“Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng và bài học nghìn năm về hai chữ “Thiên thời”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thiên thời là gì mà khiến bao kẻ anh tài phải ngậm ngùi? Ngày nay nên hiểu hai chữ thiên thời ấy ra sao và hành động như thế nào?

“Long Trung Đối” của Gia Cát Lượng quyết kế thiên hạ chia ba

Một buổi chiều mùa hạ năm 207 (tức năm Kiến An thứ 12), trong gian nhà tranh ở ngoại thành Tương Dương có hai người đàn ông đang ngồi đối ẩm. Một người trạc ngoại tứ tuần, mặt vuông tai lớn, dáng vẻ oai vệ mà đăm chiêu. Người kia còn trẻ, mình cao tám thước, mặt đẹp như ngọc, đầu đội khăn lượt, mình mặc áo cánh hạc, hình dáng thanh thoát như thần tiên. Người thanh niên vừa chăm chú quan sát sắc diện của đối phương vừa nói:

“Từ thời Đổng Trác tới đây, hào kiệt cùng nổi dậy, vượt châu chiếm quận nhiều không kể xiết. Tào Tháo so với Viên Thiệu, danh tiếng nhỏ chẳng bằng, binh lực chênh lệch, nhưng Tháo lại thắng được Thiệu, lấy yếu thắng mạnh, chẳng phải chỉ có thiên thời, mà còn bởi mưu người nữa. Nay Tháo cầm quân trăm vạn, bức hiếp thiên tử sai khiến chư hầu, bởi thế chẳng thể cùng tranh phong được. Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông, đã trải ba đời, nước hiểm dân thuận, dùng được người hiền tài, như thế chỉ có thể làm ngoại viện chứ chẳng thể thôn tính. Kinh Châu phía Bắc có sông Hán, sông Miện, phía Nam có mối lợi Nam Hải, phía Đông liền với Ngô Hội, phía Tây thông với đất Ba, đất Thục, đó là đất dụng võ, không phải chúa giỏi tất chẳng giữ được, ấy là trời dành cho tướng quân đó, tướng quân có ý gì chăng?

Ích Châu hiểm trở đầy dẫy, đất đai ngàn dặm phì nhiêu, là kho của trời cho, Cao Tổ nhờ nơi đó mà thành đế nghiệp. Lưu Chương hôn ám nhu nhược, Trương Lỗ đe dọa ở phía Bắc, dân đông nước giàu mà chẳng biết trông coi, kẻ sĩ tài trí chỉ mong gặp đấng minh quân. Tướng quân là dòng dõi tông thất, tín nghĩa sáng rõ bốn bể, đứng đầu những kẻ anh hùng, mong người hiền như khát nước, nếu gộp được cả Kinh-Ích, giữ vững nơi hiểm trở, Tây hoà với các tộc Nhung, Nam phủ dụ Di Việt, ngoài giao hảo với Tôn Quyền, trong sửa sang chính trị; Khi thiên hạ có biến, mệnh cho một viên thượng tướng đưa quân Kinh Châu nhằm hướng Uyển-Lạc, tướng quân đích thân đốc xuất đại binh Ích Châu tiến ra Tần Xuyên, trăm họ ai dám không đem giỏ cơm bầu nước nghênh đón tướng quân? Được như vậy, ắt nghiệp bá có thể thành, Hán thất có thể hưng được vậy.” (1)

Đó là điển tích “Long Trung đối” nổi tiếng trong lịch sử, được chép lại trong các sách sử như “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ và “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang đời Tống. Trong đoạn đối thoại này có mấy ý quan trọng:

Thứ nhất, sau giai đoạn các sứ quân tranh bá, hiện tại cục diện thiên hạ đã định, hai thế lực Bắc Ngụy của Tào Tháo và Đông Ngô của Tôn Quyền đã rất vững mạnh. Vì Lưu Bị là người đi sau, nên chỉ có thể tận dụng cái danh nghĩa họ Lưu dòng dõi nhà Hán, và sự nhân nghĩa để thu phục lòng người.

