tổ tiên của chúng ta thường xuyên nghỉ ngơi trên cành cây.

Chiếc giường đầu tiên mà con người biết đến, ước tính có khoảng 77.000 năm tuổi, là một cái hố nông được đào dưới đất ở Nam Phi, hai bên được trồng đầy các loại cỏ và thực vật có tác dụng xua đuổi côn trùng. Cùng với sự phát triển của xã hội, người ta bắt đầu dành ra một không gian để ngủ trong căn nhà nhỏ thô sơ của mình, các thành viên trong gia đình hoặc những người thân khác cùng dùng chung.

Vào thời cổ đại, chẳng hạn như trong các xã hội Ai Cập và Trung Quốc, hầu hết mọi người đều ngủ trên chiếu hoặc cỏ khô. Có một từ lóng để chỉ hành động "đi ngủ" trong tiếng Anh là "to hit the hay" (đánh đống cỏ khô). Có thể thấy việc ngủ trên cỏ có từ rất sớm.

Những người lính Pháp đang nằm ngủ trên cỏ, họ đang mơ về chiến thắng của các bậc tiền bối. Tác phẩm “Giấc mơ” (The Dream) của Édouard Detaille sáng tác năm 1888, tranh sơn dầu trên vải, trưng bày ở bảo tàng Musée d’Orsay, Paris, Pháp. (Public Domain)
Những người lính Pháp đang nằm ngủ trên cỏ, họ đang mơ về chiến thắng của các bậc tiền bối. Tác phẩm “Giấc mơ” (The Dream) của Édouard Detaille sáng tác năm 1888, tranh sơn dầu trên vải, trưng bày ở bảo tàng Musée d’Orsay, Paris, Pháp. (Public Domain)

Tuy nhiên, theo thời gian, chiếc giường dần được chú trọng hơn về mức độ tiện nghi và cả địa vị. Ví dụ, một số người Trung Quốc đã xây gạch làm giường (gọi là “kang”, tức giường đất hoặc giường lò). Vào mùa đông dài và lạnh lẽo, họ có thể đốt lửa ở dưới “kang” để giữ ấm. Pharaoh Tutankhamun của Ai Cập nằm ngủ trên một chiếc khăn trải giường làm từ vàng, những người cai trị khác của Ai Cập cũng có những chiếc giường tinh xảo tương tự, chúng được trạm trổ tỉ mỉ và điêu khắc phức tạp bằng kim loại quý.

Ở thời La Mã cổ đại, nhà của giới thượng lưu được gọi là “domus”, trong đó có các gian ngủ được gọi là “cubicula”, ngày nay gọi là "cubicle” (buồng ngủ nhỏ). Những gian phòng này được trang trí tối giản và dành riêng cho việc nghỉ ngơi. Người La Mã cổ đại thích tiếp đãi khách và tổ chức các buổi họp mặt gia đình trong khu vườn hoặc "bàn ăn trường kỷ" (triclinium). “Bàn ăn trường kỷ” là loại bàn ăn với ba chiếc trường kỷ lót đệm được đặt ở ba phía, phía còn lại để mở để người hầu có thể mang đồ ăn vào bàn. Người La Mã cổ đại thích nằm nghiêng để ăn, giống như một số người hiện đại thích ăn đêm trên giường.

Roman Triclinium or Dining Room.jpg
"Bàn ăn trường kỷ" (triclinium) của người La Mã cổ đại. (Public Domain)

‘Giường’ là nơi gặp gỡ tụ hội

Trong nhiều xã hội, phòng ngủ thường là không gian chung cỡ lớn, thậm chí ngay cả phòng ngủ của vua cũng không phải ngoại lệ. Hoặc với những gia đình nghèo trong nhiều thế kỷ, cả gia đình ngủ chung trong một phòng, dĩ nhiên một phần là để tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

Chẳng hạn như, mỗi sáng, vua Louis XIV của Pháp đều làm việc trong phòng ngủ sang trọng của mình. Xung quanh là những người hầu cận, người ghi chép, quần thần và các thành viên quý tộc. Vua tuân theo các nghi thức cung đình nghiêm ngặt nhất, ban hành các mệnh lệnh, viết thư, hỏi ý kiến ​​các cố vấn và có những cuộc trò chuyện sôi nổi với mọi người tại đây.

