Lời đánh giá của bạn như thế nào, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách đây không lâu tôi có tham gia một buổi học trải nghiệm ở một lớp giáo dục sớm, và một chuyện xảy ra khiến tôi ấn tượng sâu sắc...

Đây là lớp dành cho lứa tuổi nhỏ, một bà mẹ đưa một bé gái 10 tháng tuổi đến trải nghiệm, thời gian trải nghiệm là hơn 1 giờ. Bé tương tác với người và đồ chơi trong môi trường đó khoảng 10 phút, và 50 phút còn lại bé ôm chặt lấy mẹ.

Dù được cô giáo hướng dẫn và hát nhẹ nhàng thế nào, bé gái vẫn luôn không chịu rời cách xa mẹ hơn 20cm, bà mẹ luôn ôm chặt bé vào lòng và nói: cháu sợ người lạ, tới môi trường mới đều sợ.

Sau một vài lần, cô giáo nói với mẹ bé: Chúng ta không nên luôn nói rằng trẻ sợ người lạ. Nếu cứ mặc định như thế một thời gian dài, trẻ sẽ thực sự ngày càng sợ hãi với môi trường xa lạ.

Tôi chợt nhớ rằng khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi luôn nói rằng tôi luộm thuộm và căn phòng bừa bộn - "Phòng con gái mà bừa bộn, luộm thuộm quá!"

Khi bị cha mẹ nói như thế, tôi thực sự ngày càng không thích dọn phòng. Do đó, dự đoán của họ đã trở thành sự thật, và họ tiếp tục không thích tôi vì luộm thuộm. Đó là một vòng luẩn quẩn. Mãi đến khi tôi lên đại học, học cách xa nhà hơn 600 km, dần dần tôi mới hình thành thói quen dọn dẹp và ngăn nắp.

Trên thực tế, trong cuộc đời của một đứa trẻ sẽ gặp nhiều lời đánh giá, những lời đánh giá đầu tiên là đến từ cha mẹ.

Bạn có bao giờ tự hỏi việc đánh giá và gắn nhãn mác cho con sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của con? Chúng ta hãy cùng xem nghiên cứu thay đổi tâm lý học sau đây.

Những kỳ vọng tốt có thể cải thiện chỉ số IQ của trẻ

Chúng ta hãy tìm hiểu về hiệu ứng kỳ vọng (còn được gọi là hiệu ứng Pygmalion, hay hiệu ứng Rosenthal) do nhà tâm lý học Robert Rosenthal của Đại học Harvard đã phát hiện ra và đặt tên.

Nhà tâm lý học Robert Rosenthal
Nhà tâm lý học Robert Rosenthal

Trước khi phát hiện ra hiệu quả kỳ vọng, ông Rosenthal đã thực hiện nghiên cứu gì? Lần đầu tiên ông phát hiện ra "hiệu ứng người thử nghiệm", nghĩa là khi một nhà nghiên cứu tâm lý học tiến hành một thử nghiệm, niềm tin hoặc kỳ vọng trong lòng người thử nghiệm sẽ ảnh hưởng đến biểu hiện của đối tượng được thí nghiệm. (Vì vậy, từ đó, nghiên cứu tâm lý tránh để những người thực sự tham gia thí nghiệm biết mục đích của thí nghiệm, thường được gọi là "thí nghiệm mù đôi").

Ông Rosenthal đã thuê một số nghiên cứu sinh làm thí nghiệm trên chuột. Vào thời điểm đó, việc để chuột chạy mê cung và xác định chỉ số IQ của chuột dựa trên thành tích chạy mê cung được sử dụng rất phổ biến.

Ông Rosenthal giao chuột cho các nghiên cứu sinh và ông nói với một số nghiên cứu sinh: Những con chuột em nhận được là "chuột hàng đầu" được nuôi trong môi trường đặc biệt. Trong vài ngày tới, em phải chăm sóc chúng và kiểm tra chúng để chạy mê cung.

Ông nói với các nghiên cứu sinh khác: những con chuột các em có là những con “kém nhất”, vài ngày nữa phải chăm sóc và thử nghiệm việc chúng chạy mê cung.

Trên thực tế, những con chuột này đều có xuất thân giống nhau, và không con nào thực sự được chăm sóc, đào tạo đặc biệt tốt hay đặc biệt kém. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy thành tích của đội chuột “tốt” chạy mê cung tốt hơn rất nhiều so với đội chuột “kém”!