Thứ hai, phải chiếm được hai châu Kinh - Ích để làm cơ sở. Chiếm được Kinh Châu là nơi đầu mối giao thông, lui về tây là Ba-Thục, sang phía đông là nhập Đông Ngô, lên mặt bắc có thể tiến đánh Bắc Ngụy, tiến thoái đều dễ. Còn Ích Châu thuộc đất Ba-Thục thì giàu có, phì nhiêu, là vựa lúa, vựa muối, lại hiểm trở dễ phòng thủ, khó tấn công, rất thích hợp để dưỡng sức, nuôi quân. Ông tổ sáng nghiệp của họ Lưu là Hán Cao tổ cũng phát từ đất ấy. Lưu Yên, cha của Lưu Chương khi trước tránh loạn, ban đầu định chọn đất Giao Chỉ, sau lại xin triều đình để được đổi sang Ích Châu vì được tâm phúc khuyên rằng đất ấy có khí thiên tử, sẽ có người làm vua.

Thứ ba, tự cường rồi cũng phải đợi bên ngoài có biến loạn, mới tranh thiên hạ được.

Nhưng bao giờ thiên hạ có biến loạn? Hay là nội bộ tan rã trước? Cái đó phải trông vào Thiên thời là điều mà Lưu Bị không nắm rõ, có hiểu rõ cũng không thể không làm. Bị từng đáp lời Thôi Châu Bình, [một danh sĩ đất Nam Dương, bạn học của Gia Cát Lượng] rằng: “Tiên sinh dạy thế thực là cao kiến, nhưng tôi là dòng dõi nhà Hán, phải ra tay gây dựng lại cơ nghiệp, dám đâu đổ cho số với mệnh.” (2)

Còn Gia Cát Lượng tất nhiên cao kiến hơn, thấy rõ Thiên thời nhưng đã là sứ mệnh thì phải thực thi, như vai diễn Trời đã giao không thể thoái thác.

Tam Quốc Diễn Nghĩa luận hào kiệt: Không thành kế - Trống mà chẳng rỗng
Còn Gia Cát Lượng tất nhiên cao kiến hơn, thấy rõ Thiên thời nhưng đã là sứ mệnh thì phải thực thi, như vai diễn Trời đã giao không thể thoái thác. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Có người sẽ đặt câu hỏi: Chẳng phải Hán Cao tổ Lưu Bang cũng từ đất Thục mà nên đế nghiệp? Hoặc tại sao Quang Vũ đế Lưu Tú khôi phục được Hán triều từ sau cái loạn Vương Mãng? Vì đâu Lưu Bị cũng đủ văn thần võ tướng tài giỏi, lại có cơ nghiệp gồm hai châu Kinh - Ích mà không thể một lần nữa trùng hưng Hán thất? Cũng là vì hai chữ Thiên thời.

Hán Cao tổ Lưu Bang vì sao nên đế nghiệp?

Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên có đoạn Khoái Thông, tâm phúc cũ của Hàn Tín, biện bạch với Hán Cao tổ rằng: “Kỷ cương nhà Tần bị đứt, miền Sơn Đông nổi loạn, các miền khác đều nổi lên. Các anh hùng tuấn kiệt họp lại nhiều như quạ. Nhà Tần mất con hươu, thiên hạ cùng nhau đuổi bắt. Lúc bấy giờ ai tài cao, chân nhanh thì bắt được trước”. (3) Thiên hạ được ví như con hươu để quần hùng đuổi bắt, ai bắt được sẽ lên ngôi chí tôn.