Trong Thế chiến II, Thủ tướng Anh Winston Churchill đôi khi cũng làm giống như vua Louis XIV, nhưng theo cách dân chủ hơn. Ông cũng gặp gỡ các nhân viên quân sự hoặc ngoại giao và viết các bản ghi nhớ, hoặc chỉ thị bằng miệng ngay trên chiếc giường thoải mái của mình. Trong khi làm việc, ông thường hút xì gà, uống rượu whisky hoặc nước.

Ngoài ra, trong suốt phần lớn lịch sử loài người, các nền văn hóa ở nhiều vùng khác nhau cũng đã có những nhận thức về quyền riêng tư và cuộc sống công cộng. So với cuộc sống gia đình hạt nhân và cuộc sống đơn độc hiện đại của chúng ta thì có khác biệt rõ rệt.

Ví dụ như trong “Beowulf” – cuốn sử thi lâu đời nhất được viết bằng tiếng Anh cổ được sáng tác vào khoảng thời gian từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 11 sau công nguyên. Câu chuyện xảy ra trong cung điện Heorot, tại một căn phòng khiêu vũ lớn chứa đầy thịt và rượu mật ong. Sau khi vua Hrothgar rời khỏi bữa tiệc, những người đến sau bao gồm Beowulf và người của mình, cùng đoàn tùy tùng của nhà vua đã ngủ lại trong sảnh tiệc. Đêm đó, họ đã chiến đấu với quái vật khổng lồ Grendel. Trong suốt thời Trung cổ, những đại sảnh hoa lệ ấy thường cung cấp hai dịch vụ, khách có thể ăn và ngủ trên cùng một chiếc bàn.

Thậm chí sân chung cũng có thể là nơi để ngủ. Tác phẩm “Những người phụ nữ của Amphissa” (The Women of Amphissa) của Lawrence Alma-Tadema sáng tác năm 1887. Tranh sơn dầu trên vải, trưng bày tại Viện nghệ thuật Clark, Williamstown, Mass, Hoa Kỳ. (Public Domain)
Thậm chí sân chung cũng có thể là nơi để ngủ. Tác phẩm “Những người phụ nữ của Amphissa” (The Women of Amphissa) của Lawrence Alma-Tadema sáng tác năm 1887. Tranh sơn dầu trên vải, trưng bày tại Viện nghệ thuật Clark, Williamstown, Mass, Hoa Kỳ. (Public Domain)

‘Giường’ là không gian chung

Mãi cho đến sau Nội chiến Hoa Kỳ (sau năm 1865), khi di chuyển và phải tạm lưu trú ở một nơi khác, đối với nhiều người Mỹ thì việc ở chung phòng, và đôi khi là ngủ chung giường với người quen, thậm chí là người lạ, vẫn là điều bình thường. Đây là một tình huống hoàn toàn khác với văn hóa ngày nay.

Ví dụ, vào mùa thu năm 1776, Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ John Adams, và Tổng giám đốc bưu chính đầu tiên của Mỹ Benjamin Franklin, đã ngủ chung phòng trong một khách sạn ở New Jersey. Theo ông Adams, căn phòng rất nhỏ, "không gian chỉ lớn hơn một chiếc giường một chút" và có một cửa sổ nhỏ. Ông lo lắng rằng ban đêm gió thổi vào sẽ bị cảm lạnh nên đã đóng cửa sổ trước khi đi ngủ, nhưng ông Franklin lại yêu cầu mở cửa sổ ra. Ông Franklin đã cố gắng thuyết phục ông Adams về "Thuyết cảm lạnh". Thế là ông Adams mở cửa sổ và lên giường nằm, lắng nghe những chia sẻ từ người tiền bối về lợi ích của không khí trong lành rồi chìm vào giấc ngủ.