Ông Rosenthal suy đoán rằng chính sự kỳ vọng của các nghiên cứu sinh đối với lũ chuột đã tạo nên sự khác biệt trong bài kiểm tra mê cung. Hãy tưởng tượng, khi được phân cho nhóm “chuột tốt nhất”, bạn đơn giản nghĩ rằng chúng là những con xuất sắc trong bầy chuột thì chắc chắn nó sẽ đạt thành tích xuất sắc. Bạn sẽ vuốt ve nó, chăm sóc nó nhiều hơn. Khi nó chạy trong mê cung, bạn như những phụ huynh tăng thêm động lực cổ vũ nó.

Việc các sinh viên nghiên cứu nuôi chuột và cho chúng làm bài kiểm tra khiến ông Rosenthal liên tưởng đến thầy và trò trong trường. Vì vậy, ông làm tiếp thí nghiệm bằng cách tới trường tiểu học để xem liệu thông qua giáo viên 'hiệu ứng kỳ vọng' có xảy ra với các em học sinh không.

Ông Rosenthal đã đem bài kiểm tra IQ phi ngôn ngữ (TOGA, được sử dụng để kiểm tra kỹ năng đọc và suy luận) đến trường này, nhưng ông lại nói rằng đây là "bài kiểm tra có thể dự đoán sự phát triển học tập trong tương lai". Ông nhờ giáo viên của 18 lớp 6 của trường tiểu học này đưa cho học sinh làm bài kiểm tra. Có hơn 300 học sinh tiểu học đã tham gia.

Sau khi kiểm tra, ông Rosenthal lặng lẽ chọn ngẫu nhiên 20% học sinh của mỗi lớp, và rút danh sách của họ cho giáo viên: Đây, đây là một nhóm học sinh có tiềm năng lớn trong lớp của bạn. Kết quả học tập trong tương lai chắc chắn ấn tượng.

Trong thí nghiệm này, ông Rosenthal không tiếp xúc với học sinh, ông chỉ gieo vào tâm trí các giáo viên một niềm tin.

Tám tháng sau, ông Rosenthal trở lại trường tiểu học và yêu cầu tất cả học sinh làm một bài kiểm tra khác. Qua so sánh với thành tích bài kiểm lần trước, Rosenthal nhận thấy rằng nhóm học sinh được chọn ngẫu nhiên có tỷ lệ tiến bộ cao hơn hẳn so với nhóm học sinh còn lại. Hiệu ứng này với các trẻ lớp 1, lớp 2 thể hiện rất rõ ràng.

Trong bảng kết quả thí nghiệm, M là hiệu số giữa hai lần kiểm tra (nghĩa là trẻ đã tiến bộ được bao nhiêu trong 8 tháng). Kiểm tra thống kê cho thấy trẻ lớp 1, 2 trong nhóm thí nghiệm có tiến bộ vượt trội hơn hẳn so với nhóm khác.

Các giáo viên có “quan tâm đặc biệt” đến học sinh trong nhóm thí nghiệm vào lần kiểm tra thứ hai không? Không hẳn vậy. Ông Rosenthal đã mời một giáo viên từ trường khác đến kiểm tra những đứa trẻ lớp một và lớp hai, và thấy rằng kết quả bài kiểm tra không thay đổi. 20% trẻ em trong nhóm thí nghiệm được gắn mác "tiềm năng học tốt" đã thực sự cải thiện chỉ số thông minh của chúng.

Ông Rosenthal tin rằng sự tiến bộ của trẻ em đến từ một cơ chế gọi là "lời tiên tri tự thành hiện thực" - khi trẻ em trong nhóm này nhận thấy rằng giáo viên thực sự công nhận và đánh giá cao khả năng của mình, trẻ cũng tin rằng chúng thực sự giỏi. Vì vậy trẻ sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn, tự tin hơn và chỉ số IQ cũng được cải thiện.

▲ Cơ chế hoạt động của lời tiên tri tự hoàn thành

Có thể nói, giáo viên luôn dành sự “quan tâm đặc biệt” đối với những học sinh đứng đầu, như quan tâm đến việc học của các em, động viên nhiều hơn (bằng lời nói hoặc ánh mắt), kiên nhẫn hơn khi các em mắc lỗi, v.v. .