Nhà Tần kể từ sau khi Tần Thủy Hoàng băng, Tần Nhị Thế nối ngôi hôn ám, hoạn quan Triệu Cao lộng hành, càng ngày càng tàn bạo vì thế đánh mất lòng dân, chư hầu lục quốc lại mưu phục quốc. Sau một giai đoạn hào kiệt tranh phong, chỉ còn lại hai thế lực lớn của Sở Bá Vương Hạng Vũ và Bái Công Lưu Bang. Hỏi ai gặp thời? Chính là họ vậy. Trong hai kẻ này, ai được lòng người sẽ chiến thắng.

Hạng Vũ là dòng dõi quý tộc nước Sở, uy vũ trùm đời, binh hùng tướng mạnh, bách chiến bách thắng, nhưng phạm nhiều sai lầm: chém Tống Nghĩa, luộc Hàn Sinh, giết Tử Anh, phế Nghĩa đế, phá Hàm Dương… lại thiếu quyết đoán không nghe lời Phạm Tăng, phớt lờ Hàn Tín, do dự khi ban thưởng, nhân nghĩa kiểu đàn bà… nên cuối cùng đánh mất lòng người, dẫn đến trận thua duy nhất nhưng là chí mạng ở Cai Hạ.

Còn Lưu Bang tuy xuất thân lưu manh, vô học nhưng biết sửa mình, lắng nghe kẻ sĩ, dung nạp hiền tài, coi trọng đại cuộc, rộng rãi với kẻ dưới nên hào kiệt dần dần theo về đông đúc, giỏi về quân sự có Hàn Tín; chính trị ngoại giao có Trương Lương, Trần Bình; điều hành quốc gia, hậu cần thông suốt có Tiêu Hà, Tào Tham; võ lực có Anh Bố, Bành Việt, Phàn Khoái, Hạ Hầu Anh… Lưu Bang lại nhẫn nhục chịu lép với Hạng Vũ, khuất mình ở đất Hán Trung để xây dựng lực lượng. Từ đó thế lực ngày càng lớn mạnh, cuối cùng chiến thắng Hạng Vũ,

Lưu Bang có chân mệnh thiên tử, mũi cao râu dài giống rồng, khi say có bóng rồng lộ ra trên người, lại chém bạch xà, được gọi là Xích đế, chiếm được Hỏa đức sẽ thay thế Thủy đức của nhà Tần, đó là điềm Trời, Thiên mệnh định ra như thế.

Quang Vũ đế Lưu Tú vì sao có thể kéo dài vận mệnh nhà Hán?

Quang Vũ đế Lưu Tú khi khởi binh có hai điều thuận lợi:

Thứ nhất, Vương Mãng không phải là một nhà cai trị có thực tài, lại thiếu đạo đức, chính sự phiền hà nên đánh mất lòng dân;

Thứ hai, nhân tâm vẫn ngóng trông Hán triều được khôi phục, nên các thế lực quân sự đều tìm hậu duệ của họ Lưu để phò tá. Khi ấy trong nội bộ Hán thất diễn ra cuộc cạnh tranh chủ yếu giữa Lưu Tú và Canh Thủy đế Lưu Huyền. Lưu Huyền bất tài vô đức ham chơi hưởng lạc, còn Lưu Tú thông tuệ sáng suốt, bụng dạ rộng rãi, tài tình cả về việc binh bị và chính trị, rất được lòng người, hào kiệt khắp nơi đều ngưỡng vọng theo về, sau cùng quét sạch các sứ quân đa phần thua kém ông về mọi mặt để lên ngôi hoàng đế, kéo dài vận mệnh Hán triều.

Lưu Bị, ánh hồi quang phản chiếu của nhà Hán

So với Lưu Bang, Lưu Bị cũng đầy lòng nhân nghĩa, nhưng Tôn Quyền Đông Ngô cũng được lòng quân dân; Tào Tháo của Bắc Ngụy nắm trong tay nhiều thủ hạ trung thành tài giỏi. Họ không có nhiều điểm yếu tính cách để bị khai thác như Hạng Vũ. Tình thế của Lưu Bị khó khăn hơn Lưu Bang rất nhiều.