Không giống như chiếc giường nhỏ mà Adams và Franklin cùng chia nhau, thời đó cũng có một số khách sạn nhỏ và nhà riêng có những chiếc giường rất lớn. Ngày nay du khách có thể nhìn thấy chiếc giường “Great Bed of Ware” (Giường lớn của Ware) tại Bảo tàng Victoria và Albert ở Anh. Trước kia nó được đặt tại Crown Inn (Quán trọ Vương miện) ở thị trấn Ware, miền đông nước Anh. Chiếc giường này cũng được đề cập trong các tác phẩm của một số nhà thơ, bao gồm cả William Shakespeare. Nó dài 11 feet (3,3 mét) và rộng bằng hai chiếc giường đôi hiện đại, cùng lúc 8 người có thể ngủ thoải mái trên chiếc giường này.

Bed of Ware.jpg
Mô hình chiếc giường “Great Bed of Ware”. (Wikimedia Commons/CC BY-SA 3.0)

Trong thời đại Victoria, sau khi các nước mở nhiều tuyến đường sắt hơn, ví dụ như ở Anh và Mỹ, việc đi lại cũng được mở rộng hơn, đi kèm với sự phát triển này là các nhà trọ và khách sạn lần lượt mọc lên. Người ta cũng bắt đầu chú trọng hơn đến sự riêng tư và bắt đầu cung cấp các phòng đơn mà chúng ta quen thuộc ngày nay.

Có những đêm khó ngủ? Giường không chỉ là giường

Trong cuốn sách ngắn và dí dỏm “On Going to Bed” (Lên giường Đi ngủ) của mình, tiểu thuyết gia Anthony Burgess đã thảo luận về vai trò của chiếc giường trong văn hóa của chúng ta. Ông cũng đưa ra một số câu chuyện thú vị về giấc ngủ, chẳng hạn như nằm mơ, gặp ác mộng la hét khóc lóc giữa đêm, mất ngủ, mộng du và cảm giác khi ngủ trên các loại giường khác nhau, từ giường trên khoang thuyền đến giường gấp quân sự. Một lượng lớn các hình ảnh về giường được đặt đúng chỗ đã làm tăng thêm sức hút cho tác phẩm của Burgess.

Khi mô tả về những chiếc giường công phu của Nữ hoàng Hetepheres và Pharaoh Tutankhamun của Ai Cập, tác giả Burgess viết: "Chúng ta có thể suy đoán rằng, các vị vua và hoàng hậu ngủ trên những chiếc giường lộng lẫy ấy, họ cũng không ngủ ngon hơn những người nông dân ngủ trên nền đất bùn (Shakespeare luôn yêu thích khi nói về chủ đề này), sự công phu của chiếc giường không liên quan gì đến việc ngủ ngon".

Ngay cả ngày nay khi chúng ta có đệm mút hoạt tính và ga trải giường mềm mại ở khắp nơi, nhiều người vẫn gặp tình trạng khó ngủ. Có thể suy đoán ra hiện trạng này từ các bài báo đưa tin thị trường thuốc ngủ đang bùng nổ, hay những bài viết chia sẻ cách ngủ ngon hơn, hoặc từ thực tế là chúng ta thường phàn nàn với nhau về việc mất ngủ hay không thể nhắm mắt trong 8 tiếng đồng hồ. Chúng ta có thể thấy an ủi phần nào từ một nghiên cứu gần đây rằng, những thế hệ trước thực sự không ngủ ngon hơn những người hiện đại chúng ta, trái ngược với những lời đồn.

Tác phẩm “Câu chuyện về Những ổ khóa vàng” (Story of Golden Locks) của Seymour Joseph Guy sáng tác vào khoảng năm 1870. Tranh sơn dầu trên vải, trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. (Public Domain).
Tác phẩm “Câu chuyện về Những ổ khóa vàng” (Story of Golden Locks) của Seymour Joseph Guy sáng tác vào khoảng năm 1870. Tranh sơn dầu trên vải, trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. (Public Domain).

