Lỗ Trí Thâm: Minh tâm kiến tính quy chính đạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đọc về Lỗ Trí Thâm, chỉ thấy ông là người ân oán rạch ròi, bộc trực trượng nghĩa, mỗi lần ông vung gậy trừ kẻ ác, thay trời hành đạo, đều lớn tiếng quát to. Nhưng khi trầm tư suy ngẫm, lại thấy thấp thoáng trong đó thiền ý của ông, cũng như cơ duyên để hồi quy chân ngã sau nửa đời chìm nổi.

Đánh Trấn Quan Tây, đại náo Ngũ Đài Sơn, đại náo Đào Hoa Sơn, hỏa thiêu chùa Ngõa Quán, nhổ bật gốc Dương Liễu, đại náo rừng Dã Trư, đơn độc đánh Nhị Long Sơn, đâm chết Hạ Thái Thú, giải thoát duyên thế tục ở giếng Duyên Triền, tọa hóa ở chùa Lục Hòa, xâu chuỗi các câu chuyện lại, chúng ta sẽ thấy toàn cảnh cuộc đời ông. Không phải quyền cước đấm đá thì cũng là đại náo khắp nơi, cuộc đời Lỗ Trí Thâm như một vở kịch lớn, náo nhiệt đầy biến cố, nhưng ở giếng Duyên Triền lại đột ngột chuyển hướng, tại chùa Lục Hòa bỗng nhiên dừng cả lại, dường như phồn hoa nhân thế tan vào dĩ vãng, khắp trời châu ngọc lung linh,vị hòa thượng hung hãn rượu thịt cuối cùng đã hiển lộ ra Phật tính bị ẩn tàng trong thẳm sâu nhân tính, đốn ngộ chính quả.

Bức tranh trên hành lang Di Hòa Viên (Lỗ Trí Thâm đại náo rừng Dã Trư) (shizhao/Wikipedia)

Lời tiên tri của cao tăng Trí Chân

Nói đến Phật duyên của Lỗ Trí Thâm, không thể không nhắc đến sư phụ Trí Chân của ông. Vị cao tăng đắc đạo này không chỉ nhìn thấu thế nhân (công năng túc mệnh thông), mà còn nhìn ra một thần tăng căn cơ phi phàm - Lỗ Trí Thâm. Tên của ông là do sư phụ Trí Chân đặt pháp hiệu cho, lấy chữ ‘Trí’ trong tên của sư phụ, thêm vào chữ ‘Thâm’, ẩn ý là có huệ căn thâm tàng bất lộ.

Dù cho Lỗ Trí Thâm có lỗ mãng đến đâu, khi gặp duyên được lời Thiền điểm hóa, thì ông lập tức thoát ra khỏi những thân phận từng là kẻ tội phạm trốn chạy, hòa thượng, giặc cướp, công thần, mà nhìn ra chân ngã - Ta chính Là Ta.

Nơi đầu tiên ông được điểm hóa là khi ông đến chùa Đại Tướng Quốc, cao tăng Trí Chân đọc bài Phật kệ cho ông: “Ngộ lâm nhi khởi, ngộ sơn nhi phú, ngộ thủy nhi hưng, ngộ giang nhi chỉ.” (gặp rừng (Lâm) thì khởi, gặp núi (Sơn) thì phú, gặp nước (Thủy) thì hưng, gặp sông (Giang) thì dừng), bốn câu này nói ra hành trình sau này của ông, cũng dự đoán ông sẽ thành tựu đại sự nghiệp.

Sau khi xuống núi, quả nhiên mỗi lời trong bài kệ đều là lời tiên tri, tất cả đều ứng nghiệm: Tại Đông Kinh kết giao Lâm Xung, vì cứu ông mà tái nhập giang hồ; ở núi Nhị Long thành đầu lĩnh giặc cỏ; cùng huynh đệ đầu quân về vùng hồ nước Lương Sơn Bạc; dừng chân dưới cờ của Tống Giang.