Lưu Bị cung kính kiên nhẫn đợi cho Gia Cát Lượng thức giấc mới dám tới chào. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)
Lưu Bị cung kính kiên nhẫn đợi cho Gia Cát Lượng thức giấc mới dám tới chào. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

So với Lưu Tú, đối thủ của Lưu Bị lại toàn những kẻ ngang cơ và trên cơ ông như Tôn Quyền, Tào Tháo. Tôn Quyền khôn ngoan, mưu lược, giỏi về chính trị, ngoại giao, đất Giang Đông giàu có, địa hình hiểm trở. Tào Tháo lại là nhà cai trị quá xuất sắc và toàn diện, nắm trong tay binh hùng tướng mạnh, vùng Trung Nguyên đất rộng dân đông, anh tài vô số.

Lưu Bang - Hạng Vũ là cuộc đấu một chọi một; Lưu Tú như mãnh hổ tả xung hữu đột giữa bầy dê. Còn cuộc đấu tam phân thiên hạ thời Tam Quốc là đỉnh cao của nghệ thuật chính trị, ngoại giao, quân sự. Trong tình thế này mỗi bên đều phải giữ mình, và chờ đợi đối thủ sinh biến, như trong “Long Trung đối” của Gia Cát Lượng đã chỉ rõ: “Khi thiên hạ có biến, mệnh cho một viên thượng tướng đưa quân Kinh Châu nhằm hướng Uyển-Lạc, tướng quân đích thân đốc xuất đại binh Ích Châu tiến ra Tần Xuyên, trăm họ ai dám không đem giỏ cơm bầu nước nghênh đón tướng quân? Được như vậy, ắt nghiệp bá có thể thành…” Cuối cùng thì Tây Thục lại sinh biến trước. Quan Vũ đánh mất Kinh Châu, Lưu Bị khai chiến Đông Ngô đều là những sai lầm chiến lược chí mạng phải trả giá bằng sự suy sụp của Tây Thục. Hán triều cũng chỉ kéo dài vận mệnh qua thời gian tồn tại ngắn ngủi của vương quốc Thục Hán.

Cái gì tạo ra cục diện ấy? Lại chính là Thiên thời.

Thiên thời là gì?

Trời đất vận hành như một cỗ máy vô cùng tinh vi, đã được cài đặt theo những luật của vũ trụ, ví dụ Nhân - Quả, Đức - Nghiệp, Thất - Đắc v.v. nên đến lúc này thì xảy ra việc này là chính yếu, đến lúc khác thì việc khác là chính yếu, thông thường đó là bí ẩn với đa phần nhân loại, nên gọi là thiên cơ bất khả lộ. Tuy vậy, người nắm được quy luật có thể hiểu được thiên thời thông qua quan sát thiên tượng hay điềm trời, chính là những hiện tượng thiên nhiên, thời tiết xảy ra trên trời dưới đất.

Một người nông dân ở tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc tên là Triệu Hồng Bành thông qua quan sát tỉ mỉ khí tượng, kết hợp so sánh với ghi chép về thiên tượng của cổ nhân mà có thể làm dự báo thời tiết trong một năm với độ chính xác cao, có thể đoán trước được mùa hay mất mùa, đặc biệt ông có thể đoán được cả trận động đất tại Vấn Xuyên - Tứ Xuyên năm 2008, tại Hãn Châu - Sơn Tây ngày 28-3-2009.

Người nông dân này chỉ có trình độ vài năm tiểu học.

