Luận đàm ‘Dũng cảm’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xưa nay, bất kể xã hội phương Đông hay phương Tây, “Dũng cảm” là một phẩm đức luôn được người ta tôn sùng. Cũng do nó là một thước đo giá trị, cho nên cả đời chúng ta đều nỗ lực đạt tới sự “Dũng cảm”. Thế nhưng, “Dũng cảm” rốt cuộc nghĩa là thế nào?

Ngày nay nhiều bạn trẻ cho rằng, dám làm những điều mà người khác không dám làm, đó là dũng cảm, có thật là vậy không? Có lẽ chúng ta cùng xem lại chữ “Cảm” (敢) trong Giáp cốt văn (văn tự khắc trên mai rùa thời cổ đại), để tìm đáp án.

Hàm nghĩa chữ “Cảm”

Chữ “Cảm” trong Giáp cốt văn, bên trên cùng là một con lợn rừng, bên dưới lợn rừng là cái đinh ba, dưới cùng là bộ thủ (tay), có nghĩa là: Nắm chắc đinh ba săn lợn rừng thì là “Cảm” (dũng cảm). Bởi vì lợn rừng rất hung mãnh, khi bị tấn công, nó không như các con vật khác sợ hãi bỏ chạy, mà trái lại lao đến tấn công kẻ địch. Lợn rừng trong Giáp cốt văn là đối mặt với đinh ba của thợ săn, chứ không quay lưng lại như trong hình minh họa.

Hình vẽ minh họa cấu tạo chữ Cảm.

Đến chữ “Cảm” trong Kim văn lại càng thêm ý vị, thợ săn chỉ dùng tay không, bỏ đinh ba, dưới cùng là ‘cam’ biểu thị âm đọc, về sau diễn biến đơn giản hóa lợn rừng, chỉ còn lại móng chân, bộ thủ (tay) bên cạnh trở lên to, dài, chữ ‘Cam’ lại biến nhầm thành chữ ‘Cổ’. Đến chữ tiểu Triện thì nhìn không ra việc săn lợn rừng rồi, cuối cùng thì diễn biến từ Kim văn, lấy lợn rừng, bộ thủ (tay) vẽ thành vuông vắn góc cạnh, âm đọc ‘cam’ cũng giản lược đi.

Chữ "Cảm" theo thứ tự: Giáo cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, và Khải thư)

Trong Thần thoại Hy Lạp, sự dũng cảm cũng được thể hiện qua cuộc chiến của người anh hùng Heracles với lợn rừng. Heracles đã đến thăm Chiron để xin lời khuyên về cách bắt con lợn rừng, và Chiron đã bảo anh dụ nó vào tuyết dày. Heracles bắt con lợn rừng, trói nó và mang về đưa cho Eurystheus, người lúc đó đang sợ hãi và chui xuống hầm chứa đồ.

Heracles bắt sống lợn rừng. (Phạm vi công cộng)

Vậy thì, dũng cảm chân chính là như thế nào? Có phải là chỉ cần to gan không sợ chết là dũng cảm?

Thực ra, ngoài cái dũng ghi trong Giáp cốt văn, cầm đinh ba săn lợn rừng, đối diện uy hiếp mà không sợ hãi ra, nếu có thể dùng trí tuệ để giải quyết vấn đề, đó mới là sự dũng cảm chân chính!

Tôn Kiên dùng trí đẩy lui hải tặc

Cuối thời Đông Hán, triều đình hủ bại, thiên hạ đại loạn. Trong loạn thế, vùng Giang Nam xuất hiện một vị anh hùng tên gọi Tôn Kiên, ông dũng cảm cơ trí, câu chuyện ông dùng trí đẩy lui hải tặc mới thực sự thể hiện đầy đủ nhất ý nghĩa của chữ “Cảm”.

Tôn Kiên trong truyện tranh Tam Quốc Diễn Nghĩa đời Thanh. (Phạm vi công cộng)

Năm Tôn Kiên 17 tuổi, cùng phụ thân đi thuyền trên sông Tiền Đường. Ngờ đâu, thuyền vừa tới cửa sông thì gặp một toán cướp biển. Bọn chúng hung hãn nhảy sang thuyền khách, chẳng nói chẳng rằng, ra tay cướp sạch tài vật của khách trên thuyền. Cướp xong, chúng ngang nhiên túm tụm bên sông ầm ĩ chia đồ ăn cướp.

Hành khách trên thuyền đa số là thương nhân, sợ tới mức tim đập chân run, nấp trong khoang không thò mặt ra ngoài, các thuyền qua lại đều đứng yên tại chỗ, không dám đi tiếp.

Tôn Kiên rất căm ghét lũ ác nhân kia, ông nói với phụ thân: “Con có thể đuổi lũ đạo tặc kia, cha cho phép con đi chế phục chúng.

Cha Tôn Kiên nói: “Con là một cậu bé, làm sao nổi việc đó?”

Phụ thân chưa nói hết câu, Tôn kiên đã nhảy xuống thuyền, cầm đao lên bờ. Khi tới gần đám đạo tặc, Tôn Kiên khua tay như đang chỉ huy, làm như là phân công binh lực các lộ bao vây đạo tặc. Bọn cướp thấy vậy, cứ tưởng quân binh truy bắt chúng đã tới, lập tức quăng hết đồ đạc vừa cướp được chạy tháo thân. Tôn Kiên đuổi theo, chém đầu một tên cướp, xách mang về, phụ thân thấy thế, được phen kinh sợ.

Từ ấy, câu chuyện thiếu niên Tôn Kiên dùng trí tuệ đẩy lui hải tặc được truyền rộng, quan phủ còn mời ông làm chức quan Hiệu Úy, chuyên trông coi trị an.

Thái Bình
Theo Mai Viên - Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm ‘Dũng cảm’