Tới đây, Lỗ Trí Thâm đã trở thành hảo hán Lương Sơn, theo Tống Giang đánh bại quân Liêu. Đang đà thắng thế thì người Liêu hối lộ gian thần nhà Hán, lừa dối Thiên tử còn nhỏ tuổi để thu quân nghị hòa. Tâm huyết của 108 vị hảo hán bị đổ xuống sông xuống biển, Tống Giang cũng đành buông tiếng thở dài: “Công huân chí thử, hựu thành hư độ” (công lao tới đây, cũng thành không cả), các hảo hán khác thì không cần nói cũng biết họ bất bình đến thế nào. Chỗ được thua thành bại của thế nhân, thì đối với người tu hành đó chỉ là thứ thoảng qua như gió thổi mây trôi, Lỗ Trí Thâm cũng từ đây - từ trong mông muội thế nhân mà hướng về thanh tỉnh, bắt đầu suy ngẫm tìm tòi ý nghĩa đích thực của sinh mệnh.

Nhìn lại con đường đã đi, Lỗ Trí thâm nhận ra rằng: Mỗi lựa chọn của ông, xem tựa như là của chính mình chủ trương hành động, nhưng đâu có bước nào thoát khỏi sự an bài của vận mệnh? Quá nửa đời chinh chiến gian lao, chẳng qua cũng chỉ nằm gọn trong gần hai chục từ chí giản chí dị mà vị cao tăng Trí Chân đã đọc khi xưa. Ta vì sao mà đến, sẽ đi đâu, về đâu? Chỉ có ân sư Trí Chân mới có thể giúp ta giải chỗ mê này!.

Thấy rõ đường về

Ông như một đứa con xa nhà đã lâu, qua bao nhiêu gian nan trắc trở, nay về lại chốn xưa. Thế là, khi trên đường đại quân hồi kinh, ông nói với Tống Giang xin nghỉ, sau đó là tình tiết ông cùng Tống Giang tới bái yết cao tăng Trí Chân.

Gặp lại thầy sau nhiều năm xa cách, câu đầu tiên mà cao tăng Trí Chân nói với Lỗ Trí Thâm là: “Đồ đệ nhất khứ sổ niên, sát nhân phóng hóa bất dị.” (Đồ đệ đi đã nhiều năm, việc sát nhân phóng hóa không dễ đâu), việc sát nhân phóng hỏa là việc tàn nhẫn kinh người, tại sao cao tăng lại dùng từ ‘bất dị’ (không dễ)? ông biết Lỗ Trí Thâm chưa tận duyên cõi tục, nên đời này mới đến để trả nợ sát sinh. Từ Thần chuyển sinh làm người phải chịu khổ, huống chi lại còn mang theo sứ mệnh, không khổ được sao?

Lần này gặp cao tăng Trí Chân, Tống Giang và Lỗ Trí Thâm được ông cho mỗi người một bài kệ. Tống Giang xem xong khẩn khoản nhờ cao tăng giải nghĩa, nhưng Lỗ Trí Thâm lại cung kính bái nhận, đọc đi đọc lại vài lần xong cất giữ bên thân. Có thể thấy, đối với tiền đồ của mình, Lỗ Trí Thâm thấy rất rõ ràng, con đường đang trước mặt, sớm đã được trải rồi, biết hay không biết, đều cần tự thân bước lên mà chứng thực.

Phùng hạ nhi cầm, ngộ lạp nhi chấp. Thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch.” (Gặp Hạ thì bắt, gặp Lạp thì giữ. Nghe triều thì viên mãn, thấy tín thì viên tịch), bài kệ thứ hai này không chứa đựng khí thế khoáng đạt như bài đầu, mà ẩn hàm ý vị về xu thế tàn dần sau một thời thịnh thế, quãng đời này cũng dần vào đoạn kết.