Thiên thời và nhân tâm

Sách sử “Tư Trị Thông Giám” chép thiên tượng về đời Hoàn đế, Linh đế: “Mùa hạ, tháng tư, ngày Nhâm Thìn, có con rắn xanh xuất hiện ở chỗ chúa thượng ngự. Ngày Quý Tỵ, có gió lớn, mưa đá, sét đánh bất chợt, hơn trăm cây lớn bật gốc… Năm Quang Hòa nguyên niên (178), có con gà mái ở dinh thự quan thị trung hóa thành gà trống… Tháng sáu, ngày Đinh Sửu, có luồng khí đen từ trên trời sa xuống giữa sảnh phía đông điện Ôn Đức là nơi Đế ngự, dài hơn chục trượng, tựa như con rồng…” (4)

Sĩ đại phu thời xưa tất nhiên lại càng nắm rõ hơn về thiên tượng, thông qua quan sát thiên tượng mà đoán được thiên thời. Họ biết khí số nhà Hán đã hết, sức người chẳng thể trái được mệnh Trời. Thái độ của kẻ sĩ thức thời khi ấy, một là sống đời ẩn sĩ lấy nhàn làm vui, như đám bằng hữu Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Công Uy, Tư Mã Huy… của Gia Cát Lượng; hai là đi tìm minh chủ có thể làm nên nghiệp lớn, không may là người có dòng dõi Hán thất không phải là ưu tiên số một..

Tào Tháo được rất nhiều anh tài theo phò một phần vì ông ta được cho là người ứng vào các điềm trời, như điềm của Sấm Xuân Thu: “Thay thế nhà Hán là chỗ cao ở trên đường”. Danh sĩ Chu Thư ở Ba Tây - Lãng Trung cho rằng: “Chỗ cao ở trên đường chính là Ngụy vậy”.

Năm Kiến An thứ nhất (196), Thái sử lệnh thị trung Vương Lập quan sát thiên tượng nói rằng: “Trước đây sao Thái Bạch đóng ở Thiên Quan, gặp sao Huỳnh Hoặc. Kim, Hỏa giao nhau, tượng trời ắt đổi. Vận Hán cáo chung rồi, đất Tấn, Ngụy tất có người nổi lên vậy”.

Trước đó, vào thời Hán Hoàn Đế, có sao Hoàng tinh (sao Đế Vương) chiếu xuống vùng đất giữa biên giới Sở, Tống. “Tống thư” viết: “Năm mươi năm sau, sẽ có vị chân nhân nổi lên giữa vùng Tiều, Phái, khí thế mạnh mẽ đó không gì cản nổi”.

Chính Gia Cát Lượng trong “Long Trung đối” cũng cho rằng: “Tào Tháo so với Viên Thiệu, danh tiếng nhỏ chẳng bằng, binh lực chênh lệch, nhưng Tháo lại thắng được Thiệu, lấy yếu thắng mạnh, chẳng phải chỉ có thiên thời, mà còn bởi mưu người nữa. Nay Tháo cầm quân trăm vạn, bức hiếp thiên tử sai khiến chư hầu, bởi thế chẳng thể cùng tranh phong được…”

Trủng Hổ" ra khỏi mộ, Tào Tháo nhìn thấy không khỏi lạnh sống lưng, nói một câu với Tào Phi - Vạn Điều Hay
Nay Tháo cầm quân trăm vạn, bức hiếp thiên tử sai khiến chư hầu, bởi thế chẳng thể cùng tranh phong được…” (Ảnh; Tổng hợp)

Tháo là người được Thiên thời, sau này đến lượt họ Tư Mã, họ đều ở đất Tấn, Ngụy.

Chỉ có một số không nhiều văn thần võ tướng còn tưởng nhớ đến Hán triều như Quan, Trương, Triệu, Tôn Càn, Giản Ung, My Trúc, My Phương… là đi theo Lưu Bị. Khi hai nhà Tôn, Tào cơ nghiệp đã đề huề, Lưu Bị vẫn lang thang đây đó, nếu không nhờ có tài năng trác tuyệt của Gia Cát Lượng thì chẳng thể đứng ngang vai với Bắc Ngụy, Đông Ngô. Chính là khi:

“Dự Châu một phận long đong,
Nương mình Tân Dã cô cùng một nơi…”