Giáo viên bất giác thay đổi nhận thức của trẻ về bản thân, từ đó thay đổi chỉ số thông minh và kết quả học tập của chúng. Và chu kỳ tuần hoàn theo chiều hướng này tiếp diễn sau đó.

Là cha mẹ, bạn cũng có thể sử dụng 'hiệu ứng kỳ vọng'

Trong nghiên cứu của ông Rosenthal, những kỳ vọng tích cực từ người lớn có tác động tích cực đến trẻ em, nhưng nếu đó là những kỳ vọng tiêu cực, những 'lời tiên tri tự ứng nghiệm' cũng có thể đẩy trẻ em vào một vòng luẩn quẩn, giống như lời gắn mác cẩu thả của cha mẹ với tôi ở ví dụ trên.

Kỳ vọng của giáo viên có vai trò còn lớn hơn đối với trẻ nhỏ. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể xây dựng niềm tin tích cực trong tâm trí trẻ thông qua những kỳ vọng tích cực và giúp trẻ có kết quả tốt hơn trong học tập và cuộc sống.

Các bậc cha mẹ có thể làm gì?

1. Nhìn trẻ với quan điểm phát triển và tích cực

Trước hết, chúng ta phải nhìn trẻ với góc nhìn lâu dài và phát triển, đừng mãi nhìn chằm chằm vào thành tích chưa tốt hiện tại của trẻ.

Hiểu biết cơ bản về các quy luật phát triển thể chất, não bộ và tâm lý của trẻ, đồng thời hiểu được sự khác biệt cá nhân giữa các trẻ có thể giúp chúng ta thiết lập tư duy đại cục, thay vì lo lắng về vấn đề nhỏ hoặc không đạt tiêu chuẩn của trẻ .

Có lần tôi thấy một bà mẹ hỏi: Con hơn 9 tháng chưa biết bò, có phải bị rối loạn phát triển không?

Nhiều bà mẹ có con lớn chạy ra an ủi người mẹ này:

- Không sao cả, con tôi 10 tháng mới biết bò, và sau đó 11 tháng lại biết đi;

- Con gái tôi 8 tháng tuổi đã biết bò, nhưng sự khác biệt giữa các bé rất lớn, 9 tháng vẫn là bình thường;

- Uh, con trai tôi cũng chưa biết bò, ai biết sau này cháu có thể đi luôn. Tôi đã tham khảo các sách báo và nói không có vấn đề gì!

Đôi khi khả năng của trẻ không đạt tiêu chuẩn, hoặc không tự ăn được như trẻ cùng lứa tuổi. Có rất nhiều biểu hiện và lý do, không nhất thiết là do chúng thực sự “kém”.

Nhận thức trong não bộ của trẻ về hành vi bản thân ban đầu là trung tính, và những gì chúng nhìn thấy là chính hành vi đó. Chính người lớn chúng ta là người đưa ra hàm ý cho các hành vi khác nhau, và trẻ em từ từ học cách đánh giá xem hành vi của mình là tốt hay xấu, và liệu nó có phù hợp hay không.

Chúng ta hay dễ nêu ra những điểm như "nghịch ngợm, hiếu động" và "nhút nhát" của trẻ. Nhưng chúng có thể giải thích điều này theo quan điểm tích cực: trẻ em nghịch ngợm và hiếu động thực sự là có năng lực vận động, sáng tạo và thể thao. Còn trẻ em nhút nhát? Có thể chỉ là trẻ đang tập trung!

2. Tập trung vào ưu điểm và sự tiến bộ của trẻ

Thứ hai, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến những ưu điểm và sự tiến bộ của bé, và xem bé có khả năng nổi trội gì.

Khi thấy trẻ có biểu hiện tốt, nhất định nên nói ra điểm bé đã làm tốt, để bé biết và lần sau làm tốt hơn nữa. Nếu không thì làm sao có thể giúp trẻ ngày càng thông minh hơn?

Khi bạn khen ngợi và khuyến khích trẻ một cách chân thành và trẻ được công nhận, trẻ sẽ sẵn sàng tiếp tục nỗ lực hơn tiếp tục làm tốt những ưu thế đó.