Quả nhiên, trước khi làm bài kệ, cao tăng nói với Tống Giang: “Đệ tử của tôi đi lần này, là vĩnh biệt với ngài, chính quả đang tới đó!”, Lỗ Trí Thâm từ nay trong con mắt của cao tăng, thì đó là người: được huệ nhãn mà không vui mừng, gặp trái ngang mà không nổi giận, thấy biệt ly cũng chẳng bi thương, nhất tâm theo cao tăng thoát khỏi bến mê, tâm thái ấy, có lẽ chỉ cao nhân ngoài thế tục mới có thể đạt được.

Nhưng Lỗ Trí Thâm, mang lời dạy ẩn tàng huyền cơ của sư phụ, lần nữa lại dấn thân vào giang hồ hiểm ác.

Tranh vẽ Tống Giang (Miền công cộng).

Lạc bước đào nguyên

Khi cùng các hảo hán Lương Sơn chinh thảo giặc cướp Điền Hổ ở Hà Bắc, Lỗ Trí Thâm lại gặp duyên kỳ ngộ. Ông cùng Võ Tòng đối kháng với một nữ tướng sử dụng pháp thuật tên là Quỳnh Anh, sau khi thổi kèn thu quân, quân Tống thương vong thảm trọng, Lỗ Trí Thâm cũng trong hỗn chiến mà lạc lối về.

Nguyên do là ông bị trượt ngã vào trong một giếng sâu, thông sang thế giới khác. Ông lò dò theo ánh sáng đi ra thì tới một thôn trang. Trong thôn có nhà cùng người ở, lại có cả hòa thượng trong am cỏ, liền tới hỏi đường ra, hòa thượng thong thả buông ẩn ngữ: “Lai tòng lai xứ lai, khứ tòng khứ xứ khứ.” (Tạm dịch: đến từ nơi đến đến, đi từ nơi đi đi).

Lỗ Trí Thâm không hiểu Phật lý, cứ nóng ruột hỏi vặn, vị hòa thượng tiếp tục giải thích: “Phàm nhân giai hữu tâm, hữu tâm tất hữu niệm; địa ngục Thiên đàng, giai sinh ư niệm”. (Tạm dịch: người phàm đều có tâm, có tâm thì có niệm; địa ngục hay Thiên đàng, đều sinh từ niệm ấy.), nếu như người ta có thể làm được: Tâm không sinh một niệm, thì có thể thoát ly khỏi lục đạo luân hồi.

Lỗ Trí Thâm chỉ hỏi đường ra khỏi thôn, nhưng hòa thượng lại chỉ cho ông nơi chân chính quay về của sinh mệnh. Hòa thượng muốn thức tỉnh Lỗ Trí Thâm: Tất cả được mất ân oán trong cõi nhân sinh đều do dục niệm mà sinh, vứt bỏ tư tâm tạp niệm mới là con đường chân chính để làm người.

Thấy ông đã lĩnh ngộ, hòa thượng cười lớn: “Con vừa rơi vào giếng Duyên Triền, khó thoát khỏi mê dục, ta chỉ cho con lối ra”.

Ông chỉ dẫn Lỗ Trí Thâm đường ra phía trước, xong biến mất dạng. Lỗ Trí Thâm thấy cảnh trí biến đổi liên tục, lại gặp ngay Đới Tung đang đấu pháp với tướng giặc Mã Linh. Ông xông vào tiếp chiến, một trượng đánh ngã Mã Linh, bắt sống tướng giặc. Hai người trên đường về trại, Lỗ Trí Thâm nhìn cảnh vật trước mắt, kinh động thấy rằng: mới tháng hai đầu xuân, mà nơi này đào mận không trổ hoa. Đới Tung nghe xong cũng kinh dị bội phần, nói nay đã cuối tháng ba rồi, tiết xuân đã tận.