Bỗng xuất hiện một cao nhân tuyệt thế giúp Lưu Huyền Đức:

“Lấy Kinh rồi lại lấy Xuyên,
Ra tay kinh tế, cán tuyền càn khôn.” (5)

Mà kết cục vẫn như lời tiên đoán của Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh):

“Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!” (6)

“Thiên thời” ngày nay và thái độ cần có của con người hiện đại

Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Thời thịnh thế trữ đồ cổ, thời loạn thế mua vàng kim“, trải qua bao đời thịnh thế rồi loạn thế, đó vẫn là cách ứng phó khôn ngoan của kẻ thức thời để bảo toàn lợi ích. Vấn đề là hiện nay là thịnh thế hay loạn thế?

Ngày nay chẳng phải thịnh thế như Văn Cảnh chi trị, Trinh Quán chi trị, Khai Nguyên thịnh thế, Khang Càn thịnh thế… cũng chẳng phải loạn thế như Chiến Quốc, Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc phân tranh, Tĩnh Khang chi biến, hay Thái Bình thiên quốc v.v. Hiện nay là thời mạt của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà thôi.

Kinh Phật nói rằng vạn sự vạn vật đều có chu kỳ thành-trụ-hoại-diệt, những thiên tượng dị tượng xuất hiện dồn dập ở Trung Quốc và trên khắp thế giới những năm gần đây chỉ ra Thiên thời của ngày nay chính là thời mạt thế được nói đến trong Kinh Phật và các dự ngôn Đông Tây kim cổ.

Những hiện tượng này giống như miêu tả trong “Phá Diêu Phú” của Lã Mông Chính đời Tống:

“Trời chẳng được thời, Nhật Nguyệt cũng tối tăm,
Đất chẳng được thời, cỏ cây không phát triển,
Nước chẳng được thời, sóng gió dấy lên,
Người chẳng được thời, vận may chẳng đến”

Vì sao gọi là “mạt thế” hay “mạt Pháp”? Vì nhân loại không còn tâm Pháp để ước chế, câu thúc đạo đức nữa, con người sẵn sàng làm nhiều điều xấu ác để tư lợi, sẽ nhanh chóng đánh mất đạo đức, cá nhân sẽ đối mặt với luật Trời sinh tử, nền văn minh đối diện với tồn vong. Chính vào lúc đạo đức nhân loại xuống dốc như vậy, lại cần phải leo ngược lên con dốc đạo đức; để bảo toàn lợi ích tối đa, chỉ có tu luyện.

Vì thế, lời dạy của người xưa thực ra là: “Thời thịnh thế trữ đồ cổ, thời loạn thế mua vàng kim, thời mạt thế phải tu luyện.”

Tu luyện để nâng cao tiêu chuẩn đạo đức trong thời nào cũng là điều chính đáng, ở thời mạt thế nó chẳng những chính đáng mà còn cần thiết nữa. Bởi vậy bức hại người tu luyện là một tội lớn trời đất khó dung tha. Nếu chẳng bước vào cửa tu luyện, hãy nên làm một người tốt, tôn trọng những giá trị tốt đẹp như Chân - Thiện - Nhẫn. Nếu không, dù có trữ bao nhiêu đồ cổ hay vàng kim, của cải vật chất hay danh vọng quyền uy… cũng vô ích. Ấy là hiểu được về hai chữ “Thiên thời” vậy.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong

Chú thích:

(1): Trích “Tam Quốc chí” của Trần Thọ, bản dịch của nhóm “Cổ Thư Lâu”

(2), (5), (6): Trích “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, bản dịch của dịch giả Phan Kế Bính

(3): Trích “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, bản dịch của dịch giả Phan Ngọc

(4): Trích “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang, bản dịch của nhóm Cổ Thư Lâu



BÀI CHỌN LỌC

“Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng và bài học nghìn năm về hai chữ “Thiên thời”