Các định nghĩa khác nhau về ‘giường’

Mặc dù nhà văn Burgess đã viết cuốn sách “Lên giường Đi ngủ", nhưng ở phần kết ông lại nói với độc giả rằng, ông đã không ngủ trên chiếc giường của mình trong nhiều năm, mà ngủ trên một tấm đệm trên sàn nhà. Ông thừa nhận rằng bản thân có xu hướng lăn khỏi giường cao và rơi xuống sàn. Ông cũng thích đặt các chồng sách xung quanh tấm đệm dưới sàn hơn, ông còn đặt cả dụng cụ uống trà, máy hát đĩa than và thậm chí là một chiếc tủ lạnh nhỏ cạnh đó.

Còn bây giờ, tôi phải thừa nhận rằng, trong 18 tháng qua, cứ nửa đêm là tôi chạy ra ngủ trên chiếc ghế La-Z-Boy và ngả người ra sau hết mức có thể. Sau khi con gái tôi và gia đình cháu chuyển tới phía bắc để đi làm và đi học, tôi đã chuyển chiếc ghế tựa cơ học từ tầng hầm lên tầng một để ngủ, thay vì đặt nó trong phòng ngủ của tôi trên tầng hai. Khi nhận ra rằng mình có hẳn ba nơi để ngủ, tôi cảm thấy thoải mái và an tâm hơn.

Vậy đệm trải sàn của Burgess có thể được coi là giường không? Với những người từng ngủ trên chiếu hoặc cỏ khô, câu trả lời chắc chắn là có. Vậy còn chiếc ghế La-Z-Boy thì sao? Bất chấp cái tên ngớ ngẩn của nó, tôi cũng muốn nói đó là một chiếc giường. Dù sao thì, giống như những chàng cao bồi đã tuyên bố rằng, sau khi ngủ trên mặt đất hàng tháng trời họ không thể ngủ trên chiếc nệm lông vũ, tôi cũng dần thích chiếc ghế tựa hơi chật chội hơn chiếc giường rộng rãi ở tầng trên.

Tác phẩm “Giấc mơ tình yêu” (The Love Dream) của Franz Rösler, không rõ ngày tháng sáng tác. (Public Domain)
Tác phẩm “Giấc mơ tình yêu” (The Love Dream) của Franz Rösler, không rõ ngày tháng sáng tác. (Public Domain)

Burgess viết về chiếc nệm của mình như sau: "Đó là chiếc giường dành riêng cho các hoạt động như nghỉ ngơi, ngủ, yêu, viết, đọc, nghe nhạc và các hoạt động không chính thức khác không trực tiếp đóng góp cho giới giàu có trên thế giới; nó có thể được coi như chiếc giường mà chúng ta biết ngày nay, nhưng không tẻ nhạt, không mang định nghĩa".

Có thể giống như tổ tiên của chúng ta, những người nông dân ngủ trên nền đất trong túp lều tranh của họ, hoặc những người quý tộc ngủ trên những chiếc giường bốn cọc trong trang viên của họ. Chúng ta có thể đơn giản gọi nơi chúng ta thường nằm để nghỉ ngơi, để ngủ là “giường”.

Vì vậy, bạn đọc thân mến, chúc bạn có những giấc ngủ ngon. Nơi nào bạn cảm thấy dễ chịu, an toàn, dễ dàng chìm vào giấc ngủ, nơi ấy được gọi là giường.

Nam Phương
Theo Jeff Minick – The Epoch Times

Jeff Minick có bốn người con và ‘một tiểu đội cháu đang tuổi lớn’. Suốt 20 năm, ông là giáo viên lịch sử, văn học và dạy tiếng Latinh cho các hội thảo giáo dục học sinh tại nhà ở Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai tiểu thuyết “Amanda bell”, và “Dust On Their Wing” cùng hai tác phẩm phi hư cấu “Learning as I Go”, và “Movies Make the Man”. Hiện nay, ông đang sống và viết sách ở Front Royal, Virginia. Để biết thêm thông tin về tác giả, bạn có thể xem tại blog: JeffMinick.com

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử, ý nghĩa và văn hóa của chiếc giường