Ai biết đâu Lỗ Trí Thâm lạc bước nơi Tiên cảnh, nửa ngày trời bằng một tháng nhân gian. Nhớ truyền kỳ thời Đường, Lư Sinh kê gối, Thái Thú bên gốc hòe thì phải nhập mộng mới tới được thời không khác; nhưng Lỗ Trí Thâm là thiên tinh hạ phàm, thanh tỉnh gIữa ban ngày mà được cao nhân điểm hóa, quả là duyên tiên phi phàm.

Giếng Duyên Triền, đó cũng là hóa cảnh của những vướng víu nhân duyên, Lỗ Trí Thâm ra khỏi giếng cỏ ấy cũng chính là ra khỏi những gông cùm của phàm trần, ngày thành chính quả không còn xa nữa.

Lập địa thành Phật

Phùng hạ nhi cầm, ngộ lạp nhi chấp”, vô tình Lỗ Trí Thâm được chứng nghiệm hai câu ấy, trong chiến dịch chinh thảo Phương Lạp, bắt sống Hạ Hầu Thành và Phương Lạp, lập lên đệ nhất chiến công. Mà việc ông bắt sống Phương Lạp, cũng là do sự phù trợ của Thần. Khi truy sát Hạ Hầu Thành, Lỗ Trí Thâm bị lạc lối nơi núi rừng hoang dã, một lão tăng từ trời cao hạ xuống, đưa ông vào lều cỏ nghỉ ngơi, bảo ông nếu thấy một đại hán chạy ra từ rừng kia thì xông ra bắt lấy. Lỗ Trí Thâm ghi khắc lời dặn, chờ ở đó một đêm, quả nhiên thấy một người. Ông chẳng cần nghĩ ngợi bắt trói ngay lại, đó chính là Phương Lạp.

Tống Giang nghe tin, bảo đó là Thánh tăng La Hán hiển linh, mời Lỗ Trí Thâm hoàn tục làm quan, về kinh thành lấy vợ sinh con, sống một đời vinh hoa phú quý. Lỗ Trí Thâm lòng không hề động, dục tâm kia đã nguội tro tàn, chỉ một nguyện tìm nơi thanh tịnh, an thân tu lập mệnh mà thôi.

Tống Giang lại muốn ông làm trụ trì một ngôi chùa danh tiếng nơi kinh thành, cũng tính là hiển hách một đời mà báo đền phụ mẫu. Lỗ Trí Thâm chỉ lắc đầu: “Cũng chỉ là cái xác vẹn nguyên, ấy là cưỡng cầu thôi!

Có thể thấy, Lỗ Trí Thâm tự biết lời sấm sẽ tận, duyên trần sắp hết, công danh trước đây còn chẳng để trong lòng, tới lúc này đâu còn gì vương vấn.

Tháp Lục Hòa bên sông Tiền Đường (Wikipedia)

Xong việc thảo phạt giặc, Tống Giang một đường dẫn quân hồi kinh, qua nghỉ chân chùa Lục Hòa. Lỗ Trí Thâm cùng Võ Tòng tại chùa du lãm, thấy cảnh núi sông mỹ lệ vô cùng, lòng sinh sảng khoái. Đêm trăng trong gió mát, mây nước vách đá cao, thật là cảnh đẹp đêm trăng khó thấy chốn trần gian. Cũng đêm ấy, Lỗ Trí Thâm đã chân chính đi đến hồi kết của nhân sinh.

Vào nửa đêm, nước sông dâng làm bạn cùng trăng, bỗng nhiên sấm vang rền. Lỗ Trí Thâm bàng hoàng tỉnh mộng, cứ ngỡ như trống trận giục vang, quân giặc kéo tới, vội nhấc cây thiền trượng ra ngoài nghênh chiến.