Có lần tôi đến thăm một gia đình rất sáng tạo. Cha mẹ dành riêng một bức tường cho con gái treo nhiều bức tranh vẽ bằng tay, v.v. của bé, và cũng ghi chú từng tác phẩm, chẳng hạn như "Những chú mèo vẽ bởi Niuniu", "NiuNiu vẽ mặt trời càng ngày càng giống"...

Người cha nói: "NiuNiu đã rất sáng tạo từ khi còn nhỏ. Cháu đã sử dụng bút màu để vẽ những hình rất đặc biệt khi mới lên hai tuổi. Bạn thấy đó, cháu vẽ ngày càng tốt hơn!"

Từ ánh mắt và lời nói của anh ấy, cũng như những tác phẩm trên bức tường này, tôi có thể thấy sự trân trọng và động viên của bố dành cho con gái mình. Niuniu luôn nổi bật trong các lớp dạy vẽ thiếu nhi, luôn rất tự tin.

Về vấn đề này, tôi cũng có một mẹo nhỏ (sử dụng hiệu ứng kỳ vọng) chia sẻ với bạn: Mỗi khi gặp gỡ mọi người, hãy nói về ưu điểm của bé, đừng tỏ ra khiêm tốn, như vậy người khác cũng sẽ hình thành ấn tượng tốt và kỳ vọng vào bé, tạo thành hiệu ứng kỳ vọng lớn!

3. Đừng dán nhãn tiêu cực cho trẻ em

Như tôi đã đề cập trước đó, trẻ em thông qua đánh giá của người lớn mà nhận thức hành vi của bé, và sau đó hình thành đánh giá về bản thân. Nếu chúng ta luôn dán nhãn tiêu cực cho con cái, chúng ta sẽ vô tình biến con cái như cách chúng ta thường nói .

Nhiều khi chúng ta vô tình dán nhãn xấu cho con cái mình:

- Ồ, vụng về quá đi, thà để mẹ tự làm;

- Đứa trẻ này quá sợ người lạ, mới sinh ra đã khóc!;

- Tại sao con trai mà không dám chơi trên cầu trượt, nhìn anh trai đó!

Kết quả là bạn thấy trẻ ngày càng trở nên vụng về, sợ hãi và rụt rè hơn...

Vì những lời nhận xét tiêu cực từ người lớn (trách móc, thờ ơ, gán mác, v.v.) ảnh hưởng đến sự tự đánh giá của trẻ và làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Khi trẻ nghĩ "mình là thế này" và "mẹ nghĩ mình không làm được", trẻ sẽ không thử làm, không có điều kiện cho bé thực hành những gì chúng ta muốn bé học.

Vì vậy, chúng ta nên làm gì khi con cái chúng ta mắc lỗi hoặc làm không đủ tốt? Hay nói một cách khác, chúng ta có thể giúp gì cho trẻ?

Rất đơn giản, chúng ta phải giúp trẻ tăng cường khả năng của mình trong lĩnh vực này. Điểm cốt lõi của cuốn sách “cách giáo dục kỹ năng trẻ em” là trẻ không cố tình phạm lỗi mà là trẻ không có đủ khả năng.

Điều mà người lớn chúng ta nên làm là giúp trẻ củng cố năng lực, rèn luyện kỹ năng, kiên nhẫn giúp trẻ tiến bộ. Hãy cho trẻ thêm thời gian và sự tự tin. Hầu hết các em bé, miễn là bạn sẵn sàng chờ đợi và dạy cho trẻ những kỹ năng cần học, các bé sẽ có biểu hiện khác.

Phần kết luận

Nuôi dạy trẻ giống như một thí nghiệm mù đơn (bạn biết mục đích nhưng trẻ không biết), nhưng bạn có thể quyết định được việc nên khuyến khích trẻ tích cực hay đưa ra những nhận xét gợi ý tiêu cực cho trẻ.

Tất nhiên, chúng ta vất vả nuôi dưỡng trẻ, hy vọng trẻ có thể xây dựng nhận thức tích cực về bản thân và có thể vui vẻ và tự tin ứng phó với cuộc sống.

Bạn nên biết phải làm gì tiếp theo.

Hy vọng rằng con cái của chúng ta có thể sống đúng với con người và như những kỳ vọng tích cực, đẹp đẽ của chúng ta về chúng.

Minh An
Theo aboluowang

 

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Lời đánh giá của bạn như thế nào, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