Chúng tăng thấy vậy, ra ngăn ông lại, cười bảo ông: “Sư phụ nghe nhầm rồi!”, đó là tiếng sóng sông Tiền Đường đập vào bờ đá, kéo tay ông ra đầu sông để nhìn. Chúng tăng còn kể, hàng năm đúng vào giờ Tý ngày Rằm tháng Tám, triều lên cực thịnh, không sai chút nào, nên mới có tên “Triều tín” (nước triều giữ chữ Tín, dâng lên đúng hẹn).

Lỗ Trí Thâm nhìn lớp lớp ‘Triều tín’ cuộn sóng, bỗng nhiên đại ngộ, lúc này chẳng đúng là ứng nghiệm câu sấm: “Thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch” đó sao? Chúng tăng bên ông chỉ biết đêm nay ông đã nghe nhầm tiếng thủy triều thành tiếng sấm, nhưng một đời người - những mê lạc sai lầm có ít chăng? Giờ đây là lúc cáo biệt thế nhân, ông sẽ không bao giờ lầm lẫn nữa!

Tắm gội tẩy trần thay y phục, Lỗ Trí Thâm để lại mấy dòng thư, đốt lư hương thơm ngát, trên giường thiền đả tọa nhập định. Khi chúng nhân tới thăm, thì ông đã tọa hóa bất động, vãng sinh cực lạc. Mấy dòng lưu bút của ông như sau:

Bình sinh bất tu thiện quả, chỉ ái sát nhân phóng hỏa. Hốt địa đốn khai kim thằng, giá lý xả đoạn ngọc tỏa. Di! Tiền Đường giang thượng triều tín lai, kim nhật phương tri ngã thị ngã.”

Tạm dịch: Cả đời không tu thiện quả, chỉ thích sát nhân phóng hỏa. Đột nhiên dây vàng đứt đoạn, khóa ngọc từ đây tan tành. Ôi! ‘Triều tín’ sông Tiền Đường đã tới, nay ta mới biết Ta là Ta.

Lỗ Trí Thâm một đời giang hồ ngang dọc, lúc công đức viên mãn thì mặc nhiên đốn ngộ, thấy được chân ngã của sinh mệnh - một sinh mệnh mỹ hảo vốn thuộc về Thiên thượng, cuối cùng cũng chân chính trở về nơi chốn của mình.

Tại lễ táng, vị thiền sư đức cao vọng trọng Đại Huệ tự tay châm lửa hỏa hóa cho ông, đồng thời niệm lên bài kệ: “Lỗ Trí Thâm, Lỗ Trí Thâm, xuất thân từ lục lâm. Hai mắt chực phóng hỏa, lòng dạ muốn sát nhân. Bỗng nhiên theo sóng triều mà đi, biết tìm nơi đâu trong cõi thế. Ôi! Khắp thiên không rải đầy bạch ngọc, làm đất trời cũng biến hoàng kim.”

Trong Phật giáo, bạch ngọc và hoàng kim đều tượng trưng cho sự thánh khiết mỹ hảo, khi Lỗ Trí Thâm rời đi, được lời kệ ca tụng như vậy, quả thực là chính quả phi phàm, lập địa thành Phật đó!

Nhớ khi xưa Lỗ Trí Thâm hoành hành bá đạo, nhưng không mất đi chính nghĩa chân thực, càng về sau càng an hòa trầm tĩnh, nhất tâm hướng Phật. Sinh mệnh của ông, trong vai diễn nơi nhân thế mà trả nợ, trừng phạt ác đồ xong xuôi, cuối cùng theo phương thức tu hành quay về miền tịnh thổ.

Phật Pháp đã điểm hóa cho ông, tịnh hóa thân tâm ông, làm thế nhân mãi mãi ghi nhớ một vị hảo hán sinh thời trượng nghĩa vô tư, sau là một hòa thượng đại triệt đại ngộ-Hoa Hòa Thượng. Ông là một vị Thần trong “Thủy Hử truyện”, một ánh quang khải ngộ nhân tâm.

Theo Liễu Địch - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Lỗ Trí Thâm: Minh tâm kiến tính quy chính đạo